Thủ tướng thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 22-25/11

PV

Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 22-25/11/2021.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhân dịp tham dự Hội nghị COP26 tại Anh. Nguồn: chinhphu.vn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhân dịp tham dự Hội nghị COP26 tại Anh. Nguồn: chinhphu.vn

Gần 50 năm kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành hai quốc gia gắn bó và tin cậy trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á. Nhật Bản đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam, ngược lại Việt Nam cũng đóng góp rất lớn cho nền kinh tế Nhật Bản.

Đặc biệt, trong hơn 10 năm qua, quan hệ đối tác giữa hai quốc gia đã phát triển rất mạnh mẽ, nhất là dưới thời kỳ chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Abe. Tất cả các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực đầu tư, thương mại và giao lưu nhân dân... đều tăng trưởng mạnh mẽ. 

Hiện nay, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai với gần 4.700 dự án có tổng vốn đăng ký gần 63 tỷ USD, đồng thời là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt 40 tỷ USD. 

Trong hai năm 2020-2021, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn tiếp tục chảy vào Việt Nam. Năm 2021, chỉ tính riêng 2 dự án đầu tư của Nhật Bản tại Cần Thơ và Vĩnh Phúc đã có tổng vốn đầu tư hơn 1,9 tỷ USD...

Điều đó cho thấy quan hệ Việt - Nhật đã trở thành kiểu mẫu cho mối quan hệ hữu nghị, đôi bên cùng có lợi, tạo ra nền tảng cho sự hợp tác vì ổn định và hòa bình của khu vực Đông Nam Á và khu vực rộng lớn hơn.

Trước đó, trong cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhân Hội nghị COP26 tại Vương quốc Anh ngày 2/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tập trung thúc đẩy 05 lĩnh vực hợp tác gồm: 

Một là, tiếp tục hợp tác và hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, 1 trong 3 đột phá chiến lược của Việt Nam theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, gồm cả phần cứng và phần mềm trong các lĩnh vực giao thông, môi trường, chuyển đổi số…

Hai là, hỗ trợ sớm nhất có thể việc tiếp cận nguồn cung và hợp tác chuyển giao công nghệ về vaccine COVID-19.

Ba là, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ, đổi mới sáng tạo gắn với chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ cao, xanh, sạch; hỗ trợ Việt Nam thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia”, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số.

Bốn là, tăng tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản.

Năm là, tăng học bổng, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong tình hình mới.