“Sức hút” ngày càng lớn của môi trường đầu tư tại Việt Nam

Đức Mạnh

Thời gian qua, các chuyên gia kinh tế và báo chí nước ngoài liên tục đưa ra những đánh giá ấn tượng, cho thấy “sức hút” ngày càng lớn của môi trường đầu tư tại Việt Nam. Các ý kiến đều chỉ ra rằng, Việt Nam là nơi mà các nhà đầu tư sẽ thấy được sự tăng trưởng trong dài hạn, một môi trường đầu tư thân thiện hay nơi có những điều kiện tốt nhất để xây dựng nhà máy.

Các nhà đầu tư và tổ chức quốc tế giữ vững niềm tin vào sức mạnh nội tại và tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam.
Các nhà đầu tư và tổ chức quốc tế giữ vững niềm tin vào sức mạnh nội tại và tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam.

Trở thành “công xưởng thế giới”

Ấn tượng với môi trường đầu tư tại Việt Nam, hãng tin Sputnik (Nga) đã đăng tải bài đánh giá về khả năng Việt Nam sẽ trở thành “công xưởng thế giới”.

Tại bài đăng này, Sputnik đã đưa ra danh sách đối tác cung ứng trong năm tài khóa 2021 của Apple với 25 đối tác đặt nhà máy tại Việt Nam, chiếm 13,9% trong tổng số 190 nhà cung ứng tính đến quý IV/2021, tăng so với năm 2020.

Ông Nguyễn Thanh Yên - thành viên quản trị Cộng đồng vi mạch Việt Nam nhận định, việc Apple chuyển một phần hoặc toàn bộ dây chuyền sản xuất sang Việt Nam, đồng thời tăng số lượng đối tác cung ứng là điều dễ hiểu. Bởi, bên cạnh các quốc gia như Trung Quốc hay Ấn Độ, Việt Nam từ lâu cũng là địa chỉ được các công ty sản xuất lắp ráp thiết bị điện tử chú ý tới, có thể kể đến như nhà máy sản xuất lắp ráp các sản phẩm của Nokia trước kia hay Samsung hiện nay.

Một yếu tố quan trọng hấp dẫn các nhà sản xuất đến với Việt Nam trong gần 20 năm qua là lực lượng lao động kỹ thuật tại Việt Nam đang từng bước tự nâng cấp, ngày càng có nhiều kỹ sư người Việt được tham gia và được đảm nhận những công việc đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, ví dụ như lĩnh vực thiết kế vi mạch.

Cường quốc xuất khẩu với thị phần toàn cầu tăng đều đặn

Tiếp tục là những đánh giá khả quan về nền kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng, trang mạng delano.lu (Luxembourg) cho rằng, Việt Nam hiện tăng trưởng ở mức 6,5% nhờ 4 yếu tố: chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, các chính sách kinh tế vĩ mô lành mạnh, sự gia tăng tầng lớp trung lưu thúc đẩy nhu cầu và sức hấp dẫn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo trang mạng này, tài sản đầu tiên của Việt Nam là dân số trẻ và có trình độ, tầng lớp trung lưu đang gia tăng và đây là một tài sản lớn trong nền kinh tế có 72% hoạt động được thúc đẩy bởi tiêu dùng trong nước. 

Trang delano.lu cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam đang trở thành cường quốc xuất khẩu với thị phần toàn cầu tăng đều đặn với 1,6%. Trong đó, từ năm 2010, tỷ trọng xuất khẩu liên quan đến công nghệ đã tăng gấp 5 lần và hiện đã vượt quá 30%.

Nền kinh tế cởi mở vào bậc nhất ở châu Á

Tại Diễn đàn kinh tế Pháp - Việt Nam lần thứ nhất, nhiều doanh nghiệp Pháp bày tỏ mong muốn đầu tư và trao đổi kinh tế thương mại với các doanh nghiệp Việt Nam.

Các doanh nghiệp Pháp cho rằng, có 3 lý do để đầu tư vào Việt Nam gồm: Nguồn nhân lực chăm chỉ, năng động, sáng tạo; nền kinh tế cởi mở vào bậc nhất ở châu Á và thị trường phát triển thương mại đầy tiềm năng.

Ông Thierry Mermet - CEO công ty Source of Asia cho biết, ông đã có mặt tại Việt Nam 25 năm và chứng kiến toàn bộ quá trình mở cửa và sự phát triển mạnh mẽ của đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. 

"Chưa bao giờ Việt Nam lại thuận lợi và sẵn sàng chào đón đầu tư nước ngoài như hiện nay, bởi vì từ 15 - 20 năm trở lại đây, Việt Nam ngày càng tăng trưởng và mở cửa. Nhưng một lý do quan trọng khác, đó là việc đóng cửa của Trung Quốc và những khó khăn trong việc giao thương giữa các nước phương Tây với Nga đã khiến Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á trở thành khu vực kinh tế lớn duy nhất trên thế giới hiện nay có tốc độ phát triển mạnh mẽ, có sự năng động, có dân số trẻ, có sức hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài và Việt Nam là một trung tâm của khu vực này", ông Thierry Mermet  nhận định.

Đặt niềm tin vào môi trường đầu tư tại Việt Nam

Báo Đầu tư của Pháp có bài "Việt Nam - Miền đất hứa của châu Á", với nhìn nhận lực lượng lao động tay nghề cao, hệ thống các hiệp định thương mại và những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư.

Chia sẻ quan điểm này, Chuyên trang kinh tế và tài chính của Thuỵ Sĩ nhấn mạnh rằng, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất ở khu vực Đông và Đông Nam Á, được hỗ trợ bởi các nỗ lực tự do hóa kinh tế của Chính phủ và sự hội nhập ngày càng sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trả lời câu hỏi về điều gì thu hút các công ty Đan Mạch đến Việt Nam, ông Troels Jakobsen - người đứng đầu bộ phận thương mại tại Đại sứ quán Đan Mạch ở Hà Nội cho biết, số công ty Đan Mạch ở Việt Nam đang nhiều gấp đôi số công ty các nước Bắc Âu khác cộng lại. Các công ty đang ngày càng hướng tới đa dạng chuỗi cung ứng và Việt Nam nằm rất cao trong danh sách lựa chọn của họ để mở rộng ở châu Á.

Theo vị này, Việt Nam đang tiến lên nấc thang giá trị gia tăng và nhanh chóng trở thành trung tâm quan trọng cho sản xuất công nghệ. Một điểm hấp dẫn khác đối với các doanh nghiệp Đan Mạch là Việt Nam hướng tới năng lượng tái tạo. Năng lượng là yếu tố quyết định chính cho đầu tư vào Việt Nam.

Có thể thấy, trước các bất ổn kinh tế - chính trị trên phạm vi toàn cầu, việc các nhà đầu tư và tổ chức quốc tế vẫn giữ vững niềm tin vào sức mạnh nội tại và tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam là vô cùng đáng mừng và cần phát huy.

Tuy nhiên, cùng với đó là nỗ lực không ngừng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và cơ sở hạ tầng, đồng thời duy trì thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian tới là rất quan trọng.