Vì sao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp?

Theo Khả Lê/ Báo Đắk Lắk

Mặc dù dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên “hậu COVID-19” mang lại khá nhiều hệ lụy, trong đó tình hình giá cả và nhiều vấn đề khác đang đặt ra thách thức trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án và thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công.

Tiến độ Dự án đường Đông Tây (TP. Buôn Ma Thuột) bị ảnh hưởng do thiếu đất đắp. Ảnh: Khả Lê
Tiến độ Dự án đường Đông Tây (TP. Buôn Ma Thuột) bị ảnh hưởng do thiếu đất đắp. Ảnh: Khả Lê

“Chậm” ở nhiều khâu

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, đến ngày 22/5/2022 vốn đầu tư công năm 2021 kéo dài sang năm 2022 mới giải ngân được 4,7/377,2 tỷ đồng (vốn tỉnh quản lý), chỉ bằng 1,24%; đối với nguồn vốn giao năm 2022 phân bổ chi tiết cho các dự án hơn 3.332 tỷ đồng, mới giải ngân được 442,8 tỷ đồng, bằng 13,3 % kế hoạch.

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp là do “chậm” ở nhiều khâu, trong đó có việc thu tiền sử dụng đất chậm. Đến ngày 30/5/2022, ngân sách tỉnh quản lý mới thu được 299,7 tỷ đồng (đạt 13,4 % kế hoạch), trong khi gần đây nhiều dự án có khối lượng nhưng thiếu vốn để thực hiện giải ngân.

Bên cạnh đó, có nhiều dự án chuyển tiếp, chủ đầu tư đang trong quá trình thực hiện hoàn ứng khối lượng đã thanh toán của kế hoạch năm trước; một số dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng được bố trí trong kế hoạch vốn năm 2022, hiện các chủ đầu tư còn đang hoàn thiện thủ tục phê duyệt quyết toán; một số dự án làm hồ sơ, thủ tục đầu tư chậm, có dự án làm thủ tục tới tận 2 năm mà vẫn chưa hoàn thành (chẳng hạn như Dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai; Dự án nâng cao sức khỏe cộng đồng…)

Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Phạm Văn Hạ cho biết, tỷ lệ giải ngân ở nhiều dự án thấp ngoài lý do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và giá cả leo thang thì còn có một số lý do khác như: năm 2022 mùa mưa đến sớm đã ảnh hưởng khối lượng thi công; công tác đền bù, chi trả cho người dân tại một số địa phương thực hiện chậm.

Chẳng hạn như đối với hợp phần giải phóng mặt bằng của Dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng bị chậm tiến độ là do huyện M’Drắk chưa hoàn thành chi trả tiền đền bù cho người dân. Hơn nữa, khi nghiệm thu khối lượng thi công phải nghiệm thu theo hạng mục, giai đoạn nên việc thanh toán chậm. Bên cạnh đó, nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân thấp là do 6 tháng đầu năm tập trung hoàn ứng và giải ngân vào 6 tháng cuối năm.

Thời gian qua, dịch COVID-19 bùng phát kéo dài đã khiến cho nguồn cung bị đứt gãy, giá nguyên nhiên vật liệu xây dựng sử dụng tại các dự án đầu tư xây dựng có biến động lớn. Ông Lữ Ngọc Sinh, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh chia sẻ, sự thiếu hụt về nguồn cung và giá một số loại vật liệu xây dựng tăng đột biến, nhất là giá xăng dầu và thép, đã gây khó khăn cho chủ đầu tư trong việc quản lý giá thành, quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Điều này cũng gây khó khăn cho nhà thầu trong việc triển khai thi công, đặc biệt đối với các gói thầu, dự án lớn. “Bão giá” đã khiến dự toán các dự án đầu tư đều vượt tổng mức đầu tư ban đầu khiến nhiều dự án bị chậm tiến độ.

“Đau đầu” vì nguồn đất

Theo một số chủ đầu tư, ngoài việc giá cả leo thang thì việc tìm mỏ đất phục vụ cho xây dựng các dự án cũng khiến các nhà thầu phải “đau đầu”. Nguyên nhân khiến các nhà thầu, đơn vị thi công không có nguồn vật liệu để phục vụ công trình là do trong Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, khoáng sản của tỉnh chưa có mỏ đất san lấp, đất đắp được phê duyệt để giải quyết cấp phép khai thác.

Hơn nữa, trong quá trình lập thẩm định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình, chủ đầu tư, đơn vị khảo sát thiết kế, các ban quản lý dự án chưa khảo sát, đánh giá lựa chọn các vị trí, khu vực để xác định nguồn đất san lấp phục vụ cho công trình, dự án hoặc đã khảo sát, lựa chọn vị trí khai thác đất nhưng do điều chỉnh mục tiêu của dự án nên phải thay đổi vị trí khai thác, sử dụng đất san lấp.

Để giải quyết cấp bách nguồn vật liệu đất san lấp phục vụ cho các công trình, dự án trọng điểm trong thời gian đang lập các thủ tục triển khai công tác điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch khoáng sản trình HĐND tỉnh thông qua, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan triển khai thực hiện việc cấp phép khai thác đất san lấp đối với những trường hợp cần giải quyết cấp bách nguồn vật liệu đất san lấp phục vụ các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh và các công trình đầu tư công trên địa bàn trong tổng số 66 điểm mỏ đất san lấp theo đề xuất của UBND cấp huyện. Song song với đó là khẩn trương tiến hành lập các thủ tục để trình HĐND tỉnh bổ sung các điểm mỏ nêu trên vào quy hoạch. Tuy nhiên, theo nhiều nhà thầu, việc thực hiện các thủ tục để được cấp phép khá mất thời gian nên vẫn chưa giải quyết được triệt để tình trạng thiếu đất đắp.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk Đinh Xuân Hà cho biết, nhiều dự án trong dự toán đã xác định được mỏ đất nhưng khi đi vào thực hiện lại không có khiến các nhà thầu thiếu nguồn đất để thi công, chẳng hạn như Dự án đường Đông Tây (TP. Buôn Ma Thuột); Dự án đê ngăn lũ phía Nam…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Võ Văn Cảnh “Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh hiện đang thấp hơn so với tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước, vì vậy các sở, ngành, đơn vị, chủ đầu tư cần tích cực đẩy mạnh các giải pháp nhằm thực hiện đúng kế hoạch giải ngân, không để tình trạng “ì ạch” xảy ra”.