Tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế các địa phương tại Việt Nam
Nghiên cứu nhằm đánh giá tác động của các yếu tố thuộc về công nghệ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế tại các địa phương Việt Nam, phân theo 6 vùng kinh tế trọng điểm, trong giai đoạn từ năm 2016-2021. Bằng phương pháp hồi quy dữ liệu bảng gộp (Pooled-OLS và S.GMM), tác giả sử dụng biến tỷ lệ tăng trưởng GRDP làm biến phụ thuộc cho cả hai phương pháp định lượng. Đối với phương pháp hồi quy tĩnh, tác giả sử dụng hai lựa chọn trong phần mềm Stata để điều chỉnh lỗi phương sai thay đổi và tự tương quan, các nghiên cứu từ mô hình kinh tế lượng cho thấy biến chỉ số Công nghệ thông tin và truyền thông tăng 1% điểm sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các địa phương tăng 0,06%, trong khi biến về Hạ tầng nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông lại có tác động âm đến tăng trưởng kinh tế các địa phương. Các kết quả này giúp củng cố lý thuyết và thực nghiệm, cũng như giúp đưa ra một số hàm ý chính sách nhằm gia tăng chỉ số công nghệ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định cho các địa phương.
Giới thiệu
Lịch sử phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế thường cho thấy sự tập trung vào các yếu tố đầu vào như: Tích tụ vốn vật chất (Lewis, 1954); Tìm kiếm nguồn lực tài chính (Domar, 1946; Harod, 1939); Chuyển giao kỹ thuật hay thay đổi công nghệ (Solow, 1957); Phát triển vốn nhân lực (Becker, 2009); Thể chế (North, 1990)… Kinh tế Việt Nam trong những năm qua nhìn chung đạt mức tăng trưởng cao, tuy nhiên nền kinh tế duy trì quá lâu ở mô hình “giá trị gia tăng thấp” dựa vào việc gia tăng nhanh vốn đầu tư, lạm dụng khai thác tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh, vì vậy kém hiệu quả trong dài hạn. Bên cạnh đó, với diện tích trải dài từ Bắc vào Nam có phân bố địa hình, vị trí địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng và dân cư tự nhiên rất khác nhau, nên cơ hội và nguồn lực cho phát triển kinh tế giữa các địa phương không đồng đều.
Các lý thuyết tăng trưởng kinh tế gần đây đã chỉ ra rằng, một nền kinh tế muốn tăng trưởng nhanh, bền vững và ở mức cao ngoài dựa trên các yếu tố nhân lực, vốn, tài nguyên thiên nhiên, thì yếu tố về công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng (Hodrob và cộng sự, 2016; Toader và cộng sự, 2018; Myovella và cộng sự, 2020; Remeikiene và cộng sự, 2021; Asif Raihan, 2023). Trong công cuộc đổi mới hiện nay, Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng luôn quan tâm đặc biệt đến yếu tố thuộc về công nghệ, với sự trợ giúp của công nghệ sẽ mang lại sự tiết kiệm trong lực lượng lao động và vốn.
Năm 2023, Việt Nam đã dựa vào các đặc trưng chung của các tỉnh để phân thành 6 vùng kinh tế-xã hội, đây là cơ sở để phát huy thế mạnh và lợi thế của từng vùng, góp phần thúc đẩy đổi mới, gia tăng năng suất, giúp tăng trưởng kinh tế các địa phương một cách tối ưu. Các nghiên cứu gần đây cũng xem xét vai trò của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam (Đặng Thị Việt Đức và cộng sự, 2020; Hà Thanh Công, 2021; Huỳnh Thị Tuyết Ngân và cộng sự, 2021; Nguyễn Lê Hoàng Thuỵ Tố Quyên và cộng sự, 2022) nhưng các nghiên cứu chưa xem xét, đánh giá sự khác biệt theo 6 vùng kinh tế - xã hội được phân chia mới, cũng như chưa xem xét tác động đồng thời của các yếu tố khác bên cạnh yếu tố công nghệ như: năng suất lao động hay tỷ lệ tổng mức đầu tư toàn bộ của địa phương…
Nghiên cứu này vừa xem xét tác động của nhóm các yếu tố thuộc về công nghệ, vừa xem xét tác động của các yếu tố khác này đến tăng trưởng kinh tế phân theo 6 vùng kinh tế, từ đó đưa ra các khuyến nghị hợp lý hơn cho các vùng kinh tế khác nhau. Đây là đóng góp mới trong nghiên cứu của tác giả.
Cơ sở lý thuyết
Công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) là sự kết hợp giữa truyền thông và viễn thông bao gồm các kỹ nghệ hợp thành như máy tính điện tử, chương trình phần mềm, internet, băng thông rộng, điện thoại di động… Sự phổ biến của CNTT-TT đã tạo ra một sự chuyển đổi mạnh mẽ của thế giới thành một xã hội thông tin (Arthur Grimes, 2012). Các lý thuyết đương đại nổi bật như lý thuyết Schumpeterian và lý thuyết Tăng trưởng tân cổ điển đã nhấn mạnh hiệu quả tăng trưởng kinh tế của đầu tư vào CNTT-TT và cũng bởi một số nghiên cứu thực nghiệm cho thấy mối quan hệ tích cực giữa đầu tư CNTT và tăng trưởng kinh tế. Những lý thuyết này cho thấy, dòng chảy của CNTT về phía cung của nền kinh tế cùng với các yếu tố cơ sở hạ tầng bổ sung có thể dẫn đến sự thay đổi về vốn, tạo ra sự cải thiện quy trình sản xuất thông qua tăng cường vốn và tạo ra những tiến bộ về công nghệ và chất lượng lực lượng lao động. Do đó, CNTT-TT tạo ra giá trị gia tăng ở cấp độ DN và ở cấp độ ngành, dẫn đến cải thiện năng suất giúp nâng cao hiệu suất lao động, tăng cường năng lực cạnh tranh của các DN và tăng trưởng kinh tế ở cấp địa phương, quốc gia.
Dựa trên cách tiếp cận này, đã có nhiều nghiên cứu xem xét vai trò đóng góp của từng yếu tố thuộc về công nghệ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Phần lớn các nghiên cứu đều phân tích về ảnh hưởng của chi tiêu cho khoa học, công nghệ hay phát triển CNTT-TT của quốc gia hay các địa phương. Mahyideen và Ismail (2012) đã nghiên cứu sự đóng góp của cơ sở hạ tầng CNTT-TT trong việc ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế ở một số nước ASEAN trong giai đoạn 1980–2009. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cơ sở hạ tầng CNTT-TT thực sự là động lực chính cho hiệu quả tăng trưởng của ASEAN.
Bằng cách tiếp cận dữ liệu bảng động và tĩnh trong khuôn khổ mô hình tăng trưởng tại các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) trong giai đoạn 1990-2014, nghiên cứu của Aghaei và Rezagholizadeh (2017) cho thấy, cứ tăng 1% trong đầu tư CNTT dẫn đến tăng trưởng kinh tế 0,52%. Sepehrdoust và cộng sự (2018) đã dùng phương pháp GMM để điều tra tác động của phát triển CNTT và tài chính đối với tăng trưởng kinh tế của các nước xuất khẩu xăng dầu (OPEC) trong giai đoạn 2002-2015. Kết quả nghiên cứu cho thấy cứ 1% tăng của chỉ số phát triển tài chính và các biến CNTT đã dẫn đến mức tăng trưởng kinh tế lần lượt là 0,048% và 0,050%.
Tương tự, Bahrini và Qaffas (2019) nghiên cứu ảnh hưởng CNTT-TT đến tăng trưởng khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) và khu vực Châu Phi cận sa mạc Sahara (SSA) giai đoạn (2000-2017). Kết quả cho thấy, cơ sở hạ tầng CNTT-TT bao gồm điện thoại di động, sử dụng Internet và băng thông rộng là những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của một số quốc gia đang phát triển; Cioaca và cộng sự (2020) nghiên cứu ảnh hưởng CNTT-TT đến tăng trưởng của các nước thuộc Liên minh châu Âu trên dữ liệu được thu thập từ cơ sở dữ liệu Eurostat, sử dụng mô hình hồi quy dữ liệu bảng (giai đoạn 2008-2018), kết quả đã tìm thấy mối quan hệ tích cực có ý nghĩa thống kê giữa mức độ truy cập internet thay đổi và sự thay đổi trong GDP bình quân đầu người.
Remeikiene và cộng sự (2021) đã sử dụng phân tích hồi quy tuyến tính để xem xét mối quan hệ giữa phát triển CNTT-TT trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở 11 nền kinh tế chuyển đổi của EU trong giai đoạn 2000-2019. Kết quả thu được cho thấy sự phát triển CNTT có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia đang được xem xét.
Bằng phương pháp GMM, Atif Awad (2022) đã nghiên cứu dịch vụ CNTT-TT ảnh hưởng như thế nào đến tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Phi cận Sahara (SSA), tập trung vào các kênh truyền tải liên quan. Nghiên cứu sử dụng kỹ thuật GMM hệ thống hai bước của hệ thống trên một mẫu gồm 44 quốc gia ở SSA trong giai đoạn 2004-2020, biến chỉ số tổng hợp CNTT. Kết quả xác định rằng, CNTT đã đóng góp trực tiếp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Asif Raihan (2023) sử dụng phương pháp (ARDL) nghiên cứu tác động của CNTT-TT và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với tăng trưởng kinh tế (GDP) ở Ấn Độ bằng cách sử dụng dữ liệu chuỗi thời gian từ năm 1992-2021. Kết quả phát hiện ra rằng, mức tăng 1% ở cả CNTT và FDI sẽ dẫn đến tăng 0,56% và 0,71% trong GDP trong dài hạn, ngoài việc tăng 0,11% và 0,29% trong thời gian ngắn, kết quả có ý nghĩa đặc biệt đối với các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ vì chúng có thể được sử dụng để hoạch định chính sách hợp lý cho thành công kinh tế lâu dài trong việc thúc đẩy lĩnh vực CNTT-TT.
Tại Việt Nam, hội nhập quốc tế và tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn gần đây đã thúc đẩy hoạt động nghiên cứu về công nghệ thông qua chỉ số CNTT-TT. Điển hình như nghiên cứu của Đặng Thị Việt Đức và cộng sự (2020) sử dụng dữ liệu từ giai đoạn 2000–2019, tập trung nghiên cứu về chỉ số CNTT-TT tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Kết quả cho thấy CNTT-TT tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 4,5% GDP của nền kinh tế giai đoạn 2000-2019; Hà Thanh Công (2021) nghiên cứu ảnh hưởng của khuếch tán CNTT đến tăng trưởng kinh tế của 63 tỉnh, thành được phân chia theo 3 miền Bắc, Trung, Nam trong giai đoạn 2009-2019, ngoại trừ điện thoại cố định, các CNTT-TT khác như điện thoại đi động, sử dụng internet và sử dụng băng thông rộng là những yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các vùng miền ở Việt Nam. Bằng cách sử dụng phương pháp GMM sai phân (DGMM) của Arellano và Bond (1991) để ước lượng các mô hình với dữ liệu bảng cân bằng của 8 địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2017, nghiên cứu của Huỳnh Thị Tuyết Ngân và cộng sự (2021) đã cho thấy, nếu chỉ số mức độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển CNTT tăng 1% thì có khả năng làm tổng sản phẩm nội địa của các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tăng 0,84%.
Gần đây, Nguyễn Lê Hoàng Thuỵ Tố Quyên và cộng sự (2022) đã tiến hành nghiên cứu dựa trên bộ dữ liệu của 08 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong giai đoạn 2005-2019, thông qua chỉ số CNTT-TT, giá trị xuất khẩu… sử dụng các phương pháp ước lượng dữ liệu bảng như hồi quy gộp OLS, tác động cố định (FEM), tác động ngẫu nhiên (REM) và Bình phương tối thiểu tổng quát khả thi (FGLS). Kết quả nghiên cứu định lượng cho thấy, chỉ số CNTT-TT ảnh hưởng tích cực đến quá trình tăng trưởng kinh tế của 08 tỉnh, thành phố.
Bên cạnh yếu tố về công nghệ thì cũng có các yếu tố khác ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế các địa phương hay vùng kinh tế. Các nghiên cứu về độ mở thương mại có ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng kinh tế (Sakyi và cộng sự (2015); Khobai và cộng sự (2018); Su và cộng sự (2019); Raghutla (2020). Bên cạnh đó, năng suất lao động được coi là nổi bật trong các mô hình tăng trưởng theo Solow (1956), một số nghiên cứu chứng minh tác động tích cực của năng suất lao động đến tăng trưởng và phát triển kinh tế Fosse và cộng sự (2014); Đặng Văn Lương (2019); Nguyễn Thị Huệ (2019). Ngoài ra, các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy vai trò của đô thị hóa đến tăng trưởng, điển hình như các nghiên cứu của (Trần Mạnh Hùng và cộng sự (2021); Nguyễn Lê Hoàng Thụy Tố Quyên và Ngô Thị Cẩm Hường (2022; Nguyễn Thanh Tú (2022). Tuy nhiên, đô thị hóa tràn lan có thể tạo ra bất ổn và kéo theo xu hướng tăng trưởng kinh tế không bền vững.
Dữ liệu, phương pháp và mô hình nghiên cứu
Trong nghiên cứu này, tác giả thực hiện nghiên cứu tác động trực tiếp của các yếu tố thuộc về công nghệ đến tăng trưởng kinh tế các tỉnh, thành phố Việt Nam bằng phương pháp hồi quy Pooled-OLS và theo phương pháp GMM hệ thống. Trong đó, tác giả sử dụng biến tỷ lệ tăng trưởng GRDP làm biến phụ thuộc cho cả hai phương pháp định lượng.
Đối với phương pháp hồi quy tĩnh, do dữ liệu có hiện tượng phương sai thay đổi và tự tương quan, để khắc phục vấn đề này, tác giả sử dụng hai lựa chọn (option) trong phần mềm Stata để điều chỉnh, bao gồm: option (robust) phương sai thay đổi; option (cluster) để điều chỉnh lỗi phương sai thay đổi và tự tương quan. Trên cơ sở mô hình tăng trưởng nội sinh cùng với các nghiên cứu thực nghiệm có liên quan, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như sau:
gGRDPit = b0 + b1*gGRDPit-1 + b2*ICTit + b3*H-ICTit + b4*Openit + b5*Investit + b6*LPit + b7*Popcityit+ bj* + eit
Trong đó: gGRDPit là tăng trưởng kinh tế địa phương tại tỉnh/thành phố i vào năm t; ICTit là chỉ số CNTT-TT tại tỉnh/thành phố i vào năm t-1; H-ICTit là chỉ số hạ tầng nhân lực công nghệ tại tỉnh/thành phố i vào năm t-1; Openit là độ mở thương mại của tỉnh i chỉ quy mô tương đối của khu vực thương mại của địa phương, được đo lường bằng tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ của tỉnh/GRDP của tỉnh; Investit là tổng vốn đầu tư toàn bộ của tỉnh/GRDP của tỉnh i vào năm t; LPit là tổng doanh thu chia cho tổng số lao động của tỉnh i vào năm t; Popcityit là số dân cư đô thị chia cho tổng số dân của tỉnh/thành phố; dj là biến dummy, có 6 vùng nên ma trận dummy 5 vùng, trong đó lấy vùng Đồng bằng sông Cửu Long làm gốc so sánh.
Về phân vùng, tác giả căn cứ vào Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tổ chức không gian phát triển đất nước thành 06 vùng kinh tế - xã hội như sau:
- Vùng Trung du và miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên và Hoà Bình, được ký hiệu là MNPB.
- Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, TP. Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh, được ký hiệu là DBSH.
- Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận, được ký hiệu là BTBDH.
- Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, được ký hiệu là TN;
- Vùng Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh, được ký hiệu là DNB;
- Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: TP. Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
Với 6 vùng kinh tế trọng điểm, để cho ra kết quả định lượng tìm sự khác biệt giữa các vùng, tác giả tạo ma trận phân vùng, lấy vùng Đồng bằng sông Cửu Long làm vùng chuẩn đối chiếu so sánh với các vùng còn lại. Vì vậy, có ma trận cấp 5x1 để phân thành các vùng khác nhau trong xử lý mô hình hồi quy. Dữ liệu sử dụng dựa trên dữ liệu thứ cấp của 63 tỉnh, thành Việt Nam giai đoạn 2016-2021 được trích xuất trực tiếp từ Tổng cục Thống kê và Sách trắng DN Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu
Bảng 1 thể hiện kết quả thống kê mô tả các biến trong mô hình sử dụng. Với giai đoạn nghiên cứu từ năm 2016-2021 (n=6 năm), có 63 tỉnh, thành nên tổng cộng có 6x63 = 378 quan sát. Về tăng trưởng kinh tế GRDP các tỉnh, có giá trị trung bình trong giai đoạn nghiên cứu là 0,0875 (8,75%) có giá trị tăng trưởng thấp nhất là -11,83% (thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu vào năm 2020 là năm kinh tế suy thoái chung do đại dịch COVID-19). Tăng trưởng cao nhất đạt 30,42% (thuộc tỉnh Lai Châu năm 2016). Chỉ số CNTT-TT (ICT) của các tỉnh có giá trị trung bình là 0,38 tính trên thang điểm 1 thì giá trị trung bình này nhìn chung là còn khá thấp, thấp nhất là 0,06 (thuộc về tỉnh Lai Châu năm 2021), tỉnh có chỉ số ICT cao nhất 0,94 thuộc về Đà Nẵng vào năm 2017. Về năng suất lao động, tỉnh có năng suất lao động thấp nhất là Nghệ An năm 2016, tỉnh có năng suất lao động cao nhất là Thái Nguyên vào năm 2021. Về tỷ lệ dân cư đô thị có giá trị trung bình chung là 29,35%, trong đó giá trị thấp nhất là 9,8% (thuộc về tỉnh Bến Tre năm 2021), cao nhất là 88,17% thuộc về TP. Đà Nẵng năm 2018.
Tóm lại, bảng phân tích mô tả trên cho thấy đặc trưng các biến trong mô hình, đặc trưng các tỉnh, vùng có các giá trị trung bình, cao/thấp. Ngoài ra, cũng cho thấy đặc trưng dữ liệu tồn tại hiện tượng phương sai thay đổi, cần dùng kỹ thuật điều chỉnh trong mô hình hồi quy kinh tế lượng.
Bảng 2 thể hiện kết quả định lượng tác động của các yếu tố thuộc về CNTT-TT ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế các địa phương phân theo 6 vùng kinh tế khác nhau, trong đó, sử dụng vùng Đồng bằng sông Cửu Long làm vùng kinh tế so sánh với 5 vùng kinh tế còn lại của cả nước. Với mã hóa các vùng như sau: MNPB (Vùng Trung du và miền núi phía Bắc); DBSH (Vùng Đồng bằng sông Hồng); BTBDH (Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung); TN (Vùng Tây Nguyên); DNB (Vùng Đông Nam Bộ). Ngoài ra, bởi vì vốn đầu tư đóng vai trò rất quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, chính vì vậy tác giả chọn biến tổng vốn đầu tư toàn xã hội làm biến công cụ (IV variable).
Bảng 1: Thống kê mô tả các biến |
|||||
Biến |
Số quan sát |
Trung bình |
Độ lệch chuẩn |
Giá trị nhỏ nhất |
Giá trị lớn nhất |
g-GRDP |
378 |
0.0875 |
0.0468 |
-0.1183 |
0.3042 |
g-GRDP_1 |
378 |
0.0885 |
0.0494 |
-0.3014 |
0.3042 |
Lnopen |
378 |
10.6151 |
0.9275 |
8.2044 |
13.8711 |
ICT |
378 |
0.3861 |
0.1552 |
0.0626 |
0.9407 |
lnLP |
378 |
7.1257 |
0.4830 |
4.5933 |
8.5176 |
lninvest |
378 |
10,1837 |
0,8721 |
7,4119 |
13,0092 |
Popcity |
378 |
0.2935 |
0.1737 |
0.0980 |
0.8817 |
Nguồn: Tính toán của tác giả
Bảng 2: Kết quả định lượng tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế các địa phương |
||||
Biến |
Ước lượng với Pool-OLS (a) |
Ước lượng với GMM (b) |
||
Bê-ta |
P-value |
Bê-ta |
P-value |
|
g-GRDP_1 |
0,2688 |
0,00* |
0,7158 |
0,049** |
ICT |
0,0639 |
0,009* |
0,0181 |
0,650 |
HTNL |
-0,0524 |
0,015** |
-0,0316 |
0,216 |
Lnopen |
-0,0066 |
0,298 |
-0,0043 |
0,485 |
lninvest |
0,0071 |
0,210 |
-na- |
-na- |
lnLP |
-0,0043 |
0,410 |
-0,0019 |
0,769 |
popcity |
-0,0224 |
0,225 |
-0,0044 |
0,862 |
MNPB |
0,0065 |
0,506 |
-0,0006 |
0,964 |
DBSH |
0,0203 |
0,038** |
0,0170 |
0,097*** |
BTBDH |
0,0070 |
0,392 |
0,0062 |
0,544 |
TN |
0,0015 |
0,878 |
0,0030 |
0,715 |
DNB |
0,0036 |
0,717 |
0,0121 |
0,348 |
Tung độ gốc |
0,0954 |
0,055*** |
0,0907 |
0,130 |
Chú thích: (*) (**) (***) tương ứng với các mức ý nghĩa thống kê 1%, 5% và 10%; Biến bị nội sinh trong mô hình là biến tăng trưởng kinh tế kỳ trước (g-GRDP_1), tác giả sử dụng biến công cụ là tổng vốn đầu tư so với GRDP các tỉnh.
Nguồn: Tính toán của tác giả
Kết quả ước lượng ở cả các phương pháp đều cho thấy tăng trưởng kinh tế kỳ trước (năm trước) có đóng góp cho tăng trưởng kinh tế năm nay với tác động biên cao và đều có ý nghĩa thống kê, đối với ước lượng tĩnh kết quả cho thấy tăng trưởng kinh tế kỳ trước tăng 1% đóng góp cho tăng trưởng kinh tế kỳ sau 0,27%, nhưng đối với mô hình động (GMM) thì tác động biên cao hơn 0,71%. Kết quả này tương đồng với các kết quả nghiên cứu của Su và Liu (2016); Kyophilavong và cộng sự (2018); Maneejuk và Yamaka (2021); Hà Thanh Công (2021).
Về xem xét đánh giá ảnh hưởng của yếu tố CNTT-TT thông qua chỉ số ICT, cũng như hạ tầng nhân lực CNTT-TT đến tăng trưởng kinh tế các địa phương theo kết quả từ Bảng 2, cho thấy các kết quả về dấu tác động các biến khác cũng nhất quán với kết quả phân tích trước đó của tác giả. Yếu tố chỉ số CNTT-TT có tác động dương và có ý nghĩa thống kê đến tăng trưởng kinh tế ở các mô hình hồi quy tĩnh, cụ thể nếu chỉ số này tăng 1% điểm sẽ tác động làm gia tăng 0,06% cho GRDP các địa phương, kết quả này khá tương đồng với các nghiên cứu trước như (P. Pradhan và cộng sự (2018); Remeikiene và cộng sự, 2021; Hà Thanh Công (2021); László Vasa1 và cộng sự (2023). Thật vậy, trong giai đoạn hiện nay, CNTT-TT là yếu tố cốt lõi giúp các địa phương chuyển đổi số, áp dụng các hệ thống hạ tầng Chính phủ điện tử, minh bạch thông tin, giảm chi phí giao dịch, kết nối hạ tầng các bên, giúp ích lớn trong công cuộc cải cách hành chính và phát triển hệ thống kinh doanh cho DN. Điều đáng tiếc là yếu tố về hạ tầng nhân lực CNTT-TT lại có tác động âm đến tăng trưởng kinh tế các địa phương, kết quả này cho thấy chất lượng nhân lực về công nghệ hiện chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới trên cả 3 khía cạnh về tiếp cận, am hiểu và vận hành. Do CNTT-TT thay đổi nhanh chóng, trong khi việc đào tạo, tập huấn, chuyển đổi số còn nhiều vấn đề bất cập mà trong ngắn hạn khó giải quyết kịp nhu cầu xã hội.
Các biến kiểm soát trong mô hình như độ mở thương mại (open), tổng chi tiêu đầu tư xã hội (invest), năng suất lao động (LP) và tỷ lệ dân cư đô thị đều không có ý nghĩa thống kê. Riêng tỷ lệ dân cư đô thị có tác động âm và không có ý nghĩa thống kê, kết quả này trái với kết quả nghiên cứu của Trần Mạnh Hùng và cộng sự (2021); Nguyễn Lê Hoàng Thụy Tố Quyên và Ngô Thị Cẩm Hường (2022) và Nguyễn Thanh Tú (2022). Nhưng kết quả này thể hiện việc đô thị hóa, gia tăng đô thị hóa trong khi văn hóa và tư duy chưa thay đổi kịp phù hợp với văn minh đô thị sẽ tạo rào cản cho phát triển. Đô thị hóa chỉ khi nào phù hợp với bản chất dân cư đô thị, đáp ứng mọi nguồn lực và thiết chế văn hóa mới có thể giúp cho tăng trưởng kinh tế tốt.
Về sự khác biệt tăng trưởng kinh tế các vùng kinh tế khác nhau, các vùng còn lại đều có giá trị tăng trưởng trung bình, nhìn chung là cao hơn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (trừ vùng MNPB theo mô hình động), ví dụ như vùng Đồng bằng sông Hồng có tăng trưởng cao hơn vùng Đồng bằng sông Cửu Long 0,02%/năm, hay như vùng Đông Nam Bộ có mức tăng trưởng chung cao hơn vùng Đồng bằng sông Cửu Long ở mức 0,003% đến 0,01%. Các kết quả này phản ánh đặc trưng chung của 6 vùng kinh tế, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long có sự tăng trưởng chậm, hay kể cả vùng Đông Nam Bộ cũng có mức tăng chung suy giảm so với mặt bằng chung các vùng còn lại nhất là trong các năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Kết luận và hàm ý
Chỉ số CNTT-TT (ICT) có tác động tích cực đến tăng trưởng, cứ tăng 1% điểm sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các địa phương tăng 0,06%, trong khi biến hạ tầng nhân lực CNTT-TT lại có tác động âm đến tăng trưởng kinh tế các địa phương, vì vậy cần đầu tư mạnh hơn các giải pháp phát triển về hạ tầng CNTT-TT, về nhân lực CNTT-TT và về khả năng ứng dụng CNTT-TT.
Thứ nhất, hạ tầng CNTT cần cải thiện chất lượng và tốc độ hạ tầng internet, đảm bảo toàn dân có thể truy cập mạng 4G, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở. Nhà nước cần khuyến khích các địa phương tại các vùng này phát triển và cung cấp đầy đủ dịch vụ viễn thông cho người dân. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi số; Thúc đẩy phát triển, khai thác dữ liệu số, dịch vụ số, nền tảng số Việt Nam; tăng cường đầu tư, xây dựng hạ tầng số, nền tảng số để thực hiện chuyển đổi số; lĩnh vực có chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng số cho các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ hai, về hạ tầng nhân lực CNTT-TT, cần đào tạo, nâng cao kỹ năng ứng dụng sự phát triển của CNTT-TT vào công việc cho người lao động. Các trường đại học, cần nâng cao chất lượng chương trình giảng dạy giúp sinh viên trao dồi các kỹ năng cần thiết để đáp ứng cho yêu cầu của công việc trong thời đại số. Các cơ quan quản lý nhà nước ở cấp tỉnh có thể tính tới đặt hàng đối với các trường đào tạo trọng điểm trong một số lĩnh vực như an ninh mạng, an toàn thông tin để các trường có điều kiện đầu tư nguồn lực về con người và cơ sở vật chất để phục vụ đào tạo, xây dựng các chuyên đề đào tạo phù hợp với yêu cầu của từng nhóm đối tượng, cơ quan quản lý, DN, đơn vị dịch vụ công,…Đào tạo các chuyên ngành CNTT-TT, công nghệ số, kinh tế số và xã hội số, tăng sự liên kết giữa nội dung CNTT-TT với các ngành nghề.
Thứ ba, về khả năng ứng dụng CNTT-TT cần nâng cao nhận thức và tầm quan trọng việc ứng dụng CNTT-TT. Trong đó, người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan đơn vị cần hiểu đúng đắn về CNTT-TT, nâng cao trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành và có sự vào cuộc mạnh mẽ của cán bộ, công chức để đẩy mạnh ứng dụng CNTT-TT vào hoạt động. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức ứng dụng CNTT-TT cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi và cao nguyên. Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân các vùng này sử dụng điện thoại di động vì tính tiện lợi của nó trong các giao dịch thanh toán, chuyển tiền, trong các thủ tục hành chính và hoạt động thương mại điện tử. Xây dựng cơ sở dữ liệu số thay thế cho cơ sở dữ liệu truyền thống để giảm thiểu thời gian, chi phí, tối ưu hóa quy trình hoạt động, gia tăng năng lực cạnh tranh, rút ngắn khoảng cách giữa miền ngược với miền xuôi. Các DN viễn thông cần áp dụng thêm công nghệ mới, mở rộng quy mô thử nghiệm và đẩy nhanh việc thương mại hóa 5G...
Bên cạnh đó, do tăng trưởng kinh tế năm trước có ảnh hưởng tích cực cho tăng trưởng kinh tế năm sau, vì vậy cần có giải pháp ổn định tăng trưởng kinh tế. Để làm được thì Chính phủ và chính quyền các địa phương cần phối hợp chặt chẽ, để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các vùng kinh tế có sự tăng trưởng chưa ổn định và có sự chênh lệch khá cao giữa các vùng, miền. Cần có chính sách giáo dục tốt và gia tăng chi đầu tư giáo dục theo hướng khai phóng và định hướng nghề nghiệp. Các vùng kinh tế có sự tăng trưởng chưa ổn định và có sự chênh lệch khá cao giữa các vùng, miền do đó, cần có chính sách giáo dục tốt và gia tăng chi đầu tư giáo dục theo hướng khai phóng và định hướng nghề nghiệp.
Tài liệu tham khảo:
- Hà Thanh Công (2021), Ảnh hưởng của khuếch tán CNTT đến tăng trưởng kinh tế của 63 tỉnh, thành phố Việt Nam, Tạp chí khoa học và công nghệ, Tập 57, số 1 (2021);
- Huỳnh Thị Tuyết Ngân và cộng sự (2021), Tác động của chuyển đổi số đến tăng trưởng kinh tế tại các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - Tạp chí Nghiên cứu Tài chính-Marketing, 43-52, 2021;
- Nguyễn Thị Huệ (2019), Thực trạng năng suất của nền kinh tế Việt Nam qua các năm, Tạp chí Công Thương, tháng 7/2019;
- Nguyễn Thanh Tú (2022), Tác động của đầu tư vào cơ sở hạ tầng đối với tăng trưởng kinh tế tại Đông Nam Bộ, Tạp chí tài chính, tháng 9/2022;
- Trần Mạnh Hùng và cộng sự (2021), Đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tạp chí khoa học Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, tháng 4/2021;
- Aghaei, M Rezagholizadeh (2017), The impact of information and communication technology (ICT) on economic growth in the OIC Countries - Economic and Environmental Studies, 2017;
- Asif Raihan (2023), Nexus between information technology and economic growth: new insights from India, Journal of Information Economics 1 (2), 37-48, 2023;
- Atif Awad (2022), ICT and economic growth in Sub-Saharan Africa: Transmission channels and effects, Telecommunications Policy, Volume 46, Issue 8, September 2022, 102381;
- Bahrini, Qaffas, (2019), Impact of information and communication technology on economic growth: Evidence from developing countries-Raéf Bahrini, Alaa A Qaffas Economies 7 (1), 21, 2019;
- Cioaca, S.I., Cristache, S.E., Vuta, M., Marin, E., và Vuta, M. (2020). Assessing the impact of ICT sector on sustainable development in the European Union: an empirical analysis using panel data. Sustainability, 12(2), 592, 1-16;
- László Vasa (2023), Analysis of the Impact of ICT on Economic Growth: Empirical Data from 16 Regions of Kazakhstan, Aacta Polytechnica Hungarica, Vol. 20, No.3, 2023;
- Remeikiene, V Vebraite (2021), The role of ICT development in boosting economic growth in transition economies, Journal of international studies 14 (4), 2021;
- Sepehrdoust, Hamid (2018), Impact of information and communication technology and financial development on economic growth of OPEC developing economies. Kasetsart Journal of Social Sciences;
- Pradhan, Rudra P., Mallik Girijasankar, Tapan P. Bagchi (2018) - Information communication technology (ICT) infrastructure and economic growth: A causality evinced by cross-country panel data. IIMB Management Review, 30: 91;
- Toader (2018), Impact of information and communication technology infrastructure on economic growth: An empirical assessment for the EU countries, Sustainability 2018, 10(10), 3750.