Tác động của tài chính xanh đến lượng khí thải carbon trong mối tương quan với xây dựng xanh tại Việt Nam

Nguyễn Thị Diệu Chi, Phan Thị Khánh Ly, Phan Hoàng Vy, Bùi Hoàng Mai Linh, Nguyễn Thu Hà, Trần Đăng Trung

Khí thải carbon có xu hướng ngày càng tăng cao gây nên biến đổi khí hậu, tổn hại đến sự phát triển chung của nền kinh tế, tạo ra sự mất cân bằng sinh thái, gây ra sự phát triển thiếu bền vững. Đây là một trong những vấn đề nghiêm trọng, thách thức lớn đối với toàn nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng. Bài viết này sử dụng dữ liệu từ năm 2004-2023 để xây dựng mô hình nghiên cứu với lĩnh vực xây dựng xanh làm điểm khởi đầu nhằm khám phá tác động của tài chính xanh đối với lượng khí thải carbon. Từ đó, bài viết đề xuất các khuyến nghị thúc đẩy phát triển tài chính xanh và xây dựng xanh tại Việt Nam với mục tiêu giảm lượng khí thải carbon, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, góp phần hoàn thành lộ trình trung hòa carbon (net zero) vào năm 2050.

Giới thiệu

Ngày nay, biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra mạnh mẽ, gây tổn hại đến sự phát triển chung của nền kinh tế, gây ra sự mất cân bằng sinh thái, sự phát triển thiếu bền vững. Sự đánh đổi giữa phát triển kinh tế và môi trường được thể hiện rõ nét trong các báo cáo về môi trường, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Xây dựng là một trong những lĩnh vực phát thải ô nhiễm khá lớn, gây ảnh hưởng từ 30 đến 50% tổng lượng khí thải carbon của thế giới.

Trong bối cảnh đó, hướng tiếp cận tài chính xanh, xây dựng cơ chế thị trường carbon là xu hướng tất yếu nhằm hiện thực hóa mục tiêu “phát thải ròng bằng 0”, hướng tới phát triển nền kinh tế bền vững. Trong đó, xây dựng xanh đề cập đến các hoạt động xây dựng công trình kỹ thuật nhằm tối đa hóa việc bảo tồn tài nguyên và giảm tác động tiêu cực đến môi trường thông qua quản lý khoa học và tiến bộ công nghệ. Tuy nhiên, để hiện thực hóa đòi hỏi sự xem xét các nhân tố nội tại của tài chính xanh và sự phối hợp của Chính phủ, các tổ chức liên quan, từ đó đưa ra các chính sách phù hợp với từng lĩnh vực.

Mối tương quan giữa tài chính xanh và lượng khí thải carbon

Mối tương quan giữa tài chính xanh và lượng khí thải carbon đã được nhiều các quốc gia và nhà khoa học nghiên cứu. Các nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu thực nghiệm bằng các phương pháp khác nhau. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, phát triển tài chính xanh có thể hạn chế lượng khí thải carbon (Jalil và Feridun, 2011; Gu và He, 2012). Bên cạnh đó, có nghiên cứu lại cho thấy, phát triển tài chính xanh mặc dù thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng nền kinh tế lại phải tiêu thụ một lượng lớn năng lượng hóa thạch, điều này khiến lượng khí thải carbon tăng lên (Wu, 2018).

Một trong những biện pháp hiệu quả để giảm lượng carbon liên quan đến năng lượng từ các tòa nhà là thúc đẩy phát triển các công trình xanh (Geng và cộng sự, 2019). Công trình xanh giảm tác động tiêu cực đến khí hậu và môi trường tự nhiên trong suốt vòng đời của chúng, tập trung vào hiệu quả sử dụng năng lượng và chất lượng môi trường trong nhà (Lin và cộng sự, 2016; Hội đồng Công trình Xanh Thế giới, 2017). Tài chính xanh đóng vai trò mang tính xây dựng trong sự phát triển của ngành Công nghiệp công trình xanh (Alexander và V. Gutierrez, 2016).

He và cộng sự (2022) chỉ ra tác động đáng kể của các công cụ tài chính như: Đầu tư xanh, Bảo hiểm xanh, Tín dụng xanh đối với việc phát triển công trình xanh. Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, công trình xanh có những tác động ngoài tác động tích cực đáng kể nhưng lại tạo ra sự không phù hợp giữa chi phí và lợi ích về thời gian (Ma J. và cộng sự, 2020), cản trở sự phát triển của thị trường công trình xanh.

Phương pháp, mô hình nghiên cứu

Bảng 1: Biến nghiên cứu và các giả thuyết

Tên biến

Mã biến

Mô tả biến

Nguồn

Giả thuyết

Biến phụ thuộc

Khí thải carbon

CO2

Tổng lượng khí thải carbon của Việt Nam (triệu tấn/ năm)

World Bank

 

Biến độc lập

Tài chính xanh

       

Tín dụng xanh

GC

Tổng nợ phải trả của các công ty niêm yết về môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường

+

Chứng khoán xanh

GS

Tổng giá trị thị trường của các công ty môi trường niêm yết

 

+

Đầu tư xanh

GI

Tỷ lệ tổng đầu tư cho kiểm soát ô nhiễm môi trường trong tổng GDP

 

+

Biến trung gian

Xây dựng xanh

GB

Số lượng công trình xanh

LEED, LOTUS

+

Biến kiểm soát

Mật độ dân số

pi

Số người vào cuối năm/địa bàn hành chính của từng địa phương

Tổng cục
thống kê

-

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

fdi

Đầu tư trực tiếp nước ngoài/GDP trong năm

Ngân hàng
nhà nước

+

Thu nhập

bình quân

dpi

Thu nhập khả dụng
của cư dân đô thị

World Bank

+

Cơ cấu ngành

str

Giá trị gia tăng ngành thứ cấp/GDP trong năm

World Bank

-

Tổng sản phẩm quốc nội

gdp

Tổng sản phẩm quốc nội

World Bank

-

Nguồn: Nghiên cứu của nhóm tác giả

Bảng 2: Thống kê mô tả

Nhân tố

Biến

Trung bình

Độ lệch chuẩn

Giá trị nhỏ nhất

Giá trị lớn nhất

Lượng khí thải CO2

CO2

166.52

52.51319

80.5

245.8

Tài chính xanh

GC

2.95

1.082152

1.2

4.7

GI

1.685

0.7428785

0.5

3

GS

2.32

1.047604

0.8

4.2

Công trình xanh

GB

102.6

129.8422

2

460

Biến kiểm soát

pi

300.2

29.19553

252

346

fdi

10.355

5.00983

1.6

17.5

dpi

40.615

24.9813

8.5

88

str

42.3

2.485537

38.2

46.2

gdp

168.01

91.77244

45.4

338.2

Nguồn: Kết quả tính toán của nhóm nghiên nghiên cứu

Bảng 3: Kết quả hồi quy đánh giá sự phù hợp của mô hình

   

Coefficient

std. err.

z

P>|z|

GB

GC

60.63893

15.97325

3.80

0.000

GI

70.65763

23.23592

3.04

0.002

GS

76.71453

16.39084

4.68

0.000

_cons

-373.3206

76.15872

-4.9

0.000

CO2

GB

0.1272393

0.0455237

2.80

0.005

GC

30.95271

4.418288

7.01

0.000

GI

18.46589

5.757057

3.21

0.001

GS

20.62929

4.598656

4.49

0.000

pi

-0.2758878

0.1407488

-1.96

0.050

fdi

0.4258691

0.7067762

0.60

0.547

dpi

0.0518797

0.1779417

0.29

0.771

str

-5.162509

1.609506

-3.21

0.001

gdp

-0.0856571

0.0447408

-1.91

0.056

_cons

292.2497

91.39823

3.20

0.001

 

var(e.CTX)

5250.854

1660.466

 

 

 

var(e. CO2)

161.4995

51.07063

   

Nguồn: Kết quả tính toán của nhóm nghiên nghiên cứu

 

Nguồn dữ liệu và biến nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu tài chính xanh tại Việt Nam trong giai đoạn năm 2004-2023. Các dữ liệu được thu thập từ nguồn Climate Watch và World Bank. Trong đó, tổng lượng khí thải carbon của Việt Nam tính theo đơn vị triệu tấn.

Phương pháp và mô hình nghiên cứu

Nghiên cứu thực hiện xây dựng mô hình cơ sở về tác động của mức độ phát triển tài chính xanh đối với lượng khí thải carbon.

CO2= α0 + α1GC + α2GI + α3GS + α4GB + α5pi + α6fdi + α7dpi + α8str + α9gdp + µ1 (1)

Trong đó: α0 - α9 biểu thị là hằng số; µ1 biểu thị sai số; CO2 biểu thị lượng khí thải carbon; pi, fdi, dpi, str, gdp là các biến kiểm soát; GC (Tín dụng xanh), GI (Đầu tư xanh), GS (Chứng khoán xanh) biểu thị mức độ phát triển của tài chính xanh và GB (Xây dựng xanh).

Tiếp đó, nghiên cứu thực hiện xây dựng mô hình tác động trung gian trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Wen Zhonglin và cộng sự (2004), mô hình tác động trung gian được sử dụng để kiểm tra tác động trực tiếp và gián tiếp của mức độ phát triển tài chính xanh đối với lượng khí thải carbon.

GB= β0 + β1GC + β2GI + β3GS + µ2 (2)

Trong đó: β0 - β3 biểu thị hằng số; µ2 biểu thị sai số; GC (Tín dụng xanh), GI (Đầu tư xanh), GS (Chứng khoán xanh) biểu thị mức độ phát triển của tài chính xanh và GB (xây dựng xanh).

Giả thuyết nghiên cứu gồm:

H1: Tài chính xanh có ảnh hưởng tích cực đến việc làm giảm lượng khí thải carbon.

H2: Tài chính xanh thúc đẩy hiệu quả xây dựng xanh.

H3: Tài chính xanh có thể thúc đẩy hiệu quả xây dựng xanh, từ đó ảnh hưởng tích cực đến việc làm giảm khí thải carbon.

Kết quả nghiên cứu

Thống kê mô tả

Bảng 2 biểu thị các giá trị liên quan đến biến Tài chính xanh bao gồm Tín dụng xanh (GC), Đầu tư xanh (GI), và Chứng khoán xanh (GS), thể hiện sự ổn định tương đối với độ lệch chuẩn nhỏ. Giá trị trung bình của biến Công trình xanh là 102.6 nhưng lại có độ lệch chuẩn rất lớn (129.8422) cho thấy sự không đồng nhất lớn giữa các mẫu quan sát về số lượng công trình xanh. Điều này có thể phản ánh sự tăng trưởng đột biến trong số lượng các dự án được chứng nhận xanh trong các năm cụ thể hoặc sự biến động của chính sách và ưu đãi dành cho xây dựng xanh ở Việt Nam.

Kết quả tác động của tài chính xanh đến lượng phát thải khí carbon tại Việt Nam thời gian qua

Bảng 3 cho thấy, mô hình qua cả hai lần lặp, và giá trị log likelihood thu được đều âm (-664.44509). Kết quả này chỉ ra rằng mô hình có khả năng đã hội tụ mà không cần điều chỉnh thêm. Thêm vào đó, dấu hiệu cũng chỉ ra rằng các tham số ước lượng của mô hình đã nằm gần giá trị tối ưu từ lần thử đầu tiên.

Tiếp đó, khi tiến hành kiểm định Likelihood Ratio để so sánh với mô hình hoàn chỉnh (saturated model), kết quả thu được cho thấy sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (chi2 = 5.97 với df = 5 và p-value = 0.3095). Điều này chứng minh rằng mô hình được đề xuất phù hợp tốt với dữ liệu nghiên cứu đưa ra. Kết hợp với xem xét các giá trị phương sai của sai số ước lượng cho hai biến quan trọng là Công trình xanh và Lượng khí thải carbon, lần lượt 5250.85 và 161.50, khẳng định rằng mô hình này có khả năng mô tả và giải thích phần lớn sự biến thiên trong dữ liệu của cả hai biến nghiên cứu được chọn.

Kết quả dựa trên mô hình cấu trúc

Về kết quả tác động của tài chính xanh đến Công trình xanh, phân tích bằng mô hình SEM cho thấy các hệ số tương ứng là 60.64, 70.66, và 76.71 với p < 0.01. Điều này chỉ ra rằng Tài chính xanh có mối quan hệ thuận chiều, tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của các công trình xanh ở Việt Nam. Nếu xét về phía các tác động trực tiếp lên lượng phát thải CO2, có thể thấy Tín dụng xanh và Chứng khoán xanh không chỉ góp phần giảm thiểu lượng khí thải mà còn đem lại những ảnh hưởng tích cực với các hệ số là 30.95 và 20.63 cùng với p-value dưới ngưỡng 0.001, hay xấp xỉ bằng 0.

Kết quả mô hình đánh giá tác động tổng thể của tài chính xanh tới lượng khí thải carbon

Tác động tổng thể từ SEM cho thấy, các yếu tố tài chính xanh có một tác động tổng hợp đáng kể đối với lượng khí thải CO2. Tác động tổng thể của Tín dụng xanh lên lượng khí thải CO2, bao gồm cả trực tiếp và gián tiếp, là 38.67 (p-value < 0.001). Về Đầu tư xanh và Chứng khoán xanh, các tác động tổng thể lần lượt là 27.46 (p-value < 0.001) và 30.39 (p-value < 0.001).

Kết luận và một số vấn đề đặt ra

Phát triển tài chính xanh thực sự cần thiết trong quá trình giảm lượng phát thải carbon. Nghiên cứu này đã tập trung đánh giá tác động của Tài chính xanh đồng thời thông qua ảnh hưởng trung gian Xây dựng xanh đến lượng phát thải carbon tại Việt Nam. Kết quả cho thấy, Tài chính xanh có tác động tích cực và mạnh mẽ đến việc giảm lượng khí thải carbon. Trong đó, Tín dụng xanh có tác động trực tiếp lớn nhất đến giảm phát thải CO2 và Công trình xanh đóng vai trò trung gian quan trọng trong mối quan hệ giữa tài chính xanh và giảm phát thải CO2. Để hướng tới nhằm giảm thiểu lượng phát thải khí carbon vì một nền kinh tế xanh bền vững, nhóm nghiên cứu đề xuất một số vấn đề:

Đối với Chính phủ và các bộ, ngành trung ương

- Xây dựng chiến lược quốc gia về tài chính xanh và xây dựng xanh, trong đó ưu tiên đầu tư và chi tiêu của Chính phủ trong lĩnh vực xây dựng xanh.

- Ban hành những chính sách phù hợp nhằm thu hút các nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư vào kinh tế xanh kết hợp xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn chứng khoán xanh, tín dụng xanh thống nhất áp dụng trên toàn thị trường.

- Tăng cường hoạt động của các tổ chức định giá, xếp hạng tín nhiệm xanh.

- Khuyến khích và hỗ trợ nghiên cứu áp dụng các công nghệ tiết kiệm nước, tái chế vật liệu xây dựng, và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.

Đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư

- Khuyến khích đầu tư vào các dự án xây dựng xanh và tìm kiếm cơ hội đầu tư trong các dự án sử dụng công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.

- Tập trung đầu tư vào công nghệ xanh và tiết kiệm năng lượng.

- Đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn và quy định về tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

- Tích cực tham gia vào các chương trình đánh giá và chứng nhận về xây dựng xanh và tài chính xanh.

Đối với các đơn vị phát triển và quản lý dự án xây dựng

- Tuân thủ và áp dụng các tiêu chuẩn xanh đồng thời đẩy mạnh đầu tư và áp dụng công nghệ xanh và tiết kiệm năng lượng.

- Tiến hành đánh giá tác động môi trường và xác định các biện pháp giảm thiểu khí thải carbon cùng với đó nâng cao hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia và tổ chức có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng xanh và tài chính xanh.

Đối với cộng đồng và người mua, sử dụng công trình

- Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của xây dựng xanh và tài chính xanh. Sử dụng các sản phẩm xây dựng xanh và ưu tiên chọn lựa các dự án xây dựng xanh có chứng nhận và đánh giá về tiêu chuẩn xanh và tài chính xanh.

- Tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, theo dõi và đánh giá tác động môi trường của các dự án xây dựng xanh và tài chính xanh.

Kết luận

Từ kết quả cho thấy, tài chính xanh có tác động tích cực và mạnh mẽ đến việc giảm lượng khí thải carbon. Trong đó, tín dụng xanh có tác động trực tiếp lớn nhất đến giảm phát thải CO2 và công trình xanh đóng vai trò trung gian quan trọng trong mối quan hệ giữa tài chính xanh và giảm phát thải CO2. Do vậy, Chính phủ và các cơ quan bộ, ngành cần chung tay để góp phần xây dựng một nền kinh tế xanh, bền vững trên cơ sở xây dựng các chỉ tiêu xanh trong các lĩnh vực của nền kinh tế.

Tài liệu tham khảo:

  1. Alexander, V. Gutierrez (2016), Green Banking: A proposed model for green housing loan. In proceedings of the 2016 InternationalConference on Industrial Engineering, Management Science and Application (ICIMSA), Jeju, Republic of Korea;
  2. Borong Lin, Yanchen Liu, Zhe Wang, Zufeng Pei, Mike Davies (2016), Measured energy use and indoor environment quality in green office buildings in China;
  3. Geng, Y.; Ji, W.; Wang, Z.; Lin, B.; Zhu, Y (2019), A Review of Operating Performance in Green Buildings: Energy Use, IndoorEnvironmental Quality and Occupant Satisfaction. Energy Build;
  4. Gu, Mingzhu. (2023), Research on the Impact of Green Finance on Carbon Emission: Mediating Effect Based on Green Technology Innovation;
  5. Jalil, A., & Feridun, M. (2011), The Impact of Growth, Energy and Financial Development on the Environment in China: A Cointegration Analysis. Energy Economics, 33, 284-291;
  6. Jiancheng Bai & Zhonglu Chen & Xiang Yan & Yueyan Zhang (2022), “Research on the impact of green finance on carbon emissions: evidence from China;
  7. Ma, J.; Shao, D.; Xu, J.; Yang, Y (2020), How Green Finance Effectively Support Green Building Construction. Sci. Technol;
  8. Wenhua He (2022), Green finance support for development of green buildings in China: Effect, mechanism, and policy implications;
  9. Wu, C., Wu, D., and Yu, J. Z. (2018), Quantifying black carbon light absorption enhancement with a novel statistical approach, Atmos. Chem. Phys., 18, 289–309.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2024