Tỉnh Hậu Giang giải ngân vốn đầu tư công khó đạt tiến độ
Dù triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Hậu Giang vẫn còn thấp. Dự báo, đến hết tháng 6 sẽ khó đạt tỷ lệ 60% theo kế hoạch.
Khó đạt yêu cầu
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang, tính đến ngày 31/5, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 phân bổ trên 3.460 tỉ đồng. Tổng khối lượng thực hiện mới đạt trên 35%, cao hơn 6,19% so với cùng kỳ. Giá trị giải ngân đến thời điểm này đạt 33,34% kế hoạch, cao hơn 5% so với cùng kỳ.
Ông Trần Ngọc Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhận xét: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tăng so với cùng kỳ. Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đến ngày 30/6 phải giải ngân đạt 60% và đến ngày 30-9 phải đạt 80%. Tuy nhiên, theo rà soát của Sở Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến đến ngày 30-6 khả năng giải ngân vốn đầu tư công tối đa chỉ đạt khoảng 50%.
Đối với nguồn vốn ngân sách địa phương được giao trên 1.800 tỉ đồng, giải ngân đạt trên 45,2%; dự kiến đến ngày 30-6 sẽ giải ngân đạt khoảng 60%. Riêng nguồn vốn Trung ương phân bổ, mới giải ngân được 17,7%, chủ yếu là vốn thuộc các dự án khởi công mới.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các chủ đầu tư, người đứng đầu cấp ủy quyết tâm hơn nữa trong tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng các dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Công tác giải phóng mặt bằng cần được tập trung hơn nữa, nhất là các dự án giao thông như Đường tỉnh 925B, 926B có số vốn rất lớn. Những khó khăn, vướng mắc phát sinh cần được báo cáo kịp thời về các Tổ công tác chỉ đạo giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 (Tổ công tác).
Ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang, nhật xét kết quả giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu qua còn rất thấp. UBND tỉnh cần tập trung quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, tăng cường chỉ đạo đảm bảo chất lượng công trình, dự án. Lưu ý quá trình thu hồi đất thực hiện các dự án phải quan tâm vấn đề tái định cư; tái định cư phải đi trước một bước và đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân. Tăng cường công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, nhất là đoạn cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Vào cuộc quyết liệt hơn nữa
Thời gian qua, các Tổ công tác đã có tác động hết sức tích cực đến tiến trình giải ngân vốn của từng chủ đầu tư. Kịp thời kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Đặc biệt là tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Theo thống kê, đến ngày 10/6, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của Tổ công tác số 9 gần 500 tỉ đồng, đã giải ngân trên 250 tỉ đồng, đạt 52% kế hoạch. Trong đó, kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài sang năm 2022 mới giải ngân được 6,56% (còn lại trên 7,7 tỉ đồng); kế hoạch vốn năm 2022 đã giải ngân 52,3%.
Mới đây, bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Tổ trưởng Tổ công tác số 9 đã đề nghị các chủ đầu tư trong tổ tập trung giải ngân nguồn vốn kéo dài, đồng thời thực hiện đúng cam kết về tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022.
Liên quan đến vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị phải khẩn trương phối hợp tháo gỡ khó khăn. Các chủ đầu tư rà soát, đề xuất cắt giảm, điều chỉnh kế hoạch vốn đối với các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, không có khả năng giải ngân trong năm sang các dự án có khả năng giải ngân cao.
UBND tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tăng cường đôn đốc các chủ đầu tư hơn nữa trong thực hiện các dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Đề xuất, điều chỉnh nguồn vốn từ các dự án chậm tiến độ sang các dự án có khả năng giải ngân tốt. Phấn đấu phải đạt mục tiêu giải ngân theo kế hoạch đề ra. Đồng thời, đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025.
Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nhấn mạnh: Các chủ đầu tư phải tăng cường đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, giám sát tiến độ, đảm bảo chất lượng các công trình. Tăng tốc giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm. Những chủ đầu tư được giao dự án phải khẩn trương hoàn thiện trình tự thủ tục trình cấp thẩm quyền phê duyệt để sớm triển khai, đặc biệt là các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.