Tác động phân cấp tài khóa đến thu nhập ở Việt Nam

ThS. Nguyễn Thanh Hùng

Bài viết nghiên cứu tác động của phân cấp tài khóa đến bất bình đẳng thu nhập của 63 tỉnh/thành của Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2000 - 2014. Trong mối quan hệ giữa phân cấp tài khóa và bất bình đẳng thu nhập, ở giai đoạn đầu thì phân cấp tài khóa làm gia tăng bất bình đẳng thu nhập bình quân đầu người giữa các tỉnh nhưng sự gia tăng này không duy trì liên tục. Đến một mức độ nhất định thì việc tiếp tục gia tăng phân cấp tài khóa sẽ làm giảm bất bình đẳng thu nhập.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Phân cấp tài khóa là quá trình chuyển giao quyền hạn về phạm vi chi tiêu/nguồn thu từ trung ương cho địa phương. Mức độ phân cấp ngân sách phụ thuộc vào khả năng của cấp địa phương khi thực hiện các quyết định thu, chi độc lập trong phạm vi địa lý cho người dân trong địa phương, mà không cần sự can thiệp của chính quyền Trung ương (Martinez-Vazquez và McNab, 1997).

Mục đích của nghiên cứu làm rõ về mối quan hệ giữa phân cấp tài khóa và bất bình đẳng thu nhập, sử dụng dữ liệu bảng của 63 tỉnh/thành trong giai đoạn 2000-2014, với hai phương pháp ước lượng PMG (Pooled Mean Group) và ước lượng GLS khả thi (FGLS).

Trước tiên, chúng tôi nghiên cứu khái niệm bất bình đẳng, bất bình đẳng thu nhập bình quân trên đầu người giữa các tỉnh so với thu nhập trên đầu người của quốc gia thông qua chỉ số PW_CV (Cowell,1995), đánh giá chất lượng dữ liệu phân cấp tài khóa, sử dụng nhiều chỉ tiêu ở các mức độ khác nhau của các biến phân cấp như chi, thu và tự chủ về thuế, được xây dựng bởi Stegarescu (2005) và Gemmell (2013), để đo lường mức độ khác nhau về quyền tự chủ thực sự của chính quyền địa phương trong phân cấp tài khoá của Việt Nam.

Cơ sở lý thuyết và nghiên cứu trước đây

Cơ sở lý thuyết

Phần lớn các lý thuyết về phân cấp tài khóa tập trung vào tác động tiềm năng của nó đối với hiệu quả kinh tế và tăng trưởng kinh tế. Việc phân cấp tài khoá ở các khu vực kém phát triển sẽ đưa ra các điều kiện thu hút đầu tư, làm thị trường lao động linh hoạt hơn, từ đó sẽ giúp các vùng này bắt kịp với những vùng giàu có, không cần tái phân phối bởi chính quyền trung ương (Qian và Weingast, 1997). Ngược lại, Prud’homme (1995) cho rằng chính quyền trung ương phải chịu trách nhiệm về chương trình tái phân phối, phải kiểm soát phần lớn các loại thuế và chi tiêu công.

Giả thuyết Kuznet cho rằng, bất bình đẳng gia tăng cùng với sự gia tăng của mức thu nhập. Và sự gia tăng thu nhập này đạt đến một mức độ nào đó sẽ làm giảm bất bình đẳng. Để đạt mục tiêu nghiên cứu tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng trên cơ sở lý thuyết Kuznets (1955) về mối quan hệ giữa phân cấp tài khóa và bất bình đẳng thu nhập.

Các nghiên cứu trước đây

Có khá nhiều nghiên cứu về mối quan hệ giữa phân cấp tài khóa và bất bình đẳng. Sepulveda và Martinez-Vasquez (2011) cho rằng phân cấp có tác động đến bất bình đẳng, tuy nhiên, các kết quả không đạt đến sự đồng nhất trong các chỉ tiêu đo lường phân cấp tài khóa. Một số các nghiên cứu như (Tselios, 2011; Sepulveda và Martinez-Vasquez, 2011) cho rằng phân cấp làm giảm sự bất bình đẳng thu nhập.

Lessmann (2009) cho rằng mức độ phân cấp càng cao thì sự chênh lệch thu nhập khu vực càng thấp; Kanbur và Zhang (2005) xét bối cảnh Trung Quốc phân cấp chi tiêu tăng làm tăng bất bình đẳng thu nhập vùng. Akai và Sakata (2005) cho rằng phân cấp tài khoá về nguồn thu càng tăng thì làm giảm bất bình đẳng thu nhập trong khu vực, giảm sự phụ thuộc tài chính của chính quyền địa phương và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các vùng nghèo.

Mô hình và phương pháp nghiên cứu

Mô hình nhiên cứu

Mô hình thực nghiệm phân tích nghiên cứu tác động bất bình đẳng thu nhập đến phân cấp tài khóa với dữ liệu của 63 tỉnh/thành phố trên cả nước trong giai đoạn 2000-2014, được thể hiện dưới mô hình dữ liệu bảng có dạng tổng quát như sau:

PW_CVit = βiFDit + δiCit + ξit                            (1)

PW_CVit = βFDit + γFD2it + δCit + ξit                (2)

Trong đó:

- Các chỉ số i đại diện cho các tỉnh/thành phố, t là thời gian.

- FDit là nhóm biến đại diện cho phân cấp tài khóa của tỉnh i ở thời điểm t. Nghiên cứu xem xét mối quan hệ riêng biệt giữa 5 biến phân cấp gồm: ED1, ED2, RD1, RD2 và TD lên bất bình đẳng được đại diện bởi PW_CV (Stegarescu, 2005 và Gemmell, 2013), trong đó:

+ ED1- Đo lường tự chủ về nguồn chi của địa phương

+ ED2 – Đo lường mức độ chi trực tiếp địa phương

+ RD1 – Đo lường tự chủ về nguồn thu địa phương

+ RD2 – Đo lường tự chủ về nguồn thu và từ thuế phân chia theo tỷ lệ

+ TD – Đo lường tỷ lệ phân cấp thu thuế của địa phương

- PW_CV it là biến đại diện cho bất bình đẳng thu nhập bình quân trên đầu người của tỉnh i so với thu nhập bình quân đầu người của cả nước ở thời điểm t (Cowell,1995).

- Cit là tập hợp các biến kiểm soát được đưa vào mô hình dựa trên các lý thuyết tăng trưởng kinh tế như độ mở thương mại (DMTM), chi đầu tư (CDT), chi thường xuyên (CTX), vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

- εit là thành phần sai số của mô hình.

Phương pháp nghiên cứu

Để khách quan về mặt lý luận, chặt chẽ về phương pháp, cần thiết phải kiểm tra đánh giá sơ bộ về dữ liệu, từ đó làm cơ sở để lựa chọn một mô hình ước lượng tối ưu cho nghiên cứu. Quy trình ước lượng mô hình được thực hiện như sau:

Tác động phân cấp tài khóa đến thu nhập ở Việt Nam - Ảnh 1

Nghiên cứu sử dụng phương pháp PMG để ước lượng tác động của phân cấp tài khóa lên bất bình đẳng ở mô hình (1), đồng thời sử dụng ước lượng FGLS để ước lượng dạng đường cong EKC ở mô hình (2).

Dữ liệu và kết quả nghiên cứu

Dữ liệu nghiên cứu được thu thập theo năm trong giai đoạn 2000 - 2014, bao gồm dữ liệu cả nước, Trung ương và 63 tỉnh/thành trực thuộc Trung ương ở Việt Nam. Các số liệu được sử dụng để tính toán các biến trong mô hình như: GDP hiện hành, dân số, chi đầu tư, chi thường xuyên, vốn đầu tư nước ngoài (FDI), kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu, thu-chi ngân sách của cả nước và 63 tỉnh/thành, chỉ số giá tiêu dùng từ nguồn Tổng cục Thống kê; Các khoản thu từ Trung ương và các khoản chuyển về Trung ương của các tỉnh có nguồn từ Bộ Tài chính; Tỷ giá công bố chính thức, GDP của Việt Nam và Chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam có nguồn từ Worldbank và WDI.

Từ số liệu này tác giả mô tả thống kê cơ bản các biến trong mô hình ước lược được thể hiện trong bảng 1.


Tác động phân cấp tài khóa đến thu nhập ở Việt Nam - Ảnh 2

Kết quả ước lượng

Tác động của phân cấp tài khóa đến bất bình đẳng

Bảng 2 trình bày kết quả ước lượng lần lượt tác động của các chỉ tiêu phân cấp tài khóa đến bất bình đẳng thu nhập bình quân đầu người ở các tỉnh theo phương pháp PMG cho thấy: tồn tại mối quan hệ giữa 2 biến, phần lớn các biến giải thích đều có tác động dài hạn đến PW_CV, rất ít các mô hình cho thấy tác động ngắn hạn của các biến này đến PW_CV. Tuy nhiên, có tồn tại các tác động ngắn hạn ứng độ trễ 1 năm của PW_CV, độ mở thương mại và chính bản thân biến phân cấp tài khóa (ít nhất ở mức ý nghĩa thống kê 10%). Và kết quả cho thấy các mô hình tồn tại các thành phần xác định như hằng số và xu thế.

Tác động phân cấp tài khóa đến thu nhập ở Việt Nam - Ảnh 3

Kết quả cho thấy, trong dài hạn tất cả các biến phân cấp tài khoá đều có tác động đến bất bình đẳng ở mức ý nghĩa thống kê 1%. Tuy nhiên, trong ngắn hạn chưa cho thấy tác động này. Cụ thể:

- Biến tự chủ về khoản chi ED1 và biến phân cấp về thuế TD có tác động cùng chiều với bất bình đẳng. Nếu ED1 và TD tăng 1% thì bất bình đẳng thu nhập bình quân trên đầu người giữa các tỉnh lần lượt tăng 1,7% và 2,1%.

- Biến chi trực tiếp ED2 và biến phân cấp nguồn thu RD1, RD2 có tác động ngược chiều. Nếu ED2, RD1, RD2 tăng 1% thì bất bình đẳng thu nhập bình quân trên đầu người giữa các tỉnh giảm lần lượt là 1,7%; 1,3%; 1,3%.

Ước lượng dạng đường cong EKC của phân cấp tài khóa tác động lên bất bình đẳng

Kết quả ước lượng PMG tồn tại các tác động ngắn hạn và dài hạn của phân cấp tài khóa đến bất bình đẳng. Vấn đề đặt ra là liệu tác động của phân cấp tài khóa đến bất bình đẳng có dạng đường cong Kuznet (EKC) hay không?

Vì vậy, nghiên cứu đưa vào các biến phân cấp tài khóa bình phương, sử dụng ước lượng GLS khả thi (FGLS) có xét đến vấn đề phụ thuộc chéo và phương sai thay đổi giữa các tỉnh (Kyriacou and Roca-Sagale, 2012). Kết quả ước lượng được tổng hợp ở bảng 3. 

Tác động phân cấp tài khóa đến thu nhập ở Việt Nam - Ảnh 4

Kết quả cho thấy ở tất cả các mô hình ứng bất bình đẳng theo từng chỉ tiêu Phân cấp tài khóa (ED1, ED2, RD1, RD2, TD ) đều có dạng đường cong Kuznet (các hệ số tương quan của biến FD2 đều âm và có ý nghĩa thống kê).

Điều đó cho thấy, giai đoạn đầu phân cấp tài khóa có thể làm gia tăng bất bình đẳng thu nhập bình quân đầu người giữa các tỉnh nhưng sự gia tăng này không phải được duy trì mà đến một mức phân cấp tài khóa nhất định thì việc gia tăng phân cấp tài khóa sẽ làm giảm bất bình đẳng. Cụ thể, khi các giá trị của ED1, ED2, RD1, RD2 và TD lần lượt đạt ngưỡng là 17,45%; 20,37%; 11,44%; 11,12% và 16,08% thì bất bình đẳng có xu hướng giảm. Điều này phù hợp với giả thuyết của Kuznet (1955).

Kết luận và hàm ý chính sách

Từ việc ước lượng mô hình, nghiên cứu đưa ra kết luận như sau: Có những khía cạnh khác nhau trong phân cấp tài khoá, và có tác động khác nhau đến bất bình đẳng thu nhập giữa các tỉnh nhưng theo xu hướng tốt. Ngoài ra, ở giai đoạn đầu, phân cấp tài khoá làm tăng bất bình đẳng thu nhập giữa các tỉnh, sự gia tăng này không duy trì liên tục, đến một mức độ nhất định thì việc tiếp tục gia tăng phân cấp tài khóa sẽ làm giảm bất bình đẳng thu nhập.

Qua kết quả nghiên cứu và tình hình thực tiễn về phân cấp tài khoá ở Việt Nam hiện nay, để giảm khoảng cách thu nhập bình quân trên đầu người của các tỉnh so với thu nhập bình quân trên đầu người của quốc gia, cần quan tâm đến vấn đề như sau:

Thứ nhất, xây dựng hệ thống quản trị ngân sách địa phương hiệu quả, phân bổ ngân sách để tài trợ cho các hoạt động phát triển địa phương nên xem xét quy mô, ưu tiên cho những hoạt động thực sự có ý nghĩa về sự tinh tế và hướng đến một xã hội giàu có.

Thứ hai, nâng cao quyền tự chủ về nguồn thu, phân cấp quản lý chi tiêu nên đi cùng với phân cấp về nguồn thu, bởi vì các khoản chi của chính quyền địa phương phải dựa vào sự tự chủ nguồn thu của chính địa phương.       

Tài liệu tham khảo:

1. Gemmell, N (2013). Fiscal decentralization and economic growth: spending versus revenue decentralization. Economic Inquiry Vol.51, No.4,1915-1931;

2. Kuznets, S (1955), Economic growth and income inequality.The American Economic Review., Vol.XLV, 1955;

3. Stegarescu, D. (2005). Public sector decentralisation: Measurement concepts and recent international trends. Fiscal Studies 26(3), 301-333.