Giải pháp thúc đẩy phát triển tài chính xanh

ThS. Nguyễn Thị Hồng - Trường Đại học Thủ Dầu Một

Việt Nam đã đạt được thành tựu trong phát triển kinh tế, nhưng đồng thời chất lượng môi trường cũng trở nên xấu hơn và thực tế này ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của đất nước. Nghiên cứu này nhằm tổng hợp kinh nghiệm quốc tế về phát triển tài chính xanh, đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm thúc đẩy tài chính xanh tại Việt Nam trong thời gian tới.

Đặt vấn đề

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) tạo ra sự chuyển biến nhanh đối với các nền kinh tế, trong hoạt động sản xuất và tiêu dùng và có khả năng thúc đẩy tăng trưởng năng suất cao hơn, tăng trưởng kinh tế cao hơn và giúp cho các nền kinh tế thực hiện mục tiêu vươn tới thịnh vượng và phát triển ở mức cao. CMCN 4.0 hình thành các công nghệ mới tự động, công nghệ tài chính, công nghệ chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo và giúp cho các doanh nghiệp có nhiều cơ hội phát triển.

Tuy vậy, phát triển kinh tế cũng kéo theo những vấn đề liên quan đến môi trường, xảy ra tại nhiều nước và ngay cả Việt Nam. Theo Nguyên Mạnh (2022), những năm qua, mặc dù Việt Nam đạt được thành tựu trên nhiều lĩnh vực, kinh tế tăng trưởng cao và thu nhập người dân nâng lên, cải thiện chất lượng cuộc sống, nhưng còn bộc lộ nhiều bất cập tạo áp lực lên môi trường, hệ sinh thái và hệ sinh học, thực vật.

Về ô nhiễm nguồn nước, nguồn nước mặt tại một số con sông bị ô nhiễm và chuyển biến theo chiều hướng xấu khi lượng nước đô thị thải ra ngày nhiều nhưng không được xử lý với tiêu chuẩn cao nhất, các khu dân cư rộng mở, đô thị hóa cao tạo áp lực lên hệ thống thu gom và xử lý rác, nước thải nên tạo ô nhiễm nguồn nước.

Đối với không khí, ô nhiễm bụi đang trở thành vấn đề báo động gây ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý và các hoạt động kinh tế, ảnh hưởng tới chất lượng không khí tại các đô thị, khu dân cư, đặc biệt là tại các đô thị lớn có mức độ đô thị hóa cao và tập trung. Tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề, ô nhiễm môi trường gắn liền với rác thải sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp và hầu hết được chôn lấp nhưng ít được xử lý, nên ảnh hưởng nhiều tới môi trường.

Những ảnh hưởng trên cho thấy, phát triển kinh tế tại Việt Nam đã kéo theo những biến động chất lượng môi trường sống và ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững trong dài hạn. Thực vậy, nghiên cứu của tác giả cho rằng nền kinh tế đạt được phát triển bền vững khi các hoạt động kinh tế không tạo ra gánh nặng chi phí xã hội cho người dân, doanh nghiệp, khi đó giúp cho họ có khả năng tối ưu trong sản xuất, tiêu dùng và kích thích phát triển kinh tế.

Theo kinh nghiệm của Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ và các nước châu Âu, để phát triển kinh tế bền vững cần có sự chung tay của các doanh nghiệp, chính phủ, người tiêu dùng và cả nền tảng tài chính mang tính bền vững. Các dòng tài chính xanh sẽ giúp cho các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, tiêu dùng của người tiêu dùng trở nên tối ưu hơn do các hoạt động đó có khả năng giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực ra môi trường.

Các yếu tố ảnh hưởng tới tăng trưởng xanh

Tăng trưởng xanh là quá trình phát triển dựa trên quá trình tối ưu hóa hoạt động sản xuất, tiêu dùng trong nền kinh tế theo hướng ít phụ thuộc vào tiêu dùng tài nguyên. Nguồn lực cho tăng trưởng không thể thiếu là nguồn lực tài chính, là nguồn lực đầu vào cho hoạt động sản xuất và doanh nghiệp phải sử dụng nguồn lực tài chính nhằm thực hiện chi trả cho nguyên vật liệu, nhân công và các hoạt động kế toán trong doanh nghiệp. Phát triển và mở rộng tài chính xanh trở nên cấp thiết trước bối cảnh những ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế đến môi trường sống và ảnh hưởng tới tối ưu của hoạt động sản xuất, gia tăng các chi phí xã hội và định hướng phát triển bền vững.

Nghiên cứu của Sinha và cộng sự (2023) cho rằng, sự tăng trưởng kinh tế dựa vào sử dụng năng lượng có khả năng tạo ra ngoại ứng tiêu cực đến môi trường và tạo ra tranh luận chính sách lớn đòi hỏi các nền kinh tế phải nỗ lực khôi phục lại sự cân bằng trong phát triển và đạt mục tiêu phát triển bền vững.

Trong đó, nền kinh tế cần hướng tới chuyển đổi năng lượng thông qua giải pháp ưu tiên sử dụng năng lượng sạch hơn với giá cả và chi phí phù hợp hơn nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường, khí hậu và biến đổi khí hậu. Thực thi được giải pháp này không thể thiếu được vai trò của nguồn lực tài chính nhằm tài trợ cho các giải pháp năng lượng sạch và ưu tiên.

Đối với Hoa Kỳ, nước này đứng trước yêu cầu phải giảm phát thải nhà kính tối thiểu 50% vào năm 2030 và chuyển đổi năng lượng sạch hơn là nền tảng chính đòi hỏi quá trình phát triển kinh tế. Sinha và cộng sự (2023) cho rằng tác động tài chính xanh đến sản xuất năng lượng tái tạo dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoại sinh, tuy vậy, gia tăng nguồn tài chính xanh có khả năng giúp cho nền kinh tế gia tăng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và giúp cho hoạt động sản xuất trở nên sạch hơn.

Công nghiệp hóa và hiện đại hóa kinh tế làm gia tăng các hoạt động kinh tế và đồng thời tăng đáng kể khí các bon lên bề mặt trái đất. Mehboob và cộng sự (2024) cho rằng sử dụng nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, khí đốt và than đá đã làm cho nhiệt độ trái đất tăng lên và gây tàn phá thông qua các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và mất đa dạng hệ sinh thái. Biến đổi khí hậu tạo ra nguy cơ đối với sự sống còn của con người phải đối mặt với thách thức từ khí các bon, ảnh hưởng tới phát triển và phúc lợi xã hội.

Mehboob và cộng sự (2024) nhấn mạnh tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc năm 2022 (COP27) đã nỗ lực thảo luận các vấn đề về khí hậu, trong đó các giải pháp giảm thiểu thích ứng, an ninh lương thực, nguồn nước, giảm thải các bon và tài trợ, bồi thường cho quá trình chuyển đổi các nguồn năng lượng sạch hơn. Định hướng phát triển thực thi các giải pháp nhằm trung hòa các bon và giảm nhiệt độ nóng lên, đạt được phát triển bền vững vào năm 2030 và mục tiêu trung hòa các bon vào năm 2050.

Do đó, tài chính xanh được xác định là một trong các giải pháp thiết yếu cải thiện môi trường bền vững thông qua việc hạn chế khí thải các bon tại các quốc gia. Trường hợp tại Trung Quốc, Mehboob và cộng sự (2024) cho rằng, tài chính xanh, đổi mới xanh và thuế môi trường là những chiến lược hiệu quả nhất làm giảm suy thoái môi trường do có khả năng làm giảm thiểu tiêu dùng và lượng khí thải các bon trong sản xuất và giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.

Các quốc gia châu Âu, cho rằng, phát triển kinh tế nên gắn liền với tính bền vững và là mục tiêu nằm trong hầu hết các chương trình nghị sự về phát triển châu Âu trong thời gian vừa qua. La Torre và cộng sự (2024) cho rằng, vấn đề phát triển bền vững đòi hỏi nhận thức cần thiết phải chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế theo hướng bền vững về môi trường và xã hội và theo định hướng được thống nhất theo thỏa thuận Paris năm 2015.

Do đó, cần có nguồn lực tài chính để sử dụng đầu tư cho các nền kinh tế có khả năng chuyển đổi sang một nền kinh tế công bằng và thích ứng với khí hậu, do đó vai trò của hệ thống tài chính là vô cùng quan trọng, thể hiện sự đổi mới đưa hệ thống tài chính phục vụ lợi ích tập thể bằng cách tích hợp các nguyên tắc môi trường, xã hội và quản trị. La Torre và cộng sự (2024) cũng cho rằng khu vực công nên được khuyến khích nhiều hơn và có vai trò, trách nhiệm xã hội nhiều hơn, tham gia tích cực hơn vào xử lý các thách thức đến sự phát triển bền vững, và cùng xây dựng hệ thống tài chính bền vững trong các cơ quan hành chính nhằm hài hòa mối quan hệ đối tác công tư và các phương pháp tài trợ có định hướng giúp cho nền kinh tế thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Những năm gần đây chứng kiến sự phát triển kinh tế Ấn Độ khi nước này thực hiện các giải pháp chính sách kinh tế mới nhằm sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên và hạn chế khai thác quá mức tài nguyên rừng gây ra ô nhiễm môi trường và tác động sức khỏe con người. Nenavath và Mishra (2023) cho rằng, Ấn Độ khuyến khích chuyển các nguồn tài nguyên sang hệ sinh thái xanh nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế mới, đồng thời hạn chế tiêu dùng nhiều nhiên liệu hóa thạch tại nước này khi nguồn năng lượng này đã thải ra một lượng lớn chất độc vào môi trường và hệ sinh thái.

Chính phủ Ấn Độ đồng thời thực hiện các mục tiêu bền vững bằng những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thân thiện môi trường, trong đó chiến lược tài chính xanh để tài trợ cho các dự án khác nhau nhằm đảm bảo đóng góp vai trò then chốt vào phát triển bền vững. Nenavath và Mishra (2023) cho rằng, tài chính xanh còn hỗ trợ rộng rãi tăng trưởng có chất lượng bằng cách tác động đáng kể đến cơ cấu tài chính, hiệu quả tài chính và phát triển bảo vệ chất lượng môi trường.

Do đó, Chính phủ Ấn Độ nên thực hiện các giải pháp thúc đẩy tài chính xanh kết hợp với lộ trình kiểm soát chất lượng môi trường nhằm cải tiến hơn hiệu quả tài chính xanh, đồng thời, khuyến khích sự tham gia bên ngoài khu vực công nhằm thúc đẩy hoạt động có trách nhiệm của khu vực tư trong khuyến khích tài chính xanh và mục tiêu phát triển bền vững.

Trong một nghiên cứu khác, Ilic (2023) cho rằng, kinh tế xanh là sự kết hợp thiên nhiên vào lĩnh vực cuộc sống nhằm khai thác lợi thế, lợi ích của nền kinh tế xanh và tài chính xanh trong xã hội nhằm gia tăng lợi ích đối với môi trường trong sự hài hòa về hiệu quả, lợi nhuận của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Sự gia tăng nền kinh tế xanh gắn liền với quá trình mở rộng đầu tư các hoạt động kinh tế xanh và là điều kiện cần thiết cho sự tăng trưởng nền kinh tế xanh, tài chính xanh và nâng cao trách nhiệm nhà sản xuất trong phát triển nền kinh tế xanh và bền vững. Nền kinh tế xanh là một động lực, nguồn năng lượng mới cho sự phát triển trong tương lai, hướng tới sự phát triển bền vững và giảm thiểu các mối đe dọa đối với môi trường và tài nguyên sinh thái. Tăng cường đầu tư dài hạn vào các sáng kiến và các hoạt động kinh tế bền vững là mục tiêu của tài chính bền vững và những vấn đề liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị (ESG) là phần quan trọng của tài chính xanh.

Giải pháp thúc đẩy tài chính xanh và phát triển kinh tế bền vững

Mặc dù, Việt Nam đạt được thành tựu trên nhiều lĩnh vực, kinh tế tăng trưởng cao và thu nhập người dân nâng lên, cải thiện chất lượng cuộc sống, nhưng còn bộc lộ nhiều bất cập tạo áp lực lên môi trường, hệ sinh thái và hệ sinh học, thực vật. Ô nhiễm nguồn nước, tiếng ồn, ô nhiễm môi trường không khí tăng lên và ảnh hưởng tới phát triển bền vững của Việt Nam trong thời gian tới. Kinh tế phát triển hơn nhưng ô nhiễm môi trường cũng tăng lên, ảnh hưởng tới doanh nghiệp, xã hội và nền kinh tế nói chung về lâu dài.

Để chung tay thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững và hướng đến thịnh vượng trong dài hạn, không thể thiếu vai trò của hệ thống tài chính trong phát triển tài chính xanh nhằm cung cấp các giải pháp tài chính phù hợp cho doanh nghiệp thực hiện sản xuất xanh, người tiêu dùng trong tiêu dùng xanh. Qua một số kinh nghiệm quốc tế, nghiên cứu này gợi ý một số giải pháp cho Việt Nam như sau:

Một là, cần xác định mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Nền kinh tế cần chuyển đổi sang định hướng phát triển bền vững hơn, mô hình tăng trưởng hiện đại hơn, và gia tăng nguồn lực tài chính xanh trong hoạt động sản xuất và tiêu dùng. Muốn làm được điều này thì thị trường tài chính cần thực hiện chính sách có định hướng các nguồn lực tài chính vào các hoạt động sản xuất, tiêu dùng xanh, và đồng thời hạn chế nguồn tài chính vào các hoạt động sản xuất, tiêu dùng phụ thuộc vào tiêu tốn năng lượng hoặc lệ thuộc vào sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch.

Hai là, cần xây dựng hệ thống pháp lý hoàn chỉnh, trong đó khuyến khích các hoạt động kinh tế gắn với thúc đẩy môi trường, xã hội và quản trị (ESG), khuyến khích doanh nghiệp và người tiêu dùng thực hiện hoạt động kinh tế có trách nhiệm hơn, thúc đẩy trách nhiệm xã hội đối với môi trường.

Ba là, phát triển tài chính xanh nằm trong tổng thể phát triển kinh tế xanh gắn liền với hành vi tiêu dùng xanh, sản xuất xanh, và chỉ đạt được khi các thành phần kinh tế cần phối hợp với nhau vì mục tiêu phát triển bền vững.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyên Mạnh (2022). Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: thực trạng và giải pháp. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/bao-ve-moi-truong/-/2018/825770/nhung-van-de-moi-truong-cap-bach-hien-nay--thuc-trang-va-giai-phap.aspx;
  2. La Torre, M., Leo, S., Palma, A., & Zapata, J. D. S. (2024). Public spending and green finance: A systematic literature review. Research in International Business and Finance, 68, 102197. https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.ribaf.2023.102197;
  3. Mehboob, M. Y., Ma, B., Mehboob, M. B., & Zhang, Y. (2024). Does green finance reduce environmental degradation? The role of green innovation, environmental tax, and geopolitical risk in China. Journal of Cleaner Production, 435, 140353. https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.jclepro.2023.140353;
  4. Nenavath, S., & Mishra, S. (2023). Impact of green finance and fintech on sustainable economic growth: Empirical evidence from India. Heliyon, 9(5), e16301. https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.heliyon.2023.e16301;
  5. Ilic, B. S. B. T.-R. M. in S. S. (2023). Green economy and green finance as a contribution to sustainable green activities at the global level. Elsevier. https://doi.org/https://doi.org/10.1016/B978-0-44-313776-1.00138-0;
  6. Sinha, A., Ghosh, V., Hussain, N., Nguyen, D. K., & Das, N. (2023). Green financing of renewable energy generation: Capturing the role of exogenous moderation for ensuring sustainable development. Energy Economics, 126, 107021. https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.eneco.2023.107021.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2024