Sửa thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia phù hợp với mô hình quản lý thuế
Trao đổi với Tạp chí Tài chính, PGS. TS. Vũ Sỹ Cường – Kinh tế trưởng Viện Công nghệ và Phát triển tài chính và Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, việc sửa thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với đồ uống có cồn là bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước và phù hợp với mô hình quản lý thuế hiện nay.
Phóng viên: Xin ông cho biết về tính cấp thiết của việc sửa thuế TTĐB với đồ uống có cồn trong giai đoạn hiện nay?
PGS.TS. Vũ Sỹ Cường: Tôi cho rằng, việc sửa thuế TTĐB là cần thiết để bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, hạn chế tình trạng lạm dụng rượu, bia; đồng thời, bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước.
Hơn nữa, việc xây dựng Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế TTĐB để mở rộng cơ sở thu, bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, góp phần đảm bảo thu đúng thu đủ, ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước.
Quan trọng hơn, việc sửa Luật Thuế này sẽ giúp điều tiết hành vi của người tiêu dùng và nhà sản xuất, hạn chế tiêu dùng các hàng hóa và dịch vụ có cồn gây tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.
Một yếu tố khác là khi thay đổi về cơ cấu kinh tế, thu nhập tăng lên thì việc điều chỉnh thuế TTĐB cũng là phù hợp với mô hình quản lý thuế hiện nay.
Phóng viên: Theo đề xuất sửa đổi mới nhất của Bộ Tài chính với mặt hàng bia, rượu áp dụng phương án tính thuế với nồng độ cồn trên 20 độ và dưới 20 độ, thay vì nhiều mức áp dụng như trước đây. Vậy, các mức đề xuất này có phù hợp không, thưa ông?
PGS.TS. Vũ Sỹ Cường: Thực ra, bất kỳ luật thuế nào khi đánh thuế phải đảm bảo các nguyên tắc hiệu quả, đơn giản, minh bạch. Đây là những nguyên tắc cũng được áp dụng khi sửa Luật Thuế TTĐB.
Trước đây, chúng ta đã từng áp dụng mức đánh thuế theo nồng độ cồn, nhưng do năng lực quản lý và nhiều vấn đề phức tạp khác nữa, nên chuyển sang cách đánh thuế hiện nay.
Tuy nhiên, việc đánh thuế hiện nay cũng có những hạn chế nhất định với dải đánh thuế rất dài. Trên thị trường cũng có loại rượu sản xuất có nồng độ cồn 19,8 độ hoặc nồng độ cồn thấp hơn để “lách” luật.
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về đề xuất cân nhắc lộ trình tăng thuế TTĐB với bia, rượu bớt dồn dập hơn để không gây "sốc" cho doanh nghiệp?
PGS.TS. Vũ Sỹ Cường: So với các nước thì mức đánh thuế TTĐB của Việt Nam không cao. Thậm chí, nếu so với tổng thu ngân sách nhà nước thì thuế TTĐB có xu hướng giảm nhẹ, chỉ đóng góp trong tổng thu cân đối ngân sách từ 6,5% - 7 %.
Việc tăng thuế TTĐB cần phải cân đối nhiều lợi ích như người trồng nguyên liệu, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nguồn thu ngân sách nhà nước, đảm bảo sức khỏe của người dân.
Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ khi đưa ra lộ trình tăng thuế TTĐB để có giải pháp hài hòa lợi ích giữa các bên.
Phóng viên: Để thực hiện mục tiêu chống lạm dụng đồ uống có cồn thì cần kết hợp các giải pháp tổng thể như thế nào, thưa ông?
PGS.TS. Vũ Sỹ Cường: Thuế chỉ là công cụ để hạn chế việc lạm dụng đồ uống có cồn. Để giảm tiêu dùng đồ uống có cồn, thì cần đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông bằng nhiều hình thức về những tác hại của rượu, bia gây ra đối với sức khỏe con người.
Cùng với giải pháp này phải kết hợp triển khai đồng bộ các giải pháp khác như quản lý thị trường, chống buôn lậu.
Ngoài ra, việc giáo dục tác hại của đồ uống có cồn ngay từ nhỏ cũng là biện pháp cần thiết để hướng mọi người tiêu dùng thông minh, tích cực và bền vững hơn.
Chúng ta đều biết rằng sử dụng rượu, bia ở mức độ phù hợp tại các buổi lễ, buổi tiệc để các buổi gặp mặt, giao lưu trở nên vui vẻ hơn. Tuy nhiên, việc lạm dụng bia, rượu lại gây tác hại đến đời sống, sức khỏe của người dân.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!