Sửa đổi, bổ sung quy định về phí, lệ phí để đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Thời gian qua, các văn bản quy phạm pháp luật về phí, lệ phí đã được triển khai khẩn trương, kịp thời, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, thời hạn, đảm bảo hoạt động cung cấp dịch vụ thu phí, lệ phí không gián đoạn. Tuy nhiên, trong sự vận động, phát triển không ngừng của kinh tế thị trường đã phát sinh một số vấn đề cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định về phí, lệ phí nhằm giải quyết những tồn tại, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội đã đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm đồng bộ với các quy định pháp luật liên quan, giải quyết một số vấn đề tồn tại, phát sinh.
Ban hành kịp thời các văn bản pháp luật về phí, lệ phí
Luật Phí, lệ phí đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 25/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017, bãi bỏ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2011/PL-UBTVQH10. Đây là đạo luật quan trọng là bước ngoặt mới trong quản lý phí, lệ phí, tạo hành lang pháp lý mới đầy đủ và đồng bộ hơn. Luật được xây dựng với mục tiêu là thiết lập khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ về quản lý phí, lệ phí, đảm bảo thống nhất, phù hợp với quy định tại Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và các văn bản pháp luật có liên quan; Từng bước tập trung phản ánh kịp thời, đầy đủ nguồn thu từ phí, lệ phí, khắc phục hạn chế trong quản lý nguồn thu từ phí, lệ phí...
Để kịp thời hướng dẫn triển khai và tổ chức thi hành Luật Phí và lệ phí, ngày 23/8/2016 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 120/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí. Nghị định gồm các nội dung cơ bản như:
Thứ nhất, quy định cụ thể về kê khai, thu, nộp phí, lệ phí. Theo quy định hiện hành, có 2 đối tượng thuộc diện phải thực hiện kê khai, nộp phí, lệ phí, đó là: người nộp phí, lệ phí và tổ chức thu phí, lệ phí. Theo đó, để đảm bảo rõ ràng, minh bạch, Nghị định quy định cụ thể về kê khai, thu, nộp, quyết toán phí, lệ phí đối với người nộp phí, lệ phí và tổ chức thu phí, lệ phí.
Thứ hai, quy định cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động được khấu trừ từ nguồn thu phí. Theo đó, cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động bao gồm: Cơ quan thực hiện cơ chế tài chính theo quy định của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc sử dụng biên chế và sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước; Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; Cơ quan công an, quốc phòng được giao cung cấp dịch vụ, phục vụ công việc quản lý nhà nước được thu phí theo quy định của Luật Phí và lệ phí.
Thứ ba, hướng dẫn rõ công thức xác định tỷ lệ để lại và trách nhiệm của tổ chức thu phí, cơ quan quản lý trong việc xây dựng, đề xuất mức tỷ lệ để lại. Theo đó, tỷ lệ để lại được căn cứ vào dự toán cả năm về chi phí cần thiết cho các hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí và dự toán cả năm về phí thu được do tổ chức thu thực hiện.
Thứ tư, bổ sung các nội dung chi từ nguồn phí được để lại để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí để đảm bảo phù hợp với quy định tại Luật Phí và lệ phí và đồng bộ với quy định về cơ chế tài chính. Cụ thể, số tiền phí để lại cho tổ chức thu phí được chi dùng cho các nội dung sau: (i) Đối với cơ quan nhà nước được sử dụng số tiền phí để lại để chi cho các nội dung: Chi thực hiện chế độ tự chủ; Chi không thực hiện chế độ tự chủ. Ngoài các nội dung chi này, cơ quan nhà nước thực hiện cơ chế tài chính được sử dụng theo quy định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; (ii) Đối với đơn vị sự nghiệp công lập thì số tiền phí để lại được chi cho các nội dung: Chi thường xuyên, chi nhiệm vụ không thường xuyên.
Thứ năm, bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức thu phí, lệ phí, trách nhiệm của cơ quan nhà nước chuyên ngành trong việc xây dựng, đề xuất mức thu phí, lệ phí... nhằm đồng bộ, khả thi trong quá trình thực hiện Luật Phí và lệ phí.
Thực tiễn phát sinh một số vấn đề
Bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn khi thực hiện Nghị định số 120/2016/NĐ-CP có một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung. Luật Phí và lệ phí quy định phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện phải nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN), trường hợp cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thì được khấu trừ, phần còn lại nộp NSNN.
Căn cứ quy định nêu trên, tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP quy định nguyên tắc quản lý, sử dụng phí, việc xác định số tiền phí được khấu trừ hoặc để lại cho tổ chức thu phí, các nội dung chi từ nguồn phí được để lại và cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động.
Trong quá trình thực hiện Nghị định số 120/2016/NĐ-CP đã có phát sinh vướng mắc về cách hiểu quy định về cơ quan được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí. Có cách hiểu là cơ quan nhà nước thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP, ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07/10/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP là cơ quan được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí (được để lại tiền phí thu được). Tuy nhiên, cũng có cách hiểu là các cơ quan nhà nước thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP, Nghị định số 117/2013/NĐ-CP phải được khoán thu – chi trong dự toán được giao hàng năm.
Một số cơ quan nhà nước được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng cơ chế tài chính gắn với đặc thù, được để lại tiền phí thu được để chi cho nội dung đặc thù (chi thu nhập tăng thêm, chi đầu tư…). Các nội dung chi được quy định tại các Nghị định của Chính phủ hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, để thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết số 18-NQ/TW thì cơ chế quản lý tài chính và thu nhập của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước đang được rà soát sửa đổi để đảm bảo đồng bộ, toàn diện và thống nhất. Do vậy, cũng cần phải sửa đổi quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện Nghị định số 120/2016/NĐ-CP, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan như: Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14; Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, ngày 19/10/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, đã bỏ quy định về quyết toán lệ phí so với quy định trước đó. Nghị định số 126/2020/NĐ-CP đã quy định cụ thể khai, nộp phí, lệ phí do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thu; phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện quá cảnh do cơ quan hải quan quản lý thu.
Ngày 20/01/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2020/NĐ-CP quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước; Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, ngày 19/10/2020 quy định về hoá đơn. Trong đó, có quy định về in, phát hành, quản lý, sử dụng, lập và cấp biên lai thu phí, lệ phí (trước đó, thực hiện theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính). Từ các nội dung trên, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 120/2016/NĐ-CP để phù hợp với tình hình thực tế.
Sửa để đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Tại Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí, Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cụ thể là:
Về kê khai, thu, nộp, quyết toán phí, lệ phí
Dự thảo đã đề xuất, người nộp phí, lệ phí thực hiện kê khai, nộp phí, lệ phí theo tháng, quý, năm hoặc theo từng lần phát sinh; nộp phí, lệ phí cho cơ quan thu hoặc Kho bạc Nhà nước bằng các hình thức: nộp trực tiếp bằng tiền mặt hoặc thông qua tổ chức tín dụng, tổ chức dịch vụ và hình thức khác theo quy định của pháp luật. Căn cứ tính chất, đặc điểm của từng khoản phí, lệ phí, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Phí và lệ phí quy định cụ thể hình thức nộp, kỳ kê khai, nộp phí, lệ phí cho phù hợp.
Để đảm bảo đồng bộ về khai, nộp phí, lệ phí và phù hợp với pháp luật quản lý thuế, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho sửa đổi quy định về tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện kê khai, nộp phí, lệ phí thu được. Theo đó, định kỳ hàng ngày, tuần hoặc tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí thu được vào Tài khoản phí chờ nộp ngân sách tại Kho bạc Nhà nước; tổ chức thu lệ phí phải gửi số tiền lệ phí thu được vào Tài khoản lệ phí chờ nộp ngân sách hoặc nộp lệ phí vào tài khoản thu ngân sách tại Kho bạc nhà nước.
Căn cứ số tiền phí, lệ phí thu được nhiều hay ít, nơi thu phí xa hay gần Kho bạc Nhà nước, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Phí và lệ phí quy định định kỳ ngày, tuần hoặc tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu được trong kỳ vào Tài khoản phí chờ nộp ngân sách; tổ chức thu lệ phí phải gửi số tiền lệ phí đã thu được trong kỳ vào Tài khoản lệ phí chờ nộp ngân sách hoặc tài khoản thu ngân sách.
Tổ chức thu phí kê khai, nộp tiền phí thu được vào NSNN theo tháng, quyết toán năm và tổ chức thu lệ phí kê khai, nộp lệ phí thu được vào NSNN theo tháng theo quy định của Luật Quản lý thuế, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30/10/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP. Tổ chức thu phí hải quan, lệ phí hàng hóa, hành lý, phương tiện vận tải quá cảnh, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thu phí, lệ phí thực hiện kê khai, nộp phí, lệ phí theo quy định tại Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.
Theo Bộ Tài chính, hiện nay, việc lập và cấp chứng từ thu phí, lệ phí thực hiện theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ và Nghị định số 11/2020/NĐ-CP, ngày 20/01/2020 của Chính phủ về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước. Để thống nhất thực hiện phát hành, quản lý, sử dụng biên lai thu phí, Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi khoản 3 Điều 3 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP. Theo đó, tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện lập và cấp chứng từ thu phí, lệ phí theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP; Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Về xác định tỷ lệ để lại và quản lý, sử dụng phí
Qua đánh giá quá trình thực hiện Nghị định số 120/2016/NĐ-CP cho thấy, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Phí và lệ phí và khoản 1 Điều 5 Luật NSNN thì quy định để lại tiền phí thu được cho cơ quan nhà nước tại Nghị định số 120/2016/NĐ-CP là phù hợp và đồng bộ với cơ chế tài chính đặc thù của cơ quan nhà nước hiện hành theo Nghị quyết số 69/2022/QH15 và không trái với Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 21/5/2018. Tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, Trung ương giao điều chỉnh chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức (điều chỉnh về nội dung liên quan đến chi); không có nội dung yêu cầu điều chỉnh nguồn thu phí nộp NSNN. Nghị quyết số 27-NQ/TW vẫn khuyến khích cơ quan nhà nước thực hiện tự chủ tài chính và sử dụng nguồn thu từ sự nghiệp dịch vụ công (thu phí cung cấp dịch vụ công). Căn cứ thực tiễn trên, Dự thảo giữ quy định hiện hành; bổ sung thêm nội dung: Cho phép cơ quan áp dụng cơ chế tài chính gắn với đặc thù được áp dụng cho đến khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Bên cạnh đó, để đảm bảo tiền phí nộp kịp thời vào NSNN, hạn chế chuyển nguồn số dư phí qua nhiều năm, Dự thảo sửa đổi khoản 5 Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP. Theo đó, hằng năm, tổ chức thu phí (cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập) phải quyết toán thu, chi theo quy định. Sau khi quyết toán thu, chi đúng chế độ, số tiền phí được trích để lại chưa chi trong năm được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định; trường hợp hết 02 năm kể từ năm được chuyển nguồn, số tiền phí đã được chuyển nguồn không còn nhiệm vụ chi thì phải nộp toàn bộ vào NSNN.
Tài liệu tham khảo:
- Quốc hội (2015), Luật phí và lệ phí;
- Chính phủ (2016), Nghị định số 120/2016/NĐ-CP;
- Bộ Tài chính (2022), Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 120/2016/NĐ-CP;
- Tạp chí Tài chính (2023), Sửa đổi, bổ sung quy định về phí, lệ phí đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát sinh.