Gỡ nút thắt “kinh niên” để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Hà Phương

Bộ Tài chính cho biết, ước tỷ lệ giải ngân vốn kế hoạch 6 tháng đầu năm đạt 27,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, giải ngân vốn trong nước đạt 29,06% (cùng kỳ năm 2021 đạt 31,75%); vốn nước ngoài đạt 8,61% (cùng kỳ năm 2021 đạt 7,37%). Kết quả này cho thấy, vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc cần sớm xử lý dứt điểm những nút thắt để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Vì sao những nút thắt “kinh niên” chưa được giải quyết dứt điểm?

Theo Bộ Tài chính, tại Văn bản số 3605/BC-BHKĐT ngày 2/6/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo kết quả của 6 Tổ công tác của Chính phủ kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các cơ quan trung ương và địa phương; trong đó đã chỉ ra các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công.

Đặc biệt, sau khi 6 Tổ công tác của Chính phủ có cuộc họp với một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, về cơ bản, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã thành lập tổ công tác trong từng cơ quan, đơn vị để rà soát khó khăn, vướng mắc các dự án đang triển khai trong năm 2022.

Ở các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh đã phân công các phó chủ tịch tỉnh theo dõi các dự án lớn, trọng điểm của địa phương để thường xuyên rà soát, kiểm tra, đôn đốc quá trình triển khai dự án; chủ động thực hiện điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt còn thiếu vốn.

Trên thực tế, hầu hết những vướng mắc đã được phát hiện từ nhiều năm, nhưng chưa được xử lý dứt điểm; chưa có kiến nghị cụ thể đối với Chính phủ, từng bộ quản lý chuyên ngành, lĩnh vực (đầu tư công, đất đai, xây dựng…) trong việc giải quyết, xử lý vướng mắc cho từng dự án, cũng như chưa có giải pháp căn cơ để thúc đẩy mạnh mẽ tiến độ giải ngân.

Theo các chuyên gia, nút thắt lớn nhất và tồn tại “kinh niên” trong nhiều năm qua là công tác đền bù giải phóng mặt bằng tại các dự án đầu tư công. Nguyên nhân của tình trạng này là do vướng mắc về đơn giá, phương án đền bù, khó khăn trong di dời các công trình tiện ích; chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành…

Một nguyên nhân khác dẫn tới chậm giải ngân vốn là do công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch giao, còn tình trạng vốn chờ dự án đủ thủ tục, dự kiến vốn trước mới tiến hành làm thủ tục đầu.

Bên cạnh đó, công tác khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt dẫn tới nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nhưng vẫn chưa đủ điều kiện giải ngân vì bị vướng về quy hoạch, địa điểm, phải điều chỉnh đơn giá dẫn đến phải thay đổi hoặc điều chỉnh lại dự án.

Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật, ý thức tôn trọng kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công chưa cao, chưa chủ động, nghiêm túc trong tuân thủ các quy định, tiêu chí, nguyên tắc trong đầu tư công...

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm đạt 27,75% kế hoạch

Năm 2022, tổng kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước là 626.148,550 tỷ đồng, bao gồm kế hoạch vốn kéo dài các năm trước sang năm 2022 là 40.493,109 tỷ đồng, kế hoạch vốn giao trong năm 2022 là 585.655,441 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, về giải ngân vốn kế hoạch năm 2022, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/5/2022 là 110.130,69 tỷ đồng, đạt 18,80% kế hoạch (585.655,441 tỷ đồng) và đạt 20,32% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (542.105,895 tỷ đồng). Cùng kỳ năm 2021 đạt 22,97% kế hoạch và đạt 25,41% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong đó, vốn trong nước là 107.946,13 tỷ đồng (đạt 19,60% kế hoạch giao là 550.855,441 tỷ đồng) và vốn nước ngoài là 2.184,56 tỷ đồng (đạt 6,28% kế hoạch giao là 34.800 tỷ đồng).

Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6/2022 là 150.415,78 tỷ đồng, đạt 25,68% kế hoạch (đạt 27,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Cùng kỳ năm 2021 đạt 26,23% kế hoạch và đạt 29,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Đánh giá về tình hình giải ngân kế hoạch 2022, Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ ước giải ngân 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó giải ngân vốn trong nước đạt 29,06% (cùng kỳ năm 2021 đạt 31,75%), vốn nước ngoài đạt 8,61% (cùng kỳ năm 2021 đạt 7,37%).

Có 7 bộ và 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 35%. Một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (71,55%); Ngân hàng Phát triển (49,42%), Ngân hàng Chính sách xã hội (48,3%), Phú Thọ (51,13%), Lâm Đồng (47,68%), Bình Thuận (45,06%), Ninh Bình (43,88%), Tiền Giang (42,7%).

Có 40/51 Bộ và 25/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 25%, trong đó có 25 Bộ và 01 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% (trong đó 04 Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn).

Xử lý dứt điểm nút thắt để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương xử lý ngay những tồn tại, hạn chế (thuộc thẩm quyền xử lý của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương) đã được các Đoàn công tác của Chính phủ nêu tại Báo cáo số 3605/BC-BKHĐT ngày 2/6/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 8/6/2022 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề xuất phương án cắt giảm những khoản chi ngân sách trung ương đã được giao trong dự toán đầu tư, nhưng đến ngày 30/6/2022 chưa phân bổ (trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định) để bổ sung nguồn lực thực hiện Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền cắt giảm, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 để bổ sung cho cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần vốn.

Bên cạnh đó, cần đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công; rà soát điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt; chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư.

Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ theo quy định tại Thông tư số 15/2021/TT-BTC ngày 18/2/2021 quy định về chế độ và biểu mẫu báo cáo tình hình thực hiện, thanh toán vốn đầu tư công, đề xuất giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.