Thủ tướng yêu cầu cải cách trong đăng ký thành lập doanh nghiệp
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2017, Thủ tướng yêu cầu phải giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và cải cách trong đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Thông tin trên được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tại phiên Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, diễn ra ngày 3/8/2017.
Cụ thể, ngay phiên họp Chính phủ ngày 3/8 có chuyên đề giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp bao gồm cả chi phí chính thức và không chính thức, do Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo. Trong đó, có các giải pháp giảm chi phí đường bộ qua trạm BOT, giảm phí hạ tầng công cộng, khu vực cảng.
Theo báo cáo Bộ Tài chính đề xuất, có thể giảm tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành khi thông quan từ 30-35% xuống còn 15% khi xuất nhập khẩu.
Cũng theo Người phát ngôn Chính phủ, hiện nay vẫn còn 5.719 thủ tục, giấy phép của các bộ ngành; có những bộ có tới 220 giấy phép, điển hình là Bộ Công Thương; Bộ ít nhất cũng còn 106 giấy phép là Bộ Xây dựng.
Bộ Tài chính có trách nhiệm rà soát toàn bộ phí, lệ phí thủ tục hải quan, thuế theo luật định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại toàn bộ thủ tục liên quan đến tiếp cận, giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng, tiếp cận đất đai, tiếp cận thông tin, chí phí phát sinh để làm các thủ tục.
Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, Thủ tướng cũng yêu cầu phải cải cách trong đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi phí logistics, vận tải biển, đặc biệt là chi phí chênh lệch giá hãng tàu.
Đối với những chi phí không chính thức, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng lưu ý cần có nhiều biện pháp, nhất là công khai, minh bạch, chỉ đạo tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính; kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu và các cơ quan đơn vị được giao.
Đối với tiếp cận dịch vụ công như đăng ký kinh doanh, đăng ký thương hiệu, khai báo thuế hải quan, những chi phí này đang có xu hướng giảm nhưng giảm rất chậm và yêu cầu của doanh nghiệp là phải giảm nhiều hơn nữa.
Cũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo với Chính phủ kết quả kiểm tra từ đầu năm đến 31/7/2017. Cụ thể, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao 13.137 nhiệm vụ cho các bộ ngành, địa phương, đã hoàn thành 7.044 nhiệm vụ, còn 6.093 nhiệm vụ chưa hoàn thành. Trong đó có 2.367 nhiệm vụ quá hạn chiếm 3,2%, tăng 0,4% so với tháng 6/2017.
“Tổ công tác đã kiểm tra chuyên đề tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; 13 bộ, địa phương giải ngân chậm vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; kiểm tra liên quan đến thực hiện nhiệm vụ các tổng công ty, tập đoàn; tới đây sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.