Phát triển thị trường trái phiếu, góp phần cơ cấu nợ công hiệu quả


Công tác phát hành trái phiếu chính phủ trong thời gian qua đã góp phần tích cực cơ cấu lại nợ công. Tuy nhiên, để tiếp tục tái cơ cấu nợ và xây dựng thị trường trái phiếu chính phủ trở thành kênh huy động vốn dài hạn cho ngân sách nhà nước, thời gian tới, cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng quy mô và chất lượng thị trường trái phiếu theo hướng công khai, minh bạch phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Phát triển thị trường trái phiếu, góp phần cơ cấu nợ công hiệu quả
Phát triển thị trường trái phiếu, góp phần cơ cấu nợ công hiệu quả

Phát triển thị trường trái phiếu trong nước

Theo Luật Quản lý nợ công năm 2017, Bộ Tài chính là chủ thể phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) và Bộ Tài chính ủy quyền cho Kho bạc Nhà nước (KBNN) tổ chức phát hành.

Trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu thị trường và định hướng cải thiện cơ sở nhà đầu tư, hàng năm KBNN đã thăm dò và mở rộng dần các loại kỳ hạn trái phiếu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các đối tượng khác nhau. Theo đó, bên cạnh trái phiếu truyền thống trả lãi cố định còn có các hình thức trái phiếu không trả lãi định kỳ, trái phiếu có kỳ trả lãi đầu tiên ngắn hơn hoặc dài hơn kỳ trả lãi chuẩn để tăng hiệu quả quản lý ngân quỹ (QLNQ), quản lý danh mục nợ TPCP… 

Cơ cấu nhà đầu tư hiện nay cũng chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ lệ nhà đầu tư dài hạn là các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư; giảm dần sự phụ thuộc vào hệ thống NHTM. Trước năm 2016, NHTM thường nắm giữ khoảng 80% khối lượng trái phiếu do KBNN phát hành, hiện nay tỷ lệ này giảm xuống khoảng 47% (năm 2018), giúp thị trường trái phiếu ổn định, bền vững hơn trước những biến động ngắn hạn trên thị trường tiền tệ.

Cùng với đó, để giúp giảm rủi ro đảo nợ của NSNN trong những thời điểm khối lượng TPCP đến hạn lớn, trong năm 2019, KBNN tiếp tục thực hiện công tác hoán đổi trái phiếu. Với chủ trương tái cơ cấu danh mục nợ, KBNN đã nhiều lần thực hiện hoán đổi TPCP để tái cơ cấu danh mục TPCP, giảm rủi ro hoặc để cải thiện thanh khoản như: hoán đổi các trái phiếu có kỳ hạn còn lại tương đương để hình thành các mã có giá trị niêm yết lớn; thúc đẩy thanh khoản trên thị trường trái phiếu thứ cấp, hoặc gom các trái phiếu có kỳ hạn còn lại ngắn để hoán đổi sang trái phiếu có kỳ hạn dài hơn, kéo dài kỳ hạn danh mục nợ…

Giải pháp đảm bảo hiệu quả quản lý nợ cao hơn

Công tác phát hành TPCP trong thời gian qua đã góp phần tích cực trong việc cơ cấu lại nợ công. Chất lượng, hiệu quả cải cách quản lý nợ công là một trong các yếu tố giúp tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch đánh giá tích cực, nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ mức BB- lên BB vào tháng 5/2018. Tuy nhiên, để tiếp tục tái cơ cấu nợ và xây dựng thị trường TPCP trở thành kênh huy động vốn dài hạn hiệu quả cho NSNN, thời gian tới cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng quy mô và chất lượng thị trường trái phiếu theo hướng công khai, minh bạch phù hợp với các thông lệ quốc tế. Trước mắt cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đa dạng sản phẩm trái phiếu để phát triển thị trường: Việc NSNN huy động được khối lượng lớn trái phiếu dài hạn với chi phí hợp lý trong những năm gần đây chứng tỏ niềm tin của nhà đầu tư vào sự ổn định nền kinh tế vĩ mô trong tương lai. Mặc dù đánh giá cao kết quả tái cơ cấu nợ của Việt Nam từ năm 2015 trở lại đây, các chuyên gia WB tại hội thảo về Chiến lược phát triển KBNN cho rằng, việc Việt Nam không phát hành loại dưới 5 năm như hiện nay dẫn đến thiếu lãi suất tham chiếu cho phân đoạn thị trường ngắn hạn, hạn chế thị trường phát triển. Do đó, cần cân đối phát hành trái phiếu ngắn hạn với khối lượng phù hợp để thiết lập đường cong lãi suất chuẩn có đầy đủ kỳ hạn như thông lệ quốc tế. Các chuyên gia cũng khuyến nghị Bộ Tài chính (KBNN) phải duy trì thị trường thường xuyên, thanh khoản để đảm bảo khi NSNN có nhu cầu vay là có thể thực hiện.

Việc đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường cần tính đến các loại trái phiếu có cơ chế phòng ngừa rủi ro lạm phát, giúp tối ưu hóa lợi nhuận cho các nhà đầu tư, giảm rủi ro khi đầu tư như trái phiếu gắn với chỉ số lạm phát, trái phiếu có lãi suất thả nổi... với một tỷ trọng phù hợp trong tổng mức phát hành, vẫn tập trung vào các sản phẩm truyển thống như hiện nay.

Thứ hai, thực hiện các nghiệp vụ cơ cấu nợ: Hoán đổi trái phiếu là nghiệp vụ cơ cấu nợ phổ biến được các nước phát triển thực hiện thường xuyên trong quản lý danh mục nợ. Việc hoán đổi trái phiếu cần thực hiện liên tục bằng phương thức đấu thầu để đảm bảo đơn giản thủ tục, minh bạch thông tin và tạo thông lệ thường xuyên cho thị trường đạt hiệu quả quản lý nợ cao hơn. Hiện nay các quy định pháp lý đã cho phép tổ chức đấu thầu hoán đổi mua lại TPCP, KBNN sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai trong thời gian tới.

Thứ ba, gắn kết huy động vốn và quản lý NQNN: Trên thế giới, nhiều quốc gia thậm chí thặng dư ngân sách nhưng vẫn thực hiện phát hành trái phiếu với mục tiêu phát triển thị trường vốn, duy trì kênh huy động vốn khi Chính phủ có nhu cầu. Trường hợp Việt Nam, tại một số thời điểm thặng dư NQNN cao nhưng không nên quá lạm dụng nguồn NQNN để giảm phát hành TPCP do đây là nguồn vốn có tính chất tạm thời. Việc sử dụng toàn bộ/phần lớn số dư ngân quỹ vay thay thế cho việc phát hành TPCP sẽ hạn chế sự phát triển bền vững của thị trường TPCP, có thể gây rủi ro thanh khoản cho KBNN, mặt khác tạo áp lực trả nợ cho NSNN trong ngắn hạn, ảnh hưởng đến tính an toàn, bền vững của ngân sách và nợ công. Do đó, KBNN cần tính toán sử dụng một tỷ lệ NQNN phù hợp trong tổng mức phát hành trái phiếu để đảm bảo đồng thời hiệu quả quản lý ngân quỹ và phát triển thị trường.