Tác động của đầu tư công đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh sự phục hồi của nền kinh tế
Bài viết này nhằm nghiên cứu khám phá tác động của đầu tư công đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong thời gian qua. Kết quả của mô hình định lượng cho thấy tăng trưởng đầu tư công, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài đều có tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Đặt vấn đề
Trong giai đoạn vừa qua, đầu tư công là một trong những yếu tố quan trọng và quyết định đối với quá trình phát triển kinh tế ở Việt Nam. Là một nước đang phát triển như Việt Nam, nhu cầu vốn cho đầu tư rất lớn, đặc biệt là nhu cầu vốn để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo,...
Tuy nhiên, sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, cũng như tình hình phát triển của đất nước. Năm 2023, tình hình đầu tư công chưa đạt tiêu chí, các dự án chậm tiến độ hoặc ngừng triển khai, thậm chí nhiều dự án bị ảnh hưởng bởi công tác giới hạn phòng chống dịch. Nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động sản xuất. Dòng vốn FDI cũng có xu hướng giảm đã tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh đó, dòng vốn đầu tư công với vai trò là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Nhà nước đã được chú trọng hơn để khắc phục những hậu quả của COVID-19 đối với nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng. Nhiều nghiên cứu ở các quốc gia mới nổi chỉ ra rằng đầu tư công ảnh hưởng đến đầu tư tư nhân và phát triển kinh tế, tạo thành xu hướng đầu tiên.
Xu hướng thứ hai, ngược lại với xu hướng thứ nhất, được phản ánh trong kết quả của một số nghiên cứu được thực hiện ở các quốc gia phát triển, trong đó khẳng định đầu tư công có ít hoặc không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, hoặc thậm chí có ảnh hưởng tiêu cực. Trên cơ sở đó, nghiên cứu này cung cấp thêm bằng chứng thực nghiệm về vai trò của đầu tư công đối với phát triển kinh tế, qua đó có thể chứng minh giá trị của lý thuyết Keynes trong bối cảnh Việt Nam hiện nay.
Tổng quan nghiên cứu và cơ sở lý thuyết về tác động của đầu tư công đến tăng trưởng kinh tế
Đầu tư công có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế
Nghiên cứu của Mahi Uddin và các cộng sự (2015) thông qua việc sử dụng phương pháp bình phương nhỏ nhất (OLS), phân tích dữ liệu chuỗi thời gian từ năm 1972 đến năm 2011 tại Bangladesh, đưa ra kết luận rằng đầu tư công và tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ tích cực lâu dài. Các phát hiện của họ đã chỉ ra việc duy trì mức đầu tư công cao cùng với cải cách thể chế, cải thiện môi trường sẽ có lợi cho tăng trưởng kinh tế.
Rabnawaz và các cộng sự (2015) thực hiện nghiên cứu xem xét mối quan hệ giữa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và đầu tư công tại Pakistan khẳng định có mối quan hệ tích cực giữa GDP và đầu tư công trong ngắn hạn. Ngoài ra, kiểm định nhân quả Granger còn cho thấy tồn tại mối quan hệ nhân quả hai chiều giữa GDP và đầu tư công, GDP tăng khiến đầu tư công tăng nhanh và ngược lại.
Áp dụng mô hình tăng trưởng kinh tế tân cổ điển Solow và mô hình ECM với số liệu kinh tế vĩ mô của Namibia giai đoạn 1970-2005, cùng việc kiểm định đồng liên kết giữa các biến, sử dụng phân tích dài hạn và ngắn hạn, FT Kandenge (2010) xác nhận có mối quan hệ lâu dài giữa các biến: Đầu tư công, Đầu tư tư nhân, Tỷ giá hối đoái thực tế, Lực lượng lao động, Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Những phát hiện của nghiên cứu này kết luận tồn tại mối quan hệ ngắn hạn và dài hạn giữa đầu tư công và đầu tư tư nhân tới tăng trưởng kinh tế. Đầu tư công và đầu tư tư nhân đều đóng vai trò quan trọng trong việc tác động đến tăng trưởng ở Namibia.
Đầu tư công có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Quan điểm này được chỉ ra tại các nghiên cứu của Ellahil và Kiani (2011), Phetsavong và Ichisahi (2012). Thông qua mô hình tự phân phối độ trễ Hồi quy (ARDL) và bộ dữ liệu chuỗi thời gian hàng năm giai đoạn 1975-2009 tại Pakistan, Ellahil và Kiani (2011) kết luận có mối quan hệ tỉ lệ nghịch giữa đầu tư công và chỉ số tăng trưởng kinh tế (GDP), đầu tư công có hiệu ứng lấn át lên tăng trưởng.
Ngược lại, đầu tư tư nhân lại đóng vai trò quan trọng tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nghiên cứu này cho rằng đầu tư công có tác động tiêu cực lên tăng trưởng GDP do Chính phủ đầu tư nhiều hơn cho quốc phòng mà không có sự quan tâm đúng mức tới các ngành, lĩnh vực có lợi thế phát triển cao hơn. Tác động tiêu cực của đầu tư công đến tăng trưởng cũng được chỉ ra ở nghiên cứu của Phetsavong và Ichihashi (2012). Điều tương tự này cũng đã được kết luận tại nghiên cứu của Ellahil và Kiani (2011).
Vì vậy, quyết định đầu tư công cần được xem xét kỹ lưỡng nhằm tránh tác động tiêu cực đến FDI và đầu tư tư nhân trong nước, bởi điều này sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP. Nghiên cứu này đưa ra kiến nghị rằng Chính phủ nên đầu tư ít hơn 4,9 điểm phần trăm trong GDP nhằm tránh tác động tiêu cực (hiệu ứng lấn át) lên các yếu tố còn lại. Tại Việt Nam, Canh Thi Nguyen và Lua Thi Trinh (2018) đã sử dụng mô hình tự hồi quy phân phối trễ (ARDL) để kiểm tra tác động của đầu tư công đến đầu tư tư nhân và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam giai đoạn 1990-2016. Kết quả của nghiên cứu là đầu tư công có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, trong khi đầu tư tư nhân, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, vốn cổ phần nhà nước và FDI có tác động tích cực trong ngắn hạn, dẫn đến đầu tư công làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Đầu tư công không gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Rohan Swaby (2007) sử dụng mô hình Vectơ hiệu chỉnh sai số (VECM) đánh giá tác động của đầu tư công đến GDP từ năm 1994 đến năm 2007 tại Jamaica. Các kết quả tương quan chỉ cho thấy có mối quan hệ giữa GDP và đầu tư công, trong khi đó, kết quả nhân quả Granger không tìm thấy mối liên hệ nào giữa đầu tư công và GDP. Kết quả thực nghiệm cuối cùng kết luận đầu tư công chưa được chứng minh có bất kỳ tác động đáng kể nào đến tăng trưởng tại nền kinh tế nước này. Đầu tư công cũng làm lấn át đầu tư tư nhân ròng vì nó dẫn đến đầu tư tư nhân trong nước tăng cao nhưng lại làm giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và sẽ kéo dài theo thời gian.
Ngoài ra, VECM cho thấy về lâu dài, đầu tư tư nhân trong nước, FDI và tỷ giá hối đoái thực (REER) đều có tác động tích cực và tác động trực tiếp về mặt thống kê đến GDP. Mặt khác, Trần Nguyễn Ngọc Anh và Lê Hoàng Phong (2014) sử dụng mô hình ARDL (Mô hình phân phối trễ tự hồi quy, mô hình hiệu chỉnh sai số ECM) nghiên cứu tác động của đầu tư công đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam: góc nhìn thực nghiệm từ mô hình ARDL, kết quả thực nghiệm minh chứng tác động đầu tư công đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn không có ý nghĩa thống kê.
Như vậy, các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước về ảnh hưởng của đầu tư công lên tăng trưởng kinh tế vẫn gây ra nhiều tranh luận về kết quả của chúng. Theo các nghiên cứu nêu trên, tồn tại nhiều kết quả khác nhau, bao gồm cùng chiều, ngược chiều và không tác động. Nguyên nhân của sự khác biệt về kết quả nghiên cứu có thể nằm ở sự khác nhau về phương pháp nghiên cứu, mô hình nghiên cứu cũng như các vấn đề trong phân tích dữ liệu thống kê như nội sinh, phi tuyến tính và hiệu ứng lấn át hoặc thu hút của đầu tư công.
Tại Việt Nam, các nghiên cứu về tác động của đầu tư công khá nhiều nhưng chủ yếu ở dạng định tính hoặc lý thuyết và chưa có nhiều nghiên cứu thực nghiệm. Nghiên cứu về tác động của đầu tư công đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, dưới sự ảnh hưởng của các biến số vĩ mô có thể mang lại những gợi ý chính sách hữu ích góp phần nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, đồng thời đóng góp thêm các bằng chứng thực nghiệm về tác động của đầu tư công tới quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam giai đoạn 2013 - 2023.
Phương pháp và mô hình nghiên cứu
Nguồn dữ liệu
Để xem xét đánh giá tác động của đầu tư đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong giai đoạn 1990 - 2022, nhóm nghiên cứu sử dụng dữ liệu chuỗi thời gian hàng năm của biến tăng trưởng kinh tế đại diện bởi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), biến Đầu tư công (GOV), Đầu tư tư nhân (PRI), Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Số lượng lao động (GL), Lạm phát, Chỉ số phát triển con người (HDI), Hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập (hệ số GINI) được thu thập từ Tổng cục Thống kê (GSO).
Việc lựa chọn khoảng thời gian khảo sát trong mô hình từ năm 1990 đến 2022 xuất phát từ sự sẵn có của các số liệu thống kê vĩ mô của Việt Nam. Sau khi tham khảo một số nghiên cứu sử dụng mô hình ARDL trong cùng chủ đề có quy mô số lượng quan sát tương tự, nhóm cho rằng số lượng quan sát theo tần suất năm từ năm 1995 đến năm 2019 là phù hợp và đảm bảo được tính chính xác của phương pháp phân tích hồi quy.
Mô hình nghiên cứu và các giả thuyết nghiên cứu
Kế thừa từ những nghiên cứu trước của Ellahi và Kiani (2011), Canh Thi Nguyen và Lua Thi Trinh (2018), Manh Hung Pham (2022), nhóm nghiên cứu đã sử dụng mô hình phân phối trễ tự hồi quy ARDL, tiếp cận hàm sản xuất tổng quát theo quan điểm kinh tế học hiện đại làm cơ sở để xây dựng mô hình thực hiện nhằm đánh giá tác động của đầu tư công đến tăng trường kinh tế ở Việt Nam.
Được coi là sự kết hợp giữa mô hình tự hồi quy vector (VAR) và mô hình hồi quy bình phương nhỏ nhất (OLS), ARDL cho thấy tính linh hoạt cao và dễ dàng sử dụng cho việc phân tích các chuỗi thời gian đã biết. Theo quan điểm kinh tế học hiện đại, có 3 yếu tố trực tiếp tác động đến tăng trưởng là vốn (K), lao động (L) và yếu tố năng suất tổng hợp (A). Nếu bỏ qua nhân tố năng suất tổng hợp (A) thì hàm sản xuất tổng quát được viết lại dưới dạng đơn giản sau:
Y = f (K, L)
Để tìm hiểu tác động của đầu tư công nói riêng và đầu tư nói chung lên tăng trưởng kinh tế, yếu tố vốn đầu tư sẽ được chia làm 3 thành phần, gồm: vốn đầu tư công (GOV), vốn đầu tư tư nhân (PRI) và vốn đầu tư nước ngoài FDI (FDI). Hàm sản xuất trở thành:
Y = f (GOV, PRI, FDI, GL, IR, GINI, HDI) (1)
Hiệu chỉnh lại phương trình (1) chúng ta có:
GGDPt = α0 + α1 GOVt + α2 PRIt + α3 FDIt + α4 GLt + α5 ỈRt + α6 GINIt + α7 HDIt (2)
Phương trình trên cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế (GGDP) phụ thuộc vào các biến: vốn đầu tư công (GOV), vốn đầu tư khu vực tư nhân (PRI), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), số lượng lao động hàng năm (GL), tỷ lệ lạm phát (IR), chỉ số đo lường mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập hoặc tài sản của Việt Nam, chỉ số phát triển con người (HDI). Dấu của các hệ số α1, α2, α3, α4, α7 được kỳ vọng là dương, dấu của các hệ số α5, α6 được kỳ vọng là âm.
Phương pháp hồi quy mô hình
Để đánh giá tác động của tăng trưởng đầu tư công tới tăng trưởng kinh tế, nghiên cứu sử dụng mô hình phân phối trễ tự hồi quy (ARDL). Được coi là sự kết hợp giữa mô hình tự hồi quy vector (VAR) và mô hình hồi quy bình phương nhỏ nhất (OLS), ARDL cho thấy tính linh hoạt cao và dễ dàng sử dụng cho việc phân tích các chuỗi thời gian đã biết. Một số ưu điểm nổi bật của mô hình ARDL có thể kể đến: (i) phù hợp với quy mô mẫu nhỏ; (ii) ước lượng cho một phương trình duy nhất thay vì hệ phương trình giống như kiểm định Engle - Granger và Johansen; (iii) có thể thực hiện với các biến có độ trễ khác nhau, không phân biệt thứ tự sai phân I(0), I(1), hoặc cả hai; (iv) tính toán trong ngắn hạn với mô hình ECM bằng biến đổi tuyến tính mà không làm mất bậc tự do (Pesaran và cộng sự, 2001). Các bước ước lượng mô hình ARDL của nghiên cứu này được thực hiện trên phần mềm STATA phiên bản 16. Cụ thể, quy trình áp dụng mô hình ARDL trong nghiên cứu này được thực hiện theo các bước sau:
- Kiểm định nghiệm đơn vị
Kiểm định nghiệm đơn vị là bước quan trọng đầu tiên trong ước lượng mô hình ARDL. Bước này được thực hiện trên các biến để kiểm tra xem các biến là có tính dừng ở gốc đơn vị (ký hiệu I(0)) hay có tính dừng ở sai phân bậc 01 (I(1)) vì nếu không kiểm tra tính dừng, đôi khi nghiên cứu sẽ cho kết quả hồi quy giả nếu dữ liệu chuỗi dừng được hồi quy trên một dữ liệu không dừng khác (Gujarati, 2004).
- Kiểm định đường bao ARDL
Kiểm định này được thực hiện theo hai quy trình chính. Quy trình đầu tiên là ước lượng phương trình ARDL bằng cách sử dụng công cụ ước lượng bình phương nhỏ nhất thông thường khác để kiểm tra xem liệu có tồn tại mối quan hệ dài hạn giữa các biến của nghiên cứu hay không. Sau đó, kiểm định F được tiến hành cho mức ý nghĩa kết hợp đối với các hệ số của các biến ở trạng thái trễ của chúng.
Kết quả nghiên cứu
Kiểm định đơn vị
Nghiên cứu sử dụng phương pháp kiểm định nghiệm đơn vị Dickey-Fuller để kiểm tra tính dừng của các biến. Kết quả tại Bảng 1 cho thấy các biến GOV, GL dừng ở sai phân bậc 0, còn các biến GDP, PRI, FDI dừng ở sai phân bậc 1 ở mức ý nghĩa 5%. Theo Pesaran và Shin (1996), Hamuda và cộng sự (2013), các biến không cùng mức liên kết I(1) hoặc I(0) thì áp dụng thủ tục ARDL là thích hợp nhất cho nghiên cứu thực nghiệm. Trong mô hình nghiên cứu, các biến đều dừng sau khi lấy sai phân bậc nhất.
Kiểm định đường bao
Theo Pesaran et al. (2001), kiểm định đường bao ARDL là một thử nghiệm để xác định sự tồn tại hay không tồn tại mối quan hệ đồng liên kết hay mối quan hệ lâu dài giữa các biến hay không. Kiểm nghiệm có hai giả thuyết: - Giả thuyết H0: λ1 = λ2 = λ3 = λ4= λ5= 0 không tồn tại mối quan hệ đồng liên kết giữa các biến, tức là không tồn tại mối quan hệ dài hạn giữa các biến; - Giả thuyết H1: λ1 ≠ 0; λ2 ≠ 0; λ3 ≠ 0; λ4 ≠ 0; λ5≠ 0 tồn tại mối quan hệ đồng liên kết giữa các biến, tức là tồn tại mối quan hệ dài hạn giữa các biến. Kiểm định F được thực hiện cho các hệ số co giãn của các biến ở độ trễ của chúng. Nếu giá trị giới hạn cho thống kê F lớn hơn giá trị của giới hạn trên I (1) ở mức ý nghĩa 5% thì giả thuyết H0 được bác bỏ và các biến được kết luận có tồn tại mối quan hệ đồng liên kết. Nếu thống kê F nằm giữa giới hạn trên I(1) và giới hạn dưới I(0), chúng ta không thể đưa ra kết luận về sự tồn tại của mối quan hệ đồng liên kết. Hiệu chỉnh sai số (Error correction term) sẽ được dùng xác định đồng liên kết (Nguyen, 2018). Nếu thống kê F nhỏ hơn giá trị của giới hạn dưới I (0) ở mức ý nghĩa 5%, giả thuyết H0 sẽ được chấp nhận. Kết quả kiểm định đường bao (Bảng 2) cho thấy thống kê F có giá trị lớn hơn giá trị giới hạn đường bao trên I(0) ở mức ý nghĩa chuẩn 5% và ở cả mức 2,5% tương ứng với 4,01 và 4,49. Vì vậy, có thể kết luận có mối quan hệ đồng liên kết giữa biến phụ thuộc (GDP) và các biến độc lập. (Bảng 1, Bảng 2)
Thảo luận kết quả
Kết quả của mô hình định lượng cho thấy tăng trưởng đầu tư công, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài đều có tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Như vậy, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, việc gia tăng đầu tư công nói chung và đầu tư toàn xã hội nói riêng là hết sức cần thiết. Kết luận này phù hợp với nhiều nghiên cứu trước đây đã thực hiện về chủ đề này. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng đầu tư công có tác động tích cực lên tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, tuy nhiên, mức độ tác động của thành phần vốn đầu tư công lên tăng trưởng kinh tế là kém hơn so với thành phần vốn đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước. Cụ thể, nghiên cứu này cho thấy tăng trưởng vốn đầu tư công tăng 1% làm cho chỉ số tăng trưởng kinh tế tăng khoảng 0,047%, trong khi đó tác động từ khu vực tư nhân là 0,054%. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tác động đầu tư công đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn không có ý nghĩa thống kê. Trong khi đó, tác động của tăng trưởng đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài vẫn được kiểm chứng trong ngắn hạn. Điều này có thể giải thích thông qua sự khác biệt trong lĩnh vực đầu tư. Đầu tư công thường tập trung vào các dự án hạ tầng, vốn, là các dự án được thực hiện lâu và cũng cần thời gian dài để đem lại hiệu quả tăng trưởng. Trong khi đó, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài tập trung vào những dự án có vòng đời ngắn hơn và có thể tạo ra ảnh hưởng tới tăng trưởng nhanh hơn. Trong giai đoạn nghiên cứu 1995-2019 được đánh giá, biến tăng trưởng lao động (GL) lại có tác động ngược chiều tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cả trong ngắn hạn và dài hạn. Điều này là tương đối khác biệt so với kết quả nghiên cứu trước đây. Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng lao động của Việt Nam những năm qua đã giảm do tốc độ gia tăng dân số đã đạt đỉnh và có xu hướng điều chỉnh giảm, tuy nhiên tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì, thậm chí được cải thiện trong những năm gần đây (tính đến năm 2019). Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế hiện nay phụ thuộc ngày càng nhiều vào tăng trưởng vốn đầu tư, sự phát triển khoa học công nghệ và cải thiện năng suất lao động hơn là gia tăng đơn thuần của số lượng lao động. Trong các nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra tác động của tăng trưởng lao động có sự khác biệt đáng kể giữa các địa phương và phụ thuộc vào giai đoạn nghiên cứu, đặc biệt là giai đoạn trước năm 2010 và sau năm 2010. Như vậy, kết quả của mô hình cho thấy đầu tư công có ảnh hưởng đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong dài hạn, trong khi tác động ở mức ngắn hạn là chưa được kiểm chứng. Về cơ bản, kết quả nghiên cứu khá thống nhất với các kết luận của các nghiên cứu trước đây trên phạm vi thế giới. Khi xem xét các nghiên cứu thực nghiệm về tác động của đầu tư công đối với tăng trưởng kinh tế, mặc dù còn có nhiều quan điểm trái chiều nhưng tổng quan các nghiên cứu cho thấy, tại các nước phát triển cũng như đang phát triển, đầu tư công đóng vai trò quan trọng và có những tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế (Khan và Kumar, 1997; Ramirez, 1996; Unnikrishnan và Kattookaran, 2020).
Kết luận và hàm ý chính sách
Kết quả nghiên cứu định lượng ở trên cho thấy, tại Việt Nam, đầu tư công có tác động tích cực lên tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Tuy nhiên, mức độ tác động của thành phần vốn đầu tư công lên tăng trưởng kinh tế kém hơn so với thành phần vốn đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước. Nâng hiệu quả đầu tư công, cải thiện theo hướng tạo ra những tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong cả ngắn và dài hạn là điều không dễ thực hiện do các công trình, dự án đầu tư công phần lớn là các dự án với mục tiêu phục vụ cộng đồng, phục vụ cho các mục tiêu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Việc xác định kết quả và hiệu quả của các dự án là rất khó lượng hóa, đòi hỏi phải có những đổi mới nhất định trong mô hình quản lý đầu tư công. Trong điều kiện nguồn lực của Nhà nước dành cho hoạt động đầu tư công ngày càng hạn chế, nhu cầu đầu tư gia tăng, đây là vấn đề tương đối khó khăn trong điều kiện đầu tư hiện nay. Trước yêu cầu đó, nghiên cứu đề xuất một số khuyến nghị nhằm góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công của Việt Nam trong cả ngắn hạn và dài hạn như sau: trong ngắn hạn, một trong những biện pháp quan trọng giảm thiểu những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 đến nền kinh tế là phát huy vai trò của đầu tư công. Vì vậy, Chính phủ và các bộ, ngành địa phương cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đầu tư cơ sở hạ tầng, kết hợp cắt giảm những công trình đầu tư công chưa cần thiết để có nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, cân đối ngân sách.
Trong đó, việc giải ngân cần tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có sức lan tỏa lớn, tác động nhanh đến phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng, địa bàn động lực tăng trưởng; bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án đang tồn đọng và các dự án mới; không để chậm trễ, tồn đọng hồ sơ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công của các dự án chậm tiến độ sang các dự án khác có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Trong dài hạn, Quốc hội cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, giảm thiểu sự chồng chéo, thiếu đồng bộ giữa các luật liên quan đến đầu tư công. Đồng thời, Quốc hội và Chính phủ cần hoàn thiện việc phân công, phân cấp việc phân bổ NSNN, giảm dần tình trạng phân chia bình quân, tăng tính chủ động cho ngân sách địa phương để thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội.
Để làm cho đầu tư công trở nên ổn định và trở thành nhân tố thúc đẩy, Chính phủ cần có một kế hoạch đầu tư dài hạn mang tính chiến lược để giảm thiểu sự không chắc chắn của đầu tư công. Từ đó, giúp đầu tư công trở thành vốn mồi cho đầu tư của khu vực tư nhân, là khu vực tạo động lực tăng trưởng kinh tế chính của quốc gia.
Tài liệu tham khảo:
1. Phó Thị Kim Chi và cộng sự (2013), Hiệu quả đầu tư công: Nhìn từ tác động của nó đến tăng trưởng kinh tế, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trang 18-19.
2. Tô Trung Thành (2012), Đầu tư công “lấn át” đầu tư tư nhân? Góc nhìn từ mô hình thực nghiệm VECM, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách.
3. Aschauer, D., (1989), “Public Investment and Productivity Growth in The Group of Seven”, Economic Perspectives, (13:5), pp.17-25.
4. Bukhari, S., Ali, L., & Saddaqat, M., (2007), “Public Investment and Economic Growth in the Three Little Dragons: Envidence from Heterogeneous Dynamic Panel Data”, International Journal of Business and Information, Volume 2, number 1, pp.57-59. Cristian et al., (2011), The Estimation of The Public Investment Multiplier In Romania, International Conference On Business And Economics Research, Vol.1.
5. Ellahi, N., & Kiani, A., (2011), Investigating Public Invetsment - Growth Nexus for Parkistan, International Conference on E-business, Management and Economics, pp.239-244.
6. Eruygur, A., (2009), Public Investment and Economic Growth: A VECM Approach, Anadolu International Conference in Economics.
7. Ghali, and Khalifa, H., (1998), “Public Investment and Private Capital Formation in a Vector Error-Correction Model of Growth”, Applied Economics, (30), pp.837-844.
8. Hamuda, A. M. et al., (2013), “Ardl Investment Model of Tunisia”, Theoretical and Applied Economics, (20:2), pp.57-68.
9. Kamps, C. (2005), “The Dynamic Effects of Public Capital: Var Evidence For 22 OECD Countries”, International Tax and Public Finance, (12), pp.533-558.
10. Kandenge, F.T., (2010), Public and Private Investment and Economic Growth in Namibia (1970 - 2005), The Botswana Journal of Economics, The Botswana Economics Association (BEA), (7), pp.2-15.
11. Roache, S.K., (2007), Public Investment and Growth in the Eastern Caribbean, IMF Working paper No.124.
12. Swaby, R., (2007), Public Investment and Growth in Jamaica, Fiscal and Economic Proramme Monitoring Dept, Bank of Jamaica.