Đằng sau vụ phá sản của ngân hàng SVB


Việc Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) Mỹ sụp đổ đã trở thành vụ phá sản ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ.

Ngân hàng SVB đã dừng hoạt động sáng 10/3 (giờ Mỹ)
Ngân hàng SVB đã dừng hoạt động sáng 10/3 (giờ Mỹ)

SVB là một trong 20 ngân hàng thương mại lớn nhất của Mỹ và hiện nằm dưới sự kiểm soát của Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) Mỹ. Mặc dù các chuyên gia đã dập tắt lo ngại về một sự lây lan rộng lớn hơn, nhưng sự sụp đổ của ngân hàng SVB có thể gây ra những tác động đáng kể đối với lĩnh vực khởi nghiệp và công nghệ Mỹ.

Được thành lập vào năm 1983, SVB tài trợ vốn cho gần một nửa số doanh nghiệp chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Cho đến nay, đây là ngân hàng lớn nhất bị phá sản kể từ khi hệ thống tài chính gần như sụp đổ vào năm 2008, chỉ đứng sau sự sụp đổ trong thời kỳ khủng hoảng của Washington Mutual Inc.

Công ty mẹ của ngân hàng, SVB Financial Group, đang nỗ lực để tìm người mua sau khi hủy kế hoạch bán cổ phần trị giá 2,25 tỷ USD vào sáng ngày 10/3 vừa qua.

Vấn đề bắt đầu phát sinh vào ngày 8/3 khi SBV thông báo bán tháo một loạt chứng khoán và sẽ bán 2,25 tỷ USD cổ phiếu mới để củng cố bảng cân đối kế toán. Điều này đã gây hoảng loạn ở các công ty đầu tư mạo hiểm.

Ngay sau đó, các khách hàng SVB đã cố gắng rút 42 tỷ USD, khoảng một phần tư tổng số tiền gửi tại ngân hàng, chỉ trong ngày 9/3, cơ quan quản lý California cho biết trong một hồ sơ phát hành mới đây. Làn sóng rút tiền đã làm tổn thương tình hình tài chính của ngân hàng, khi cuối ngày 9/3, SVB thiếu hụt thanh khoản khoảng gần 1 tỷ USD và không thể trang trải các khoản thanh toán của mình tại Fed.

Giám đốc điều hành của Better Markets, ông Dennis M. Kelleher, cho biết: “Tình trạng của SVB xấu đi nhanh chóng đến mức nó không thể kéo dài thêm nữa. Đó là bởi vì những người gửi tiền của họ đã rút tiền quá nhanh khiến ngân hàng mất khả năng thanh toán và việc đóng cửa ngay trong ngày là điều không thể tránh khỏi ”.

Một số chuyên gia khác nhận định, sự sụp đổ của SVB một phần là do việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm qua. Để đối phó với tình trạng lạm phát, ngân hàng trung ương Mỹ đã ráo riết tăng lãi suất kể từ năm 2022. Điều này khiến các khoản vay đối với doanh nghiệp và cá nhân trở nên đắt đỏ hơn nhằm hạ nhiệt lạm phát.

Nhân viên SVB thông báo ngân hàng đóng cửa tại trụ sở SVB ở California hôm 10.3 AFP
Nhân viên SVB thông báo ngân hàng đóng cửa tại trụ sở SVB ở California hôm 10.3 AFP

Khi lãi suất ở gần mức thấp nhất trong lịch sử, các ngân hàng đã mua hết Trái phiếu Kho bạc dài hạn. Nhưng khi lãi suất tăng, giá trị của những tài sản đó đã giảm, khiến lượng trái phiếu mà SVB đang nắm giữ bắt đầu lỗ nặng. Bên cạnh đó, lãi suất cao cũng gây ra những hạn chế đáng kể cho các công ty công nghệ, làm giảm giá trị của cổ phiếu công nghệ và gây khó khăn cho việc huy động vốn của SVB.

Đối mặt với một loạt các thách thức như mức lãi suất cao, mất các đợt IPO và khan hiếm vốn, các khách hàng của SVB bắt đầu rút tiền ra khỏi ngân hàng. “Mức lãi suất cao cũng làm giảm giá trị trái phiếu kho bạc và các cổ phiếu mà SVB đang nắm giữ, khiến ngân hàng này mất thanh khoản”, nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody cho biết. 

Mặc dù vậy, hầu hết các nhà phân tích đều nói rằng sự sụp đổ của SVB sẽ không tạo hiệu ứng lan rộng. Ông atthew Goldberg, một nhà phân tích của Bankrate cho biết: “Sự sụp đổ của SVB là hồi chuông cảnh tỉnh cho mọi người rằng hãy luôn đảm bảo tiền của họ được gửi tại ngân hàng được FDIC bảo hiểm và nằm trong giới hạn của FDIC, cũng như tuân theo các quy tắc của FDIC".

“Bây giờ SVB đã đóng cửa, tôi chỉ muốn biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. FDIC sẽ chi trả ở mức tiêu chuẩn lên tới 250.000 USD cho mỗi khoản tiền gửi tại mỗi ngân hàng, nhưng liệu tôi có lấy lại được toàn bộ số tiền của mình không?”, ông Ashley Tyrner, nhà sáng lập công ty cung cấp thực phẩm chức năng FarmboxRx trao đổi với CNN trong một e-mail. 

Theo Cẩm Anh/Diendandoanhnghiep.vn