Tiếp tục tháo gỡ vưỡng mắc, đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công

Việt Hoàng

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định, thúc đẩy đầu tư và giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng nhằm sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, qua đó góp phần kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho người dân, doanh nghiệp. Điều này đặc biệt quan trọng đối với 9 bộ, cơ quan Trung ương và 5 địa phương là những cơ quan được giao đầu tư nhiều công trình dự án quan trọng, có ý nghĩa nhiều mặt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương và đất nước.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành họp Tổ công tác số 4 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại một số bộ, ngành, cơ quan, địa phương. Nguồn: chinhphu.vn.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành họp Tổ công tác số 4 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại một số bộ, ngành, cơ quan, địa phương. Nguồn: chinhphu.vn.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch đầu tư vốn năm 2022 mà Thủ tướng Chính phủ giao cho 9 bộ, cơ quan Trung ương và 5 địa phương thực hiện là khoảng 132.326 tỷ đồng (gồm 21.155 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương và 111.171 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương).

Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao 6.438 tỷ đồng, Bộ Tài nguyên và Môi trường 1.706 tỷ đồng, Bộ Công Thương 825 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam 920 tỷ đồng, TP. Hà Nội 51.583 tỷ đồng, TP. Hồ Chí Minh 54.268 tỷ đồng...

Về nguyên nhân chính ảnh hưởng đến công tác giải ngân, qua kiểm tra các bộ, ngành và địa phương cho thấy, quá trình áp dụng một số quy định còn lúng túng, vướng mắc, cụ thể như: Công tác chuẩn bị đầu tư, áp dụng quy định về tách giải phóng mặt bằng đối với dự án nhóm B và nhóm C, nhiều thủ tục phải xin ý kiến nhiều bộ, ngành do dự án phải thực hiện theo nhiều quy định pháp luật... 

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng phải thực hiện nhiều bước, các bước phải lấy ý kiến nhiều cơ quan liên quan nên thời gian kéo dài. Hay như quy trình, thủ tục cấp phép khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở các địa phương khá dài (từ 1,5-2 năm) ảnh hưởng nhiều đến tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng; giá nguyên, nhiên liệu tăng, gây khó khăn cho đơn vị thi công...

Tại cuộc họp Tổ công tác số 4 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 với một số bộ, ngành, cơ quan, địa phương diễn ra chiều ngày 1/8, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đặc biệt tại các dự án lớn, trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên, kết quả giải ngân tại 9 bộ, cơ quan Trung ương và 5 địa phương là chưa đạt yêu cầu, còn thấp hơn bình quân chung cả nước. Tính đến hết tháng 7/2022, mới đạt hơn 22% so với số bình quân của cả nước là 34,47%.

Do vậy, nhằm phấn đấu giải ngân toàn bộ vốn đầu tư công trước 31/12, các bộ, ngành, địa phương phải rất nỗ lực, xác định rõ nguyên nhân, tìm ra giải pháp để đẩy nhanh tốc độ giải ngân, phấn đấu giải ngân toàn bộ trong tháng 12/2022. 

Về giải pháp trước mắt, Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, đối với nguồn vốn Trung ương đã được phân bổ, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền cho điều chỉnh danh mục các dự án trong nội bộ địa phương hoặc sang các địa phương khác. Nếu không thể thực hiện được, cần tổng hợp để điều chuyển kịp thời. 

Về công tác giải phóng mặt bằng, trong tình hình hiện nay, các bộ, ngành Trung ương cần tích cực hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, rà soát, trình cấp có thẩm quyền xử lý các tồn tại, vướng mắc trong giải ngân đầu tư công.

Liên quan đến hồ sơ thanh quyết toán, các địa phương cần sát sao hơn, đi kiểm tra tình hình thực tế, làm việc chặt chẽ với các nhà thầu, bảo đảm tiến độ thanh quyết toán cho nhà thầu.

Theo Quyết định số 548/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/6/2022 dưới mức trung bình của cả nước (29.15%), Tổ công tác số 4 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành làm Tổ trưởng.

Các bộ, ngành, địa phương thuộc Tổ 4 bao gồm: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Hội nông dân Việt Nam, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam, Ủy ban toàn quốc liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt nam, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, Đồng Nai, Đắk Lắk, Gia Lai.