Tác động của vốn nhân lực đến tăng trưởng kinh tế các địa phương Việt Nam

Cao Minh Tâm - NCS. Trường Đại học Thủy Lợi - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Nghiên cứu này xem xét tác động của các yếu tố thuộc về vốn nhân lực đến tăng trưởng kinh tế tại các địa phương Việt Nam, phân theo 6 vùng kinh tế trọng điểm trong giai đoạn từ năm 2016-2021. Bằng phương pháp hồi quy dữ liệu bảng gộp (Pooled-OLS và S.GMM), kết quả cho thấy các biến về lực lượng lao động trên 15 tuổi, tỷ lệ lao động qua đào tạo đều có ảnh hưởng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các địa phương, trong khi các biến về cho tiêu cho giáo dục, số học sinh học trung học phổ thông lại có tác động nghịch đến tăng trưởng. Đặc biệt, kết quả cho thấy, tăng trưởng kinh tế kỳ trước có ảnh hưởng tích cực, đáng kể cho tăng trưởng kinh tế năm sau. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế các vùng có sự khác biệt đáng kể, trong so sánh với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các kết quả này giúp củng cố lý thuyết và thực nghiệm, cũng như giúp đưa ra một số hàm ý chính sách nhằm gia tăng vốn nhân lực giúp tăng trưởng kinh tế ổn định cho các địa phương.

Giới thiệu

Kinh tế Việt Nam sau những cải cách mạnh mẽ theo định hướng kinh tế thị trường giai đoạn 1986 - 1990 đã tạo đà động lực cho phát triển. Từ năm 1990 đến nay, kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh: giai đoạn 1996-2000, tốc độ tăng GDP đạt 7%, giai đoạn 2016-2019 tốc độ tăng GDP bình quân đạt mức 6,8%, giai đoạn 2020-2023, mặc dù ảnh hưởng đại dịch và suy thoái kinh tế nhưng tăng trưởng chung vẫn đạt 3,83%. Tuy đạt tăng trưởng chung cao, nhưng với diện tích trải dài từ Bắc vào Nam có phân bố địa hình và vị trí địa lý rất khác nhau, nên cơ hội và nguồn lực cho phát triển kinh tế giữa các địa phương không đồng đều.

Các lý thuyết tăng trưởng kinh tế gần đây chỉ ra rằng, một nền kinh tế muốn tăng trưởng nhanh và ở mức cao cần dựa trên các yếu tố nguồn lực con người, vốn, tài nguyên thiên nhiên, và công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng (Toader và cộng sự, 2018; Myovella và cộng sự, 2020). Trong đó, vốn con người vẫn là yếu tố cốt lõi giúp tăng trưởng ổn định và bền vững (Barro, 1991). Trong công cuộc đổi mới hiện nay, Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng luôn quan tâm đến phát triển chất lượng nguồn nhân lực bên cạnh yếu tố về công nghệ. Như vậy, một trong những yêu cầu để nền kinh tế chúng ta tăng trưởng bền vững hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới là phải có được nguồn nhân lực, có trình độ, áp dụng công nghệ, có đủ sức đáp ứng những yêu cầu phát triển của khu vực, thế giới.

Trong năm 2023, Việt Nam đã dựa vào các đặc trưng chung của các tỉnh để phân thành 6 vùng kinh tế-xã hội, đây là cơ sở để phát huy thế mạnh và lợi thế của từng vùng, góp phần thúc đẩy đổi mới, gia tăng năng suất, giúp tăng trưởng kinh tế các địa phương một cách tối ưu. Các nghiên cứu gần đây cũng xem xét vai trò của vốn nhân lực đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam (Trần Thọ Đạt, 2011; Hạ Thị Thiều Dao và cộng sự, 2014; Phan Thị Bích Nguyệt và cộng sự, 2018)... Nhưng các nghiên cứu chưa xem xét đánh giá khác biệt theo 6 vùng kinh tế được phân chia mới, cũng như chưa xem xét tác động đồng thời của các yếu tố khác bên cạnh yếu tố vốn nhân lực như: độ mở thương mại của địa phương hay tỷ lệ dân cư đô thị...

Nghiên cứu này vừa xem xét tác động của nhóm các yếu tố thuộc về vốn nhân lực, vừa xem xét tác động của các yếu tố khác này đến tăng trưởng kinh tế phân theo 6 vùng kinh tế, từ đó có các khuyến nghị hợp lý hơn cho các vùng kinh tế khác nhau, đây chính là đóng góp mới trong nghiên cứu của tác giả.

Cơ sở lý thuyết

Vốn nhân lực được hiểu là tổng hòa các yếu tố về kiến thức, năng lực, thái độ và hành vi trong một cá nhân (Rastogi, 2002). Vốn nhân lực là một trong những yếu tố then chốt cho tăng trưởng kinh tế (Barro, 1991). Dựa trên cách tiếp cận này, đã có nhiều nghiên cứu xem xét vai trò đóng góp của từng yếu tố thuộc về vốn nhân lực ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Phần lớn các nghiên cứu về vốn nhân lực dựa vào lực lượng lao động có trình độ học vấn từ trung học cho đến đại học, được giáo dục nghề nghiệp tốt sẽ đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế (Su và Liu, 2016).

Các nghiên cứu khác tiếp cận theo góc độ chi tiêu cho giáo dục cũng đóng vai trò tích cực cho tăng trưởng kinh tế (Noorziah Mohd Salleh và cộng sự, 2022). Tại Việt Nam, cũng có các nghiên cứu tiếp cận ảnh hưởng của vốn nhân lực bao gồm giáo dục các cấp học và dạy nghề đến tăng trưởng kinh tế (Trần Thọ Đạt, 2011; Phan Thị Bích Nguyệt và cộng sự, 2018) hay tác động của chi tiêu đầu tư cho giáo dục đến tăng trưởng kinh tế (Hạ Thị Thiều Dao và cộng sự, 2014; Phan Thị Bích Nguyệt và cộng sự, 2018). Kết quả các nghiên cứu đều cho thấy vai trò tích cực trong tăng trưởng kinh tế của nhóm các yếu tố thuộc về vốn nhân lực.

Bên cạnh yếu tố về vốn nhân lực thì cũng có các yếu tố khác ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế các địa phương hay vùng kinh tế. Về tác động của độ mở thương mại đến tăng trưởng kinh tế, Andersen và Babula (2008) kết luận, có thể có một mối quan hệ tích cực giữa thương mại quốc tế và tăng trưởng kinh tế. Vai trò của độ mở thương mại trong mối quan hệ với tăng trưởng kinh tế cũng được Kakar và Khilji (2011) nghiên cứu tại Pakistan và Malaysia giai đoạn 1980-2010. Kết quả nghiên cứu cho thấy, độ mở thương mại có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Su và cộng sự (2019) kết luận thể chế kinh tế và độ mở thương mại ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam giai đoạn 2005-2015 bằng cách sử dụng hồi quy GMM hệ thống.

Raghutla (2020) nghiên cứu tác động của độ mở thương mại đối với tăng trưởng kinh tế giai đoạn 1993-2016 ở các nền kinh tế thị trường mới nổi, cho thấy độ mở thương mại cũng có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Một số nghiên cứu chứng minh tác động tích cực của năng suất lao động đến tăng trưởng và phát triển kinh tế. Năng suất lao động được coi là nổi bật trong các mô hình tăng trưởng (theo Solow, 1956).

Các nghiên cứu gần đây của Đặng Văn Lương (2019) hay Nguyễn Thị Huệ (2019) trong đánh giá mối quan hệ giữa năng suất lao động với tăng trưởng kinh tế Việt Nam đều cho thấy mối quan hệ tích cực giữa năng suất lao động với tăng trưởng, và năng suất đóng vai trò lớn cho phát triển kinh tế. Ngoài ra, các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy vai trò của đô thị hóa đến tăng trưởng, điển hình như các nghiên cứu của Trần Mạnh Hùng và cộng sự (2021) cho rằng, quá trình phát triển kinh tế đã dẫn đến đô thị hóa nhanh chóng tại các tỉnh thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, đô thị hóa tràn lan có thể tạo ra bất ổn và kéo theo xu hướng tăng trưởng kinh tế không bền vững. Tương tự, nghiên cứu của Nguyễn Lê Hoàng Thụy Tố Quyên và Ngô Thị Cẩm Hường (2022) hay Nguyễn Thanh Tú (2022) cũng cho rằng, tỷ lệ đô thị hóa có ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng kinh tế các tỉnh vùng Đông Nam Bộ.

Dữ liệu, phương pháp và mô hình nghiên cứu

Trong nghiên cứu này, tác giả chủ yếu sử dụng phương pháp định lượng, bằng phương pháp xử lý dữ liệu bảng gộp cân bằng S.GMM và phương pháp Pooled-OLS. Phương pháp ước lượng moment tổng quát GMM cũng được sử dụng để khắc phục các khuyết tật của mô hình như đa cộng tuyến, tự tương quan, phương sai thay đổi và các biến nội sinh, do đó kết quả ước lượng sẽ không bị chệch, ổn định và hiệu quả (Nguyễn Quang Hiệp, 2021).

Trên cơ sở mô hình tăng trưởng nội sinh được trình bày ở cơ sở lý thuyết cùng với các nghiên cứu thực nghiệm có liên quan, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như sau:

gGRDPit = a0 + a1* gGRDPit-1 + a2*L-over15it + a3*L-Trainingit + a4*H-Schoolit + a5*E-Spendingit + a6*Openit + a7*LPit +a8*Popcityit + aj* + eit

Trong đó: gGRDPit là tăng trưởng kinh tế địa phương tại tỉnh/thành phố i vào năm t; L-over15it là lao động 15 tuổi trở lên tại tỉnh/thành phố i vào năm t; L-Trainingit là tỷ lệ lao động 15 tuổi qua đào tạo tại tỉnh/thành phố i vào năm t; H-Schoolit là số học sinh trung học PT tại tỉnh/thành phố i vào năm t; E-Spendingit là chi tiêu giáo dục, dạy nghề tại tỉnh/thành phố i vào năm t; Openit là độ mở thương mại của tỉnh i chỉ quy mô tương đối của khu vực thương mại của địa phương, được đo lường bằng tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ của tỉnh/GRDP của tỉnh; Investit là tổng vốn đầu tư toàn bộ của tỉnh/GRDP của tỉnh i vào năm t; LPit là tổng doanh thu chia cho tổng số lao động của tỉnh i vào năm t; Popcityit là số dân cư đô thị chia cho tổng số dân của tỉnh/thành phố; dj là biến dummy, có 6 vùng nên ma trận dummy 5 vùng, trong đó lấy vùng Đồng bằng sông Cửu Long làm gốc so sánh.

Về phân vùng, tác giả căn cứ vào Nghị quyết 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Quốc hội ban hành. Tổ chức không gian phát triển đất nước thành 06 vùng kinh tế - xã hội như sau: (1) Vùng Trung du và miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên và Hoà Bình, được Ký hiệu là MNPB; (2) Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh, được Ký hiệu là DBSH; (3) Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận, được Ký hiệu là BTBDH; (4) Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, được Ký hiệu là TN; (5) Vùng Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh, được Ký hiệu là DNB; (6) Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, vùng chuẩn so sánh. Dữ liệu sử dụng dựa trên dữ liệu thứ cấp của 63 tỉnh thành Việt Nam giai đoạn 2016-2021 được trích xuất trực tiếp từ Tổng cục Thống kê và Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu

Bảng 2 thể hiện kết quả thống kê mô tả các biến trong mô hình sử dụng. Với giai đoạn nghiên cứu từ năm 2016-2021 (n=6 năm), có 63 tỉnh, thành nên tổng cộng có 6x63 = 378 quan sát. Về tăng trưởng kinh tế GRDP các tỉnh, có giá trị trung bình trong giai đoạn nghiên cứu là 0,0875 (8,75%) có giá trị tăng trưởng thấp nhất là -11,83% (thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào năm 2020 là năm kinh tế suy thoái chung do đại dịch COVID-19). Tăng trưởng cao nhất đạt 30,42% (thuộc tỉnh Lai Châu năm 2016). Biến độ tuổi lao động trên 15 được lấy logarit tự nhiên có đơn vị tính gốc là triệu người, trong đó biến có giá trị trung bình là 6,56 (giá trị nhỏ nhất là 4,97 và giá trị cao nhất là 8,48). Tỷ lệ lao động qua đào tạo có giá trị trung bình chung là 20,55%, trong đó giá trị nhỏ nhất là 8,2% (thuộc về tỉnh Bạc Liêu năm 2018) và cao nhất 50,3% (thuộc về Hà Nội năm 2021). Các biến về số học sinh THPT, chi tiêu cho giáo dục, độ mở thương mại được đo lường bằng giá trị logarit tự nhiên của giá trị gốc tính bằng triệu người hoặc triệu đồng. Các biến cũng cho thấy có độ lệch cao giữa giá trị trung bình, giá trị lớn nhất, nhỏ nhất với giá trị của độ lệch chuẩn, cho thấy các biến trong mô hình có hiện tượng phương sai của sai số thay đổi. Về tỷ lệ dân cư đô thị có giá trị trung bình chung là 29,35%, trong đó giá trị thấp nhất là 9,8% (thuộc về tỉnh Bến Tre năm 2021), cao nhất là 88,17% (thuộc về TP. Đà Nẵng năm 2018).

Tóm lại, bảng phân tích mô tả trên cho thấy đặc trưng các biến trong mô hình, đặc trưng các tỉnh, vùng có các giá trị trung bình, cao/thấp. Ngoài ra, cũng cho thấy đặc trưng dữ liệu tồn tại hiện tượng phương sai thay đổi, cần dùng kỹ thuật điều chỉnh trong mô hình hồi quy kinh tế lượng.

Bảng 3 thể hiện kết quả định lượng tác động của các yếu tố thuộc về vốn nhân lực ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế các địa phương phân theo 6 vùng kinh tế khác nhau, trong các mô hình định lượng này, tác giả sử dụng vùng Đồng bằng sông Cửu Long làm vùng kinh tế so sánh với 5 vùng kinh tế còn lại của cả nước, với mã hóa các vùng như sau: MNPB (Vùng Trung du và miền núi phía Bắc); DBSH (Vùng Đồng bằng sông Hồng); BTBDH (Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung); TN (Vùng Tây Nguyên); DNB (Vùng Đông Nam Bộ). Ngoài ra, bởi vì vốn đầu tư đóng vai trò rất quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, chính vì vậy tác giả chọn biến tổng vốn đầu tư toàn xã hội làm biến công cụ (IV variable).

Bảng 1: Tình hình tăng trưởng kinh tế các địa phương giai đoạn 2016-2021

(Giá trị trung bình 06 vùng kinh tế)

Khu vực kinh tế

2016

2017

2018

2019

2020

2021

Trung bình giai đoạn 2016-2021

Trung du và
miền núi Bắc bộ

10,77%

11,23%

11,39%

8,65%

9,03%

6,32%

9,57%

Đồng bằng
Sông Hồng

9,52%

12,17%

13,68%

11,37%

6,84%

9,55%

10,52%

Bắc Trung Bộ và
duyên hải Trung Bộ

7,44%

10,54%

12,65%

11,45%

2,84%

7,32%

8,71%

Tây Nguyên

6,62%

10,40%

4,77%

6,52%

7,06%

10,47%

7,64%

Đông Nam Bộ

5,85%

11,37%

11,12%

8,90%

3,48%

4,17%

7,48%

Đồng bằng
Sông Cửu Long

8,68%

10,54%

10,63%

7,91%

4,67%

2,64%

7,51%

Nguồn: Tổng hợp tính toán của tác giả dựa trên số liệu từ Tổng cục Thống kê

Bảng 2: Thống kê mô tả các biến

Biến

Số quan sát

Trung bình

Độ lệch chuẩn

Giá trị

nhỏ nhất

Giá trị

lớn nhất

g-GRDP

378

0.0875

0.0468

-0.1183

0.3042

g-GRDP_1

378

0.0885

0.0494

-0.3014

0.3042

lnLover15

378

6.5634

0.5723

4.9739

8.4817

LTraining

378

20.5555

12.5329

8.2

50.30

LnHSchools

378

10.4301

0.5967

8.9235

12.9508

LnEspending

378

7.9693

0.4595

6.9663

9.7510

Lnopen

378

10.6151

0.9275

8.2044

13.8711

Popcity

378

0.2935

0.1737

0.0980

0.8817

Nguồn: Tính toán của tác giả

Bảng 3: Kết quả định lượng tác động của vốn nhân lực đến tăng trưởng kinh tế các địa phương

Biến

Ước lượng với Cluster (a)

Ước lượng với GMM (b)

Bê-ta

P-value

Bê-ta

P-value

g-GRDP_1

0,2871

0,00*

0,5410

0,052***

lnLover15

0,0591

0,00*

0,0577

0,00*

LTraining

0,0004

0,036**

0,0007

0,011**

LnHSchools

-0,0362

0,011**

-0,0288

0,094***

LnEspending

-0,0367

0,001*

-0,0342

0,00*

Lnopen

0,0001

0,988

-0,0053

0,703

lninvest

0,0053

0,369

-na-

-na-

lnLP

-0,0018

0,751

0,0011

0,864

popcity

-0,0423

0,054***

-0,0319

0,260

MNPB

0,0323

0,014**

0,0195

0,360

DBSH

0,0262

0,012**

0,0180

0,245

BTBDH

0,0249

0,013**

0,0174

0,268

TN

0,0227

0,048**

0,0186

0,131

DNB

0,0067

0,492

0,0104

0,337

Tung độ gốc

0,2854

0,00*

0,2633

0,000*

Nguồn: Tính toán của tác giả

Chú thích: (*) (**) (***) tương ứng với các mức ý nghĩa thống kê 1%, 5% và 10%; Biến bị nội sinh trong mô hình là biến tăng trưởng kinh tế kỳ trước (g-GRDP_1), tác giả sử dụng biến công cụ là tổng vốn đầu tư so với GRDP các tỉnh.

Kết quả ước lượng ở cả các phương pháp đều cho thấy tăng trưởng kinh tế kỳ trước (năm trước) có đóng góp cho tăng trưởng kinh tế năm nay với tác động biên cao và đều có ý nghĩa thống kê, đối với ước lượng tĩnh kết quả cho thấy tăng trưởng kinh tế kỳ trước tăng 1% đóng góp cho tăng trưởng kinh tế kỳ sau 0,29%, nhưng đối với mô hình động (GMM) thì tác động biên cao hơn 0,54%. Kết quả này tương đồng với các kết quả nghiên cứu của Hanif và Arshed (2016); Kyophilavong và cộng sự, 2018; Maneejuk và Yamaka, 2021; Hà Thanh Công, 2021). Độ tuổi trên 15 tuổi hay lực lượng lao động hiện có từ 15 tuổi cũng có tác động dương đến tăng trưởng kinh tế, lực lượng lao động tăng thêm 1% có tác động làm tăng trưởng kinh tế thêm 0,06% kể cả ở mô hình tĩnh và mô hình động và có ý nghĩa thống kê, phù hợp theo các nghiên cứu của Samans và cộng sự (2017); Nguyễn Ngọc Hùng (2016); Nguyễn Văn Thắng (2019). Về tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có qua đào tạo cũng có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế tuy nhiên ở mức tác động biên khá thấp, kết quả này đồng thuận với kết quả nghiên cứu của Liu (2016); Samans và cộng sự, 2017; Trần Thọ Đạt (2011); Phan Thị Bích Nguyệt và cộng sự (2018). Về số lượng học sinh trung học phổ thông có tác động âm đến tăng trưởng kinh tế các địa phương ở mức -0,03%, kết quả này trái với kết quả nghiên cứu của (Kyophilavong và cộng sự (2018); Maneejuk và Yamaka (2021); Noorziah Mohd Salleh (2021). Kết quả này hàm ý số lượng người học trung học mà chưa qua đào tạo nghề, thiếu kỹ năng nghề nghiệp thì có thể tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội. Ngoài ra, kết quả này cũng cho thấy, việc dạy và học phổ thông chưa đáp ứng yêu cầu lao động của xã hội ngày nay, vì vậy sau khi học phổ thông, học sinh phải tăng cường học thêm nghề, hoặc tiếp tục học mới có thể tự trang bị cho mình cơ hội việc làm, giúp cải thiện thu nhập cho bản thân và gia đình. Kết quả này khá tương đồng với kết quả chi tiêu cho giáo dục của các địa phương cũng có tác động âm đến tăng trưởng kinh tế. Việc các địa phương phần lớn giành nguồn tài chính chi tiêu cho các bậc học phổ thông là chính, thiếu nguồn lực đầu tư vào các trường dạy nghề, phát triển kỹ năng, nên chi tiêu cho giáo dục chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Các biến kiểm soát trong mô hình như độ mở thương mại (open), tổng chi tiêu đầu tư xã hội (invest), năng suất lao động (LP) đều không có ý nghĩa thống kê. Riêng tỷ lệ dân cư đô thị có tác động âm và có ý nghĩa thống kê trong mô hình hồi quy tĩnh với Cluster, kết quả này trái với kết quả nghiên cứu của Trần Mạnh Hùng và cộng sự (2021); Nguyễn Lê Hoàng Thụy Tố Quyên và Ngô Thị Cẩm Hường (2022); Nguyễn Thanh Tú (2022). Kết quả này thể hiện việc đô thị hóa, gia tăng đô thị hóa trong khi con người và tư duy chưa phù hợp với văn minh đô thị sẽ tạo rào cản cho phát triển. Đô thị hóa chỉ khi nào phù hợp với bản chất dân cư đô thị, đáp ứng mọi nguồn lực và thiết chế văn hóa mới có thể giúp tăng trưởng kinh tế tốt.

Về sự khác biệt tăng trưởng kinh tế các vùng kinh tế khác nhau, các vùng còn lại đều có giá trị tăng trưởng trung bình, nhìn chung là cao hơn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và sự khác nhau này có ý nghĩa thống kê (trừ vùng Đông Nam Bộ), ví dụ như vùng kinh tế miền núi và trung du phía Bắc có tăng trưởng cao hơn vùng Đồng bằng sông Cửu Long 0,03%/năm, hay như vùng Đồng bằng sông Hồng có mức tăng trưởng chung cao hơn vùng Đồng bằng sông Cửu Long ở mức 0,026%. Các kết quả này phản ánh đặc trưng chung của 6 vùng kinh tế, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long có sự tăng trưởng chậm, hay kể cả vùng Đông Nam Bộ cũng có mức tăng chung suy giảm so với mặt bằng chung các vùng còn lại.

Kết luận và hàm ý

Do tăng trưởng kinh tế năm trước có ảnh hưởng tích cực cho tăng trưởng kinh tế năm sau, vì vậy cần có giải pháp ổn định tăng trưởng kinh tế. Bởi vậy, Chính phủ và chính quyền các địa phương cần phối hợp chặt chẽ, để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Lực lượng lao động trên 15 tuổi và có qua đào tạo nghề sẽ giúp cải thiện tăng trưởng vì vậy cần có chính sách phát triển giáo dục hướng nghiệp và giáo dục nghề nghiệp sớm cho tầng lớp thanh niên. Chi đầu tư cho giáo dục và số học sinh trung học phổ thông có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, chính bởi chi đầu tư cho giáo dục địa phương hiện nay phần lớn dành chỉ tiêu cho giáo dục phổ thông, thiếu hướng nghiệp và dạy nghề cũng như trang bị kỹ năng hay năng lực về công nghệ thông tin. Các vùng kinh tế có sự tăng trưởng chưa ổn định và có sự chênh lệch khá cao giữa các vùng, miền do đó, cần có chính sách giáo dục tốt và gia tăng chi đầu tư giáo dục theo hướng khai phóng và định hướng nghề nghiệp.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bùi Quang Bình (2018), Tác động từ đầu tư tư nhân tới tăng trưởng kinh tế ở tỉnh đắk nông, Tạp chí khoa học và công nghệ Đại học Đà Nẵng, số 8(129)-2018;
  2. Hạ Thị Thiều Dao và cộng sự (2014), Vai trò của vốn con người với tăng trưởng kinh tế vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tạp chí phát triển kinh tế, số 283 (2014);
  3. Nguyễn Quang Hiệp (2021), Đánh giá tác động của xuất khẩu đến tăng trưởng kinh tế, Tạp chí tài chính, 8/2021;
  4. Nguyễn Thị Huệ (2019), Thực trạng năng suất của nền kinh tế Việt Nam qua các năm, Tạp chí Công Thương, tháng 7/2019;
  5. Nguyễn Thanh Tú (2022), Tác động của đầu tư vào cơ sở hạ tầng đối với tăng trưởng kinh tế tại Đông Nam Bộ, Tạp chí tài chính, tháng 9/2022;
  6. Nguyễn Lê Hoàng Thụy Tố Quyên và Ngô Thị Cẩm Hường (2022), Các yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tạp chí Khoa học Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, tháng 1/2022;
  7. Phạm Thị Bích Ngân (2023), Tác động của vốn đầu tư đến tăng trưởng kinh tế của TP. Hồ Chí Minh, Tạp chí công thương tháng 4/2023;
  8. Phan Thị Bích Nguyệt (2018), Nguồn vốn con người và tăng trưởng kinh tế cấp độ tỉnh, thành phố tại Việt Nam - Tạp chí nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh châu Á, 2018;
  9. Barro, R. (1991), Economic Growth in a Cross Section of Countries. Quarterly Journal of Economics, 1991, Vol. 106, N 2, p. 407-443;
  10. Benos, N., & Karagiannis, S. (2016), Do education quality and spillovers matter? Evidence on human capital and productivity in Greece. Economic Modelling, 54, 563–573;
  11. Maneejuk and Yamaka (2021), The Impact of Higher Education on Economic Growth in ASEAN-5 Countries, Sustainability, 2021, vol. 13, issue 2, 1-28.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 5/2024