Dự báo lạm phát và giải pháp quản lý, điều hành giá năm 2020

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 2/2020

Trong điều kiện tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động tác động đến thị trường tài chính, tiền tệ, hàng hóa thế giới và trong nước, Bộ Tài chính đã làm tốt vai trò thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành giá cả hàng hóa thị trường phù hợp lộ trình gắn với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2020, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát cần tiếp tục thực hiện thận trọng, linh hoạt và chủ động.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng sát với các kịch bản điều hành giá

Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá, công tác quản lý, điều hành giá năm 2019 đã đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra, lạm phát được kiểm soát một cách thận trọng và chặt chẽ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế. Trong vai trò thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, bám sát các kịch bản điều hành giá để điều hành, quản lý giá các mặt hàng thiết yếu theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo quy định. Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan tăng cường công khai, minh bạch trong điều hành giá cả thị trường, qua đó tạo sự đồng thuận, giám sát từ phía xã hội, hạn chế lạm phát kỳ vọng.

 Tính đến cuối tháng 12/2019, giá xăng dầu trong nước đã có 23 kỳ điều hành. Theo đó, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều hành chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu liên tục và ở mức cao, nhằm giữ ổn định (BOG) giá bán xăng dầu trong nước (dịp trước, trong và ngay sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tránh tác động cộng hưởng trong đợt điều chỉnh tăng giá điện ngày 20/3/2019) hoặc hạn chế mức tăng giá bán xăng dầu trong nước do tác động của giá thế giới. Đồng thời, quán triệt nguyên tắc thực hiện công khai minh bạch trong điều hành giá xăng dầu; Bộ Tài chính đã công khai chi tiết định kỳ hàng quý tình hình trích lập, sử dụng, lãi phát sinh và số dư Quỹ BOG của từng thương nhân kinh doanh xăng, dầu đầu mối trên Trang thông tin điện tử của liên Bộ.

Trong điều kiện tình hình kinh tế quốc tế có nhiều biến động tác động đến thị trường tài chính, tiền tệ, hàng hóa thế giới và trong nước, Bộ Tài chính đã chủ động làm tốt vai trò thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành giá cả phù hợp lộ trình gắn với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.

Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan trong việc đề xuất phương án, lộ trình giá dịch vụ khám chữa bệnh theo lộ trình thị trường, trong đó tính toán biến động chi phí tiền lương và chi phí quản lý vào trong giá theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng – Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá. Tại Thông tư số 13/2019/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2018/TT-BYT và Thông tư số 14/2019/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2018/TT-BYT, có hiệu lực từ ngày 20/8/2019 đã điều chỉnh chi phí tiền lương cơ sở trong cơ cấu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tăng từ 1.390.000 đồng/tháng lên 1.490.000 đồng/tháng.

 Trước biến động mạnh của giá thịt lợn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi lan rộng trên phạm vi cả nước, Bộ Tài chính đã chủ động theo dõi, cập nhật diễn biến giá thịt lợn, tính toán dự báo tác động đưa vào trong các kịch bản điều hành giá đảm bảo kiểm soát lạm phát chung; đồng thời, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành khác đề xuất các biện pháp bình ổn thị trường.

Dự báo lạm phát và giải pháp quản lý, điều hành giá năm 2020 - Ảnh 1

Việc điều chỉnh giá điện trong năm 2019 cũng được Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan tính toán đảm bảo không tác động nhiều đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm và kiềm chế được lạm phát kỳ vọng. Bộ Tài chính với vai trò Thường trực Ban chỉ đạo điều hành giá đã tổng hợp việc điều chỉnh giá điện đưa vào trong kịch bản điều hành giá, bảo đảm kiểm soát được lạm phát cả năm theo mục tiêu đề ra. Trên cơ sở theo dõi, nắm bắt cho thấy việc điều chỉnh giá điện tuy có những tác động nhất định làm tăng CPI nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát, theo đúng kịch bản đề ra, phù hợp với những đánh giá tác động.

Đối với các mặt hàng khí LPG, thuốc và vật tư y tế, dịch vụ giáo dục (sách giáo khoa), vật liệu xây dựng, cước bưu chính, viễn thông, các dịch vụ vận tải đường bộ, hàng không, hàng hải, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ quản lý ngành trong việc đôn đốc, phối hợp với địa phương theo dõi tình hình giá cả, chủ động trong công tác triển khai các biện pháp điều hành phù hợp, dự báo và xây dựng kịch bản điều hành giá. 

Dự báo lạm phát và giải pháp quản lý, điều hành giá năm 2020 - Ảnh 2

Như vậy, công tác quản lý, điều hành giá năm 2019 đã góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, phát triển kinh tế - xã hội đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/1/2019 của Chính phủ. Trong điều kiện tình hình kinh tế quốc tế có nhiều biến động tác động đến thị trường tài chính, tiền tệ, hàng hóa thế giới và trong nước, Bộ Tài chính đã chủ động làm tốt vai trò thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành giá cả phù hợp lộ trình gắn với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.

Lạm phát năm 2019 đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra ở mức thấp và dưới 4%, cung cầu thị trường được đảm bảo. Công tác điều hành giá được thực hiện nhất quán theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; bảo đảm tính công khai, minh bạch; chú trọng đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích giá cả thị trường, dự báo diễn biến CPI, xây dựng kịch bản điều hành giá chi tiết, phù hợp, trong từng thời điểm, thời kỳ, qua đó, đã nâng cao tinh thần trách nhiệm trong phối hợp điều hành của các bộ, ngành, địa phương với Bộ Tài chính nhằm hoàn thành các nhiệm vụ do Quốc hội, Chính phủ giao.

Dự báo, kiến nghị biện pháp điều hành giá năm 2020

Dự báo lạm phát và giải pháp quản lý, điều hành giá năm 2020 - Ảnh 3

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, trong đó đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng CPI dưới 4%. Bên cạnh những yếu tố gây áp lực tăng giá như việc tiếp tục điều chỉnh giá một số dịch vụ công theo lộ trình thị trường, biến động của giá nhiên liệu (xăng dầu, LPG) trên thị trường thế giới, cộng thêm những bất ổn do tác động của chiến tranh thương mại và căng thẳng địa chính trị trên thế giới tạo nhiều sức ép lên nền kinh tế của Việt Nam, cũng có một số yếu tố tác động kiềm chế CPI năm 2020 như: Giá cả hàng hóa thế giới vẫn ở mức thấp; giá lương thực trong nước dự báo ổn định, nguồn cung hàng hóa tương đối dồi dào, chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất dự kiến tiếp tục được điều hành ổn định....

Để thực hiện kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2020 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá; trong đó, tập trung triển khai một số giải pháp cụ thể sau:

Một là, tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường nhất là đối với các mặt hàng có nguồn cung bị thiếu hụt cục bộ do ảnh hưởng của thiên tai, các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết.

Hai là, tiếp tục làm tốt vai trò thường trực Ban chỉ đạo điều hành giá, trong đó, chú trọng công tác tính toán, dự báo, xây dựng kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu đề ra.

Ba là, kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với mặt hàng bình ổn giá; các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng dự trữ quốc gia; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công…; Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, nhất là đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu có nhu cầu tăng cao trong dịp cuối năm, trên cơ sở đó xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định, không cho điều chỉnh tăng giá bất hợp lý.

Bốn là, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Năm là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá trong đó chú trọng công tác kiểm tra, theo dõi, thi hành pháp luật nhằm kịp thời phát hiện những vướng mắc để từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện văn bản pháp luật.

Sáu là, đẩy mạnh thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công (y tế, giáo dục...) theo lộ trình thị trường, tránh gây tác động, xáo trộn lớn về mặt bằng giá.

Bảy là, chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công tác điều hành giá, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/1/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019;

2. Thông tư số 13/2019/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2018/TT-BYT;

3. Thông tư số 14/2019/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2018/TT-BYT;

4. Tổng cục Thống kê (2019), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2019;

5. Báo cáo diễn biến tình hình giá cả thị trường tháng 12 và năm 2019.