Sửa đổi, bổ sung các biện pháp phòng, chống rửa tiền

Trang Trần

(Tài chính) Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 31/2014/TT-NHNN ngày 11/11/2014 có hiệu lực từ ngày 26/12/2014 về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền nhằm hướng dẫn đầy đủ và cụ thể hơn nữa các biện pháp phòng, chống rửa tiền.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo đó, Thông tư đã sửa đổi một số quy định về biện pháp đánh giá tăng cường đối với khách hàng có rủi ro cao; Danh sách cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị; Báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử. Đồng thời, Thông tư cũng bổ sung các quy định liên quan đến: Phân công, kiểm toán và đào tạo, bồi dưỡng về phòng, chống rửa tiền và phòng, chống tài trợ khủng bố.

Đánh giá tăng cường đối với khách hàng có rủi ro cao

Đối với khách hàng cá nhân có rủi ro cao, Thông tư sửa đổi yêu cầu các tổ chức tài chính thu thập bổ sung thông tin về mức thu nhập trung bình hàng tháng trong vòng ít nhất 3 tháng gần nhất (Thông tư 35 là 6 tháng gần nhất) của khách hàng. Đồng thời, bổ sung thêm thông tin về tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của cơ quan, tổ chức hoặc chủ cơ sở nơi làm việc hoặc có thu nhập chính của khách hàng.

Đối với khách hàng là tổ chức, Thông tư sửa đổi yêu cầu bổ sung thông tin về tổng doanh thu trong 2 năm gần nhất; Tên, địa chỉ, người đại diện theo pháp luật hoặc theo uỷ quyền của công ty mẹ (nếu khách hàng là công ty con) hoặc danh sách tên, địa chỉ, người đại diện theo pháp luật hoặc theo uỷ quyền của chi nhánh, công ty con, văn phòng đại diện (nếu khách hàng là công ty mẹ).

Ngoài việc bổ sung thông tin, đối tượng báo cáo cũng phải giám sát các giao dịch của khách hàng để đảm bảo giao dịch của khách hàng phù hợp với bản chất, mục đích thiết lập mối quan hệ và hoạt động của khách hàng; kịp thời phát hiện các giao dịch bất thường và xem xét báo cáo giao dịch đáng ngờ khi có đủ cơ sở hợp lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, cập nhật thông tin định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần hoặc khi đối tượng báo cáo biết thông tin về khách hàng đã có sự thay đổi.

Báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử

Tổ chức tài chính được phép thực hiện dịch vụ thanh toán trong nước, quốc tế phải báo cáo Cục Phòng, chống rửa tiền từng giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước có mức giá trị từ 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng trở lên hoặc ngoại tệ có giá trị tương đương và giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế ra vào Việt Nam có mức giá trị từ 1.000 (một nghìn) đô la Mỹ trở lên hoặc bằng ngoại tệ khác có giá trị tương đương. Tuy nhiên, ngoại trừ 2 giao dịch chuyển tiền điện tử sau không phải báo cáo:

Một là, giao dịch chuyển tiền bắt nguồn từ giao dịch sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng hoặc thẻ trả trước để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ;

Hai là, giao dịch chuyển tiền và thanh toán giữa các tổ chức tài chính mà người khởi tạo và người thụ hưởng đều là các tổ chức tài chính.

Đối với các giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước thì tổ chức tài chính phát lệnh chuyển tiền phải báo cáo và có trách nhiệm thu thập đầy đủ thông tin về cá nhân, tổ chức phát lệnh chuyển tiền. Tổ chức tài chính phục vụ người thụ hưởng có trách nhiệm thu thập đầy đủ thông tin về cá nhân, tổ chức thụ hưởng theo quy định và báo cáo Cục Phòng, chống rửa tiền khi được yêu cầu.

Phân công cán bộ, bộ phận chịu trách nhiệm về phòng, chống rửa tiền

Tổ chức tài chính, tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan phải phân công một thành viên Ban lãnh đạo hoặc người được Ban lãnh đạo ủy quyền chịu trách nhiệm về tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền tại đơn vị và đăng ký với Cục Phòng, chống rửa tiền kèm các thông tin chi tiết như họ tên, địa chỉ nơi làm việc, số điện thoại, số fax, địa chỉ hòm thư điện tử để liên lạc khi cần thiết.

Thông tư mới cũng quy định, trong trường hợp thay đổi người phụ trách phòng, chống rửa tiền hoặc thông tin liên quan đến người này thì các tổ chức tài chính, tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan phải thông báo kịp thời bằng văn bản cho Cục Phòng, chống rửa tiền.

Bên cạnh đó, tùy theo quy mô, phạm vi và đặc thù hoạt động, tổ chức tài chính, tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan phải thành lập bộ phận chuyên trách (tổ, phòng, ban) hoặc chỉ định một bộ phận tại trụ sở chính chịu trách nhiệm về phòng, chống rửa tiền; tại sở giao dịch, chi nhánh (nếu có) phải phân công một hoặc một số cán bộ hoặc bộ phận chịu trách nhiệm về phòng, chống rửa tiền.

Kiểm toán nội bộ về phòng, chống rửa tiền

Hàng năm, tổ chức tài chính, tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan phải tiến hành kiểm toán nội bộ về phòng, chống rửa tiền (có thể được tiến hành độc lập hoặc kết hợp với các nội dung khác). Nội dung kiểm toán nội bộ bao gồm: kiểm tra, rà soát, đánh giá một cách độc lập, khách quan hệ thống kiểm soát nội bộ, việc tuân thủ quy chế nội bộ và kiến nghị, đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác phòng, chống rửa tiền.

Theo đó, mọi vi phạm được phát hiện trong quá trình kiểm toán nội bộ phải được báo cáo cho người phụ trách phòng, chống rửa tiền và người đứng đầu của đối tượng báo cáo để xử lý.

Thông tư cũng quy định, tổ chức tài chính, tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan phải gửi báo cáo kiểm toán nội bộ về phòng, chống rửa tiền cho Cục Phòng, chống rửa tiền chậm nhất sau 60 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Đào tạo, bồi dưỡng về phòng, chống rửa tiền

Hàng năm, tổ chức tài chính, tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan phải đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên chuyên trách hoặc bán chuyên trách phòng, chống rửa tiền và cán bộ, nhân viên được giao nhiệm vụ liên quan đến giao dịch tiền, tài sản với khách hàng về nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền.

Bên cạnh đó, nhân viên mới tuyển dụng dự kiến đảm trách nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền và các nhiệm vụ khác liên quan đến giao dịch tiền, tài sản với khách hàng phải được đào tạo kiến thức, nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền trong vòng 6 tháng kể từ ngày được tuyển dụng.

Nội dung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền tối thiểu phải bao gồm: quy định của pháp luật và quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền; trách nhiệm pháp lý khi không thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền; phương thức, thủ đoạn rửa tiền; rủi ro rửa tiền liên quan đến sản phẩm, dịch vụ, nhiệm vụ mà cán bộ, nhân viên được giao thực hiện.