SVB sụp đổ, số phận người gửi tiền ra sao?


Sau khi các cơ quan quản lý đóng cửa Ngân hàng Silicon Valley vào ngày 10/3 và chỉ định Tổng Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) tiếp quản hoạt động kinh doanh, thị trường đang tập trung chú ý vào việc liệu các công ty và cá nhân gửi tiền vào ngân hàng này có lấy lại được toàn bộ tiền gửi của họ không khi hơn 85% tiền gửi vào ngân hàng này không được bảo hiểm. Điều này phụ thuộc vào việc FDIC có thể xử lý tài sản của ngân hàng đến đâu.

FDIC có khoảng 128 tỷ USD trong Quỹ Bảo hiểm tiền gửi vào cuối năm 2022.
FDIC có khoảng 128 tỷ USD trong Quỹ Bảo hiểm tiền gửi vào cuối năm 2022.

FDIC là gì?

FDIC là một cơ quan độc lập của chính phủ Mỹ cung cấp bảo hiểm cho người gửi tiền trong trường hợp ngân hàng phá sản.

Tổ chức này được thành lập vào năm 1933 để đối phó với một loạt thất bại của ngân hàng trong thời kỳ Đại suy thoái, khiến hàng triệu người gửi tiền không thể tiếp cận được tiền của mình. FDIC đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì niềm tin và sự ổn định trong hệ thống ngân hàng và tài chính.

FDIC hoạt động như thế nào?

Các ngân hàng được FDIC bảo hiểm trả phí cho cơ quan này và số tiền này dựa trên quy mô tiền gửi mà các ngân hàng nắm giữ và mức độ rủi ro liên quan đến các hoạt động của họ. FDIC cũng có thu nhập từ các khoản lãi trên danh mục đầu tư chứng khoán kho bạc.

FDIC bảo hiểm tiền gửi lên tới 250.000 USD cho mỗi người gửi tiền trên mỗi ngân hàng được bảo hiểm, cho từng loại hình tài khoản sở hữu, không bao gồm các khoản đầu tư như cổ phiếu, trái phiếu hoặc quỹ tương hỗ. Kể từ năm 1933, chưa có người gửi tiền nào bị mất một xu tiền được bảo hiểm.

Cơ quan này cũng có quyền tiếp quản và thanh lý các ngân hàng đổ vỡ, đồng thời sử dụng tài sản của ngân hàng đổ vỡ để hoàn trả cho người gửi tiền.

FDIC có bao nhiêu tiền?

FDIC được pháp luật yêu cầu duy trì Quỹ Bảo hiểm tiền gửi của mình ở một mức nhất định để đảm bảo có thể chi trả tiền gửi được bảo hiểm trong trường hợp ngân hàng đổ vỡ. FDIC có khoảng 128 tỷ USD trong Quỹ Bảo hiểm tiền gửi vào cuối năm 2022.

Luật năm 2010 yêu cầu, cơ quan này duy trì số dư dự trữ ít nhất bằng 1,35% số tiền gửi được bảo hiểm ước tính tại các ngân hàng mà cơ quan này bảo hiểm. Nếu tỷ lệ dự trữ giảm xuống dưới ngưỡng hoặc dự kiến ​​giảm trong 6 tháng tiếp theo, FDIC phải áp dụng kế hoạch khôi phục để tăng quỹ.

Sự tăng trưởng bất thường gần đây của tiền gửi được bảo hiểm vào năm 2020 đã khiến tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm xuống dưới mức tối thiểu theo luật định và một kế hoạch phục hồi đã sớm được đưa ra.

Vào cuối năm 2022, FDIC báo cáo Quỹ Bảo hiểm tiền gửi có số dư là 128 tỷ USD, chiếm khoảng 1,27% tổng số tiền gửi được bảo hiểm.

Tuy nhiên, FDIC tin rằng, cơ quan này nên đặt mục tiêu tỷ lệ dự trữ hơn 2% để chống chọi với suy thoái kinh tế nghiêm trọng có thể dẫn đến phá sản ngân hàng gia tăng.

FDIC làm gì sau khi thu giữ một ngân hàng phá sản?

Trong trường hợp một ngân hàng bị phá sản, FDIC sẽ sắp xếp để bán lại cho một ngân hàng lành mạnh hoặc trả tiền trực tiếp cho người gửi tiền.

Nếu người mua tiếp quản ngân hàng đổ vỡ, người gửi tiền sẽ có quyền tiếp cận ngay lập tức với tiền của họ. Nếu không có ngân hàng lành mạnh nào sẵn sàng tiếp quản, FDIC sẽ thanh toán trực tiếp cho người gửi tiền theo hạn mức được bảo hiểm. Quá trình này thường bắt đầu trong vòng vài ngày sau khi ngân hàng đóng cửa.

Điều gì xảy ra đối với số tiền gửi không được bảo hiểm?

Chủ tài khoản có số tiền gửi nhiều hơn 250.000 USD sẽ nhận được Giấy chứng nhận đối với số tiền không được bảo hiểm để làm bằng chứng cho yêu cầu bồi thường đối với ngân hàng đã đóng cửa. Họ được trả theo tỷ lệ khi tài sản của ngân hàng được thanh lý, khoản thanh toán như vậy được gọi là cổ tức.

Mặc dù các khoản tiền gửi được bảo hiểm đầy đủ được thanh toán ngay sau khi ngân hàng đóng cửa, việc giải quyết các khoản tiền không được bảo hiểm có thể diễn ra trong vài năm.

Các chủ nợ và cổ đông nói chung - xếp sau trong thứ tự ưu tiên - thường nhận được rất ít hoặc không thu hồi được gì từ việc thanh lý.

Người gửi tiền SVB nên trông chờ điều gì?

Trong một tuyên bố ngày 10/3, FDIC cho biết những người gửi tiền được bảo hiểm với SVB sẽ có toàn quyền tiếp cận đối với tiền gửi của họ không muộn hơn sáng thứ Hai (ngày 13/3). Cơ quan quản lý yêu cầu những người có tài khoản hơn 250.000 USD liên hệ trực tiếp với FDIC.

Đối với các phần tiền gửi không được bảo hiểm, FDIC cho biết họ sẽ trả cổ tức tạm ứng trong tuần tới và cấp giấy chứng nhận quyền tiếp nhận cho số tiền còn lại của số tiền không được bảo hiểm.

Khi FDIC bán tài sản của SVB, các khoản thanh toán cổ tức trong tương lai có thể được thực hiện cho những người gửi tiền không được bảo hiểm, cơ quan này cho biết.

Theo V.A/thitruongtaichinhtiente.vn