Kiên quyết từ chối các khoản chi không đúng quy định

Hoàng Thị Tuyết Minh

Trong những tháng cuối năm 2019, Kho bạc Nhà nước Trung ương yêu cầu Kho bạc Nhà nước các tỉnh tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nghiêm cấm công chức kiểm soát chi lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để gây nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư…

Góp phần thiết thực và hiệu quả công tác kiểm soát chi

Dự toán chi thường xuyên năm 2019 của ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước không bao gồm số tạm ứng và dự toán từ năm trước chuyển sang là hơn 1 triệu tỷ đồng. Lũy kế vốn thanh toán đến 31/10/2019, hệ thống Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát đạt 731.613 tỷ đồng, đạt 70,2% dự toán chi thường xuyên của ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng).

Góp phần thiết thực và hiệu quả công tác kiểm soát chi, từ nay đến cuối năm, Kho bạc Nhà nước Trung ương yêu cầu Kho bạc Nhà nước các tỉnh tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nghiêm cấm công chức kiểm soát chi lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để gây nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư… Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh một số nội dung quan trọng sau:

- Hoàn thiện cơ chế chính sách hướng dẫn quản lý, sử dụng và thanh quyết toán các khoản chi ngân sách nhà nước; cải cách thủ tục hành chính, giảm hồ sơ thanh toán; tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện kiểm soát chi và tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư trong quá trình giao dịch.

- Phối hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình kiểm soát thanh toán qua Kho bạc Nhà nước như: Kiểm soát thanh toán đối với các dự án, nhiệm vụ quy hoạch; các công trình sửa chữa,bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất; kiểm soát thanh toán chế độ, số lượng cán bộ, công chức cấp xã… kết hợp với đẩy mạnh điện tử hóa hồ sơ thủ tục của các đơn vị sử dụng ngân sách gửi đến Kho bạc Nhà nước; Tiếp tục cải cách quy trình nghiệp vụ kiểm soát chi ngân sách nhà nước theo hướng chuyên sâu. Cụ thể là triển khai nâng cấp các chương trình ứng dụng tổng hợp báo cáo nhằm đáp ứng kịp thời và đảm bảo tính chính xác cao của số liệu báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công của dự án thuộc các bộ, ngành, địa phương quản lý.

- Tiếp tục nghiên cứu xây dựng hệ thống công nghệ thông tin nhằm kết nối, trao đổi thông tin và chia sẻ dữ liệu giữa Kho bạc Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các bộ, ngành nhằm đáp ứng yêu cầu về quản lý vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương đạt hiệu quả.

- Tăng cường tuyên truyền và đẩy mạnh thực hiện việc giao nhận hồ sơ kiểm soát chi điện tử qua dịch vụ công trực tuyến.

Kiên quyết từ chối các khoản chi không đúng quy định

Cùng với một số nội dung trọng tâm, Kho bạc Nhà nước Trung ương cũng yêu cầu các Kho bạc Nhà nước tỉnh thường xuyên theo dõi, cập nhật chủ trương, chính sách liên quan đến công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước để đảm bảo việc kiểm soát thanh toán chặt chẽ, đúng quy định, các giao dịch thông suốt, liên tục, không bị ách tắc và đặc biệt không để bỏ sót công việc trong những tháng cuối năm 2019 và những tháng đầu năm 2020.

Trong quá trình thực hiện kiểm soát chi ngân sách nhà nước, Kho bạc Nhà nước Trung ương lưu ý, đối với các khoản chi thường xuyên ngân sách nhà nước, Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố cần tiếp tục tổ chức thực hiện kiểm soát chặt các khoản chi ngân sách nhà nước theo đúng quy định. Tuyệt đối không được chi vượt dự toán, nhất là đối với dự toán chi tiết được cấp có thẩm quyền giao theo bản giấy do đơn vị gửi đến (như chi mua sắm, sửa chữa, chi từ nguồn sự nghiệp kinh tế…); không thực hiện chi ngân sách nhà nước đối với các khoản chi không có trong dự toán được cấp có thẩm quyền giao.

Về kiểm soát, thanh toán chi lương, Kho bạc Nhà nước Trung ương lưu ý, đối với thanh toán, chi trả lương qua tài khoản tại ngân hàng thương mại thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 136/2018/ TT-BTC của Bộ Tài chính và hướng dẫn của Kho bạc Nhà nước tại công văn số 1340/KBNN-THPC ngày 22/3/2019 và công văn số 1536/ KBNN-THPC hướng dẫn thực hiện Thông tư số 136/2018/TT-BTC.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đơn vị nộp ngân sách, hiện Kho bạc Nhà nước đang phối hợp với các ngân hàng thương mại phối hợp với hệ thống Ngân hàng Công thương Việt Nam nghiên cứu, nâng cấp hệ thống ứng dụng để ngân hàng thương mại - nơi đơn vị mở tài khoản thanh toán có thể truy cập vào Cổng trao đổi dữ liệu điện tử của Kho bạc Nhà nước. Qua đó, lấy thông tin bảng thanh toán cho đối tượng thụ hưởng của đơn vị và thực hiện chuyển tiền từ tài khoản thanh toán của đơn vị vào tài khoản thanh toán của từng đối tượng thụ hưởng. Sau khi hoàn chỉnh quy trình và thí điểm, Kho bạc Nhà nước sẽ có công văn hướng dẫn Kho bạc Nhà nước tỉnh để thống nhất thực hiện.

Về kiểm soát thanh toán theo Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg, đối với một số các khoản chi mua sắm từ nguồn chi thường xuyên, thực hiện kiểm soát thanh toán đối với các khoản chi mua sắm có giá trị không quá 50 triệu đồng trên cơ sở bảng kê chứng từ thanh toán, hợp đồng (nếu có) và theo đề nghị của đơn vị. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị tự chịu trách nhiệm về quyết định mua sắm hàng hóa, dịch vụ của mình. Kho bạc Nhà nước kiên quyết từ chối thanh toán những khoản chi bằng tiền mặt (bao gồm cả tạm ứng và thực chi) không đúng với nội dung, đối tượng được phép chi bằng tiền mặt theo quy định.

Tính đến 31/10/2019, thông qua công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước, các đơn vị Kho bạc Nhà nước phát hiện khoảng 16.625 khoản chi chưa đủ thủ tục theo quy định, đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết và số tiền thực từ chối thanh toán là 68,3 tỷ đồng.

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 – Tháng 11/2019