Tác động từ vốn đầu tư đến dịch chuyển cơ cấu kinh tế ngành của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung được quy hoạch là một trong ba vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam. Những năm qua, mặc dù đã có nhiều kế hoạch đầu tư phát triển cho vùng kinh tế này, tuy nhiên trên thực tế chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Bài viết này phân tích thực trạng dịch chuyển cơ cấu kinh tế của vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, tác động của vốn đầu tư đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Vùng, qua đó đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả dịch chuyển cơ cấu kinh tế của Vùng trong thời gian tới.
Đặt vấn đề
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT) bao gồm 05 tỉnh và thành phố: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Xét về vị trí, vai trò theo quyết định này thì Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh đối với cả khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.
Chính phủ đã đặt ra nhiệm vụ cho vùng KTTĐMT là phải phát triển khu vực này trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh, tạo thế tiến ra biển nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; Tập trung phát triển đa dạng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, nghề cá, dầu khí, vận tải... Tương ứng với các nhiệm vụ này, Chính phủ đã đưa ra định hướng thay đổi cơ cấu kinh tế của vùng KTTĐMT theo hướng hiện đại, cụ thể, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng từ 44,5% năm 2015 lên 45% năm 2020; tăng tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ từ 40,5% năm 2015 lên 43% năm 2020; giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp từ 15% năm 2015 xuống 12% năm 2020.
Để thực hiện nhiệm vụ đó, Chính phủ đã ưu tiên các dự án đầu tư vào vùng KTTĐMT, đồng thời chính quyền ở các tỉnh, thành phố trong Vùng cũng có những kế hoạch và chính sách thu hút đầu tư nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo mục tiêu đã định. Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện (2016 – 2020), chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Vùng chưa đạt như kỳ vọng. Điều này đặt ra vấn đề cấp thiết là cần phân tích kết quả thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng KTTĐMT, nhận diện những hạn chế và nguyên nhân, qua đó nhóm tác giả đề xuất các giải pháp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng KTTĐMT, góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
Cơ sở lý thuyết
Đầu tư và tác động của đầu tư đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Đầu tư được hiểu là việc bỏ vốn vào các hoạt động kinh tế - xã hội để mong nhận được những lợi ích kinh tế - xã hội lớn hơn trong tương lai (Từ Quang Phương, 2012). Đầu tư phát triển là một bộ phận cơ bản của đầu tư, là việc chi dùng vốn trong hiện tại để tiến hành các hoạt động, nhằm tăng thêm hoặc tạo những tài sản vật chất (nhà xưởng, thiết bị…) và tài sản trí tuệ (tri thức, kỹ năng…), gia tăng năng lực sản xuất, tạo thêm việc làm và vì mục tiêu phát triển.
Đầu tư phát triển đòi hỏi rất lớn nhiều loại nguồn lực. Theo nghĩa hẹp nguồn lực sử dụng cho đầu tư phát triển là tiền vốn. Theo nghĩa rộng, nguồn lực cho đầu tư bao gồm cả tiền vốn, đất đai, lao động, máy móc thiết bị, tài nguyên. Như vậy, khi đánh giá tác động của đầu tư đến dịch chuyển cơ cấu kinh tế thì có thể xem xét tác động của vốn đầu tư, đất đai, lao động, máy móc thiết bị, tài nguyên đến sự chuyển dịch của cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, trong bài nghiên cứu này, nhóm tác giả chỉ nghiên cứu tác động của vốn đầu tư đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Đầu tư có tác động quan trọng đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đầu tư góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp quy luật và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia trong từng thời kỳ, tạo ra sự cân đối mới trên phạm vi nền kinh tế quốc dân và giữa các ngành, các vùng, phát huy nội lực của nền kinh tế, trong khi vẫn coi trọng yếu tố ngoại lực. Đối với cơ cấu ngành, vốn đầu tư vào ngành nào, quy mô vốn đầu tư nhiều hay ít, việc sử dụng vốn hiệu quả cao hay thấp… đều ảnh hưởng đến tốc độ phát triển, đến khả năng tăng cường cơ sở vật chất của từng ngành, tạo tiền đề vật chất để phát triển các ngành mới… do dó, làm dịch chuyển cơ cấu kinh tế ngành (Nguyễn Bạch Nguyệt, Từ Quang Phương, 2010).
Có thể sử dụng chỉ tiêu dưới đây để đánh giá vai trò của đầu tư tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế:
Hệ số co giãn giữa việc thay đổi cơ cấu đầu tư với cơ cấu kinh tế ngành (h) = (% thay đổi tỷ trọng đầu tư của ngành/tổng vốn đầu tư xã hội kỳ nghiên cứu so với kỳ trước) / (% thay đổi tỷ trọng GRDP của ngành trong tổng GRDP giữa kỳ nghiên cứu so với kỳ trước)
Trong đó: GRDP (Gross regional domestic product): Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Cơ cấu kinh tế là cơ cấu tổng thể các yếu tố cấu thành nền kinh tế, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, được biểu hiện cả về mặt chất và mặt lượng, tùy thuộc vào mục tiêu của nền kinh tế (Nguyễn Bạch Nguyệt, Từ Quang Phương, 2010).
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế được hiểu là sự thay đổi tỷ trọng của các bộ phận cấu thành nền kinh tế. Sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế xảy ra khi có sự phát triển không đồng đều về quy mô, tốc độ giữa các ngành, vùng. Những cơ cấu kinh tế chủ yếu của nền kinh tế quốc dân bao gồm: cơ cấu kinh tế ngành, vùng lãnh thổ, theo thành phần kinh tế.
Để đánh giá mức độ cơ cấu kinh tế ngành giữa 2 thời kỳ, có thể sử dụng công thức sau:
Tỷ trọng của ngành nông nghiệp là: βNN(t)= GDPNN(t)/GDP(t)
Tỷ trọng của ngành công nghiệp, xây dựng là: βCN(t) = GDPCN(t)/GDP(t)
Tỷ trọng của ngành thương mại, dịch vụ là: βDV (t)= GDPDV(t)/GDP(t)
Tỷ trọng của ngành phi nông nghiệp là: βphiNN (t)=βCN(t) + βDV(t)
Tỷ trọng của ngành sản xuất vật chất là: βSXVC (t)=βNN(t) + βCN(t)
Thì hệ số chuyển dịch k của hai ngành nông nghiệp và phi nông nghiệp là:
Gốc α này bằng 00 khi không có sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế và bằng 900 khi sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế là lớn nhất.
Thì hệ số chuyển dịch k của hai ngành dịch vụ và sản xuất vất chất là:
Khi hệ số k bằng 1 thì sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế là lớn nhất. Ngược lại, hệ số k sẽ bằng 0 khi không có sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế, khi hệ số k càng nhỏ thì sự chuyển cơ cấu kinh tế càng không đáng kể.
Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện nội dung nghiên cứu này, tác giả chủ yếu sử dụng dữ liệu thứ cấp (giá so sánh) để phân tích dựa trên cơ sở lý thuyết đã trình bày ở trên, kết hợp với các phương pháp thống kê, tổng hợp và so sánh. Để đưa ra các kết luận, các nhận định, tác giả căn cứ vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; các báo cáo, tài liệu thống kê của các bộ, ban, ngành Trung ương; Niên giám thống kê của các tỉnh và báo cáo của UBND tỉnh, thành phố trong Vùng KTTĐMT…
Kết quả nghiên cứu và thảo luận
Kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Để thực hiện mục tiêu đã đề ra theo Quyết định số 1874/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng KTTĐMT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, các tỉnh, thành phố thuộc vùng KTTĐMT đã tập trung đầu tư nhằm thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo mục tiêu đã định.
Theo đó, mục tiêu đặt ra như sau: Cơ cấu kinh tế của vùng KTTĐMT chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng trong cơ cấu GRDP lên 44,5% trong năm 2015 và 45% năm 2020; tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng lên 40,5% trong năm 2015 và 43% năm 2020; tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu GRDP giảm xuống 15% vào năm 2015 và 12% năm 2020. Cơ cấu kinh tế này không tính đến giá trị của thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, trên thực tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các tỉnh, thành phố Vùng KTTĐMT chưa đạt được kết quả đã đặt ra. Hình 1 thể hiện kết quả đạt được về chuyển dịch cơ cấu kinh tế so với mục tiêu đã đặt ra.
Kết quả trên cho thấy, đến năm 2020 cơ cấu kinh tế của vùng KTTĐMT vẫn chưa đạt được mục tiêu đã đặt ra, chỉ có mục tiêu tăng tỷ trọng của ngành thương mại, dịch vụ là vượt chỉ tiêu đặt ra. Trong đó, tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng trong GRDP của 5 tỉnh, thành phố chỉ đạt 35,36% (trong khi đó mục tiêu đặt ra là 45% năm 2020). Trong giai đoạn 5 năm 2016 – 2020, tỷ trọng ngành nông nghiệp trong GRDP của vùng giảm không đáng kể, từ 16,43% năm 2016 giảm xuống 16,25% năm 2020.
Bảng hệ số k (hệ số dịch chuyển cơ cấu kinh tế) cho thấy, sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế của các ngành là rất thấp, hệ số k của các ngành ở các tỉnh, thành phố trong Vùng đều nhỏ hơn 1/2 cho thấy sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế là không đáng kể. Với kết quả trên, cần phân tích nguyên nhân chủ yếu nhằm đưa ra các giải pháp hiệu quả hơn nữa để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế ngành của vùng KTTĐMT theo hướng hiện đại như đã định.
Tác động của đầu tư đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Để thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng KTTĐMT của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, ngoài các chính sách hỗ trợ của Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố thuộc vùng KTTĐMT đã chú trọng đầu tư có trọng điểm để thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo mục tiêu đã định, tuy nhiên, trên thực tế, việc đầu tư này cũng còn chưa thật sự chú trọng đầu tư vào các lĩnh vực cần vốn cho sự phát triển để có thể thay đổi tỷ trọng của nó trong GRDP. Cụ thể, số liệu vốn đầu tư ở 5 tỉnh, thành phố của Vùng thể hiện ở bảng bên dưới.
Đối với tỉnh Thừa Thiên – Huế, ngành công nghiệp, xây dựng vẫn còn chiếm tỷ trọng khá thấp: năm 2016 chỉ 31,8%, năm 2020 tăng lên 35,87%, còn cách xa so với mục tiêu chung của của Vùng là 45%. Hệ số co giãn (h) giữa vốn đầu tư và GRDP của ngành 197,8% là khá cao, như vậy nếu Tỉnh chú trọng đầu tư hơn nữa cho ngành này thì dễ dàng đạt được chuyển dịch cơ cấu theo mục tiêu đã định.
Đối với TP. Đà Nẵng, tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng rất thấp, tuy nhiên số liệu vốn đầu tư ở bảng 2 cho thấy: Vốn đầu tư của Thành phố qua 5 năm (2016-2020) có xu hướng giảm, trong khi hệ số co giãn (h) trong ngành công nghiệp, xây dựng của Thành phố khá lớn so với các tỉnh, thành phố còn lại. Điều đó có nghĩa là chỉ cần thành phố Đà Nẵng tăng 1% vốn đầu tư thì GRDP của ngành công nghiệp và xây dựng thành phố sẽ tăng 449,4%.
Đối với tỉnh Quảng Nam, cơ cấu ngành nông nghiệp chưa dịch chuyển theo hướng giảm mà lại tăng, từ 15,91% năm 2016 lên 16,09% năm 2020. Ngành thương, mại dịch vụ cũng có xu hướng giảm trong cơ cấu kinh tế, từ 41,74% năm 2016 xuống còn 40,73% năm 2020. Trong khi đó, hệ số co giãn (h) trong ngành thương mại, dịch vụ của Tỉnh là khá lớn, việc thay đổi tăng hay giảm vốn đầu tư là tác động khá lớn đến dịch chuyển cơ cấu kinh tế của ngành. Do đó, tỉnh Quảng Nam cần đầu tư nhiều hơn nữa cho ngành thương mại, dịch vụ để hướng đến cơ cấu kinh tế chung của Vùng.
Đối với tỉnh Quảng Ngãi, tỷ trọng ngành nông nghiệp còn quá cao so với cơ cấu kinh tế chung của vùng, còn ngành thương mại, dịch vụ thì chiếm tỷ trọng trong GRDP là thấp nhất so với các tỉnh, thành phố khác trong vùng KTTĐMT. Vốn đầu tư vào ngành thương mại, dịch vụ của tỉnh gần như rất ít tăng, bình quân giai đoạn 2016 – 2020 chỉ tăng 3,2%, năm 2020 vốn đầu tư còn giảm so với năm 2016 (Bảng 2).
Đối với tỉnh Bình Định, tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng trong GRDP là thấp nhất trong khu vực chỉ 26,1% vào năm 2016, đến năm 2020 thì tỷ trọng này có cải thiện. Hệ số co giãn (h) của Tỉnh trong ngành công nghiệp xây dựng là 28,6%, có nghĩa là khi tỉnh Bình Định tăng thêm 1% vốn đầu tư thì GRDP trong ngành tăng 28,7%. Vậy việc đầu tư vốn vào ngành công nghiệp, xây dựng sẽ rất khó khăn để tăng tỷ trọng của ngành trong GRDP của Tỉnh.
Đánh giá kết quả đầu tư và dịch chuyển cơ cấu kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Một số tỉnh, thành phố trong Vùng KTTĐMT đã chú trọng đầu tư vốn vào ngành cần chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ, vì vậy kết quả là ngành thương mại, dịch vụ đã tăng tỷ trọng, và vượt xa mục tiêu theo Quyết định số 1874/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng KTTĐMT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện theo Quyết định số 1874/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cơ cấu ngành kinh tế của Vùng KTTĐMT vẫn còn nhiều hạn chế như sau:
Một là, tỷ trọng ngành nông nghiệp của Vùng không giảm theo mục tiêu, qua 5 năm có giảm nhưng không đáng kể. Ngành công nghiệp, xây dựng đã không đạt được mục tiêu là: không tăng tỷ trọng trong GRDP của vùng, mà còn giảm đáng kể, tỷ trọng này quá thấp so với mục tiêu đã đặt ra (Hình 1). Nguyên nhân là một số tỉnh trong Vùng có ngành nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong GRDP của tỉnh, trong khi đó ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ không được chú trọng đầu tư thỏa đáng.
Hai là, cơ cấu ngành kinh tế của từng tỉnh, thành phố Vùng KTTĐMT là không đồng đều, một số tỉnh, thành phố có sự chêch lệch quá lớn về tỷ trọng các ngành trong GRDP so với cơ cấu trung bình của Vùng. Nguyên nhân thứ nhất là: xuất phát điểm về phát triển kinh tế của các tỉnh, thành phố là khác nhau và rất chênh lệch; nguyên nhân tiếp theo là chưa có sự liên kết phát triển kinh tế vùng một cách chặt chẽ để thực hiện các mục tiêu đã đặt ra.
Cuối cùng, vốn đầu tư tiếp tục tăng vào ngành thương mại, dịch vụ trong khi ngành này chiếm tỷ trọng trong GRDP là khá lớn và đã vượt xa mục tiên đặt ra làm cho tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ của vùng tăng đáng kể sau 5 năm thực hiện. Nguyên nhân khách quan là Vùng KTTĐMT có tài nguyên thiên nhiên về du lịch khá hấp dẫn, dẫn đến đầu tư vào khai thác du lịch ngày càng nhiều. Nguyên nhân chủ quan là chính quyền ở các tỉnh, thành phố trong Vùng chưa chú trọng thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp, xây dựng và cũng chưa chú trọng vào phát triển khoa học công nghệ và xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho Vùng.
Kết luận và hàm ý chính sách
Sau 05 năm thực hiện Quyết định số 1874/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vùng KTTĐMT đã đạt được một số kết quả nhất định trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, qua phân tích trên thì vẫn còn nhiều hạn chế cần phải giải quyết để đạt được cấu kinh tế theo mục tiêu đã đặt ra. Vì vậy, trong thời gian tới để thực hiện được định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Vùng đến năm 2030, Vùng KTTĐMT cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, cần có sự liên kết vùng mạnh mẽ hơn nữa từ kế hoạch đầu tư đến chính sách phát triển kinh tế của Vùng, để từ đó đề xuất các dự án đầu tư xuyên suốt nhằm phát triển đồng đều về kinh tế giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng, rút ngắn khoảng cách phát triển về kinh tế và sự chênh lệch về cơ cấu kinh tế.
Thứ hai, cần đầu tư vào nghiên cứu khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là thu hút các dự án đầu tư chế biến, sản xuất nông lâm, thủy hải sản xuất khẩu, tức là chế biến các sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh của Vùng, để tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến dựa trên lợi thế nông nghiệp sẵn có của Vùng.
Thứ ba, các tỉnh, thành phố trong Vùng cần chú trọng hơn nữa đầu tư từ NSNN cho xây dựng hạ tầng của Vùng KTTĐMT, đặc biệt là vốn từ ngân sách trung ương trong điều kiện một số tỉnh của vùng này còn hạn chế về ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương của các tỉnh, thành phố của Vùng cũng cần chú trọng chính sách thu hút đầu tư trong nước và cả nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp và công nghệ cao, đặc biệt là các dự án lớn nhằm tạo đà phát triển cho lĩnh vực công nghiệp của Vùng.
Thứ tư, các tỉnh, thành phố thuộc. Vùng KTTĐMT cần bàn thảo, đánh giá việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế vùng theo theo Quyết định số 1874/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ đã đề ra, từ đó có biện pháp cụ thể hơn cho kế hoạch vốn đầu tư trung hạn chung của Vùng. Theo đó, từng tỉnh, thành phố có kế hoạch đầu tư vốn riêng từ NSNN cho địa phương của mình. Có như vậy thì mục tiêu chung của Vùng về chuyển dịch cơ cấu kinh tế mới đạt được và không xa rời thực tế.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cần có đánh giá việc thực hiện các Quyết định về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các vùng Kinh tế trọng điểm để có kế hoạch ưu tiên bố trí vốn cho đầu tư chuyển đổi cơ cấu kinh tế, góp phần thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các vùng kinh tế trọng điểm mà Chính phủ đã đặt ra.
Tài liệu tham khảo:
- Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1874/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
- Phan Thị Cẩm Giang (2017), Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của một số quốc gia, kinh nghiệm cho Việt Nam, Quản lý Nhà nước 2017, số 259 tr.103-105.
- Nguyễn Bạch Nguyệt, Từ Quang Phương (2010), Giáo trình Kinh tế đầu tư, NXB Đại học Kinh tế Quốc Dân;
- Từ Quang Phương (2012), Kinh tế đầu tư, NXB Đại học Kinh tế Quốc Dân.
* Phạm Ngọc Ánh, Trịnh Thị Thúy Hồng - Trường Đại học Quy Nhơn.
** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 4/2022.