Tác động của chính sách thuế mới đối với quản lý hộ kinh doanh ở Yên Bái
(Tài chính) 6 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh Yên Bái thu ngân sách đạt 436,4 tỷ đồng, bằng 42% dự toán phấn đấu địa phương giao, tăng 45% so cùng kỳ. Trong đó, số thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 144,6 tỷ đồng, bằng 48% dự toán, tăng 80% so cùng kỳ năm 2012. Riêng số thu từ hộ, cá nhân kinh doanh đạt 23,9 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ. Con số này tuy chiếm tỷ trọng nhỏ, nhưng là nguồn thu ổn định của Tỉnh bởi những năm qua, hoạt động kinh doanh của hộ, cá nhân trong lĩnh vực công thương nghiệp và dịch vụ ở Yên Bái đã có bước phát triển khá tốt, không ngừng tăng trưởng cả về số lượng và quy mô kinh doanh.
Mức thuế bình quân tăng 8,5%
Năm 2012, toàn Tỉnh có 9.871 hộ, cá nhân kinh doanh, với tổng doanh thu lập bộ đạt 3.162 tỷ đồng, trong đó có 4.546 hộ thu nhập thấp thuộc diện được miễn thuế, còn lại 5.325 hộ nộp thuế, với số thuế nộp ngân sách 16,5 tỷ đồng (đã trừ số thuế hộ nghỉ kinh doanh), mức thuế bình quân đạt 320 nghìn đồng/hộ/tháng.
6 tháng đầu năm 2013, toàn Tỉnh có 10.327 hộ, cá nhân kinh doanh, trong đó có 5.655 hộ thuộc diện phải nộp thuế, với tổng doanh thu đạt 2.372 tỷ đồng, số thuế nộp ngân sách 9.834 triệu đồng, mức thuế bình quân đạt 347 nghìn đồng/hộ/tháng, tăng 8,5% so với năm 2012.
Để công tác quản lý hộ, cá nhân kinh doanh đi vào nề nếp và góp phần chống thất thu thuế, tháng 10/2012, Cục Thuế Yên Bái đã triển khai Đề án quản lý hộ kinh doanh và đến nay đã ghi nhận những kết quả ban đầu. Trong 6 tháng đầu năm 2013, các chi cục thuế đã phối hợp với hội đồng tư vấn thuế và Ủy ban Nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức điều tra doanh thu thực tế của 597 hộ, cá nhân kinh doanh ngành hàng ăn uống, thương nghiệp. Trên cơ sở đó đã điều chỉnh doanh thu và mức thuế của các hộ này tăng từ 35% đến 47%, đồng thời qua rà soát, ngành Thuế đã đưa thêm 456 hộ vào quản lý. Tuy mức thuế tăng không nhiều, do số thu vào ngân sách hà nước (NSNN) chiếm tỷ trọng nhỏ, nhưng đây là việc làm cần thiết để đảm bảo mức đóng góp công bằng giữa các hộ kinh doanh. Mục tiêu năm 2013, ngành Thuế sẽ điều chỉnh từ 45-50% tổng số hộ kinh doanh trong diện phải nộp thuế, đưa mức doanh thu và mức thuế khoán tăng khoảng 25-30% so với năm 2012.
Số hộ kinh doanh được miễn thuế sẽ giảm
Tuy đạt được những kết quả nhất định, song công tác quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh vẫn còn nhiều bất cập. Thêm vào đó, việc triển khai Luật Quản lý thuế, Luật Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013 và Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014 sẽ có tác động rất lớn đến công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh trên địa bàn.
Theo quy định của Luật Thuế TNCN sửa đổi, thì việc thay đổi tỷ lệ thu nhập chịu thuế trên doanh thu về cơ bản không tác động lớn đến phần lớn các hộ kinh doanh nộp thuế khoán, do mức giảm trừ gia cảnh cao (giảm trừ cho người nộp thuế từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng), nhưng đối với các hộ kinh doanh có quy mô kinh doanh lớn sẽ có biến động, chủ yếu thuộc nhóm hàng bán buôn, bán lẻ.
Theo quy định của Luật Thuế GTGT sửa đổi, các hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thuộc diện không phải nộp thuế. Như vậy, số hộ có thu nhập thấp hiện nay đang được miễn thuế trên toàn Tỉnh sẽ giảm từ 4.672 hộ xuống còn hơn 1.000 hộ. Bên cạnh đó, với quy định thuế suất thuế GTGT đối với hộ kinh doanh được áp dụng theo tỷ lệ % trên doanh thu: ngành thương mại (phân phối, cung cấp hàng hoá) là 1%; ngành sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hoá, xây dựng có bao thầu nguyên, vật liệu là 3%; ngành dịch vụ, xây dựng (trừ xây dựng có bao thầu nguyên, vật liệu) là 5% và các hoạt động kinh doanh khác là 2%, thì số thuế GTGT phải nộp của hộ kinh doanh cũng sẽ biến động so với mức hiện hành.
Nỗ lực triển khai chính sách thuế mới
Việc thay đổi các chính sách thuế không chỉ làm thay đổi đến tỷ lệ huy động thuế của người nộp thuế (NNT), mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình triển khai công tác quản lý thuế của ngành. Theo ông Hoàng Văn Diểm, Cục trưởng Cục Thuế thì số thuế mà các hộ kinh doanh nộp ngân sách không lớn (chiếm trên 5% tổng số thu NSNN), nhưng số lượng NNT lớn nên nguồn nhân lực quản lý đầu tư vào khu vực này không hề nhỏ, chiếm tới trên 20% số cán bộ toàn ngành và trên 27% số cán bộ cấp chi cục thuế. Mặt khác, do số lượng lớn, trình độ nhận thức của hộ kinh doanh còn nhiều hạn chế nên cũng gây khó khăn lớn cho công tác quản lý.
Để đạt được mục tiêu thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí đối với nhóm đối tượng hộ kinh doanh, ngành Thuế Yên Bái xác định, việc nâng cao chất lượng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để nâng cao nhận thức về trách nhiệm và nghĩa vụ của NNT trong việc thực hiện chính sách. Từ đó, giúp các hộ tự giác kê khai, điều chỉnh doanh thu phù hợp với thực tế quy mô kinh doanh, tạo cơ sở để ngành Thuế điều chỉnh mức thuế khoán theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
Theo hướng này, cơ quan thuế các cấp ở Yên Bái đang nỗ lực đổi mới phương thức tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn; tổ chức đối thoại để tháo gỡ vướng mắc, giúp NNT có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận chính sách thuế; đồng thời, đảm bảo được mục tiêu công khai, minh bạch và công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở một Tỉnh miền núi như Yên Bái.