Xây dựng chính sách cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập khả thi, toàn diện


Sáng ngày 11/12, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo "Chuyển đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) thành công ty cổ phần (CTCP): Hiện trạng và giải pháp chính sách" nhằm trao đổi, thảo luận, đề xuất xây dựng chính sách chuyển ĐVSNCL thành CTCP phù hợp với thực tiễn, đảm bảo khả thi, toàn diện.

Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

ĐVSNCL hoạt động hiệu quả hơn sau cổ phần hóa 

Tổng kết đánh giá tình hình chuyển ĐVSNNCL thành CTCP thời gian qua, bà Nguyễn Thị Ngọc Khánh - Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến tháng 12/2018, có 338 đvsncl đã trình Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh mục cổ phần hóa. Trong đó có 213 ĐVSNCL đã được Thủ tướng phê duyệt đưa vào danh mục, trong đó 38 ĐVSNCL đã được phê duyệt phương án chuyển đổi và đã có 31 ĐVSNCL đã hoàn thành chuyển đổi.

Sau cổ phần hóa, phần lớn các ĐVSNCL đều nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, mức độ hài lòng của người dân ngày càng nâng lên. Tuy nhiên, vẫn có hiện tượng giảm chất lượng cung cấp dịch vụ công ở một số đơn vị; một số khác chỉ tập trung đầu tư ở vùng đô thị, ít đầu tư vùng sâu vùng xa, nông thôn...

Theo bà Khánh, tình hình sản xuất kinh doanh của ĐVSNCL sau cổ phần hóa được nâng cao, tổng tài sản tăng 27%, doanh thu tăng 58%, lợi nhuận năm tăng 52% so với thời điểm chuyển đổi. Tốc độ tăng của doanh thu và lợi nhuận gấp 2 lần tốc độ tăng tài sản.

Các doanh nghiệp chuyển đổi từ ĐVSNCL đều tổ chức đào tạo, bố trí lại việc làm cho người lao động phù hợp, nâng cao trình độ cho cán bộ, nhân viên. Theo số liệu của SCIC và các Bộ ngành, địa phương cung cấp, thu nhập của người lao động trung bình tăng 30,7% sau khi chuyển đổi ĐVSNCL thành CTCP.

Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) phát biểu tại Hội thảo.
Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) phát biểu tại Hội thảo.

Không những thế, hiệu quả quản trị của doanh nghiệp chuyển đổi từ ĐVSNCL cũng được nâng lên. Theo đó, doanh nghiệp đã có sự thay đổi căn bản về phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, tạo động lực thúc đẩy công tác điều hành quản lý sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Phần lớn các doanh nghiệp đều thuận lợi hơn trong việc huy động nguồn lực xã hội, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.

Xây dựng chính sách cổ phần hóa ĐVSNCL khả thi, toàn diện

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, bà Nguyễn Thị Ngọc Khánh - Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng, tốc độ chuyển đổi ĐVSNCL thành CTCP thời gian qua là chậm. So với Danh mục chuyển đổi ĐVSNCL thành CTCP giai đoạn 2017-2020, số lượng đơn vị đã chuyển đổi thành CTCP chỉ đạt 14,5%. Thời gian thực hiện chuyển đổi của nhiều đơn vị chậm hơn lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quá trình chuyển đổi ĐVSNCL thành CTCP còn nhiều lúng túng. Tại một số địa phương, việc xây dựng phương án sản xuất kinh doanh và phương án thực hiện chuyển đổi còn chưa phù hợp...

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, khu vực ĐVSNCL đóng vai trò rất quan trọng. Tính đến cuối năm 2018, với hơn 50.000 ĐVSNCL, khối lượng vốn tài sản nhà nước nằm trong khu vực này đã lên gần 1 triệu tỷ đồng (tương đương quy mô vốn và tài sản của khu vực DNNN), tạo ra hơn 2,5 triệu việc làm cho người lao động. 

Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động của các ĐVSNCL vẫn còn nhiều tồn tại. Hệ thống tổ chức các đơn vị còn cồng kềnh, manh mún; quản trị nội bộ yếu kém, chất lượng hiệu quả dịch vụ thấp; chi tiêu NSNN cho các ĐVSNCL còn quá lớn; việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính còn hình thức, việc xã hội hóa còn chậm.

So với Danh mục chuyển đổi ĐVSNCL thành CTCP giai đoạn 2017-2020, số lượng đơn vị đã chuyển đổi thành CTCP chỉ đạt 14,5%.

Theo đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là những vướng mắc về quy định pháp lý trọng hoạt động trên. Do đó, cần thiết ban hành chính sách mới về nội dung này đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định về chuyển ĐVSNCL thành CTCP nhằm thay thế Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg. Nghị định được xây dựng trên nguyên tắc phù hợp với quy định pháp lý hiện hành, đặc thù của khu vực SNCL khi chuyển sang mô hình doanh nghiệp trên cơ sở khảo sát tại một số bộ, địa phương.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung trong Dự thảo Nghị định trên như: Đối tượng và điều kiện để ĐVSNCL thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần; Hạch toán kế toán và chuyển đổi báo cáo tài chính trong quá trình chuyển đổi từ mô hình ĐVSNCL sang doanh nghiệp; Xử lý tài chính tại thời điểm xác định giá trị DN và thời điểm bàn giao sang CTCP; Phân cấp, phân quyền giữa các cấp... nhằm hoàn thiện và đưa Dự thảo Nghị định sát thực tiễn, đảm bảo khả thi, toàn diện.