Xuất nhập khẩu của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19
Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến giao thương toàn cầu, làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và khiến cho hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nghiên cứu tình hình XNK của Việt Nam giai đoạn trước đại dịch (2015-2019) và đến khi đại dịch bùng phát (từ đầu năm 2020 đến nay), bài viết nhận diện những tác động của đại dịch COVID-19 đến XNK của Việt Nam, từ đó đề xuất giải pháp góp phần thúc đẩy hoạt động XNK nước ta trong thời gian tới.
Đặt vấn đề
Trong những năm qua, XNK hàng hóa của Việt Nam đã có sự thay đổi mạnh mẽ, trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Hoạt động XNK giúp tăng dự trữ ngoại tệ, cải thiện cán cân thanh toán, tăng thu cho ngân sách nhà nước (NSNN), kích thích đổi mới công nghệ, tiếp cận được với những hình thức kinh doanh mới, tạo thêm công ăn việc làm, tạo sự cạnh tranh giữa hàng hóa nội và ngoại nhập, nâng cao mức sống người dân, góp phần rút ngắn khoảng cách kinh tế của Việt Nam với các quốc gia phát triển trên thế giới. Dự báo, trong thời gian tới, hoạt động XNK sẽ tiếp tục khởi sắc.
Việc các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang dần được thực thi toàn diện hơn, hiệu quả hơn sẽ tạo thuận lợi để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường tiềm năng với mức thuế quan ưu đãi.
Bên cạnh đó, giá hàng hóa xuất khẩu đang có chiều hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, đây là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, hoạt động XNK cũng đang bị tác động bởi rất nhiều yếu tố mới xuất hiện như: Đại dịch COVID-19, xu thế bảo hộ thương mại, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu... Thực tế này đặt ra yêu cầu, Việt Nam cần có thêm giải pháp để vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng được những thời cơ mới.
Tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam trước và sau đại dịch COVID-19
Tình hình xuất nhập khẩu trước đại dịch
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch XNK hàng hóa năm 2015 cả nước đạt 327,76 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2014; trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 162,11 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2014 và nhập khẩu hàng hóa là 165,65 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2014.
Cán cân thương mại hàng hóa cả nước thâm hụt 3,54 tỷ USD (tương đương khoảng 2,2% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước) và ngược lại so với xu hướng thặng dư 2,37 tỷ USD của năm 2014. Năm 2016, kim ngạch XNK cả nước có sự tăng trưởng ấn tượng khi đạt 350,74 tỷ USD.
Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 176,63 tỷ USD, tăng 9% (tương ứng tăng gần 14,52 tỷ USD) so với năm 2015; nhập khẩu đạt hơn 174,11 tỷ USD, tăng 5,2% (tương ứng tăng hơn 8,46 tỷ USD) so với năm 2015. Đặc biệt, năm 2016 cũng là năm Việt Nam đạt tỷ lệ xuất siêu cao, ở mức 2,52 tỷ USD.
Năm 2017, tổng trị giá XNK tiếp tục tăng, đạt 425,12 tỷ USD, tăng 21% (tương ứng khoảng 73,74 tỷ USD) so với năm 2016. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 214,02 tỷ USD, tăng 21,2% (tương ứng tăng 37,44 tỷ USD); tổng trị giá nhập khẩu đạt 211,1 tỷ USD, tăng 21% (tương ứng tăng 36,3 tỷ USD) so với năm 2016.
Năm 2018, tổng kim ngạch XNK đạt 480,17 tỷ USD, tăng 12,2% (tương ứng tăng 52,05 tỷ USD) so với năm 2017. Trong đó, xuất khẩu đạt 243,48 tỷ USD, tăng 13,2% và nhập khẩu đạt 236,69 tỷ USD, tăng 11,1%.
Tính chung, cán cân thương mại của Việt Nam trong năm 2018 thặng dư 6,8 tỷ USD, cao gấp 3,2 lần so với mức thặng dư của năm 2017. Năm 2019, tổng kim ngạch XNK hàng hóa của cả nước lần đầu tiên cán mốc 500 tỷ USD (đạt 517,26 tỷ USD, tăng 7,6%, tương ứng tăng 36,69 tỷ USD) so với năm 2018.
Trong đó, trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 264,19 tỷ USD, tăng 8,4% và nhập khẩu đạt 253,07 tỷ USD, tăng 6,8%. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng khi Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội trong hội nhập kinh tế quốc tế để mở rộng XNK, đóng góp nguồn lực cho NSNN và nền kinh tế cũng như cộng đồng DN để ứng phó đại dịch COVID-19 trong những năm sau tiếp theo.
Nhìn chung, giai đoạn 2015-2019, hoạt động XNK cả nước luôn đạt mức tăng trưởng cao qua từng năm. Trong giai đoạn này, cơ cấu hàng xuất khẩu đã đảm bảo đúng mục tiêu đề ra tại Chiến lược XNK hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030.
Trong đó, nhóm hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng trên 80%; tiếp đến là nhóm hàng nông sản, thủy sản chiếm trên 10% và nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản chỉ còn chiếm hơn 1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng được khai thác hiệu quả, gắn tăng trưởng xuất khẩu với kiểm soát hiệu quả hoạt động nhập khẩu, giúp cán cân thương mại chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu.
Nhờ vậy, từ năm 2016 đến nay cán cân thương mại luôn đạt thặng dư với mức xuất siêu tăng qua các năm từ 1,77 tỷ USD năm 2016 đến 2,1 tỷ USD năm 2017, 6,8 tỷ USD năm 2018, 10,9 tỷ USD năm 2019 và 19,95 tỷ USD năm 2020. Qua đó, góp phần cải thiện cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao dự trữ ngoại hối...
Xuất nhập khẩu Việt Nam kể từ khi đại dịch xuất hiện
Năm 2020 có dấu ấn đặc biệt đối với thương mại toàn cầu, với sự bùng phát và diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19. Các biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 bùng phát đã khiến thương mại toàn cầu đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, dẫn tới làn sóng phá sản nhiều DN trên toàn cầu.
Đối với Việt Nam, với việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 đạt 2,91%. Đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020, tuy nhiên, xét dưới tác động chung của đại dịch COVID19, kết quả này là tương đối ấn tượng khi so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới (tăng trưởng GDP âm hoặc không tăng trưởng).
Năm 2020, Việt Nam đạt được kỷ lục mới về quy mô kim ngạch XNK. Tổng trị giá XNK hàng hóa của cả nước đạt 545,36 tỷ USD, tăng 5,4% với năm 2019. Trong đó, trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 282,65 tỷ USD, tăng 7,0% (tương ứng tăng 18,39 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 262,70 tỷ USD, tăng 3,7% (tương ứng tăng 9,31 tỷ USD).
Trong năm 2020, Việt Nam đã có 31 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu như: Hoa Kỳ (xuất siêu gần 62,7 tỷ USD), Liên minh châu Âu (xuất siêu gần 20,3 tỷ USD)...
Cán cân thương mại hàng hóa của cả nước vào cuối năm 2020 đạt giá trị thặng dư 19,95 tỷ USD, đây là mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016. Năm 2021, kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn chưa hết khó khăn bởi do đại dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát.
Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/9/2021, tổng trị giá XNK của Việt Nam đạt gần 454.58 tỷ USD. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt gần 225,2 tỷ USD, tăng 19,8% (tương ứng tăng 37,15 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020; tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 229,38 tỷ USD, tăng 32,2% (tương ứng tăng 55,92 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.
Về xuất khẩu, một số nhóm hàng tăng mạnh như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 7,95 tỷ USD, tương ứng tăng 47,9%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 3,88 tỷ USD, tương ứng tăng 13%; Điện thoại các loại và linh kiện tăng 3,8 tỷ USD, tương ứng tăng 11,2%... so với cùng kỳ năm 2020.
Về nhập khẩu, một số nhóm hàng tăng mạnh như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 8,3 tỷ USD, tương ứng tăng 33,6%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 8,26 tỷ USD, tương ứng tăng 19,7%; Điện thoại các loại và linh kiện tăng 3,9 tỷ USD, tương ứng tăng 40,4%... so với cùng kỳ năm 2020. Thách thức đặt ra đối với hoạt động xuất nhập khẩu kể từ đại dịch COVID-19
Kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19 đến nay, hoạt động XNK của Việt Nam tiếp tục có nhiều ảnh hưởng, trong đó có thể chỉ ra một số thách thức sau:
- Kinh tế toàn cầu suy giảm trên diện rộng: Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 sụt giảm sâu nhất kể từ sau cuộc đại suy thoái 1929-1930. Theo Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), GDP toàn cầu năm 2020 sụt giảm 4,2% so với năm 2019. Năm 2020, phần lớn các nền kinh tế, khu vực kinh tế trên toàn cầu đều tăng trưởng âm (ngoại trừ Trung Quốc, Ai Cập, Việt Nam).
Các nền kinh tế là các thị trường lớn xuất khẩu của Việt Nam đều giảm như: Tăng trưởng kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu suy giảm 7,3%; Mỹ suy giảm 3,5%; Trung Quốc chỉ đạt mức tăng trưởng 2,3% - mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008...
- Thương mại toàn cầu thu hẹp mạnh: Xu hướng suy yếu của hoạt động thương mại toàn cầu xuất hiện trong cả hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu ở phần lớn các quốc gia trên thế giới khi nhu cầu về hàng hóa, nguyên liệu sản xuất giảm mạnh và các chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn.
Triển vọng thương mại u ám hơn tại các nước phụ thuộc vào xuất khẩu và hoạt động du lịch. Những nước xuất khẩu dầu mỏ cũng chịu cú sốc mạnh khi giá dầu giảm trong nửa đầu năm 2020. Thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, dẫn tới gia tăng bảo hộ thương mại và các rủi ro tài chính có thể trầm trọng thêm bởi đại dịch kéo dài.
- Đứt gãy chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng và xu hướng dịch chuyển đầu tư: Các biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới để ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát đã khiến thương mại toàn cầu đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, dẫn tới làn sóng phá sản DN khắp thế giới. Vì sự đứt gãy đột ngột của chuỗi cung ứng toàn cầu mà hiện tượng khan hiếm hàng hóa đã xảy ra trên toàn thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực chế tạo, sản xuất ô tô, thiết bị y tế...
Trước tình hình này, các nước đã đa dạng hóa đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh nội địa hóa và khu vực hóa nhằm ngăn chặn rủi ro, đảm bảo sự ổn định cho chuỗi cung ứng. Tại Việt Nam, một số ngành công nghiệp chế biến chịu tác động mạnh: Ngành Dệt may do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào, cầu giảm mạnh và xuất khẩu giảm sút nghiêm trọng, đặc biệt là xuất khẩu tới các thị trường chủ lực và truyền thống như Mỹ, EU...
- Công nghiệp hỗ trợ còn chậm phát triển: Việt Nam chưa sản xuất được các sản phẩm đảm bảo chất lượng, quy mô để có thể tham gia được vào chuỗi cung ứng sản phẩm, linh kiện cho các DN xuất khẩu.
Do đó, các DN phải nhập khẩu nhiều các loại nguyên vật liệu, bán thành phẩm, linh kiện, thiết bị... phục vụ hoạt động sản xuất, xuất khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc, dẫn đến khó khăn khi chuỗi cung bị gián đoạn.
- Tranh chấp thương mại và phòng vệ thương mại: Mặc dù, Việt Nam đã và đang rất tích cực, chủ động xử lý có hiệu quả các vấn đề trong tranh chấp thương mại, xử lý các biện pháp phòng vệ thương mại, vượt qua các rào cản thương mại của các thị trường nhập khẩu nhưng thương mại thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp với xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng tăng.
Hiện nay, nhiều nước chuyển sang áp dụng các hình thức mới trong phòng vệ thương mại như chống lẩn tránh phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ thay vì áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại truyền thống...
- Nguy cơ từ tình trạng dịch bệnh kéo dài: Đây là nguy cơ lớn nhất và gia tăng rủi ro cho các nguy cơ vừa đề cập. Hiện nay, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, các DN đã và đang phải cố gắng duy trì sản xuất nhưng vẫn đối mặt với nguy cơ các thị trường quốc tế sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác, đến khi dịch được kiểm soát, việc nối lại các mối quan hệ kinh doanh sẽ rất khó khăn và cần phải có quá trình.
Một số giải pháp đề xuất
Trên cơ sở nhận diện những thách thức của hoạt động XNK sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp sau:
Đối với cơ quan quản lý
- Tiếp tục tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ các rào cản để thâm nhập các thị trường mới; Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch COVID-19 trên thế giới và trong nước để có các biện pháp ứng phó kịp thời, hỗ trợ DN; Đưa ra những khuyến cáo đối với các cơ quan, DN tham gia XNK, cần nhận thức rõ được những diễn biến trên thị trường thế giới để có thể tranh thủ khai thác hết cơ hội, tiếp tục duy trì được thế mạnh xuất khẩu trong bối cảnh hiện nay.
- Ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch; tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.
- Tăng cường các hoạt động hỗ trợ DN về thị trường, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến XNK, tháo gỡ khó khăn về đầu vào, hỗ trợ về thông tin và đẩy mạnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.
- Nâng cao năng lực trong công tác cảnh báo sớm, phân tích, cảnh báo tình hình tăng trưởng xuất khẩu nóng, dẫn tới nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại và chủ động có biện pháp phù hợp để bảo vệ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
- Đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ để hỗ trợ ngành sản xuất trong nước, từ đó nâng cao năng lực xuất khẩu.
- Có chính sách hỗ trợ tín dụng, chính sách thuế hỗ trợ đối với các DN xuất khẩu. Đối với DN XNK
- Đa dạng hóa hơn nữa các đối tác thương mại, giảm thiểu những tác động đến từ một đối tác thương mại cụ thể.
- Nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực quản trị và sức khỏe tài chính cũng như khả năng thích ứng để vượt qua các thách thức, rủi ro trong hoạt động giao thương quốc tế.
- Cần có những chuyển đổi mạnh về cơ cấu ngành hàng thông qua việc nghiên cứu, dự báo các nhu cầu. Chú trọng nâng cao chất lượng, đổi mới quy trình xúc tiến thương mại cho phù hợp với tình hình mới...
Kết luận
Trong những năm qua, Việt Nam tiếp tục tận dụng tốt cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế để khai thác tối đa các thị trường xuất khẩu, phát triển các thị trường mới. Mặc dù, hoạt động XNK của Việt Nam đạt được một số kết quả ấn tượng, song vẫn luôn tiềm ẩn nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng dịch bệnh bùng phát kéo dài.
Hoạt động XNK đã phải đối diện với nhiều rào cản như việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhu cầu thị trường chưa hồi phục đồng đều... Bối cảnh mới yêu cầu các cơ quan quản lý và DN tham gia XNK cần chủ động, linh hoạt triển khai các giải pháp để ứng phó với những ủi ro, tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy hoạt động XNK, đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế đất nước.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Công Thương, Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam các năm 2017, 2018, 2019, 2020;
2. Đỗ Thị Bích Thủy (2020), Đánh giá về hoạt động XNK của Việt Nam năm 2020 và 5 năm 2016-2020, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương;
3. Thế Hải (2021), Việt Nam liên tục xuất siêu trong giai đoạn 2016-2020, Báo Đầu tư;
4. Vũ Thị Giang, Tác động của đại dịch COVID-19 đến tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam, Tạp chí Công Thương;
5. Xuất nhập khẩu - động lực quan trọng cho tăng trưởng, Báo điện tử Đảng cộng sản, Link truy cập: https://dangcongsan.vn/kinh-te/xuat-nhap-khaudong-luc-quan-trong-cho-tang-truong-578552.html.
*ThS. Đỗ Minh Nam, ThS. Đỗ Văn Dũng, ThS. Trương Thị Thanh Loan -Trường Đại học Tài chính-Quản trị kinh doanh.
** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 10/2021