Nhiều lao động “khai man” để trục lợi bảo hiểm thất nghiệp
Nhằm trục lợi từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, nhiều lao động mặc dù đã có việc làm vẫn không khai báo, thậm chí mượn giấy tờ của người thân để ký hợp đồng lao động.
Thông tin tại Hội nghị Truyền thông về việc làm đối với các cơ quan báo chí khu vực phía Nam, do Bộ lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức tại TP. Cần Thơ ngày 18/9, ông Trần Tuấn Tú – Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Cục Việc làm) cho biết: Chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là chính sách mới trong các chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, là công cụ quản trị thị trường lao động, là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm. Song quan trọng hơn vẫn là tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm.
Đến nay, các chính sách về BHTN đã được ban hành đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, đáp ứng được những vấn đề đặt ra và theo thông lệ quốc tế. Các chính sách đã đi vào cuộc sống, hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động, thực sự là điểm tựa của người lao động, người sử dụng lao động; góp phần đảm bảo an sinh xã hội; được các ngành, các cấp và xã hội đánh giá cao.
Số người tham gia BHTN liên tục tăng qua từng năm. Nếu năm 2009 mới chỉ có gần 6 triệu người tham gia BHTN thì đến nay là gần 13 triệu người tham gia, bằng 87,7% tổng số người tham gia BHXH bắt buộc (14,45 triệu người); tổng số đơn vị tham gia BHTN là 361.586 đơn vị, đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề ngày càng được tăng cường và hiệu quả; 96,8% người lao động sau khi mất việc làm được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, hơn 180 nghìn người được hỗ trợ học nghề.
Tổng số tiền thu BHTN không ngừng tăng qua các năm. Tính đến thời điểm năm 2018, bình quân số tiền đóng BHTN hằng tháng của người lao động là trên 4,9 triệu đồng, tăng 9,94% so với bình quân tiền đóng năm 2017. Tổng số tiền thu BHTN năm 2018 là trên 15.500 tỷ đồng, tăng 14,9% so với tổng số tiền thu năm 2017 (13.517 tỷ đồng).
Ông Trần Tuấn Tú cũng thông tin thêm về một số vấn đề dư luận quan tâm, đó là có vỡ Quỹ BHXH hay không? “Không có chuyện vỡ quỹ BHXH hay BHTN, bởi ở đây có sự quản lý của Chính phủ. Nếu có chỉ là mất cân đối thu chi ở một chừng mực nào đó mà thôi” – ông Trần Tuấn Tú khẳng định.
Theo lãnh đạo Cục Việc làm, một trong những nguyên nhân khiến xảy ra nguy cơ mất cân đối Quỹ BHTN đó là trình trạng trục lợi Quỹ BHTN đang diễn ra phổ biến. Các Trung tâm dịch vụ việc làm khi tiếp nhận hồ sơ giải quyết BHTN của người lao động là không có gì sai, bởi sổ bảo hiểm, mức đóng đã cụ thể trên hệ thống. Tuy nhiên, người lao động đã có việc làm nhưng trong thời gian hưởng chế độ, chờ nhận hồ sơ vẫn không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm.
Bên cạnh đó, người sử dụng lao động nhận lao động vào làm việc nhưng trong quá trình thử việc không tham gia đóng BHXH, BHTN cho họ. Thậm chí, người lao động mượn giấy tờ của người thân để đi làm để trốn đóng bảo hiểm mà vẫn hưởng lợi từ chế độ BHTN.
Về chỉ tiêu trong thời gian tới, lãnh đạo Cục Việc làm thông tin: Giai đoạn đến năm 2021: Phấn đấu đạt khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; tỉ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Giai đoạn đến năm 2025: phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Giai đoạn đến năm 2031: phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp.