Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ:

Tập trung xử lý 12 dự án, nhà máy thua lỗ của ngành Công Thương


Ngày 26/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ có buổi làm việc với Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về những vướng mắc mà Uỷ ban đang gặp phải sau 6 tháng hoạt động.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Nguồn: Internet
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Nguồn: Internet

Sau 6 tháng hoạt động, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đã tiếp nhận 19 tập đoàn, tổng công ty từ các bộ, ngành và đã cơ bản hình thành được hệ thống cơ quan tổ chức bộ máy.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước Nguyễn Hoàng Anh cho biết, hiện nay cơ cấu nhân sự của Uỷ ban khá mỏng. Ngoài Ban lãnh đạo, Ủy ban còn có 9 đơn vị, mỗi đơn vị chỉ 7-8 người, có đơn vị có 3-4 người.

Nhằm hoàn thiện bộ máy, hiện nay Uỷ ban đã thành lập hội đồng tuyển dụng và sẽ đề xuất biên chế lên Chính phủ, các bộ, ngành trong tháng 4 tới. Chủ tịch Uỷ ban đề nghị các doanh nghiệp, bộ, ngành giới thiệu nhân sự có chuyên môn sâu, đáp ứng các yêu cầu về thẩm định dự án đầu tư. 

Bên cạnh vướng mắc về nhân sự, hiện Uỷ ban đang gặp phải một số vướng mắc khác như: Thẩm quyền trong quyết định chủ trương đầu tư, đầu tư công, quy định về quản lý sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông, sắp xếp lại nhà đất, xác định giá trị các tài sản vô hình của doanh nghiệp, thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Ghi nhận những kết quả đạt được và những ý kiến, vướng mắc của Ủy ban, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: “Sự ra đời và đi vào hoạt động của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là một trong những sự kiện kinh tế nổi bật của Việt Nam năm 2018 và của cả nhiệm kỳ này, nhằm thực hiện chủ trương đã có từ lâu và được nhấn mạnh tại Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, với mục tiêu tách bạch chức năng quản lý Nhà nước và chức năng chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp”.

Theo Phó Thủ tướng, những kết quả Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đạt được sau 6 tháng hoạt động là rất đáng ghi nhận. Trong 6 tháng qua, Ủy ban đã cơ bản hình thành được hệ thống cơ quan tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị như: Đảng bộ, Đoàn thanh niên, ban hành được quyết định chức năng nhiệm vụ và thành lập được 8 Vụ chuyên môn và 1 Trung tâm.

Đến nay, Ủy ban đã ban hành được 44 quy chế; Tổ chức tuyển dụng cán bộ chỉ tiêu 50 biên chế được giao; cơ bản chấp hành đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Tổ công tác của Chính phủ để rà soát lấy cán bộ công chức từ các bộ, ngành; Có trụ sở riêng, tài chính không có vướng mắc và là đơn vị dự toán cấp 1 - trực tiếp nhận dự toán ngân sách hàng năm do Thủ tướng Chính phủ phân bổ.

Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Theo Phó Thủ tướng, Uỷ ban ra đời có nhiều thuận lợi căn bản. Tuy nhiên, trong tổ chức hoạt động, quản lý, sử dụng hiệu quả vốn nhà nước vẫn còn nhiều khó khăn. Khó khăn trước mắt là việc tiếp nhận 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước từ các bộ, ngành, trong đó, có nhiều dự án thua lỗ trong khi Quốc hội không cho phép sử dụng vốn nhà nước để xử lý các tồn đọng này. 

“Kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với Ủy ban là rất lớn nên các đồng chí phải tạo được chuyển biến rõ ràng, trông thấy trong thực hiện nhiệm vụ. Chức năng của Uỷ ban Quản lý vốn không phải là kinh doanh vốn mà là tổ chức, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp, không can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Uỷ ban phải bảo đảm doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung đầu tư, sản xuất kinh doanh vào các lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh, các lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu trước mắt, Uỷ ban cần tập trung xử lý 12 dự án, nhà máy thua lỗ của ngành Công Thương; Đồng thời, phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc, trong đó tập trung tái cơ cấu toàn diện về tài chính, nhân sự và đầu tư.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành cùng Uỷ ban xác định rõ những vướng mắc cũng như yêu cầu đặt ra trong thời gian tới để khắc phục; Các bộ, ngành cần quan tâm chia sẻ, sẵn sàng hợp tác với Uỷ ban để hoàn thành tốt mục tiêu chung là tổ chức, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp.