Thực thi nghiêm túc các cam kết trong hội nhập tài chính

PV.

Đó là một trong những nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao cho Bộ Tài chính tại Chỉ thị số 26/CT-TTg về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn, ban hành ngày 04/09/2018.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành triển khai Hiệp định thuận lợi hóa thương mại của WTO, Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại. Nguồn: Internet
Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành triển khai Hiệp định thuận lợi hóa thương mại của WTO, Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại. Nguồn: Internet

Chỉ thị số 26/CT-TTg nêu rõ, những năm tới có ý nghĩa rất quan trọng đối với công cuộc phát triển đất nước. Quá trình toàn cầu hóa và những tiến bộ khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động sâu rộng đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế thế giới, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục chủ động hội nhập quốc tế toàn diện.

Để thực hiện chủ trương chủ động và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn, giai đoạn từ nay tới năm 2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung cụ thể hóa và triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách, chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó chú trọng việc nâng cao toàn diện năng lực thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.

Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; Xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp để tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thanh phố trực thuộc Trung ương; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để thực hiện những mục tiêu trên.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu kinh nghiệm trong và ngoài nước về các vấn đề mang tính chiến lược về hội nhập kinh tế quốc tế để làm cơ sở tham mưu, tư vấn cho Chính phủ trong quá trình hoạch định chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế.

Trước mắt tập trung nghiên cứu các vấn đề mới về hội nhập kinh tế quốc tế như tác động của việc tham gia các FTA thế hệ mới, xu hướng chuyển dịch trọng tâm hợp tác trong các khung khổ khu vực và thế giới như: ASEAN, APEC, ASEM, WTO, tác động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới tới tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Về phía Bộ Tài chính, Chỉ thị nêu rõ Bộ có trách nhiệm xây dựng và thực thi nghiêm túc các cam kết trong hội nhập tài chính về thuế, hải quan, dịch vụ bảo hiểm, chứng khoán, kế toán – kiểm toán và các dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý của Bộ mình.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành triển khai Hiệp định thuận lợi hóa thương mại của WTO, Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.

Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan để góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc tham gia các FTA thế hệ mới, xu hướng chuyển dịch trọng tâm hợp tác trong các khung khổ khu vực và thế giới như ASEAN, APEC, ASEM, WTO, tác động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới tới tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rất rộng lớn với tất cả các trung tâm và các nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Nhờ đó, các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam đứng trước những thuận lợi lớn chưa từng có để mở rộng thị trường xuất khẩu, với tư cách là một đối tác bình đẳng, không bị phân biệt đối xử, theo mức thuế ưu đãi, thậm chí là 0%, với 56 đối tác mà Việt Nam có hiệp định FTA. Ðây là những yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, tạo thêm việc làm, góp phần tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.