“Sức khỏe” trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đang cải thiện
Nhận định này vừa được nhóm nghiên cứu Công ty Cổ phần Chứng khoán Kis Việt Nam đưa ra trong bản báo cáo vĩ mô vừa cập nhật.
Sản lượng sản xuất sẽ sớm tăng lại
Theo đó, sức khỏe của lĩnh vực sản xuất Việt Nam cải thiện ở mức vừa phải trong tháng 7 khi chỉ số PMI đạt 51,7 điểm, giảm nhẹ so với mức 52,5 điểm trong tháng 6 do sản lượng ghi nhận mức tăng yếu nhất trong 9 tháng qua.
Tuy nhiên, việc số lượng đơn đặt hàng mới tăng liên tục kể từ tháng 12/2015, bao gồm cả số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài, và tốc độ tạo thêm việc làm không thay đổi nhiều đã khiến lượng công việc tồn động tăng cao nhất kể từ tháng 4/2011.
Nhóm phân tích cho rằng sản lượng sản xuất sẽ sớm tăng lại trong các tháng tới khi lượng tồn kho thành phẩm giảm mạnh do được sử dụng để đáp ứng các đơn đặt hàng trước đó. Ở phương diện khác, cùng với xu hướng giảm của giá hàng hóa thế giới, chi phí đầu vào tăng ở mức vừa phải và là mức yếu nhất kể từ tháng 6/2016.
Như hệ quả tất yếu, giá cả đầu ra ghi nhận lần giảm thứ 3 liên tiếp qua đó góp phần vào nỗ lực kiềm chế lạm phát của chính phủ.
Tuy nhiên, nhóm phân tích cũng cho rằng, cần cẩn trọng với bức tranh ngành sản xuất đang xấu đi của khu vực ASEAN và tác động tiêu cực đến Việt Nam trong bối cảnh chúng ta đang tham gia sâu vào chuỗi cung ứng giá trị trong khu vực.
Chỉ số PMI sản xuất ASEAN giảm xuống còn 49,3 điểm trong tháng 7 từ mức 50 điểm của tháng 6 với 5/7 nước được khảo sát ghi nhận điều kiện kinh doanh suy giảm, gồm Thái Lan (49,6 điểm), Myanmar (49,1 điểm), Indonesia (48,6 điểm), Malaysia (48,3 điểm) và Singapore (47,9 điểm). Philippines (52,8 điểm) và Việt Nam (51,7 điểm) vẫn dẫn đầu khu vực nhưng tốc độ tăng co hẹp lại.
Nhìn chung, nhu cầu khác hàng trong và ngoài khu vực suy giảm là một trong những nguyên nhân chính khiến sản lượng và số lượng đơn hàng tính chung toàn khu vực sụt giảm. Do đó, doanh thu từ các hợp đồng xuất khẩu mới giảm. Đáng chú ý, mức độ lạc quan của các nhà sản xuất vẫn ở dưới mức trung bình lịch sử.
Tương tự, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 8,1% y/y trong tháng 7/2017, thấp hơn mức 8,6% y/y trong T6/2017 nhưng cao hơn mức 7,2% trong T7/2016. Tính chung 7 tháng năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 7,2% của cùng kỳ năm 2016 nhưng cao hơn mức tăng 6,3% của 6T/2017.
Kỳ vọng 4 tháng cuối năm
Một mặt, nhóm phân tích vẫn giữ quan điểm lạc quan về sức khỏe lĩnh vực sản xuất của Việt Nam và kỳ vọng diễn biến những tháng cuối năm 2017 sẽ khả quan hơn. Các mặt hàng quan trọng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao hơn trong tháng 7 như thủy hải sản chế biến, sữa bột, than đá, xi măng, sắt thép thô, thép cán, tivi.
Tuy nhiên, nhóm phân tích cũng cho rằng, vẫn còn những điểm nghẽn cản trở tăng trưởng kinh tế với chỉ số tồn kho tăng cao, điển hình như ngành sản xuất các ản phẩm từ chất khoáng phi kim loại. Hiện tại, trong khi Chính phủ vẫn đang đau đầu tìm hướng giải quyết hơn 9 triệu tấn than tồn đọng thì ngành xi măng được dự báo sẽ dư cung với tổng công xuất ngành lên tới 86 triệu tấn còn khả năng tiêu thụ chỉ đạt 60 triệu tấn.
Cũng chịu tác động từ xu thế chung với các nước trong khu vực ASEAN, kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 7 năm 2017 giảm nhẹ so với tháng trước đó. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tháng 7 ước đạt 17,5 tỷ USD, giảm 1,7% m/m và ghi nhận tháng sụt giảm thứ 2 liên tiếp. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tháng 7 năm 2017 giảm nhẹ 1,6% m/m xuống 17,8 tỷ USD.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt đạt 115,2 tỷ USD và 118,3 tỷ USD, tăng 18,7% y/y và 24% y/y. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu cao hơn đã đẩy cán cân thương mại của Việt Nam thâm hụt mạnh, đạt 3,08 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2017, bằng 2,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ở phương diện khác, hoạt động giao thương hai chiều giữa Việt Nam và các nước Châu Á tiếp tục sôi động. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2017 giữa Việt Nam và Hàn Quốc tăng trưởng mạnh nhất, lên tới 46,6% y/y và ước đạt 34,3 tỷ USD trong khi Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất với kim ngạch hai chiều đạt 47,2 tỷ USD, tăng 23,9%.
Theo sau ASEAN (28,3 tỷ USD, +23,6% y/y) và Nhật Bản (18,8 tỷ USD, +16,8% y/y). Hai đối tác truyền thống, gồm Mỹ và EU, vẫn chiếm tỷ trọng cao, lần lượt 25,0% và 23,9%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng khá khiêm tốn, chỉ đạt 12% y/y và 13,2% y/y.
Về cán cân thương mại, thâm hụt thương mại trong các tháng gần đây liên tục tăng và tính chung 7 tháng đầu năm 2017 lên tới 3,08 tỷ USD trong khi cùng kỳ năm ngoái thặng dư gần 2,3 tỷ USD.
Nhu cầu nhập khẩu phục vụ hoạt động sản xuất trong nước vẫn là nguyên nhân chính như: Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; Điện thoại, linh kiện ); Vải; Sắt thép; Chất dẻo; Thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu.