Hy Lạp công bố danh mục cải cách:
Sự nhượng bộ đau đớn
(Tài chính) Ủy ban châu Âu (EC) thông báo Hy Lạp đã công bố đúng thời hạn danh mục những cải cách cần thiết mà các chủ nợ quốc tế yêu cầu để đổi lấy việc tiếp tục gia hạn chương trình cứu trợ dành cho Athens. Đây là bước nhượng bộ đau đớn nhưng cần thiết của Chính quyền mới Hy Lạp để tránh nguy cơ vỡ nợ.
Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định Hy Lạp đã đúng hẹn, đồng thời cho biết danh sách mà Athens gửi lên khá đầy đủ và chi tiết, do đó có thể coi đây là một khởi đầu hợp lệ giúp Athens nhận được những phản hồi tích cực từ phía các chủ nợ quốc tế.
Danh sách cải cách của Hy Lạp bao gồm các biện pháp chống trốn thuế, buôn lậu nguyên liệu, thuốc lá và cải tổ khu vực nhà nước. Văn bản này cũng bao gồm những biện pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo, điều chỉnh nợ thuế và nợ xấu, chấm dứt việc tịch thu nhà để thế nợ. EC đặc biệt chú ý tới cam kết cải cách mạnh mẽ của Hy Lạp trong đấu tranh chống tham nhũng và trốn thuế.
Sau khi nghiên cứu, Eurozone đã chấp thuận các biện pháp cải cách của Athens, động thái được đánh giá là khá tích cực và cấp thiết bởi gói cứu trợ 240 tỷ euro của Hy Lạp sẽ hết hạn vào ngày 28.2, trong khi Quốc hội một số nước thành viên nhóm Eurogroup vẫn cần phải thông qua quyết định gia hạn gói cứu trợ.
Đánh giá về những chuyển động này, giới phân tích quốc tế nhận định cả châu Âu và Hy Lạp đều đã có những nhượng bộ cần thiết để tránh thêm căng thẳng không cần thiết trong lòng Lục địa Già.
Trước đó, việc đảng Syriza với chủ trương chống thắt lưng buộc bụng lên nắm quyền tại Hy Lạp đã làm dấy lên nguy cơ Hy Lạp rời khỏi EU. Tân Thủ tướng Alexis Tsipras khi đó đã tuyên bố ngừng chính sách thắt lưng buộc bụng mà đất nước thi hành 5 năm qua theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế để đổi lấy chương trình cứu trợ kinh tế.
Từ năm 2010 đến nay, Hy Lạp vẫn sống nhờ vào tiền của các chủ nợ quốc tế (gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF, Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB và EU). Ba tổ chức này đã cam kết cho Hy Lạp vay tổng cộng 240 tỷ euro với điều kiện nước này phải thực hiện một kế hoạch thắt lưng buộc bụng rất nghiêm ngặt.
Những kế hoạch khắc khổ này đang khiến cuộc sống của người dân Hy Lạp trở nên khó khăn và rất có thể đó là lý do khiến họ bỏ phiếu cho ông Tsipras, người cam kết khôi phục phẩm giá cho Hy Lạp, chấm dứt cắt giảm lương và chi tiêu công, đồng thời đối đầu với bộ ba chủ nợ quốc tế. Theo ông Tsipras, nếu không đạt được thỏa thuận thì Hy Lạp sẽ bị vỡ nợ và việc ra khỏi Eurozone là không thể tránh khỏi.
Về phần mình, châu Âu cũng nắn gân quốc gia được coi là một mắt xích yếu trong gia đình Eurozone của mình với thái độ kiên quyết. Cho tới trước khi có danh sách cải cách trên, những đề xuất của Hy Lạp đều vấp phải sự phản đối của EC và Đức.
Theo giới phân tích, sự nhượng bộ từ cả châu Âu và Athens đều cần thiết vì lợi ích chung. Với Hy Lạp, trong bối cảnh nền kinh tế đang kiệt quệ, khả năng rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ là điều Chính phủ nước này không mong muốn. Còn với châu Âu, kịch bản Athens vỡ nợ cũng gây thiệt hại nặng nề không kém, đặc biệt đối với các nước trong Eurozone. Châu Âu sẽ phải chứng kiến sự tháo chạy của dòng vốn ra khỏi khu vực này.
Chi phí vay mượn tại Eurozone tăng cùng với đầu tư giảm sút sẽ là trở ngại lớn đối với những nỗ lực phục hồi tăng trưởng của khu vực. Việc Hy Lạp ra khỏi Eurozone cũng có thể gây nguy cơ tạo nên hiệu ứng domino khiến các mắt xích yếu khác như Italy, Tây Ban Nha cũng có nguy cơ tan rã…
Vì thế, kịch bản tốt nhất mà Hy Lạp có thể kỳ vọng là thỏa thuận cứu trợ hiện tại được gia hạn. Các chủ nợ cũng có thể điều chỉnh thời gian đáo hạn của một số khoản nợ và yêu cầu trả nợ dựa theo tăng trưởng của Hy Lạp. Tuy nhiên, sự nhượng bộ khá đau đớn này sẽ khiến tân Thủ tướng Tsipras bị coi là bội hứa với cử tri khi đi ngược lại những cam kết trong chiến dịch tranh cử, đó là chấm dứt chính sách thắt lưng buộc bụng vốn được Chính phủ tiền nhiệm thực hiện trong suốt 5 năm qua.