Tái cấu trúc nền kinh tế phải được thể chế hóa bằng luật

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Trách nhiệm lớn của Quốc hội hiện nay là xem xét thông qua các luật để khai thông thị trường như: Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, Luật Ngân sách nhà nước, Luật tổ chức chính quyền địa phương... Chúng ta phải giải quyết được hệ thống pháp luật thì quá trình tái cấu trúc nền kinh tế mới thúc đẩy được. Đó là chia sẻ của Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh Trần Du Lịch.

Phóng viên: Thưa ông, có ý kiến cho rằng việc thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế là đúng trọng tâm nhưng chưa làm tới lực. Ông có thể làm rõ hơn về vấn đề này?
 
Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh Trần Du Lịch: Trước hết, về chủ trương tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế là một chủ trương tương đối dài hạn, mà chúng ta thực hiện từ 2011 trở đi. Riêng trong 5 năm từ 2011 - 2015, chúng ta tập trung vào ba lĩnh vực mà tôi gọi là khó nhất đó là đầu tư công, hệ thống ngân hàng thương mại và DNNN.

Nếu chúng ta thực hiện thành công ba lĩnh vực này thì nó sẽ tác động rất lớn đến tổng thể tái cấu trúc chung. Tại sao tội gọi là ba lĩnh vực khó nhất, bởi vì đơn giản đó là ba lĩnh vực gắn với lợi ích ngành, địa phương, lợi ích từng doanh nghiệp, từng bộ, thậm chí là cá nhân. Đột phá vào nhóm này thành công thì chúng ta hoàn toàn có thể đột phá những nhóm khác được. 

Hiện nay, tôi đánh giá bước đầu chúng ta đã làm được. Tuy nhiên,  đây là bước đầu và chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa, phải thể chế hóa bằng luật để giữ lại kết quả, nếu chúng ta dừng lại thì sẽ không thành công. Và mục tiêu lớn là phải có tác động đến tổng thể của nền kinh tế. 
 
Cụ thể như đối với đầu tư công phải đặt mục tiêu gì? Đó là mục tiêu nhà nước sử dụng công cụ đầu tư của mình để thúc đẩy tái cấu trúc chung của nền kinh tế. Mà qua giám sát vừa rồi tôi thấy rằng chưa có tác động đó. 
 
Hay vấn đề tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thì mục tiêu cuối cùng là lành mạnh hóa hoạt động của hệ thống ngân hàng và hệ thống ngân hàng đóng vai trò là chủ lực trong thị trường vốn, trong việc thúc đẩy cho đầu tư vào toàn xã hội. 
 
Đối với vấn đề tái cấu trúc DNNN, mục tiêu cuối cùng là gì? Là sử dụng nguồn lực của Nhà nước để thực hiện chức năng đầu tư, để dẫn dắt nền kinh tế. Những vấn đề đó, tôi cho rằng chưa đạt được và tôi kỳ vọng trong thời gian tới chúng ta phải làm được cái đó. 
 
Việc chúng ta phải thể chế hóa thành luật các lĩnh vực ưu tiên tái cấu trúc là điểm then chốt thực hiện tái cấu trúc thành công, thưa Ông?

Tôi cho rằng, trách nhiệm lớn nhất của Quốc hội Khóa XIII hiện nay là các Luật đưa ra, trong đó một số vấn đề về quan điểm hiện đang vướng cần phải giải quyết để khai thông thị trường như: Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tưu vào doanh nghiệp, Luật Ngân sách nhà nước, Luật tổ chức chính quyền địa phương liên quan đến đầu tư công và một số các Luật khác. Tôi cho rằng, phải giải quyết được một hệ thống pháp luật như vậy thì quá trình tái cấu trúc nền kinh tế mới thúc đẩy được.
  
Từ giai đoạn 2016 trở đi, quá trình tái cấu trúc nền kinh tế cũng sẽ đi tới hai lĩnh vực hiện nay chúng ta mới chớm vào thôi mà chưa làm được gì. Đó là chuyển được nền kinh tế công nghiệp, từ gia công sang sản suất và phát triển công nghiệp hỗ trợ. 
 
Tôi tin rằng, nếu đẩy mạnh được ba lĩnh vực về tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu DNNN và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, thể chế hóa nó bằng luật pháp, thì chúng ta mới tiếp tục đẩy mạnh việc tái cấu trúc nền kinh tế được. Chỉ có luật pháp mà nhất là các đạo luật của Quốc hội thì việc tái cơ cấu nền kinh tế mới đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân.