Đồng loạt kích cầu trên cả nước

Theo Minh Chiến/nld.com.vn

"Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020" sẽ diễn ra từ ngày 1 đến hết 31/7, cho phép doanh nghiệp đưa ra mức khuyến mại với khách hàng lên tới 100% giá sản phẩm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nhằm kích cầu thị trường tiêu dùng trong nước, khôi phục lại nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, "Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020 - Vietnam Grand Sale 2020" sẽ diễn ra từ ngày 1 đến hết 31/7, cho phép doanh nghiệp (DN) đưa ra mức khuyến mại với khách hàng lên tới 100% giá sản phẩm thay vì tối đa chỉ 50% như trước đây. Đây là một trong những chương trình do Bộ Công Thương phát động trên phạm vi toàn quốc.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là xuất nhập khẩu hàng hóa thì thị trường nội địa vẫn được xem là chìa khóa quan trọng để DN mở ra những cánh cửa mới, tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 đạt 384.800 tỷ đồng, tăng 26,9% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng, doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng ước tính đạt 1.543.400 tỷ đồng.

Chính vì vậy, các hoạt động kích cầu nội địa như "Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020" là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho biết "Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020" được tổ chức đồng thời trên phạm vi toàn quốc kết hợp các hoạt động thương mại truyền thống và thương mại điện tử sẽ giúp tạo hiệu ứng lan tỏa và thu hút sự tham gia của các DN sản xuất, kinh doanh trong mọi lĩnh vực.

Để hỗ trợ các DN tham gia chương trình, Cục Xúc tiến thương mại cho biết đang đề xuất với cơ quan có thẩm quyền về các chính sách như giảm một phần thuế GTGT, thuế thu nhập DN trong tháng 7 để có thể bù được phần nào những quyền lợi mà họ đã dành để chuyển sang người tiêu dùng. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, sở công thương các địa phương thực hiện nhiều hoạt động và hỗ trợ thương nhân thực hiện hoạt động khuyến mại.

Tại Hà Nội, đại diện Sở Công Thương cho hay trước khi Bộ Công Thương phát động, thành phố cũng đã triển khai chương trình khuyến mại tập trung với sự tham gia của hơn 600 DN. Với chương trình "Tháng khuyến mại tập trung quốc gia", Sở Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục kêu gọi, hỗ trợ để thu hút được khoảng 800 DN tham gia với trên 1.000 chương trình khuyến mại.

Người tiêu dùng mua hàng khuyến mại tại một siêu thị ở Hà Nội
Người tiêu dùng mua hàng khuyến mại tại một siêu thị ở Hà Nội

Trong chương trình lần này, Bộ Công Thương đã có nhiều quy định cởi mở hơn cho DN tham gia. Cụ thể, ông Vũ Bá Phú cho biết các DN tham gia được cung cấp mức khuyến mại cho khách hàng lên tới 100% thay vì tối đa chỉ là 50% theo quy định hiện hành. Đặc biệt, DN muốn thực hiện chương trình khuyến mại chỉ cần thông báo trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, mất chừng 5 phút, không phải đăng ký, rất tiết kiệm thời gian, chi phí.

"Các thương nhân sẽ thực hiện nhiều hoạt động khuyến mại đa dạng, hấp dẫn để người tiêu dùng mua sắm được những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ bảo đảm chất lượng, giá cả phù hợp, đồng thời kết hợp với việc tổ chức hội chợ, trưng bày, giới thiệu sản phẩm và các lễ hội truyền thống tại địa phương để thu hút, kích cầu và phục hồi phát triển du lịch" - Cục trưởng Vũ Bá Phú chia sẻ.

Đại diện Tập đoàn Vingroup cho biết đơn vị đã kêu gọi hơn 1.000 nhãn hàng bán lẻ đưa chương trình khuyến mại vào các trung tâm thương mại Vincom. Thực tế, những nhà bán lẻ này rất tích cực hưởng ứng chương trình với mong muốn mang đến các sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý cho người tiêu dùng. Đại diện tập đoàn này cũng nhấn mạnh "Tháng khuyến mại tập trung quốc gia" còn là cầu nối để đưa các sản phẩm truyền thống mang thương hiệu Việt đến gần hơn với khách hàng.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cho biết thêm với vai trò là cơ quan đầu mối, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều hoạt động kết nối trực tiếp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, kích cầu tiêu dùng giữa đơn vị sản xuất với nhà phân phối và người tiêu dùng; giữa các đơn vị sản xuất với nhau. Đồng thời xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm, đặc sản vùng miền, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại một số địa phương.