Bước chuyển trong công tác kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước

Ngô Kiến

“Công tác kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, có thể đúc kết là “6 giảm – 8 tự động – 4 hơn”, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc KBNN chia sẻ tại buổi họp báo chuyên đề về công tác kiểm soát chi qua KBNN gắn với cải cách hành chính hiện đại hóa hoạt động KBNN chiều ngày 28/5, tại Hà Nội.

Phó Tổng Giám đốc KBNN - Nguyễn Quang Vinh phát biểu tại buổi họp báo chuyên đề ngày 28/5
Phó Tổng Giám đốc KBNN - Nguyễn Quang Vinh phát biểu tại buổi họp báo chuyên đề ngày 28/5

Nỗ lực cải các hành chính trong kiểm soát chi

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc KBNN cho biết: Trong những năm qua, KBNN luôn quan tâm đến công tác cải cách hành chính, hiện đại hoá, trong đó hiện đại hoá kiểm soát chi luôn được KBNN được đặt lên hàng đầu. Việc đẩy mạnh hiện đại hoá kiểm soát chi có liên quan đến hơn 120 nghìn đơn vị sử dụng ngân sách và các đơn vị hành chính sự nghiệp trên cả nước. Cụ thể:

Đối với công tác kiểm soát chi thường xuyên: KBNN đã tổ chức thực hiện việc kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước (NSNN) qua KBNN hướng tới thông lệ quốc tế, góp phần nâng cao kỷ cương, kỷ luật tài chính tại các đơn vị và góp phần ngăn chặn tình trạng nợ đọng trong thanh toán.

Đối với công tác kiểm soát chi đầu tư: Trên cơ sở quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về chi đầu tư, trong thời gian qua, việc kiểm soát thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản có sự đổi mới và cải cách về thủ tục hành chính.

Theo Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc KBNN, công tác kiểm soát chi của KBNN thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, có thể đúc kết là “6 giảm – 8 tự động – 4 hơn, cụ thể:

- 6 “giảm”, đó là: Giảm hồ sơ, giảm giấy tờ, giảm thủ tục, giảm đầu mối, giảm thời gian kiểm soát thanh toán, giảm tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.

- 8 “tự động” trong các khâu, đó là: Tự động tiếp nhận hồ sơ, tự động kiểm soát, tự động kế toán, tự động thanh toán, tự động trả kết quả, tự động lưu trữ hồ sơ, tự động báo cáo, tự động đối chiếu.

- 4 “hơn”, đó là: Công khai minh bạch hơn, chặt chẽ hơn, an toàn hơn và hiệu quả hơn.

Để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các đơn vị, tổ chức có quan hệ giao dịch với KBNN, hệ thống KBNN đang nghiên cứu báo cáo Bộ Tài chính một số giải pháp nhằm hiện đại hóa phương thức thanh toán các khoản chi NSNN theo hướng: (i) Thanh toán tự động theo lô đối với một số khoản chi có tính ổn định cao (lương, phụ cấp lương, bảo hiểm xã hội…); (ii) Cung cấp dịch vụ thanh toán tự động dựa theo cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử của các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo đề nghị của Thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách; (iii) Triển khai ứng dụng các hình thức, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt đối với các đối tượng không có tài khoản thanh toán tại ngân hàng.

Giải ngân vốn đầu tư 5 tháng đầu năm đạt hơn 30% kế hoạch

Ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (KBNN) cho biết: Đối với công tác kiểm soát chi thường xuyên NSNN, KBNN đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, quy trình kiểm soát chi NSNN qua KBNN theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát; gắn với việc phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan tài chính, cơ quan chủ quản, KBNN và các đơn vị sử dụng kinh phí NSNN. 

Hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát chi theo ngưỡng chi đối với các khoản chi nhỏ lẻ, có giá trị từ 20 triệu đồng trở xuống (thực hiện kiểm soát theo Bảng kê chứng từ) nhằm tiến tới việc kiểm soát chi theo giá trị, kiểm soát chi theo rủi ro; thực hiện việc kiểm soát theo phương thức khoán chi đối với cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Cùng với đó, KBNN đã triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của KBNN từ tháng 02/2018, góp phần hiện đại hóa công tác kiểm soát chi theo hướng hồ sơ, chứng từ của đơn vị được gửi đến KBNN qua dịch vụ công trực tuyến và được kiểm soát, kế toán, thanh toán trên các hệ thống liên thông tại KBNN, đảm bảo minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát. Đây được coi là bước đi tiến tới thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử; tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, các chủ đầu tư trong quá trình giao dịch với KBNN.

Đối với công tác kiểm soát chi đầu tư, đến nay thủ tục kiểm soát thanh toán tại KBNN đã được cải cách, giảm bớt về số lượng hồ sơ, tài liệu do chủ đầu tư, ban quản lý dự án gửi đến KBNN. Hơn nữa, thời gian kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư đã được rút ngắn hơn trước từ 7 ngày xuống chỉ còn 3 ngày làm việc.

Theo thống kê của KBNN, trong chi thường xuyên, tính đến ngày 15/5/2019, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát hơn 289 nghìn tỷ đồng (đạt 27,8% dự toán chi thường xuyên của NSNN qua KBNN).

Dự kiến vốn thanh toán đến 31/5/2019, hệ thống KBNN thực hiện kiểm soát ước đạt 317.469 tỷ đồng, đạt 30,4% dự toán chi thường xuyên của NSNN qua KBNN (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng).

Đáng chú ý, thông qua công tác kiểm soát chi thường xuyên NSNN, tính đến ngày 15/5/2019 các đơn vị trong hệ thống KBNN đã phát hiện khoảng 2.230 khoản chi chưa đủ thủ tục theo quy định, đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết, với số tiền từ chối thanh toán khoảng 5,3 tỷ đồng.

Đối với chi đầu tư, tính đến ngày 15/5/2019, lũy kế vốn đầu tư giải ngân thuộc kế hoạch năm 2019 qua KBNN hơn 72 nghìn tỷ đồng (đạt 20,3% kế hoạch năm 2019).

“Về phía KBNN, đơn vị không gặp bất cứ một khó khăn vướng mắc gì bởi hiện nay quy trình kiểm soát chi từ KBNN rất rõ ràng”, ông Nguyễn Quang Vinh giải thích việc tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm 2019 thấp.

Theo đại diện của KBNN, thông thường những tháng đầu năm của các năm tỷ lệ giải ngân đều thấp. Điều này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Về cơ chế, việc giải ngân đang có bất cập cần phải sửa chữa từ Luật Đầu tư, Luật Xây dựng… Về quy trình, việc phân bổ nguồn vốn còn nhiều chậm trễ từ phía chủ đầu tư, nhà thầu. Ngoài ra còn có vướng mắc từ Luật Đất đai liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Chính những điều đó khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm thường thấp...