Vai trò, đặc trưng và sự cần thiết ban hành quy định thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải

Phạm Hà Linh – Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính)

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, chất lượng không khí tại các thành phố lớn, một số khu công nghiệp, làng nghề đang ngày càng suy giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ cộng đồng, thiệt hại cho nền kinh tế, đe dọa tới môi trường. Phí bảo vệ môi trường đối với khí thải là một khoản thu áp dụng đối với hoạt động xả thải ra môi trường, đây là một công cụ tài chính nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân xả thải gây ô nhiễm môi trường không khí và toàn xã hội, từ đó góp phần hạn chế hành vi gây ô nhiễm môi trường thông qua cơ chế người gây ô nhiễm phải có trách nhiệm trả tiền cho các dịch vụ công xử lý ô nhiễm môi trường do hành vi của họ gây ra. Bài viết này làm rõ vai trò, đặc trưng và sự cần thiết ban hành quy định thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.

Khái quát về chính sách phí bảo vệ môi trường

Môi trường là không gian sống của con người và các loài động thực vật. Do vậy, môi trường mang tính cộng đồng, mọi người đều có quyền thụ hưởng và có trách nhiệm bảo vệ môi trường (BVMT). Trong quá trình hoạt động của mình, các chủ thể khác nhau sẽ tác động khác nhau đến môi trường sống của cộng đồng. Các chủ thể gây ô nhiễm môi trường phải có nghĩa vụ trả tiền để phục hồi ô nhiễm môi trường do mình gây ra. Nhà nước đại diện cho cộng đồng đứng ra thu tiền và sử dụng tiền để thực hiện việc BVMT.

Nhà nước xác lập nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân phải trả tiền khi gây ô nhiễm môi trường, qua đó có thể thay đổi hành vi ứng xử của người dân nhằm mục tiêu BVMT, tác động vào chi phí và lợi ích trong hoạt động của các chủ thể để họ thay đổi hành vi ứng xử theo chiều hướng có lợi cho môi trường.

Ở Việt Nam, Luật BVMT quy định nguyên tắc người gây ô nhiễm môi trường phải nộp tiền. Tại khoản 1 Điều 161 Luật BVMT quy định: “Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về BVMT, gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức và cá nhân phải có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và bị xử lý theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Luật BVMT đã cụ thể hóa nguyên tắc này bằng quy định phí BVMT. Phí BVMT áp dụng đối với hoạt động xả thải ra môi trường; khai thác khoáng sản hoặc làm phát sinh tác động xấu đối với môi trường; dịch vụ công thuộc lĩnh vực BVMT theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí. Mức phí BVMT được xác định trên cơ sở khối lượng, mức độ độc hại của chất ô nhiễm thải ra môi trường, đặc điểm của môi trường tiếp nhận chất thải; mức độ tác động xấu đến môi trường của hoạt động khai thác khoáng sản; tính chất dịch vụ công thuộc lĩnh vực BVMT. Việc ban hành, tổ chức thực hiện quy định về phí BVMT được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

Chính sách phí BVMT có tác động định hướng hành vi xử sự của các chủ thể tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh theo hướng ngày càng giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Hiện tại, Nhà nước đã cung cấp dịch vụ, thu phí BVMT đối với một số hoạt động nhằm mục đích BVMT, bao gồm:

Thứ nhất, phí BVMT đối với nước thải: Tổ chức, cá nhân trong quá trình hoạt động có xả nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt vào môi trường thì phải nộp phí theo quy định tại Nghị định số 53/2020/NĐ-CP ngày 05/5/2020 của Chính phủ quy định phí BVMT đối với nước thải.

Thứ hai, phí BVMT đối với khai thác khoáng sản: Khai thác khoáng sản là hoạt động nhằm thu hồi khoáng sản, bao gồm xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, phân loại, làm giàu và các hoạt động khác có liên quan.

Phí BVMT đối với hoạt động khai thác khoáng sản thu ở khâu khai thác khoáng sản nhằm góp phần khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường thì phải nộp phí theo quy định tại Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ về phí BVMT đối với khai thác khoáng sản.

Thứ ba, phí BVMT đối với khí thải: Phí BVMT là khoản thu vào hành vi xả thải các loại khí gây ô nhiễm môi trường, dựa trên khối lượng khí ô nhiễm thải ra môi trường.

Cơ sở phát thải gây ô nhiễm môi trường thì phải nộp phí theo quy định tại Nghị định số 153/2024/NĐ-CP ngày 21/11/2024 quy định phí BVMT đối với khí thải.

Vai trò của phí bảo vệ môi trường đối với khí thải

Thứ nhất, phí BVMT đối với khí thải là một trong những công cụ kinh tế hiệu quả để quản lý môi trường, vì nó liên kết chi phí với các hoạt động gây ô nhiễm. Nó cũng cho phép nguồn gây ô nhiễm tiết kiệm tiền và tạo ra lợi ích xã hội bằng cách giảm lượng ô nhiễm mà họ thải ra. Ngay cả ở mức thấp, phí BVMT cũng mang lại sự khích lệ và hữu ích trong việc nâng cao nhận thức về chi phí ô nhiễm.

Thứ hai, phí BVMT đối với khí thải góp phần khuyến khích sự phát triển của công nghệ mới giảm lượng khí thải.

Phí BVMT đối với khí thải được áp dụng trực tiếp đến hoạt động phát thải, tạo động lực thúc đẩy cơ sở có hoạt động gây ô nhiễm tìm phương pháp hiệu quả làm giảm ô nhiễm môi trường. Với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sẽ hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm bớt số phí phải nộp, tiết kiệm được chi phí sản xuất kinh doanh, nâng cao tính cạnh tranh và tăng lợi nhuận.

Thứ ba, phí BVMT đối với khí thải góp phần thúc đẩy hiệu quả tĩnh, khi giúp phần nào cân bằng chi phí giảm giá cận biên giữa những cơ sở gây ô nhiễm khác nhau. Điều này dẫn đến cải thiện môi trường với chi phí thấp nhất có thể cho xã hội.

Thứ tư, phí BVMT đối với khí thải là công cụ kinh tế góp phần điều chỉnh hành vi của các cơ sở phát thải trong việc tìm các nhiên liệu nhằm hạn chế phát thải ra môi trường; quan tâm áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến, hiệu quả để giảm bớt khí thải gây ô nhiễm môi trường không khí; nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong BVMT.

Thứ năm, phí BVMT đối với khí thải góp phần bảo đảm sự công bằng giữa những cơ sở sản xuất trong hoạt động phát thải. Theo đó, cơ sở phát thải có hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường không khí phải nộp phí BVMT đối với khí thải theo khối lượng chất thải. Chất thải có mức độ gây ô nhiễm môi trường càng cao thì mức thu phí BVMT càng cao. Số tiền phí BMMT đối với khí thải là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác BVMT không khí tại địa phương nơi có hoạt động xả thải.

Thứ sáu, phí BVMT đối với khí thải góp phần tạo ra nguồn thu ngân sách nhà nước, giảm bớt gánh nặng tài chính cho Nhà nước trong việc thực hiện các hoạt động BVMT không khí.

Đặc trưng của phí bảo vệ môi trường đối với khí thải

Phí BVMT đối với khí thải có một số đặc trưng cơ bản sau:

Thứ nhất, phí BVMT đối với khí thải là quan hệ kinh tế giữa Nhà nước với cơ sở phát thải gây ô nhiễm không khí trên cơ sở khối lượng chất thải gây ô nhiễm không khí được pháp luật quy định là đối tượng chịu phí BVMT đối với khí thải.

Trong mối quan hệ này, Nhà nước cung cấp các dịch vụ công nhằm khắc phục những ô nhiễm không khí do các tổ chức, cá nhân xả thải gây ra. Bao gồm các hoạt động: giữ gìn, phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đến môi trường không khí; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện, phục hồi môi trường không khí. Các cơ sở phát thải gây ô nhiễm không khí có nghĩa vụ hoàn trả lại cho Nhà nước các chi phí thực hiện BVMT không khí và thu phí. Khoản tiền phí BVMT mà tổ chức, cá nhân phải nộp được xác định trên cơ sở mức độ gây ô nhiễm không khí thông qua khối lượng của từng chất gây ô nhiễm môi trường và mức thu phí tương ứng đối với từng chất gây ô nhiễm không khí theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, phí BVMT đối với khí thải là công cụ kinh tế mang tính trực tiếp.

Phí BVMT đối với khí thải là khoản thu trực tiếp đối với cơ sở phát thải, gây ô nhiễm không khí nhằm mục đích chính là khắc phục ô nhiễm không khí, nâng cao ý thức, trách nhiệm BVMT của chính tổ chức, cá nhân xả thải; không nhằm mục đích tăng thu ngân sách nhà nước.

Phí BVMT đối với khí thải được sử dụng trực tiếp để khắc phục ô nhiễm môi trường không khí tại địa phương nơi thực tế cơ sở phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí và các khu vực bị ảnh hưởng do hoạt động xả thải gây ra. Số tiền phí BVMT đối với khí thải thu được sau khi trừ các chi phí phục vụ công tác thu phí sẽ để lại toàn bộ cho ngân sách địa phương để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường không khí tại địa phương nơi có hoạt động xả thải.

Sự cần thiết ban hành chính sách thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải

Cơ sở pháp lý

Tại điểm 1.2 Mục IX Phần A Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí quy định: Phí BVMT đối với khí thải thuộc thẩm quyền quy định của Chính phủ.

Tại khoản 4 Điều 20 Luật Phí và lệ phí quy định trách nhiệm của các Bộ: “...kiến nghị với Bộ Tài chính về mức thu, nộp, miễn, giảm, quản lý và sử dụng đối với từng khoản phí, lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực quản lý”.

Tại khoản 6 Điều 4, khoản 2 và 3 Điều 136 Luật BVMT quy định: Nguyên tắc gây ô nhiễm môi trường phải chi trả phí BVMT; phí BVMT áp dụng đối với hoạt động xả thải ra môi trường; mức phí BVMT được xác định trên cơ sở khối lượng, mức độ độc hại của chất ô nhiễm thải ra môi trường, đặc điểm của môi trường tiếp nhận chất thải; việc ban hành, tổ chức thực hiện quy định về phí BVMT được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường để đề xuất danh mục cụ thể đối tượng chịu phí, phương pháp tính phí BVMT, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Căn cứ quy định pháp luật về BVMT, pháp luật phí, lệ phí, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã lập Đề án thu phí BVMT đối với khí thải và gửi Bộ Tài chính đề nghị xây dựng dự án nghị định quy định thu phí BVMT đối với khí thải.

Chủ trương của Đảng và Nhà nước

Cương lĩnh xây dựng Đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định “BVMT là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và nghĩa vụ của mọi công dân”.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã quán triệt tầm nhìn và định hướng phát triển giai đoạn 2021-2030: “Lấy BVMT sống và sức khỏe Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống”.

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương nêu rõ quan điểm: “BVMT vừa là mục tiêu, vừa là một nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Tăng cường BVMT phải theo phương châm ứng xử hài hòa với thiên nhiên, theo quy luật tự nhiên, phòng ngừa là chính; kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Đầu tư cho BVMT là đầu tư cho phát triển bền vững”.

Luật Phí và lệ phí, Luật BVMT quy định về phí BVMT đối với khí thải và người gây ô nhiễm môi trường phải trả phí.

Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa ra quan điểm:

Thứ nhất, BVMT là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân có vai trò quan trọng.

Thứ hai, đầu tư cho BVMT là đầu tư cho phát triển bền vững; tăng cường huy động nguồn lực trong xã hội kết hợp với tăng chi ngân sách; áp dụng hiệu quả nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả chi phí xử lý và bồi thường thiệt hại; tiếp tục đẩy mạnh sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cộng đồng và người dân trong BVMT.

Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã đưa ra giải pháp để thực hiện Chiến lược: Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật phí và lệ phí theo hướng khai thác hiệu quả nguồn thu phí từ BVMT.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý chất lượng môi trường không khí và hoàn thiện hệ thống pháp luật phí và lệ phí theo hướng khai thác hiệu quả nguồn thu phí từ BVMT.

Như vậy, việc nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định quy định phí BVMT đối với khí thải nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và Chính phủ về BVMT không khí.

Cơ sở thực tiễn

Ở nước ta, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn, một số khu công nghiệp, làng nghề đang ngày càng suy giảm, tác hại nghiêm trọng đến sức khoẻ cộng đồng, thiệt hại cho nền kinh tế, đe dọa tới môi trường.

Hiện ô nhiễm không khí, nhất là tại các đô thị lớn đang có xu hướng ngày càng gia tăng, có thời điểm ô nhiễm không khí ở mức báo động. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do hoạt động xả khí thải của các cơ sở xả thải và phương tiện giao thông vận tải.

Hiện nay, cả nước có khoảng 5,1 triệu xe ô tô và số lượng lớn xe máy đang lưu hành và có hàng chục khu tổ hợp, liên hợp trong đó tập trung nhiều dự án, loại hình sản xuất bauxite, gang thép, lọc hóa dầu, trung tâm điện lực, hàng ngày xả thải khối lượng lớn khí thải công nghiệp; có gần 120.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó có 138 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020, chưa hoàn thành xử lý triệt để. Các cơ sở này phát sinh khối lượng lớn khí thải công nghiệp, bụi thải, tác động xấu đến môi trường. Trong khi đó, phần lớn tổ chức, cá nhân xả thải gây ô nhiễm môi trường không khí chưa ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình trong việc BVMT không khí. Do đó, thông qua việc nộp phí BVMT đối với khí thải, đối tượng nộp phí bao gồm các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có được nhận thức về hành vi phát thải ra môi trường, đồng thời dần xây dựng ý thức BVMT, hạn chế hành vi gây ô nhiễm thông qua việc giảm thiểu số phí phải nộp.

Pháp luật về quản lý khí thải đã từng bước được hoàn thiện, tuy nhiên, hoạt động quản lý quan trắc môi trường đối với khí thải cơ bản mới áp dụng được với các cơ sở có lượng xả thải khí thải lớn (thuộc diện phải quan trắc môi trường). Phí BVMT đối với khí thải là khoản thu mới, để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ liên quan mới nghiên cứu và đề xuất quy định thu phí đối với 04 loại khí thải và áp dụng đối với cơ sở xả khí thải lớn; có điều kiện về công nghệ, thiết bị phục vụ hoạt động quan trắc môi trường làm cơ sở khai, nộp phí.

Qua quá trình nghiên cứu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Đề án thu phí BVMT đối với khí thải gửi Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng dự án Nghị định quy định thu phí BVMT đối với khí thải. Vì vậy, việc xây dựng Nghị định quy định phí BVMT đối với khí thải là cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước, xây dựng hệ thống pháp luật phí đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tiễn BVMT và nhằm từng bước nâng cao ý thức BVMT của cơ sở phát thải và toàn xã hội.

Kết luận

Phí BVMT là khoản thu vào hành vi xả thải các loại khí gây ô nhiễm môi trường, dựa trên khối lượng khí ô nhiễm thải ra môi trường. Mục đích của phí BVMT đối với khí thải nhằm điều chỉnh hành vi của tổ chức, cá nhân hướng tới giảm thiểu việc xả khí thải gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo nguồn thu cho công tác BVMT.

Căn cứ pháp luật BVMT, pháp luật phí, việc ban hành Nghị định quy định phí BVMT đối với khí thải nhằm kiện toàn hệ thống pháp luật phí và nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân xả thải gây ô nhiễm môi trường không khí.

Tài liệu tham khảo:

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011);
  2. Ban Chấp hành Trung ương (2013), Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013;
  3. Quốc hội (2020), Luật số 72/2020/QH14, Luật Bảo vệ môi trường;
  4. Chính phủ (2023), Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 và Chương trình công tác năm 2023;
  5. OECD (1975), The Polluter Pays Principles: Definition, Analysis, Implementation, Organization for Economic Co-operation and Development, Paris.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 12/2024