Sử dụng chính sách thuế để khuyến khích thị trường chứng khoán phát triển hiệu quả và lành mạnh
(Tài chính) Thị trường chứng khoán (TTCK) là một bộ phận quan trọng của thị trường vốn, được tổ chức hoạt động nhằm huy động những nguồn vốn tiết kiệm trong xã hội tập trung thành nguồn vốn lớn để tài trợ cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và Chính phủ để phát triển sản xuất - kinh doanh, tăng trưởng kinh tế hay tài trợ cho các dự án đầu tư. Xuất phát từ vai trò quan trọng cũng như tính chất phức tạp của TTCK, việc điều hành và giám sát thị trường là vô cùng cần thiết để đảm bảo được tính hiệu quả, công bằng, lành mạnh trong hoạt động của thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, dung hòa lợi ích của tất cả các bên tham gia thị trường.
Một trong những biện pháp quản lý thị trường công bằng và hiệu quả là sử dụng chính sách thuế như một công cụ quản lý và điều tiết, thông qua các chính sách thuế làm thay đổi quan hệ cung cầu trên thị trường. Khi TTCK phát triển quá nóng, thuế được áp dụng có thể là một tác nhân giúp ổn định và định hướng lại thị trường. Khi TTCK ảm đạm thì việc miễn, giảm thuế sẽ phần nào thu hút nhà đầu tư tham gia thị trường, thúc đẩy thị trường phát triển ổn định.
Các chính sách thuế trên TTCK Việt Nam hiện nay
Theo phương thức đánh thuế thì thuế được chia thành hai loại: thuế trực thu và thuế gián thu. Thuế gián thu điều tiết thông qua giao dịch hàng hóa dịch vụ với thuế nằm trong giá cả của hàng hóa dịch vụ. Các loại thuế trên TTCK Việt Nam hiện nay chủ yếu là thuế trực thu, tức là trực tiếp điều tiết vào thu nhập của các chủ thể trên thị trường. Về cơ bản, có thể chia các chính sách thuế trên TTCK Việt Nam theo các lĩnh vực như sau:
Chính sách thuế liên quan đến giao dịch, chuyển nhượng chứng khoán
Thuế Giá trị gia tăng (GTGT)
Theo Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 ngày 03/6/2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT số 31/2013/QH13 ngày 19/6/2013 và các văn bản pháp luật hướng dẫn thì giao dịch, chuyển nhượng chứng khoán thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Thuế thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán
Thuế thu nhập được phân chia theo đối tượng chịu thuế là thu nhập cá nhân (TNCN) và thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
Thuế TNCN
Theo Luật Thuế TNCN số 04/2007/QH12; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN số 26/2012/QH13 và các văn bản luật hướng dẫn (Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính) quy định tính thuế TNCN đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán như sau:
Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định của Luật Chứng khoán; thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần của các cá nhân trong công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng chứng khoán được xác định bằng giá bán chứng khoán trừ giá mua và các chi phí hợp lý liên quan đến việc chuyển nhượng.
Thuế suất và cách tính thuế:
- Đối với cá nhân cư trú: Trường hợp cá nhân chuyển nhượng chứng khoán không đăng ký nộp thuế theo biểu thuế toàn phần với thuế suất là 20% thì áp dụng thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần.
- Đối với trường hợp áp dụng thuế suất 20%: Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán áp dụng nộp thuế theo thuế suất 20% là cá nhân đã đăng ký thuế, có mã số thuế tại thời điểm làm thủ tục quyết toán thuế và xác định được thu nhập tính thuế của từng loại chứng khoán.
Khi quyết toán thuế, cá nhân áp dụng thuế suất 20% được trừ số thuế đã tạm nộp theo thuế suất 0,1% trong năm tính thuế.
- Đối với trường hợp áp dụng thuế suất 0,1%: Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán phải tạm nộp thuế theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần kể cả trường hợp áp dụng thuế suất 20%.
- Đối với cá nhân không cư trú: Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán áp dụng thuế suất thuế TNCN 0,1% trên tổng số tiền mà cá nhân không cư trú nhận được từ việc chuyển nhượng phần vốn, chuyển nhượng chứng khoán tại tổ chức, cá nhân Việt Nam.
Thời điểm xác định thu nhập tính thuế: Là thời điểm người nộp thuế nhận thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán đối với chứng khoán của công ty đại chúng (CtyĐC) giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK), hoặc thời điểm chuyển quyền sở hữu chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (TTLKCK) đối với chứng khoán của CtyĐC không thực hiện giao dịch trên SGDCK.
Khấu trừ thuế: Mọi trường hợp chuyển nhượng chứng khoán đều phải khấu trừ thuế theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng trước khi thanh toán cho người chuyển nhượng.
Kê khai, quyết toán thuế: Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán không phải khai trực tiếp với cơ quan thuế mà được công ty chứng khoán (CTCK), ngân hàng thương mại nơi cá nhân mở tài khoản lưu ký khai thuế. Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán không thông qua bất kỳ hệ thống giao dịch nào phải kê khai theo từng lần phát sinh. Cuối năm, nếu cá nhân chuyển nhượng chứng khoán có yêu cầu quyết toán thuế thì thực hiện khai quyết toán thuế trực tiếp với cơ quan thuế.
Thuế TNDN
Theo Luật Thuế TNDN số 14/2008/QH12; các văn bản hướng dẫn (Nghị định số 124/2008/NĐ-CP, Nghị định số 122/2011/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 123/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN số 32/2013/QH13 (Nghị định số 92/2013/NĐ-CP, Thông tư số 141/2013/TT-BTC) quy định về tính thuế TNDN đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán như sau:
Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán của doanh nghiệp là thu nhập có được từ việc chuyển nhượng cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định.
Doanh nghiệp có thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán thì khoản thu nhập này được xác định là khoản thu nhập khác và kê khai vào thu nhập chịu thuế khi tính thuế TNDN (trừ các CTCK thì thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán được hạch toán vào thu nhập từ hoạt động sản xuất - kinh doanh chính).
Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng chứng khoán trong kỳ được xác định bằng giá bán chứng khoán trừ (-) giá mua của chứng khoán chuyển nhượng, trừ (-) các chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng.
Bắt đầu từ ngày 01/01/2014, thuế suất thuế TNDN áp dụng giảm xuống mức 22% và từ ngày 01/01/2016 mức thuế suất là 20%.
Chính sách thuế liên quan đến thu nhập từ lợi tức
Tại Việt Nam, thuế thu nhập từ lợi tức được coi là một loại trong thuế thu nhập và được điều tiết bởi thuế TNCN và thuế TNDN.
Thuế TNCN được xác định theo Luật Thuế TNCN số 04/2007/QH12, và các văn bản luật hướng dẫn (Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính).
Các khoản thu nhập từ lợi tức phải chịu thuế TNCN bao gồm: Cổ tức nhận được từ việc góp vốn mua cổ phần; Thu nhập nhận được từ lãi trái phiếu, tín phiếu và các giấy tờ có giá khác do các tổ chức trong nước phát hành; Thu nhập từ cổ tức trả bằng cổ phiếu, thu nhập từ lợi tức ghi tăng vốn.
Thuế suất đối với thu nhập từ lợi tức áp dụng theo Biểu thuế toàn phần với thuế suất là 5%.
Thời điểm xác định thu nhập tính thuế: là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người nộp thuế.
Riêng thời điểm xác định thu nhập tính thuế đối với một số trường hợp thu nhập từ lợi tức ghi tăng vốn thì thời điểm xác định thu nhập từ đầu tư vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng vốn, rút vốn. Thu nhập từ cổ tức trả bằng cổ phiếu, thời điểm xác định thu nhập từ đầu tư vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng cổ phiếu.
Cách tính thuế:
- Đối với cá nhân cư trú:
Riêng đối với trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu, cá nhân chưa phải nộp thuế TNCN khi nhận cổ phiếu. Khi chuyển nhượng số cổ phiếu này, cá nhân phải nộp thuế TNCN đối với thu nhập từ đầu tư vốn và thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán.
Đồng thời, theo Công văn số 15286/CH-HTr ngày 23/8/2010 của Tổng cục Thuế, trong trường hợp tổ chức phát hành muốn trả cổ tức cho nhà đầu tư thì tổ chức phát hành phải khấu trừ thuế TNCN từ lợi tức mà nhà đầu tư nhận được. Vì vậy, các khoản cổ tức, trái tức nhà đầu tư được nhận kể từ ngày 01/7/2010 đã bị khấu trừ thuế TNCN là 5% trên tổng giá trị cổ tức, trái tức.
- Đối với cá nhân không cư trú: Thuế TNCN được xác định bằng tổng thu nhập tính thuế mà cá nhân không cư trú nhận được từ việc đầu tư vốn vào tổ chức, cá nhân tại Việt Nam nhân (×) với thuế suất 5%.
Thuế TNDN được xác định theo Luật Thuế TNDN số 14/2008/QH12; các văn bản hướng dẫn (Nghị định số 124/2008/NĐ-CP, Nghị định số 122/2011/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 123/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính).
Thu nhập từ lợi tức cổ phần được chia từ tổ chức phát hành cổ phiếu thì được miễn thuế TNDN, kể cả trường hợp tổ chức phát hành cổ phiếu miễn thuế, giảm thuế.
Thu nhập từ lợi tức trái phiếu là một bộ phận của thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn được bù trừ với chi trả lãi tiền vay của doanh nghiệp trong kỳ và được tính vào thu nhập khác hoặc giảm thu nhập từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Chính sách thuế liên quan đến hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán
Thuế GTGT
Theo Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT số 31/2013/QH13 và các văn bản hướng dẫn (Nghị định số 123/2008/NĐ-CP, Nghị định số 121/2011/NĐ-CP) quy định cụ thể như sau:
Hoạt động kinh doanh chứng khoán thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Hoạt động kinh doanh chứng khoán theo quy định bao gồm: môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu ký chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý công ty đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán, dịch vụ tổ chức thị trường của SGDCK hoặc Trung tâm Giao dịch Chứng khoán, dịch vụ liên quan đến chứng khoán đăng ký, lưu ký tại TTLKCK Việt Nam, cho khách hàng vay tiền để thực hiện giao dịch ký quỹ, ứng trước tiền bán chứng khoán và các dịch vụ khác theo quy định của Bộ Tài chính.
Thuế TNDN
Trước đây, nhằm khuyến khích sự phát triển của TTCK, trong đó nhằm tạo lập các chủ thể trên thị trường, các chính sách thuế đã có những ưu đãi nhất định đối với việc thành lập và hoạt động của các CTCK, các quỹ đầu tư. Theo các văn bản luật hướng dẫn (Nghị định số 108/2006/NĐ-CP, Nghị định số 24/2007/NĐ-CP, Thông tư số 134/2007/TT-BTC) quy định cụ thể như sau:
Các CTCK và quỹ đầu tư sẽ chính thức được miễn 2 năm thuế TNDN và giảm 50% số thuế phải nộp trong vòng 3 năm. Các công ty thành lập trước ngày 01/01/2004 đã thực hiện miễn giảm thuế TNDN thì tiếp tục được hưởng đủ những ưu đãi trên.
Ngoài ra, những đối tượng này còn được hưởng thuế suất TNDN là 20% trong 10 năm, kể từ khi khai trương hoạt động kinh doanh. Sau thời gian 10 năm, các công ty phải chuyển sang nộp thuế TNDN theo mức thuế suất 28%.
Trường hợp công ty đã đi vào hoạt động kinh doanh và đã thực hiện kê khai nộp thuế TNDN theo mức thuế suất 32% (đối với doanh nghiệp hoạt động theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước) hoặc mức 25% (khi áp dụng theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam) thì kể từ năm tài chính 2004 được chuyển sang áp mức thuế 20% cho khoảng thời gian còn lại.
Tuy nhiên, hiện nay các ưu đãi này không còn, và các CTCK, quỹ đầu tư hoạt động như một doanh nghiệp bình thường trong nền kinh tế và thực hiện nộp thuế TNDN theo Luật Thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn hiện hành (các Nghị định số 124/2008/NĐ-CP, Nghị định số 122/2011/NĐ-CP, Nghị định số 92/2013/NĐ-CP của Chính phủ, các Thông tư số 123/2012/TT-BTC, Thông tư số 141/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính). Các khoản thu nhập từ kinh doanh chứng khoán được xác định là thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế.
Đánh giá những ảnh hưởng của chính sách thuế đối với TTCK Việt Nam
Những mặt tích cực
So với những năm đầu khi TTCK vừa đi vào hoạt động và giai đoạn phát triển bùng nổ từ 2006 tới nay, Luật thuế đã được Nhà nước từng bước hoàn thiện và cụ thể hóa cũng như có những điều chỉnh hợp lý cho từng thời kỳ. Điều này góp phần giúp cho Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan có thể điều tiết, quản lý tốt từng mảng hoạt động của TTCK, nhờ vào từng sắc thuế đánh vào từng loại hình kinh doanh và từng chủ thể trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán. Giai đoạn từ 2006 đến 2008, những chính sách được áp dụng nhằm mục tiêu khuyến khích phát triển hoạt động kinh doanh chứng khoán, tạo điều kiện cho TTCK còn non trẻ của Việt Nam có điều kiện để phát triển. Giai đoạn từ sau 2008 đến nay là thời gian khó khăn của nền kinh tế, vì thế các chính sách thuế đã phần nào được điều chỉnh theo hướng đứng về phía quyền lợi của nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp khi đưa ra những biện pháp giảm thuế và miễn thuế trong kinh doanh chứng khoán.
Các chính sách thuế cũng có sự linh hoạt trong việc thực hiện, tùy theo sự lựa chọn của nhà đầu tư và tình hình hoạt động kinh doanh chứng khoán. Chính sách thuế hiện tại đã cơ bản đảm bảo điều tiết đầy đủ các hoạt động trên TTCK, cách tính thuế phù hợp với bản chất kinh tế của các hoạt động, cũng như dần đưa hoạt động trên TTCK trở thành một hoạt động kinh doanh, đầu tư như những hoạt động kinh doanh, đầu tư khác trong nền kinh tế.
Những hạn chế và nguyên nhân
Hiện nay, nhiều văn bản luật đang điều chỉnh các quan hệ trên TTCK nên dẫn tới một số bất cập, chồng chéo và không nhất quán trong việc áp dụng và thực hiện, điều này phần nào gây khó khăn cho các hoạt động kinh doanh và đầu tư của các chủ thể tham gia TTCK.
Thứ nhất, nhà đầu tư thua lỗ vẫn phải nộp thuế. Theo quy định hiện hành, cách tính thuế chuyển nhượng chứng khoán là 0,1% trên tổng giá trị chứng khoán bán ra hoặc 20% trên lợi nhuận. Hiện nay, 99% nhà đầu tư chọn cách tính thuế 0,1% trên tổng giá trị chứng khoán bán ra, bởi cách tính thuế 20% trên lợi nhuận gây nhiều khó khăn cho nhà đầu tư, chẳng hạn như khó khăn trong việc xác định giá mua, khó khăn trong việc tự quyết toán với cơ quan thuế, chênh lệch tỷ giá, chi phí thuê tư vấn… Tuy nhiên, cách tính thuế 0,1% tổng giá trị chứng khoán bán ra vẫn có bất cập là không giải quyết được tình trạng nhà đầu tư thua lỗ nhưng vẫn phải nộp thuế. Điều này làm hạn chế động lực đầu tư vào chứng khoán và về lâu dài có thể gây trở ngại cho quá trình tái cấu trúc TTCK.
Thứ hai, quy định đánh thuế đối với nhà đầu tư qua quỹ cao hơn so với hình thức đầu tư trực tiếp. Theo quy định hiện hành, công ty quản lý quỹ phải nộp thuế TNDN với thuế suất 25%, từ ngày 01/01/2014 là 22% và từ ngày 01/01/2016 là 20% và tiếp tục khấu trừ 5% thuế TNCN trước khi chi trả lợi tức cho nhà đầu tư cá nhân đầu tư vào quỹ đầu tư chứng khoán. Trong khi đó, Luật Thuế TNCN hiện hành cho phép nhà đầu tư được chọn một trong hai mức thuế suất là 0,1% trên giá trị chuyển nhượng hoặc 20% trên lợi nhuận. Như vậy, cùng một hình thức đầu tư vào chứng khoán, nhưng nếu nhà đầu tư trực tiếp đầu tư, thì mức thuế suất cao nhất là 20%, còn đầu tư thông qua quỹ, thì mức thuế suất hiện hành tổng cộng lên tới 30%.
Điều này đã làm cho các quỹ khó huy động vốn, trong khi cơ quan quản lý đang muốn khuyến khích mô hình đầu tư qua quỹ phát triển nhằm gia tăng số lượng nhà đầu tư là các tổ chức có tính chuyên nghiệp cho thị trường - yếu tố thành công của quá trình tái cấu trúc TTCK.
Bên cạnh đó, thuế đánh trên lãi vốn 25% (đến ngày 01/01/2016 là 20%) đối với nhà đầu tư tổ chức và 20% đối với nhà đầu tư cá nhân là một trong những nhân tố ảnh hưởng lớn nhất đến tỷ lệ hoàn vốn cho nhà đầu tư tại Việt Nam. Đây là một vấn đề mà nhà đầu tư nước ngoài hiện đang quan ngại khi chọn các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, để đầu tư do các khoản đầu tư tại các nước Đông Nam Á có tỷ lệ hoàn vốn thấp hơn nhiều so với đầu tư tại Trung Quốc và Ấn Độ.
Một số đề xuất về chính sách thuế nhằm thúc đẩy sự phát triển của TTCK Việt Nam
Tính đến hết năm 2013, TTCK đã huy động được khoảng 964.000 tỷ đồng cho nền kinh tế. Tuy đã hoạt động được hơn 13 năm nhưng đối với Việt Nam, chứng khoán vẫn là một ngành mới và rất cần được khuyến khích phát triển. Mặc dù TTCK đang ngày càng khẳng định được vai trò là kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, nhưng đây vẫn là kênh đầu tư có nhiều rủi ro. Vì vậy, để thu hút các nhà đầu tư tham gia TTCK, cần có cơ chế khuyến khích, trong đó thuế là một công cụ quan trọng.
Đối với thuế thu nhập từ cổ tức
Chỉ nên đánh thuế cổ tức đối với các cổ đông ngoài công ty và những người nắm giữ nhiều cổ phiếu. Bên cạnh đó, Chính phủ cần xem xét đánh thuế theo bậc thang với loại thu nhập này, những cổ đông chiến lược, những cá nhân nắm giữ nhiều cổ phiếu sẽ bị đánh thuế cao hơn so với những người làm công ăn lương bình thường.
Nếu có thể, không nên áp dụng thuế lợi tức, việc bãi bỏ thuế lợi tức sẽ góp phần ổn định và khuyến khích đầu tư vốn trực tiếp vào sản xuất - kinh doanh và đảm bảo bình đẳng thu nhập với lãi tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng, vốn vẫn được miễn thuế.
Chỉ nên đánh thuế lợi tức khi điều kiện kinh tế cho phép khi đã áp dụng thuế lợi tức đánh vào lợi tức tiền gửi tiết kiệm.
Đối với thuế thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán
Do cách tính thuế 20% trên thu nhập từ chứng khoán khá phức tạp, cộng với thủ tục đăng ký, kê khai thuế khó khăn nên đa số nhà đầu tư thường lựa chọn phương thức nộp thuế 0,1% tổng giá trị chứng khoán bán ra. Tuy nhiên, cách thu thuế này lại khiến rất nhiều nhà đầu tư dù lỗ vẫn phải nộp thuế.
Để sớm tháo gỡ tình trạng bất cập này của Luật Thuế TNCN, Bộ Tài chính nên trình Chính phủ phương án sửa đổi Luật, cũng như Nghị định hướng dẫn Luật Thuế TNCN để nhà đầu tư thua lỗ sẽ không phải nộp thuế.
Đối với thuế thu nhập của các tổ chức kinh doanh chứng khoán
Những năm vừa qua, hàng loạt văn bản mới đã được ban hành, qua đó mở đường cho sự ra đời của các sản phẩm đầu tư mới, trong đó có quỹ mở, quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và quỹ hưu trí. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể về thuế điều chỉnh các hoạt động liên quan đến các loại hình quỹ mới này. Do đó, trong thời gian tới, cơ quan quản lý cần bổ sung quy định về vấn đề này như: miễn thuế nhằm tạo sức hấp dẫn cho quỹ mở thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước; nếu chưa thể miễn thuế thì cần điều chỉnh chính sách thuế theo hướng khắc phục tình trạng đầu tư qua quỹ đầu tư đang phải chịu thuế cao hơn so với hình thức trực tiếp đầu tư trên TTCK.
Hiện tại, không có quy định cụ thể đối với thuế áp dụng trong trường hợp nhà đầu tư tổ chức nước ngoài chuyển nhượng phần vốn góp tại các quỹ thành viên trong nước. Thông tư số 160/2012/TT-BTC hướng dẫn mức thuế áp dụng đối với chuyển nhượng chứng khoán là 0,1% trên giá trị bán. Tuy nhiên, hiện có các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán là quỹ đầu tư thành viên và quỹ đại chúng, quỹ mở. Do đó, nên bổ sung quy định áp dụng mức thuế khoán 0,1% trên giá trị bán phần vốn góp vào quỹ thành viên.
Tóm lại, việc xây dựng chính sách thuế đối với lĩnh vực chứng khoán cần được cân nhắc theo hướng tạo ra cơ chế ưu đãi về thuế hợp lý, nhằm khuyến khích TTCK phát triển hiệu quả và lành mạnh hơn, để đảm đương tốt hơn vai trò là kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Thực tế, dòng tiền luân chuyển trên thị trường vốn quốc tế rất linh hoạt giữa các nước, nên nếu không có chính sách thu hút đầu tư đủ hấp dẫn, trong đó có cơ chế thuế hợp lý, thì sẽ khó thu hút được dòng vốn nước ngoài tham gia đầu tư mạnh mẽ trên TTCK trong giai đoạn tới.