Sửa quy định kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2015/TT-NHNN ngày 06/01/2015 quy định hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (CN NHNNg).
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), các quy định của pháp luật liên quan, tình hình thực tế về hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất của các ngân hàng thương mại, CN NHNNg và để đảm bảo việc thực hiện sản phẩm phái sinh lãi suất an toàn, hiệu quả và phù hợp với quy định của pháp luật, đồng thời tăng cường phát triển thị trường phái sinh, Ngân hàng Nhà nước dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2015/TT-NHNN.
Dự thảo bổ sung đối tượng được thực hiện sản phẩm phái sinh lãi suất bao gồm nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức sở hữu trái phiếu Chính phủ phát hành bằng VND tại thị trường trong nước. Ngân hàng Nhà nước cho biết quy định này nhằm mục đích tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức (các quỹ đầu tư nước ngoài, các tổ chức quốc tế như IFC, ADB...) đầu tư vào trái phiếu Chính phủ phát hành bằng VND tại thị trường trong nước được thực hiện giao dịch phái sinh lãi suất nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro về lãi suất cho trái phiếu Chính phủ mà nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ.
Đồng thời, dự thảo Thông tư cũng quy định điều kiện đối với khách hàng là nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện sản phẩm phái sinh lãi suất. Việc bổ sung quy định này cũng phù hợp với đối tượng khách hàng được thực hiện giao dịch ngoại tệ (bao gồm nhà đầu tư nước ngoài) theo quy định tại Thông tư số 02/2021/TT-NHNN ngày 31/3/2021 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của các TCTD được phép hoạt động ngoại hối.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung một số nguyên tắc mà ngân hàng thương mại, CN NHNNg phải tuân thủ khi thực hiện kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất.
Cụ thể, trường hợp khách hàng là pháp nhân không có hoặc không có đủ ngoại tệ để thực hiện nghĩa vụ thanh toán phát sinh khi thực hiện hợp đồng phái sinh lãi suất, thì khách hàng được mua ngoại tệ tại TCTD, CN NHNNg để thực hiện nghĩa vụ thanh toán phát sinh khi thực hiện hợp đồng phái sinh lãi suất, vì trong thực tế có phát sinh trường hợp này và các TCTD, CN NHNNg gặp khó khăn trong việc bán ngoại tệ để thanh toán các nghĩa vụ thanh toán lỗ ròng phát sinh khi thực hiện hợp đồng phái sinh lãi suất.
ngân hàng thương mại, CN NHNNg được thỏa thuận với khách hàng về việc thanh toán ròng của các hợp đồng phái sinh lãi suất đã giao kết. Quy định này nhằm giảm thiểu rủi ro tín dụng, tăng tính thanh khoản, tạo điều kiện cho thị trường phái sinh lãi suất phát triển ổn định hơn, do bản chất các giao dịch phái sinh lãi suất thường là các giao dịch trung, dài hạn nên có rủi ro đối tác khá lớn.
Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung quy định đối với sản phẩm hoán đổi lãi suất giữa hai đồng tiền, trường hợp khách hàng được nhận ngoại tệ từ khoản tiền lãi phát sinh trong giao dịch phái sinh lãi suất hoặc nhận ngoại tệ từ việc trao đổi khoản vốn gốc danh nghĩa, thì nguồn ngoại tệ này được sử dụng để thanh toán cho các nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch gốc của khách hàng hoặc khách hàng phải bán nguồn ngoại tệ này cho ngân hàng thương mại, CN NHNNg kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất đó. Mục đích của quy định này nhằm làm rõ trường hợp khách hàng nhận ngoại tệ thì chỉ được sử dụng ngoại tệ đó để phục vụ cho các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng gốc của khách hàng hoặc phải bán cho ngân hàng, phù hợp với quy định về hạn chế giao dịch bằng ngoại tệ trong nước.