Tác động bất cân xứng của độ mở thương mại và phát triển tài chính đến khí thải CO2 tại Việt Nam

ThS. Trần Thị Phương Thanh - Trường Đại học Tài chính – Marketing

Nghiên cứu này kiểm định tác động phi tuyến của độ mở thương mại và phát triển tài chính đến khí thải CO2 tại Việt Nam. Bằng mô hình phân phối trễ tự hồi quy (ARDL), tác giả tìm thấy tác động tích cực của độ mở thương mại đến môi trường trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong dài hạn thì độ mở thương mại lại là nguyên nhân làm cho vấn đề khí nhà kinh trở nên trầm trọng hơn. Bên cạnh đó, trong dài hạn, phát triển tài chính cũng góp phần đáng kể vào bảo vệ môi trường không khí.

Giới thiệu

Các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam luôn đề cao mục tiêu xoá đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân. Để đạt được những mục tiêu này, nhiều quốc gia đã lựa chọn công nghiệp hóa, đô thị hóa, nâng cao năng lực sản xuất thông qua thương mại quốc tế và phát triển tài chính. Điều này không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân mà còn giúp giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, các quốc gia cần cân nhắc kỹ các tác động xã hội và môi trường của quá trình công nghiệp hóa. Cùng với sự cởi mở về thương mại và phát triển tài chính là những lo ngại về lượng khí thải nhà kính, trong đó hơn 70% là khí thải CO2.

Tác động của phát triển tài chính đến môi trường là một vấn đề phức tạp. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự tăng trưởng nhanh chóng của lĩnh vực tài chính làm tăng khí thải CO2 (Dar và Asif, 2017; Shahbaz, 2017, Baloch và cộng sự, 2019). Một số ý kiến khác lại cho rằng, phát triển tài chính ở mức độ cao có thể đóng góp vào bảo vệ môi trường thông qua việc đầu tư nghiên cứu và phát triển các công nghệ xanh. Điều này cho thấy mối quan hệ giữa hai yếu tố này có thể không đơn thuần là tuyến tính.

Bên cạnh đó, độ mở thương mại giúp xoá bỏ các rào cản biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ tiên tiến, giúp giảm tiêu thụ năng lượng, từ đó cải thiện chất lượng môi trường bằng cách hạn chế phát thải CO2 (Dauda và cộng sự, 2021). Mặt khác, tăng cường toàn cầu hoá thương mại có thể dẫn đến gia tăng sản xuất, làm tăng xả thải ra môi trường, làm tăng tổn hại cho môi trường. (Latif và cộng sự, 2018; Li và Haneklaus, 2022). Như vậy, khi nghiên cứu ở phạm vi khác nhau thì kết quả về tác động của độ mở thương mại đến phát thải CO2 cũng chưa thống nhất.

Những lập luận trên là cơ sở để tác giả thiết lập nghiên cứu nhằm đánh giá tác động của độ mở thương mại và phát triển tài chính đến phát thải carbon tại Việt Nam. Nghiên cứu đưa ra bằng chứng thực nghiệm về chiều tác động của độ mở thương mại và phát triển tài chính đến phát thải CO2 tại Việt Nam, đồng thời chứng minh tồn tại tác động phi tuyến của mối quan hệ này.

Khảo lược các nghiên cứu trước

Trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu đã tìm thấy mối quan hệ phi tuyến của phát triển tài chính và phát thải CO2 dựa vào lý thuyết đường cong môi trường Kuznets (EKC). Javid và Sharif (2016) sử dụng phương pháp hồi quy ARDL để khảo sát tác động của tiêu dùng năng lượng, phát triển tài chính, tăng trưởng kinh tế đến phát thải carbon tại Pakistan trong giai đoạn 1972 – 2013. Kết quả cho thấy, các yếu tố kể trên đều làm trầm trọng thêm vấn đề môi trường thông qua biến đại diện là xả thải CO2. Tuy nhiên, sau điểm ngưỡng được xác định thì mức độ phát thải carbon giảm rõ rệt, điều này ủng hộ cho lý thuyết đường cong Kuznet.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của độ mở thương mại đến môi trường cũng được nhiều tác giả quan tâm. Jebli và cộng sự (2016) sử dụng các phương pháp FMOLS, DOLS, VECM để khảo sát mối quan hệ nhân quả giữa phát thải CO2, thu nhập, năng lượng và độ mở thương mại của 25 quốc gia OECD giai đoạn 1980 – 2010. Tuy trong ngắn hạn nghiên cứu không tìm thấy mối quan hệ giữa độ mở thương mại và phát thải CO2 nhưng về dài hạn, thương mại quốc tế và năng lượng tái tạo có thể tác động tích cực đến môi trường thông qua giảm lượng CO2, góp phần giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu. Ngược lại, Ansari và cộng sự (2020) tìm ra mối quan hệ một chiều của độ mở thương mại đến phát thải CO2 bằng mô hình VECM. Theo đó, trong dài hạn, độ mở thương mại càng lớn càng làm trầm trọng hơn các vấn đề về lượng phát thải CO2 khi nghiên cứu tại các nước: Hoa Kỳ, Canada, Iran và Pháp...

Như vậy, các nghiên cứu trước đây về mối quan hệ giữa phát triển tài chính, độ mở thương mại và phát thải CO2 chưa đạt được sự đồng thuận. Sự khác biệt này phần lớn là do phạm vi nghiên cứu, thời gian khảo sát và mức độ phát triển của các quốc gia khác nhau. Đặc biệt, tại Việt Nam, vấn đề này vẫn chưa được nghiên cứu sâu rộng. Vì vậy, nghiên cứu này phân tích tác động của phát triển tài chính và độ mở thương mại đến phát thải CO2 của Việt Nam trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Mô hình và dữ liệu nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu

Sau khi khảo lược các nghiên cứu có liên quan ở mục 2, tác giả nhận thấy, phát triển tài chính, độ mở thương mại và quá trình đô thị hoá được coi là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến phát thải CO2. Tác giả sử dụng mô hình hồi quy ARDL để trả lời câu hỏi “có tồn tại hay không tác động phi tuyến của độ mở thương mại và phát triển tài chính đến phát thải CO2 tại Việt Nam?”. Mô hình nghiên cứu có dạng như sau:

Tác động bất cân xứng của độ mở thương mại và phát triển tài chính đến khí thải CO2 tại Việt Nam - Ảnh 1Trong đó, CO2 là chỉ số phát thải CO2 của Việt Nam, TRADE là độ mở thương mại của Việt Nam, FD là tốc độ phát triển tài chính của Việt Nam, URB là quá trình đô thị hoá của Việt Nam.

∆ là sai phân bậc nhất của biến nghiên cứu, α là hằng số, các hệ số β,δ lần lượt thể hiện mối quan hệ dài hạn, ngắn hạn của các biến độc lập tới biến phụ thuộc, ε_t là sai số ước lượng của mô hình.

Dữ liệu nghiên cứu

Các nghiên cứu được thể hiện tại Bảng 1.

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Bảng 1: Các biến nghiên cứu trong mô hình

Ký hiệu biến

Mô tả biến

Nguồn dữ liệu

CO2

Logarit tự nhiên của phát thải CO2

WB

FD

Logarit tự nhiên của tín dụng trong nước dành cho khu vực tư nhân (%GDP)

WB

TRADE

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu/ GDP

WB

URB

Logarit tự nhiên của dân số thành thị

WB

Nguồn: Tác giả tự tổng hợp

Bảng 2: Thống kê mô tả các biên

Biến

Quan sát

Trung bình

Độ lệch chuẩn

Giá trị nhỏ nhất

Giá trị lớn nhất

CO2

28

18,56945

0,7158247

17,21966

19,70842

FD

28

71,5713

33,92582

18,48467

126,3807

TRADE

28

132,6691

27,83353

74,72127

186,6758

URB

28

29,78829

5,172095

22,166

38,766

Nguồn: Tác giả thống kê từ phần mềm Stata

Bảng 3: Kiểm định tính dừng

Giá trị

Nghiệm đơn vị bậc I(0)

Nghiệm đơn vị bậc I(1)

Kiểm định nghiệm đơn vị - Giá trị t (giá trị P)

CO2

-1,427 (0,5690)

-7,161*** (0,0000)

FD

-0,628 (0,8645)

-2,905** (0,0448)

TRADE

-0,709 (0,8444)

-3,783** (0,0031)

URB

-0,496 (0,9847)

-2,939** (0,0410)

Nguồn: Tác giả thống kê từ phần mềm Stata

Bảng 4: Kết quả ước lượng ARDL trong dài hạn

Biến

Hệ số

Độ lệch chuẩn

Thống kê t

Giá trị P

FD

-0,0031392**

0,0012273

-2,56

0,022

TRADE

0,0044221**

0,0017092

2,59

0,021

URB

-0,0836313

0,1207364

-0,69

0,499

Nguồn: Tác giả phân tích từ phần mềm Stata

Bảng 5: Kết quả ước lượng ARDL trong ngắn hạn

Biến

Hệ số

Độ lệch chuẩn

Thống kê t

Giá trị P

LD.CO2

0,9799618

0,1623468

6,04

0,000

D1.TRADE

-0,0043276

0,001781

-2,43

0,028

LD.TRADE

-0,0051545

0,0012839

-4.01

0,001

EC

-1,526516

0,1940446

-7,87

0,000

Nguồn: Tác giả phân tích từ phần mềm Stata

Thống kê mô tả

Số liệu thu thập được cho thấy, phát thải CO2 của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh. Nếu như năm 1995, logarit cơ số tự nhiên của phát thải CO2 đạt giá trị nhỏ nhất là 17,21966 tương đương 30,09 triệu tấn thì đến năm 2022 là 297,63 triệu tấn. Phát triển tài chính, độ mở thương mại và tốc độ đô thị hoá cũng có xu hướng tăng trong giai đoạn khảo sát.

Kiểm định tính dừng

Các chuỗi dữ liệu khảo sát đều dừng ở bậc 1, như vậy dữ liệu đủ điều kiện để hồi quy theo phương pháp ARDL. Độ trễ tối ưu được lựa chọn theo tiêu chí AIC, kết quả độ trễ tối ưu của các biến CO2, FD, TRADE, URB lần lượt là 2, 0, 2, 0). Bên cạnh đó, kết quả kiểm định đồng liên kết cho giá trị F = 21,981, lớn hơn giá trị giới hạn đường bao ở mức ý nghĩa 1%, như vậy có thể kết luận tồn tại mối quan hệ đồng liên kết giữa các biến.

Trong dài hạn, phát triển tài chính góp phần giảm phát thải CO2. Phát hiện này nhất quán với nghiên cứu của Ganda (2019), Majeed và Mazhar (2019). Như vậy, đối với Việt Nam, nếu tài chính phát triển đủ sâu rộng thì một lượng vốn đáng kể được sử dụng để đầu tư các trang thiết bị hiện đại, công nghệ cao thân thiện với môi trường, từ đó giảm hiệu ứng nhà kính. Ngược lại, trong dài hạn, nếu mức độ giao thương hàng hoá đủ sâu rộng sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề môi trường. Điều này có thể giải thích do độ mở thương mại lớn khiến cho nhu cầu hàng hoá tăng lên, từ đó các doanh nghiệp trong nước phải mở rộng quy mô sản xuất, làm tăng phát thải ra không khí. Kết quả nghiên cứu này ủng hộ cho quan điểm của Ansari và cộng sự (2020), Li và Haneklaus (2022).

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong ngắn hạn độ mở thương mại có tác dụng làm giảm khí thải CO2. Bởi trong ngắn hạn khi thương mại phát triển, thu nhập của người dân tăng thì họ có khuynh hướng chi tiêu vào các sản phẩm thân thiện với môi trường. Lập luận này tương đồng với quan điểm của Pham và Nguyen (2024).

Kết quả kiểm định cho thấy, mô hình không tồn tại các hiện tượng tự tương quan và phương sai thay đổi.

Kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong ngắn hạn, việc tăng cường thương mại có thể tác động tích cực đến môi trường thông qua giảm phát thải CO2, tuy nhiên trong dài hạn thì mở cửa thương mại góp phần làm tăng vấn đề khí nhà kính. Nguyên nhân của việc này là các quy định về xả thải môi trường của Việt Nam còn hạn chế, trong khi đó thương mại phát triển kích thích sản xuất mở rộng, tăng xả thải CO2. Ngược lại, mặc dù không tìm thấy bằng chứng về tác động của phát triển kinh tế và phát thải CO2 trong ngắn hạn nhưng trong dài hạn, phát triển tài chính có tác động tích cực đến môi trường không khí. Điều này được giải thích do một lượng tín dụng được phân bổ để đầu tư vào các công nghệ sạch, góp phần bảo vệ môi trường. Qua kết quả nghiên cứu này, tác giả khuyến nghị các cơ quan chức năng nên quan tâm hơn đến các quy định về xả thải ra môi trường, đồng thời nên có chính sách hỗ trợ cho vay với lãi suất ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sạch.

Tài liệu tham khảo:

  1. Ansari, M. A., Haider, S., & Khan, N. A. (2020). Does trade openness affects global carbon dioxide emissions: evidence from the top CO2 emitters. Management of Environmental Quality: An International Journal, 31(1), 32-53;
  2. Baloch, M. A., Zhang, J., Iqbal, K., & Iqbal, Z. (2019). The effect of financial development on ecological footprint in BRI countries: evidence from panel data estimation. Environmental science and pollution research, 26, 6199-6208;
  3. Dar, J. A., & Asif, M. (2017). Is financial development good for carbon mitigation in India? A regime shift-based cointegration analysis. Carbon Management, 8(5-6), 435-443.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 12/2024