Tác động của tỷ giá đến cán cân thương mại: Kinh nghiệm từ Trung quốc và gợi ý cho Việt Nam

ThS. Nguyễn Thị Ái Linh, ThS. Hoàng Thị Kim - Cao đẳng Kinh tế Kế hoạch Đà Nẵng

Cải thiện cán cân thương mại là một trong những mục tiêu kinh tế vĩ mô, góp phần gia tăng dự trữ ngoại hối, ổn định đồng nội tệ, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, việc tìm kiếm các giải pháp nhằm cải thiện cán cân thương mại của nước ta trong điều hành kinh tế vĩ mô hiện nay là hết sức quan trọng. Từ kinh nghiệm của Trung Quốc, có thể rút ra một gợi ý cho Việt Nam trong việc cải thiện cán cân thương mại.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Diễn biến tỷ giá của Trung Quốc và tác động đến cán cân thương mại

Biến động của cán cân thương mại (CCTM) phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau, được chia thành hai nhóm: Thứ nhất, các yếu tố ảnh hưởng đến tương quan chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (phụ thuộc vào năng lực sản xuất, thị hiếu, công tác marketing) của các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực xuất nhập khẩu; Thứ hai, các yếu tố tác động đến tương quan giá cả hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu so với hàng hóa nước ngoài. Yếu tố này được thể hiện thông qua yếu tố tỷ giá.

Trước năm 1979, Chính phủ Trung Quốc thực hiện quản lý tỷ giá theo chính sách tỷ giá cố định và đa tỷ giá. Chính cơ chế này đã kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc do các DN không chủ động trong kinh doanh, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước. Nhận ra sự yếu kém này, từ năm 1979, Trung Quốc đã thực hiện cải cách kinh tế, chuyển đổi nền kinh tế từ nền kinh tế bao cấp sang thị trường. Chính sách tỷ giá cũng được cải cách cho phù hợp với nền kinh tế. Ngay từ đầu những năm 1980, Trung Quốc đã cho phép thực hiện cơ chế điều chỉnh tỷ giá giảm dần để phản ảnh đúng sức mua của đồng Nhân dân tệ (NDT). Năm 1980, tỷ giá đồng NDT so với USD là 1,53 NDT/USD, đến năm 1990 là 5,22 NDT/USD. Chính sách tỷ giá này đã giúp Trung Quốc cải thiện được CCTM, giảm thâm hụt thương mại và cán cân thanh toán (CCTT), đưa đất nước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế.

Đến cuối năm 1997, khi dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đạt 139,89 tỷ USD, Trung Quốc mới thực hiện nới lỏng chính sách ngoại hối. Theo đó DN xuất, nhập khẩu được giữ lại một phần ngoại tệ trên tài khoản với mức tối đa không quá 15% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm; Năm 2002, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng lên 286,4 tỷ USD; năm 2007, dự trữ ngoại hối Trung Quốc đạt 1.528,249 tỷ USD. Lúc này, Trung Quốc cho phép các tổ chức kinh tế căn cứ nhu cầu sử dụng ngoại tệ phục vụ cho sản xuất kinh doanh được quyền giữ lại số ngoại tệ từ giao dịch vãng lai trên tài khoản. Như vậy, sau 13 năm Trung Quốc mới xóa bỏ chính sách kết hối ngoại tệ, chính sách này được xóa bỏ khi nền kinh tế nhiều năm tăng trưởng mạnh, tỷ lệ lạm phát thấp, CCTT, CCTM dư thừa lớn, dự trữ ngoại hối cao.

Ngày 22/06/2010 lần đầu tiên từ tháng 07/2008, Trung Quốc nâng giá NDT lên 0,43% từ mức 1 USD = 6,83 NDT lên mức 1 USD = 6,79 USD. Những năm sau đó, Trung Quốc tiếp tục nâng giá đồng NDT. Tuy nhiên, đến cuối năm 2015, dòng vốn rút ra khỏi Trung Quốc tăng mạnh, thị trường chứng khoán mất điểm liên tục, để bảo vệ tỷ giá hối đoái và kiểm soát vốn chặt chẽ, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc liên tiếp hạ giá đồng NDT. Ngày 24/02/2016 tỷ giá giữa NDT và USD là 1USD = 6,532 NDT. Theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế năm 2016, đồng NDT vẫn tiếp tục giảm giá và sẽ rơi vào khoảng 6,8 đến 6,9 NDT/USD.

Sau hơn 15 năm phá giá và duy trì một đồng NDT yếu, đã đem đến cho Trung Quốc một lượng dự trữ ngoại hối dồi dào, một nên kinh tế với tiềm lực tài chính mạnh. NDT đã trở thành đồng tiền thứ 5 trong rổ dự trữ ngoại tệ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Theo đó, cán cân thương mại Trung Quốc hầu như đều ở mức thặng dư. Việc duy trì giá đồng NDT ở mức thấp đã giúp cho hàng hóa Trung Quốc có được lợi thế cạnh tranh rất lớn ở các thị trường thế giới nhất là ở Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Có thể thấy rằng việc duy trì đồng NDT yếu là một thành công trong việc điều hành chính sách của Trung Quốc.

Một số gợi ý cho Việt Nam

Sau hơn 20 năm CCTM Việt Nam liên tục rơi vào trạng thái thâm hụt, năm 2012 CCTM nước ta đạt thặng dư, tuy nhiên việc thặng dư vẫn chưa bền vững, năm 2014 đạt thặng dư 2,37 tỷ USD nhưng đến năm 2015 CCTM nước ta vẫn thậm hụt 3,54 tỷ USD. Trước thực trạng trên, để điều hòa tốt CCTM, những kinh nghiệm từ Trung Quốc sẽ là gợi ý quan trọng giúp Việt Nam có giải pháp hữu ích.

Thứ nhất, muốn đạt được mục tiêu thặng dư CCTM bên cạnh việc nâng cao chất lượng, mẫu mã các sản phẩm xuất khẩu thì cần có sự giảm giá đồng tiền một cách đáng kể để đem lại lợi thế thương mại quốc tế trên phương diện giá cả. Điều chỉnh tỷ giá có ảnh hưởng đến giá cả ở trong nước và quốc tế, do vậy, việc điều chỉnh tỷ giá phải phù hợp với từng giai đoạn khác nhau của nền kinh tế.

Thứ hai, cần duy trì một chính sách tỷ giá hối đoái phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của trong từng giai đoạn. Để làm được điều này cần quan tâm đến các vấn đề sau:

- Lựa chọn thời điểm phá giá đồng nội tệ phù hợp. Thành công trong việc phá giá tiền tệ thể hiện rõ nét ở thời điểm phá giá và mức điều chỉnh tỷ giá hối đoái. Đối với các nước đang phát triển thì tốc độ tăng trưởng cao thường đi kèm với một tỷ lệ làm phát tương đối lớn so với nhóm nước có nền kinh tế phát triển, điều này ảnh hưởng xấu đến lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu trên phương diện giá cả, do vậy phá giá tiền tệ có thể giải quyết được vấn đề này.

Trung Quốc là một nước thực hiện rất thành công chính sách phá giá và thành công này một phần do lựa chọn thời điểm phá giá hợp lý. Khi đó, các nước trong khu vực đang phát triển lành mạnh và duy trì chế độ tỷ giá cố định và đang say sưa với dòng vốn nước ngoài đổ vào trong khi đó đồng USD thì xuống giá rất nhanh. Vào thời điểm đó, Trung Quốc có mức tăng trưởng kinh tế cao, đầu tư nước ngoài tăng mạnh, nền kinh tế cũng không có những biến động xấu do tác dụng trung hòa của những đồng ngoại tệ rẻ và có sẵn cả ở trong nước và ngoài nước. Do vậy, cú đột phá đó ít nước quan tâm tới. Việc phá giá mạnh đồng NDT đã giúp Trung Quốc gia tăng xuất khẩu mạnh mẽ, đem lại nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào.

- Chính sách tỷ giá hối đoái phải luôn hướng tới mục tiêu hỗ trợ tốt nhất cho chính sách xuất khẩu, từ đó cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và tăng dự trữ ngoại tệ, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

- Tỷ giá cần được xác lập trên cơ sở thiết lập một rổ ngoại tệ gồm những ngoại tệ mạnh để tránh được cú sốc trong nền kinh tế khi một đồng tiền nào đó biến động. Hiện nay, ngoài 4 ngoại tệ mạnh nằm trong rổ ngoại tệ của IMF là USD, đồng Bảng Anh, đồng Euro, đồng Yên Nhật thì đồng NDT của Trung Quốc đang được nhiều nước dự trữ với khối lượng lớn.

Thứ ba, để các chính sách điều tiết tỷ giá và kiểm soát lạm phát, ngân hàng trung ương cần được đảm bảo sự độc lập nhất định với Chính phủ trong việc ra quyết định và điều hành chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương phải có hệ thống theo dõi, giám sát chặt chẽ các điều kiện kinh tế trong nước, các nền kinh tế lớn và các nước trong khu vực, kịp thời đánh giá các rủi ro, nguy cơ mất ổn định để đưa ra những chính sách phù hợp.

Việt Nam đang trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, các rào cản thuế quan và hạn ngạch hàng hóa nhằm bảo hộ thương mại buộc phải dỡ bỏ dần. Chính vì vậy, chính sách tỷ giá có thể là một trong những công cụ hợp lý để giúp Việt Nam hỗ trợ xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu nhằm cải thiện cán cân thương mại.

Tài liệu tham khảo:

1. PGS.,TS. Nguyễn Văn Tiến: Tài chính quốc tế hiện đại trong nền kinh tế mở, NXB Thống kê, 2005;

2. ThS. Hoàng Đình Minh: Ảnh hưởng của tỷ giá đến xuất, nhập khẩu tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính số 04/2013;

3. Kinh nghiệm của Trung Quốc về điều hành chính sách tỷ giá, Hiệp hội Ngân hàng, http://www.vnba.org.vn.