Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:

Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã được Bộ Tài chính tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng

Việt Hoàng

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã chủ động vào cuộc từ rất sớm, quá trình góp ý, tiếp thu qua nhiều vòng về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã giải trình, tiếp thu rất chi tiết nhiều ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, chất lượng dự án Luật trình Quốc hội lần này đã được nâng lên, nội dung tiếp thu rất nhiều, nội dung còn ý kiến khác nhau không nhiều.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Sáng ngày 25/10, theo chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm như các lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng.

Phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ ngày 25/10 về dự thảo Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã chủ động vào cuộc từ rất sớm, quá trình góp ý tiếp thu qua nhiều vòng về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã giải trình, tiếp thu rất chi tiết nhiều ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, chất lượng dự án Luật trình Quốc hội lần này đã được nâng lên, nội dung tiếp thu rất nhiều, nội dung còn ý kiến khác nhau không nhiều.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là một trong 7 dự án luật đầu tiên mà Quốc hội khóa XV xây dựng. Với tinh thần vào cuộc từ sớm và kỹ lưỡng, các cơ quan của Quốc hội đã tham gia đóng góp, xây dựng. Quá trình góp ý, tiếp thu nhiều vòng và cơ quan soạn thảo tiếp thu nghiêm túc, các vấn đề lớn cơ bản đã được giải quyết.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ cùng mong muốn tốc độ tăng trưởng của các loại hình dịch vụ phải nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP, đặc biệt là các loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics, khoa học, công nghệ... Hiện dư địa phát triển của thị trường bảo hiểm tại Việt Nam còn rất lớn. Do đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được thông qua sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường bảo hiểm, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn.

Liên quan đến doanh nghiệp bảo hiểm và quản trị doanh nghiệp bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải đánh giá kỹ lưỡng kết quả thực hiện Đề án cơ cấu lại các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào quản trị của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm mà cần nâng chuẩn hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, không chấp nhận các doanh nghiệp kinh doanh dưới chuẩn (cả về vốn, quản trị…).

Về thời điểm có hiệu lực của Luật sau khi được Quốc hội thông qua, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan phải tập trung hoàn thiện, tránh tình trạng Luật ban hành xong cả thị trường, cả nước phải ngồi chờ văn bản hướng dẫn thi hành. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét lại mốc thời gian hiệu lực của Luật là ngày 1/7/2023, tức là hơn một năm sau khi được Quốc hội thông qua.

Trong thảo luận ở Tổ, các đại biểu đã bày tỏ sự nhất trí cao về sự cần thiết phải ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Việc xây dựng dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các quyết định của Thủ tướng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, góp phần xây dựng và phát triển thị trường bảo hiểm phù hợp với điều kiện phát triển thị trường bảo hiểm, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của đất nước...

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất ý kiến góp ý điều chỉnh một số nội dung liên quan đến việc đánh giá kỹ lưỡng kết quả thực hiện Đề án cơ cấu lại các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm; rà soát, hoàn thiện các quy định về hợp đồng bảo hiểm theo hướng bảo đảm sự bình đẳng và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cả người cung cấp dịch vụ và người mua bảo hiểm, phù hợp với đặc thù của lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm...