Sửa đổi hàng loạt văn bản để hướng dẫn Luật Hải quan sửa đổi
(Tài chính) Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh cho biết, để triển khai thống nhất, đồng bộ và hiệu quả những quy định của Luật Hải quan sửa đổi sẽ có hiệu lực từ 1/1/2015, Tổng cục Hải quan dự kiến xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn, gồm: 4 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 12 Thông tư.
4 Nghị định Chính phủ hướng dẫn Luật Hải quan sửa đổi, đó là: Nghị định quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan. Để triển khai Nghị định này sẽ sửa đổi một loạt các văn bản: Nghị định 154/2005/NĐ-CP,Nghị định 87/2012/NĐ-CP, Nghị định 14/2011/NĐ-CP, Nghị định 06/2003/NĐ-CP, Quyết định 24/2009/QĐ-TTg, Quyết định về việc thực hiện tiếp nhận bản khai hàng hóa, các chứng từ có liên quan và thông quan điện tử đối với tàu biển, tàu bay nhập cảnh, xuất cảnh; Thông tư liên tịch số 37/2001/TTLT/BKHCNMT-TCHQ;
Về Nghị định về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), để xây dựng Nghị định này sẽ phải sửa đổi Nghị định 40/2007/NĐ-CP ngày 16/3/2007 quy định về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa XNK;
Về Nghị định quy định phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; quan hệ phối hợp trong phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan. Để xây dựng Nghị định này sẽ phải sửa đổi Nghị định 107/2002/NĐ-CP ngày 23/12/2002.
Đồng thời xây dựng mới Nghị định quy định tiêu chí thành lập Cục Hải quan, tổ chức nhiệm vụ, hoạt động của hải quan các cấp.
Đối với 12 Thông tư hướng dẫn Luật Hải quan sửa đổi, bao gồm: Thông tư quy định việc áp dụng chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp đủ điều kiện. (sẽ phải sửa đổi các Thông tư: 86/2013/TT-BTC và Thông tư 133/2013/TT-BTC);
Thông tư hướng dẫn việc phân loại, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa XNK (sửa Thông tư 49/2010/TT-BTC);
Thông tư về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa XNK (sửa Thông tư 205/2010/TT-BTC và Thông tư 29/2014/TT-BTC);
Thông tư quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thuế XNK và quản lý thuế đối với hàng hóa XNK (sẽ phải sửa các Thông tư: 128/2013/TT-BTC, 22/2014/TT-BTC, 196/2012/TT-BTC, 45/2007/TT-BTC, 44/2011/TT-BTC, 183/2012/TT-BTC, 186/2012/TT-BTC, 190/2011/TT-BTC, 80/2011/TT-BTC, 45/2011/TT-BTC, 64/2011/TT-BTC, 175/2013/TT-BTC, 15/2012/TT-BTC... và các nội dung về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoa trung chuyển tại các Thông tư liên tịch: 08/2004/TTLT-BTM-BTC-BGTVT, 62/2011/TTLT-BCT-BTC-BGTVT);
Thông tư hướng dẫn thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với một số loại hàng hóa kinh doanh tạm nhập - tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan (sửa Thông tư 59/2013/TT-BTC); Thông tư về thủ tục hải quan và quản lý xe ô tô, xe gắn máy của đối tượng được phép NK, tạm NK theo chế độ phi mậu dịch (sửa Thông tư 02/2001/TT-BTC);
Đồng thời xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 13/2014/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa gia công với nước ngoài; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 15/2014/TT-BTC hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng trong khu vực giám sát hải quan; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 99/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện, hành hóa XNK gửi qua dịch vụ bưu chính; Thông tư quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa XNK của doanh nghiệp chế xuất; Thông tư thay thế các Quyết định: 29/2006/QĐ-BTC, 42/2006/QĐ-BTC; Thông tư quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh đường hàng không quốc tế và dịch vụ chuyển phát nhanh đường bộ (sửa thông tư 100/2010/TT-BTC và Thông tư 36/2011/TT-BTC).
Theo lộ trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn Luật Hải quan sửa đổi sẽ phải ban hành vào khoảng giữa tháng 11/2014 để có hiệu lực thi hành vào ngày 1/1/2015, đúng với ngày hiệu lực thi hành của Luật Hải quan sửa đổi.
Vì vậy, việc rà soát, đánh giá quá trình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, và việc triển khai lấy ý kiến trong toàn ngành, các Bộ, ngành liên quan và cộng đồng doanh nghiệp vào dự thảo, thực hiện các thủ tục xây dựng văn bản để trình cấp có thẩm quyền ban hành, đảm bảo chất lượng và tiến độ theo kế hoạch... là việc làm gấp rút mà Tổng cục Hải quan đang phải triển khai.