Sửa đổi, bổ sung quy định về tạm nhập tái xuất
Thủ tục hải quan đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất được nghiên cứu sửa đổi tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý của cơ quan Hải quan.
Vướng mắc về gia hạn thời hạn
Theo ban soạn thảo, hiện nay tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP có quy định cụ thể hồ sơ hải quan tạm nhập – tái xuất, tạm xuất – tái nhập tương ứng với từng loại hàng hóa cụ thể nhưng chưa tách biệt hồ sơ tạm nhập, hồ sơ tái xuất, hồ sơ tạm xuất, hồ sơ tái nhập.
Bên cạnh đó, về gia hạn thời hạn tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, tại khoản 3 Điều 41, khoản 3 Điều 42 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 quy định: “thời hạn tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập thực hiện theo thỏa thuận của thương nhân với bên đối tác và đăng ký với cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập, tạm xuất”.
Tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định, đối với các trường hợp gồm: tạm nhập - tái xuất, tạm xuất- tái nhập tàu bay, tàu biển để sửa chữa, bảo dưỡng (Điều 51); tạm nhập - tái xuất linh kiện, phụ tùng, vật dụng để phục vụ thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay nước ngoài (Điều 52); tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập hàng hóa để phục vụ công việc trong thời hạn nhất định (Điều 54); tạm nhập- tái xuất, tạm xuất- tái nhập để sửa chữa, bảo dưỡng (Điều 55), chỉ quy định thời hạn tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập phải đăng ký với cơ quan Hải quan, không quy định thủ tục kéo dài thời hạn tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập, cũng không có quy định cấm việc thay đổi thời hạn tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập đã đăng ký với cơ quan Hải quan.
Về thủ tục tạm nhập tái xuất đối với phương tiện quay vòng, theo quy định tại khoản 22 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP thì chỉ đối với container rỗng mới phải làm thủ tục tạm nhập - tái xuất. Quy định này không phù hợp vì thực tế có trường hợp khi vào Việt Nam thì container có chứa hàng, khi xuất lại là container rỗng, dẫn đến khó khăn trong việc theo dõi quản lý của cơ quan Hải quan.
Thực tế hiện nay cũng phát sinh vướng mắc về thủ tục đối với hàng hóa cung ứng lên tàu biển xuất cảnh. Theo quy định tại Luật Thuế xuất nhập khẩu, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế giá trị gia tăng và các văn bản hướng dẫn liên quan thì hàng hóa tạm nhập tái xuất để cung ứng lên tàu biển nước ngoài neo đậu tại cảng Việt Nam thuộc đối tượng miễn thuế nhập khẩu, không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, không chịu thuế giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, hiện tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và Nghị định aooa 59/2018/NĐ-CP chưa quy định cụ thể đối với loại hình này. Hiện nay, các chủ tàu nước ngoài sẽ gửi hàng đến các doanh nghiệp Việt Nam bằng đường không hoặc đặt hàng các doanh nghiệp Việt Nam, các mặt hàng chủ yếu là thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt thiết yếu... cung ứng (tái xuất nguyên trạng hàng tạm nhập) để phục vụ khách du lịch trên các tàu nước ngoài nhập cảnh vào cảng biển Việt Nam sau đó tiếp tục xuất.
Vì chưa có quy định về thủ tục cho loại hình này, nên các doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện gửi kho ngoại quan. Theo kiến nghị của doanh nghiệp, hoạt động này đang rất phát triển, nhất là các nước có nhiều cảng biển như Việt Nam và là một trong dịch vụ tại các cảng biển quốc tế.
Bên cạnh những nội dung trên, qua quá trình rà soát của cơ quan Hải quan cũng phát sinh vấn đề cần sửa đổi, bổ sung thủ tục về vấn đề người khai hải quan, về địa điểm làm thủ tục hải quan để giải quyết vướng mắc đối với hàng hóa tạm nhập – tái xuất để phục vụ công việc trong thời gian nhất định mang tính đặc thù, về thủ tục cung ứng suất ăn lên tàu bay xuất cảnh.
Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện
Để tháo gỡ những vướng mắc hiện nay về thủ tục hải quan đối với các hàng hóa tạm nhập - tái xuất nêu trên, Tổng cục Hải quan đang đề xuất giải pháp sửa đổi, bổ sung các quy định. Theo đó, bổ sung quy định về thủ tục hải quan, cơ chế quản lý đối với vỏ container có chứa hàng hóa nhập khẩu tại Điều 49. Bổ sung quy định container có chứa hàng xuất khẩu, nhập khẩu cũng phải làm thủ tục hải quan đồng thời bổ sung quy định về giám sát đối với phương tiện quay vòng.
Dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định về thời gian gia hạn và thủ tục gia hạn đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất tại các Điều 51, 52, 53, 54, 55. Sửa đổi nội dung về người khai hải quan quy định tại Điều 52, đồng thời rà soát sửa đổi, bổ sung chứng từ thuộc hồ sơ hải quan như: Bổ sung hợp đồng bảo hành, sửa tên giấy phép theo đúng quy định của Luật Quản lý ngoại thương....
Bên cạnh đó, sửa đổi bổ sung quy định về địa điểm làm thủ tục hải quan tại khoản 1, khoản 4 Điều 54 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP theo hướng mở rộng hơn, cụ thể: được thực hiện thủ tục hải quan tại chi cục hải quan cửa khẩu hoặc chi cục hải quan chuyển phát nhanh hoặc chi cục hải quan nơi quản lý địa bàn diễn ra sự kiện thể thao.
Đồng thời, dự thảo bổ sung 1 Điều quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cung ứng lên tàu bay xuất cảnh (không phân biệt tàu bay nước ngoài hay tàu bay Việt Nam) và 1 Điều quy định về thủ tục tạm nhập – tái xuất để cung ứng lên tàu biển nước ngoài neo đậu tại cảng biển Việt Nam.