Hoạt động xuất, nhập khẩu: Nỗ lực tạo chuyển biến mới
2015 được xem là năm đầy khó khăn với hoạt động xuất khẩu khi nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực nước ta bị sụt giảm cả về giá và lượng. Tuy nhiên, với những kết quả đạt được, hoạt động xuất nhập khẩu đã có những đóng góp tích cực vào thành công chung của kinh tế vĩ mô. Bước sang năm 2016, kỳ vọng xuất nhập khẩu tiếp tục tươi sáng...
Từ những nỗ lực trong xuất khẩu...
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm 2015 đạt 162,4 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2014, tương đương khoảng 12,2 tỷ USD; Con số trên chưa bao gồm ngoại tệ thu được do khai thác và xuất khẩu dầu thô ở nước ngoài, tương đương khoảng 1% tăng trưởng xuất khẩu. Đây là kết quả tăng trưởng khá cao trong tương quan so sánh với năm trước, cũng như so sánh với các nước trong khu vực châu Á, Trung Quốc giảm 1,9%; Indonesia giảm 13,3%; Thái Lan giảm 5%; Hồng Kông giảm 1,5%, Malaysia giảm 0,2%...
Năm 2015, cả nước có 23 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Cơ cấu các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng có sự chuyển dịch tích cực, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030. Tăng trưởng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến tăng trưởng cao, đóng vai trò quan trọng, kéo theo xuất khẩu của cả nước tăng trưởng.
Một số mặt hàng chủ lực thuộc nhóm gia công, lắp ráp lại tăng cao so với cùng kỳ như: Điện thoại và linh kiện tăng 29,9%, điện tử máy tính và linh kiện tăng 38,2%; hàng dệt may tăng 8,2%; giày dép tăng 16,2%. Nhóm các doanh nghiệp có vốn FDI tiếp tục đóng góp lớn cho tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt khoảng 115,1 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm trước, chiếm tỷ trọng 70,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nếu không kể dầu thô, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 111,3 tỷ USD, tăng 18,5%. Khu vực trong nước đạt khoảng 47,3 tỷ USD, giảm 3,5% so với năm trước (sau 5 năm tăng trưởng liên tục).
Trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu năm 2015, tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản đạt khoảng 74 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm 2014 và chiếm 45,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 33,5 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2014; tiếp theo là thị trường EU với 30,9 tỷ USD, tăng 10,7% và chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu; thị trường Trung Quốc đạt khoảng 17 tỷ USD, tăng 13,7%; thị trường Nhật Bản ước đạt 14,1 tỷ USD và thị trường Hàn Quốc ước đạt 9 tỷ USD, tăng 25,2%.
Mặc dù, kim ngạch xuất khẩu năm 2015 tăng 8,1% so với năm 2014, nhưng vẫn thấp hơn so với kế hoạch đặt ra là 10%.
Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng thuộc nhóm nông sản và khoáng sản giảm khá mạnh cả về lượng và giá trị như: Cà phê giảm 24,3% về lượng và giảm 27,8% về giá trị; chè giảm tương ứng 6% và 7%; dầu thô giảm 0,6% và 47,3%; than đá giảm 76,1% và 66,7%. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm 15,6% so với năm trước. Riêng mặt hàng cao su mặc dù lượng xuất khẩu tăng 7,2% so với năm trước nhưng do giá trên thị trường thế giới giảm nên kim ngạch xuất khẩu giảm 13,6%.
... Đến câu chuyện nhập siêu
Tính chung cả năm 2015, kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 165,6 tỷ USD, tăng 12% so với năm trước, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 98 tỷ USD, tăng 16,4%; khu vực kinh tế trong nước đạt 67,6 tỷ USD, tăng 6,3%. Nếu loại trừ yếu tố giá (chỉ số giá nhập khẩu giảm 5,8%), kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2015 tăng 18,9%, cao hơn mức tăng 13,2% của năm 2014 khi loại trừ yếu tố giá (Chỉ số giá nhập khẩu năm 2014 giảm 1,02%). Bên cạnh đó, giá nhập khẩu một số mặt hàng giảm mạnh so với năm trước như: Xăng dầu giảm 40,4%; sắt thép giảm 15,6%; chất dẻo giảm 13%; phân bón giảm 14,1%.
Một số mặt hàng phục vụ sản xuất tăng cao so với năm trước như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 27,6 tỷ USD, tăng 23,1%; vải đạt 10,2 tỷ USD, tăng 8,2%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 5 tỷ USD, tăng 7,5%; bông đạt 1,6 tỷ USD, tăng 12,4%. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn tăng so với năm 2014: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 23,3 tỷ USD, tăng 24,2%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 10,6 tỷ USD, tăng 25,4%; ô tô đạt 6 tỷ USD, tăng 59%, trong đó ô tô nguyên chiếc đạt 3 tỷ USD, tăng 87,7%.
Năm 2015 ghi nhận nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt khoảng 151,2 tỷ USD, tăng 12,3% so với năm 2014 và chiếm tới 91,3% tổng kim ngạch, tăng 0,2 điểm phần trăm so với năm 2014, trong đó nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận tải, phụ tùng đạt 67,5 tỷ USD, tăng 19,9% và chiếm 40,8%, tăng 2,7 điểm phần trăm (do một số nhóm hàng tăng mạnh như điện tử máy tính và linh kiện tăng 24,2%; điện thoại và linh kiện tăng 25,4%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng khác tăng 23,1%); nhóm nguyên nhiên vật liệu ước tính đạt 83,7 tỷ USD, tăng 6,8% và chiếm 50,5%, giảm 2,5 điểm phần trăm. Hàng tiêu dùng ước đạt 14,4 tỷ USD, tăng 10,4% và chiếm 8,7%, giảm 0,2 điểm phần trăm.
Cán cân thương mại trong năm 2015 cho thấy, sau 3 năm liên tiếp xuất siêu, năm 2015 cũng đánh dấu sự quay trở lại của nhập siêu. Mức chênh lệch là không lớn, khi Việt Nam chỉ nhập siêu khoảng 3,2 tỷ, nhưng đây là câu chuyện về sự biến động mạnh của các xu thế chủ đạo trong kinh tế Việt Nam trong năm 2015.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguyên vật liệu và hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Mức này không những không giảm mà còn ngày càng tăng, khi Việt Nam chỉ nhập siêu khoảng 29 tỷ USD trong năm 2014, thì con số này đã tăng lên 32,3 tỷ USD trong năm 2015. Sự phụ thuộc này lớn đến mức, Việt Nam càng tăng cường xuất khẩu sang các thị trường khác để bù đắp khoản thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Cùng với đó là việc tăng cường các quan hệ thương mại với các nền kinh tế khác, thông qua các hiệp định thương mại tự do FTA.
Về lâu dài, các hiệp định này sẽ đem lại những lợi ích lớn cho kinh tế Việt Nam nhưng trong ngắn hạn nó sẽ khiến mức nhập siêu của Việt Nam từ các quốc gia này tăng lên đáng kể. Điển hình là Hàn Quốc. Việc hàng loạt các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đầu tư những dự án tỷ đô tại Việt Nam đang khiến mức nhập siêu của Việt Nam từ Hàn Quốc tăng lên chóng mặt. (Trong năm 2014 là gần 15 tỷ USD, còn năm 2015 là 18,7 tỷ USD).
Một nền kinh tế khác được dự báo sẽ tăng cường mức xuất siêu lớn sang nền kinh tế Việt Nam trong tương các nước ASEAN. Trong số các nền kinh tế có mức tăng xuất siêu sang Việt Nam, thì ASEAN là nền kinh tế có tốc độ tăng xuất siêu lớn nhất, lên tới 45% so với 28% của Hàn Quốc và 12,5% của Trung Quốc. Khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đi vào hoạt động thì mức xuất siêu sẽ còn lớn hơn rất nhiều. Điều này được lý giải bởi việc, ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư ở Việt Nam và họ nhập khẩu hàng hóa nguyên vật liệu từ nước ngoài ngày càng tăng, trong khi lại ít xuất khẩu về các quốc gia đó. Tổng giá trị nhập khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2015 là 98 tỷ USD, tăng 16,4%; trong khi khu vực này xuất khẩu chỉ tăng 13,8% đạt 115,1 tỷ USD. Điều này bắt nguồn từ sự suy yếu của các doanh nghiệp trong nước. Trong năm 2015 khu vực trong nước xuất khẩu chỉ đạt 47,3 tỷ USD, giảm 3,5% so với năm 2014. Trong khi đó, mức nhập khẩu của khu vực trong nước lại lên tới 67,6 tỷ USD, tăng 6,3%. Như thế, Việt Nam nhập siêu trong năm 2015 phần lớn là đến từ mức thâm hụt thương mại của khu vực trong nước, lên tới 20,3 tỷ USD.
Một số hạn chế và đề xuất giải pháp
Năm 2016, mục tiêu đặt ra là tăng trưởng xuất khẩu đạt bình quân khoảng 10%. Nhập siêu ở mức dưới 5% và giảm dần, tiến tới cần bằng vào các năm tiếp sau. Để đạt được các mục tiêu kế hoạch đặt ra, cần nhìn nhận rõ những tồn tại hạn chế để có các giải pháp khắc phục và phát huy những mặt tích cực của năm 2015.
Hạn chế cần khắc phục
- Xuất khẩu tăng trưởng chủ yếu ở những nhóm mặt hàng do khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và là những mặt hàng dựa vào lợi thế giá nhân công cao;
- Giá và lượng xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản và khoáng sản giảm, nhất là giá dầu thô giảm mạnh đã ảnh hưởng đến gia tăng kim ngạch xuất khẩu của cả năm;
- Nhập khẩu và xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cao hơn nhập khẩu và xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước. Điều này cho thấy, sản xuất của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều khó khăn;
- Tỷ lệ nhập khẩu lớn về nguyên, nhiên liệu, nhất là nguyên liệu gia công sản xuất thể hiện tính giá công trong ngành còn lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp ở nước ngoài, làm cho nền kinh tế gặp bất lợi mỗi khi giá cả thế giới biến động tăng, dẫn đến chi phí sản xuất trong nước tăng, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam;
- Nhập khẩu máy móc thiết bị nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất còn phụ thuộc vào một số thị trường ảnh hưởng nhất định đến phát triển sản xuất, xuất khẩu khi những thị trường này có sự biến động.
Những giải pháp đặt ra
Thứ nhất, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu. Các bộ, ngành liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để đẩy mạnh xuất khẩu; Triển khai hiểu quả, đúng tiến độ các giải pháp về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Rà soát danh mục mặt hàng và quy trình cấp giấy phép đối với các nhóm hàng hiện đang được quản lý theo hình thức giấy phép theo hướng giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, tạo thuận lợi hoạt động của DN…
Thứ hai, phát triển thị trường xuất khẩu. Các cơ quan hữu quan cần rà soát, đánh giá ảnh hưởng của tỷ giá tới các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đặc biệt là các mặt hàng có cạnh tranh với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và nước sở tại cũng như các nước có phá giá tiền tệ, kiến nghị các giải pháp khắc phục khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu.
Thứ ba, triển khai tích cực hoạt động mở rộng thị trường cho tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, cần quan tâm đến các thị trường nhập khẩu hàng hóa Việt Nam có thế mạnh như: Nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, hàng điện tử…
Thứ tư, tích cực thực hiện công tác xúc tiến thương mại; tăng cường, phổ biến, hướng dẫn, có giải pháp phù hợp hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả tại những thị trường đã thực hiện cam kết các hiệp định thương mại;
Thứ năm, sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu thống nhất và quy định về tiêu chuẩn, phương thức kiểm dịch, kiểm tra chất lượng hàng hóa. Công khai hóa tiêu chuẩn áp dụng, đơn vị thực hiện kiểm tra, thời gian và chi phí đối với từng mặt hàng cụ thể. Tiếp tục rà soát và cập nhật danh mục các mặt hàng không thiết yếu, các mặt hàng trong nước đã sản xuất được để có biện pháp kiểm soát nhập khẩu; Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ tổ chức thực hiện nhập khẩu hợp lý, đảm bảo sản xuất, không nhập quá nhu cầu; Xem xét khả năng tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được, thay thế nhập khẩu.
Thứ sáu, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến việc tận dụng các FTA. Các đơn vị chủ trì đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trao đổi với phía đối tác nhằm đôn đốc các nước đã ký FTA với Việt Nam hoàn thành sớm các thủ tục nội bộ trong việc phê chuẩn thông qua Hiệp định để sớm đưa vào thực thi; xây dựng các văn bản nội luật để sớm tận dụng các cơ hội do các FTA mới ký mang lại…
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Công Thương - 2015: Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại năm 2015 và nhiệmvụ năm 2015;
2. Tổng cục Thống kê: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2015;
3. Tổng cục Hải quan: Báo cáo tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam các tháng trong năm 2014; 2015.