Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp tạo nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất


Dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN đến hết ngày 31/12/2025 với số tiền thuế được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm. Chính sách này sẽ tạo nguồn lực tài chính quan trọng, trực tiếp hỗ trợ khu vực nông nghiệp, nông thôn và người nông dân phát triển sản xuất.

Bộ Tài chính đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN đến hết ngày 31/12/2025. Nguồn: internet
Bộ Tài chính đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN đến hết ngày 31/12/2025. Nguồn: internet

Miễn thuế khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN là chính sách nhân văn được triển khai từ năm 2001 đến nay nhằm thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo, đồng thời hỗ trợ đối với nông dân, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp.

Gần 20 năm triển khai thực hiện, chính sách này đã khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp, từ đó giúp người nông dân cải thiện đời sống, có thêm vốn tái đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp.

Việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN sẽ khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa, giảm bớt khó khăn cho người nông dân.

Đồng thời, miễn, giảm thuế SDĐNN cũng góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo định hướng của Đảng và Nhà nước, nhất là trong việc thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản Việt Nam trên thị trường.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, tổng số thuế miễn, giảm giai đoạn 2003 - 2010 trung bình khoảng 3.263 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011 - 2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2016 - 2018 và dự kiến đến hết năm 2020 khoảng 9.770 tỷ đồng/năm.

Hiện nay, chính sách thuế SDĐNN đang được miễn đến hết ngày 31/12/2020 theo Nghị quyết số 55/2010/QH12 và Nghị quyết số 28/2016/QH14 của Quốc hội. Do đó, để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ, trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết để tiếp tục miễn thuế SDĐNN đến năm 2025 với số thuế miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm.

Hỗ trợ trực tiếp ngành nông nghiệp, người nông dân

Dự thảo Nghị quyết về miễn thuế SDĐNN, Bộ Tài chính đề xuất trình Chính phủ trình Quốc hội miễn thuế SDĐNN cho một số đối tượng trong vòng 5 năm tới, từ năm 2021 - 2025. Trong đó, miễn thuế SDĐNN đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm mà chưa chuyển sang thuê đất; toàn bộ diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm, diện tích đất làm muối; diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ nghèo, cộng đồng dân cư.

Đồng thời, miễn thuế SDĐNN đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp cho các đối tượng như: Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất để sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả đất được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển quyền sử dụng đất; Hộ gia đình, cá nhân là thành viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nông trường viên, lâm trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật; Hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp góp quyền sử dụng đất nông nghiệp của mình để thành lập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo quy định của Luật hợp tác xã.

Khoảng 7.500 tỷ đồng tiền thuế SDĐNN sẽ được miễn mỗi năm theo Dự thảo Nghị quyết về miễn thuế SDĐNN được Chính phủ trình Quốc hội.

Diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho tổ chức đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp cũng được miễn thuế SDĐNN. Tổ chức được Nhà nước giao đất nông nghiệp nhưng không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp thì thực hiện thu hồi đất theo quy định của Luật đất đai; trong thời gian Nhà nước chưa thu hồi đất thì phải nộp 100% thuế.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc miễn thuế SDĐNN trong thời gian qua mặc dù làm giảm thu ngân sách nhà nước, nhưng đây là giải pháp góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Nhận định về chính sách này, các chuyên gia, nhà quản lý cũng như địa phương, người dân đều cho rằng, việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN là cần thiết. Chính sách này sẽ tiếp tục tạo nguồn lực cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, tăng thế mạnh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đồng thời, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa, giảm bớt khó khăn cho người nông dân...