Sức hút từ điện gió ngoài khơi


Các nhà phát triển, nhà đầu tư trong nước và quốc tế đều mong muốn đầu tư vào điện gió ngoài khơi tại thị trường Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chia sẻ bền lề Lễ ra mắt Sách trắng 2022-2023 với chủ đề: "Nỗ lực hướng tới kinh tế xanh và phát triển bền vững, thực thi toàn diện EVFTA và hoàn tất phê chuẩn EVIPA" của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), ông Stuart Livesey, Giám đốc Quốc gia của Copenhagen Offshore Partners (COP) - đơn vị phát triển các dự án điện gió ngoài khơi của Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) khẳng định, điện gió ngoài khơi sẽ là nguồn năng lượng thiết yếu để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh của Việt Nam.

Bởi theo ông Stuart Livesey, hiện tại, tài nguyên gió ngoài khơi của Việt Nam chưa được khai thác và việc thiết lập ngành công nghiệp này tạo ra nhiều lợi ích so với các ngành năng lượng tái tạo khác.

Theo đó, Việt Nam đã cam kết một số mục tiêu đầy tham vọng tại COP26, đồng thời tích cực thể hiện quan điểm chống biến đổi khí hậu và thực hiện việc sản xuất các dạng năng lượng xanh và bền vững cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

“Năng lượng xanh và bền vững rất quan trọng đối với cả tương lai của Việt Nam và sự phát triển đã được dự kiến trước của quốc gia này, nơi người dân và các ngành công nghiệp của Việt Nam có nhu cầu, cũng như khả năng cũng cấp chuỗi cung ứng toàn cầu”, Giám đốc Quốc gia của COP nhận định.

Khẳng định các quốc gia và nhà cung cấp trên thế giới hiện đang đặt mục tiêu cho chuỗi cung ứng xanh và năng lượng xanh. Nhiều bên đã có cam kết mạnh mẽ để thực hiện điều này, do đó, ông Stuart Livesey cho rằng Việt Nam phải chuyển đổi để duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu chính ở Đông Nam Á.

“Phải thừa nhận rằng, Việt Nam đang chậm hơn một chút so với nhiều quốc gia khác, nơi quá trình chuyển đổi xanh đang diễn ra thuận lợi và việc này cần có sự hỗ trợ từ các giải pháp, cơ sở hạ tầng phù hợp và nguồn nhân lực lành nghề”, ông Stuart Livesey nói.

Tuy nhiên, vẫn còn thời gian để đạt được điều này nếu Việt Nam có thể thực hiện các cải cách cần thiết và đưa ra các quyết định quan trọng kịp thời để tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi này được thực hiện thuận lợi và tránh bỏ lỡ các mốc quan trọng.

Đáng nói, Giám đốc Quốc gia của COP cho rằng, hiện chưa có khung pháp lý cần thiết cho ngành công nghiệp mới này và sự chuyển đổi ngành năng lượng còn thiếu linh hoạt, nên về cơ bản chưa thể thực hiện dự án điện gió ngoài khơi thương mại ở Việt Nam để các siêu dự án ngoài khơi này có thể đem lại lợi ích to lớn cho đất nước.

“Các nhà phát triển và nhà đầu tư trong nước và quốc tế đều mong muốn đầu tư vào điện gió ngoài khơi tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, việc trì hoãn đưa ra các quyết định quan trọng để kích hoạt ngành này có thể dẫn đến sự chậm trễ đối với các mục tiêu về năng lượng xanh, trì hoãn một lượng lớn nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho Việt Nam. Từ đó, dẫn đến rủi ro là các nhà đầu tư toàn cầu dừng theo đuổi các dự án ở Việt Nam trong khi rất nhiều thị trường mới nổi khác đang tích cực cố gắng đạt được các mục tiêu điện gió ngoài khơi của riêng họ”, ông Stuart Livesey nói.

Đồng thời cho biết, đối với các nhà phát triển dự án quốc tế lớn, các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị) ngày càng quan trọng như một phần trong chính sách làm việc của họ, vì các công ty này cần đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) để đáp ứng yêu cầu của các bên cho vay và các tổ chức quốc tế có tiêu chuẩn cao.
Các quy định pháp luật của Việt Nam nên thừa nhận việc sử dụng các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận này để thiết lập các thủ tục đủ điều kiện và minh bạch đối với các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.

Sách trắng 2022 vừa công bố cũng đề cập tới những khuyến nghị về phát triển năng lượng xanh mà đặc biệt là ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi.

Trên thực tế, những năm gần đây, các nhà đầu tư Nhật Bản và châu Âu đang có những động thái lớn trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi ở Việt Nam nhằm tận dụng lợi thế về năng lượng tái tạo. Lý giải nguyên nhân khiến lĩnh vực điện gió Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư nước ngoài, Nikkei Asia cho biết gió mạnh ở ngoài khơi phía Nam Việt Nam khiến nơi đây trở thành một trong những địa điểm tốt nhất trong khu vực để phát triển năng lượng gió.

Bên cạnh đó, cam kết không phát thải carbon ròng vào giữa thế kỷ này đang khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo.
Cụ thể, theo một bản đồ do Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) và một số tổ chức khác công bố, tốc độ gió ở một số khu vực ngoài khơi phía Nam Việt Nam có thể vượt ngưỡng 10 m/giây, cao hơn nhiều so với con số 8 m/giây – tốc độ gió khả thi để phát triển một nhà máy điện gió.

Ở khu vực Đông Nam Á, sức gió ở ngoài khơi Việt Nam và Philippines khá mạnh, trong khi sức gió ở quanh Malaysia và Indonesia nhìn chung yếu hơn. Vì vậy, chuyên gia Sebastian Hald Buhl của Orsted cho rằng Việt Nam được coi là "một trong những nơi tốt nhất ở châu Á về năng lượng gió ngoài khơi".

Mặt khác, với dân số xấp xỉ 100 triệu người, Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và thu hút ngày càng nhiều các nhà sản xuất nước ngoài. Điều quan trọng cơ sở hạ tầng phát điện ở Việt Nam lại không theo kịp sự phát triển, có thể dẫn đến tình trạng thiếu điện trong tương lai gần.

Ngoài ra, tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) ở Glasgow vào năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố mục tiêu đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong trung và dài hạn, Việt Nam cần phải đảm bảo các nguồn năng lượng để thay thế cho than đá, vốn chiếm khoảng 50% sản lượng điện ở quốc gia này.

Trong bối cảnh đó, theo Nikkei Asia, điện gió ngoài khơi dự kiến sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các kế hoạch phát điện của Chính phủ Việt Nam. Hiện nay, điện gió mới chiếm khoảng 5% công suất phát điện của Việt Nam, nhưng Chính phủ Việt Nam có kế hoạch nâng tỷ lệ này lên khoảng 30% vào năm 2050.

Theo Thy Hằng/Diendandoanhnghiep.vn