Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN: Cần thiết, khách quan, kịp thời, đúng lúc
(Tài chính) Theo Nghị quyết số 23/2012/QH13 ngày 12/6/2012 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội Khoá XIII và năm 2013 của Quốc hội, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2013. FinancePlus.vn xin nêu rõ cơ sở, đạo lý và mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung này.
Cần thiết phải sửa đổi, bổ sung
Theo yêu cầu thực tế
Qua 4 năm thực hiện, Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12 đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra khi ban hành là tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thuận lợi, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong cạnh tranh; thực hiện giảm mức thuế chung để doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy, tích tụ đổi mới thiết bị, đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc sửa đổi quy định về ưu đãi thuế đã góp phần tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, khuyến khích và thu hút đầu tư có chọn lọc để phát triển các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và một số ít ngành, lĩnh vực quan trọng theo chính sách phát triển của Nhà nước, đồng thời, góp phần đảm bảo nguồn thu cho Ngân sách nhà nước. Chính sách thuế đã ngày càng công khai, minh bạch, đơn giản, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan và phù hợp với thực tiễn; Bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.
Tuy nhiên, việc áp dụng Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12 cũng còn nhiều hạn chế phát sinh trong thực tiễn, một số quy định trong Luật đã không theo kịp sự vận động, biến đổi của tình hình mới, cần điểu chỉnh. Cụ thể:
- Chính sách ưu đãi thuế TNDN tuy đã được sắp xếp lại theo hướng thu hẹp về lĩnh vực, ngành nghề nhưng mới hướng vào việc khuyến khích đầu tư lập doanh nghiệp mới nên chưa tạo động lực khuyến khích các doanh nghiệp đang hoạt động bỏ thêm vốn đầu tư, do vậy, chưa phát huy hết hiệu quả phân bổ nguồn lực trong đầu tư để đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế theo vùng và lãnh thổ, nhất là thu hút đầu tư vào các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Không có quy định ưu đãi thuế đối với đầu tư mở rộng, DN có quy mô nhỏ và vừa, nên chưa tạo động lực khuyến khích thu hút đầu tư, góp phần vào việc phân bổ nguồn lực có hiệu quả;
- Một số khoản thu nhập chịu thuế mới phát sinh trong thực tiễn, như: Thu nhập từ các hoạt động chuyển nhượng quyền kinh doanh như chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác chế biến khoáng sản; chuyển nhượng quyền góp vốn đầu tư, quyền tham gia dự án... chưa được điều chỉnh trong Luật, Bộ Tài chính, trong phạm vi chức năng, quyền hạn được giao, đang trình Chính phủ có quy định để điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn phát sinh; Một số khoản thu nhập cần được miễn thuế để phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế, cần bổ sung vào Luật để đảm bảo chính sách rõ ràng, minh bạch và cơ sở pháp lý;
- Một số quy định về các khoản chi phí được trừ và không được trừ chưa thật sự phù hợp với tình hình phát triển kinh tế trong thời gian tới, chưa góp phần vào việc kiểm soát thu nhập, chi phí của DN, như: Chưa có quy định về khống chế tỷ lệ vốn vay so với vốn chủ sở hữu (vốn mỏng) được tính vào chi phí; Chưa có quy định về điều kiện tính vào chi phí phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt; Quy định về định mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu, về các khoản chi của doanh nghiệp tham gia tài trợ cho hoạt động xã hội; về tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại không còn phù hợp với thực tiễn; ...
Theo định hướng của "Mục tiêu thực hiện Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011 - 2020", cần điều chỉnh giảm mức động viên thuế tạo điều kiện tăng tích luỹ, tích tụ cho doanh nghiệp
- Hiện nay, mức thuế suất phổ thông của ta không cao hơn các nước trong khu vực nhưng không còn hấp dẫn, cạnh tranh so với các nước trong khu vực, nhất là gần đây các nước trên thế giới có xu hướng giảm thuế TNDN, do vậy, chúng ta cần phải nghiên cứu từng bước điều chỉnh giảm để đảm bảo sự hấp dẫn trong thu hút đầu tư, khuyến khích sản xuất kinh doanh, phù hợp với xu thế cải cách thuế của thế giới;
- Theo Chiến lược cải cách thuế của nước ta đến năm 2020 thì cần giảm dần mức động viên để đến năm 2020 mức thuế suất thuế TNDN giảm xuống còn 20% (mức thuế suất phổ thông theo quy định của Luật hiện hành là 25%) theo hướng giảm dần mức thuế suất phổ thông để tạo sự hấp dẫn, tăng tính cạnh tranh môi trường trong thu hút đầu tư, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy tái đầu tư, khi doanh nghiệp phát triển sẽ tạo ra nhiều hàng hóa, của cải vật chất cho xã hội, tạo thêm nhiều lợi nhuận và thuế nộp cho NSNN cũng sẽ tăng thêm.
Theo yêu cầu đảm bảo chính sách rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người nộp thuế và công tác quản lý thuế, tạo điều kiện cho việc hiện đại hoá quản lý thuế
- Hiện thủ tục tính, thu nộp thuế TNDN của ta còn phức tạp, chưa thống nhất về nhiều mặt như: phân loại đối tượng và diện nộp thuế, đối tượng ưu đãi, miễn giảm thuế, mức áp thuế,... Ngoài ra, các vấn đề khác như hóa đơn chứng từ, cách thức kê khai, thủ tục thu nộp... vẫn là vấn đề cần phải tiếp tục cải tiến, sửa đổi theo hướng hiện đại, thuận tiện, phù hợp với các Luật thuế và các quy định về thủ tục hành chính hiện hành.
- Để kịp thời khắc phục những bất cập của Luật thuế TNDN hiện hành, đảm bảo đơn giản hoá chính sách, đáp ứng yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hoá công tác quản lý thuế nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới thì việc sửa đổi Luật thuế TNDN là cần thiết, khách quan.
Mục tiêu, yêu cầu sửa đổi:
1. Kiên trì mục tiêu dài hạn đã đặt ra khi ban hành Luật thuế TNDN năm 2008:
(i) Tiếp tục tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bảo đảm công bằng, bình đẳng trong cạnh tranh; thực hiện giảm mức thuế suất chung để doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích luỹ, tích tụ đổi mới thiết bị, đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh;
(ii) Tiếp tục cải cách ưu đãi thuế nhằm tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, khuyến khích và thu hút đầu tư có chọn lọc để phát triển các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và một số ít ngành, lĩnh vực quan trọng theo chính sách phát triển của Nhà nước trong giai đoạn tới;
2. Chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề bất cập so với thực tế, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và có tính ổn định; việc sửa đổi tác động giảm thu ngân sách nhà nước trong vài năm đầu nhưng phải đảm bảo ổn định và tăng trưởng nguồn thu ngân sách nhà nước trong trung và dài hạn;
3. Đảm bảo đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và góp phần thúc đẩy cải cách hành chính và hiện đại hoá công tác quản lý thuế;
4. Góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh so với các nước trong khu vực, các nước có điều kiện tương đồng với nước ta, phù hợp với xu thế cải cách thuế và thông lệ quốc tế.