Nhiều người tiêu dùng vẫn coi nhẹ mức độ ô nhiễm trong thịt lợn, gà

Theo Vũ Long/laodong.vn

Sự ô nhiễm trong thịt lợn và thịt gia cầm có thể tạo ra một số mầm bệnh như salmonella, E. coli, giun xoắn, gạo lợn... nhưng nhiều người vẫn coi nhẹ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mức độ ô nhiễm trong nguồn thịt bán lẻ tại chợ rất cao

Theo TS. Đặng Xuân Sinh - chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI), thịt lợn chiếm phần lớn trong bữa ăn Việt Nam, chăn nuôi lợn là sinh kế sinh nhai của hơn 70% các hộ chăn nuôi vừa và nhỏ. Tuy nhiên, thịt lợn có nguy cơ mang một số mầm bệnh như salmonella, E. coli, giun xoắn, gạo lợn mà nhiều người tiêu dùng không biết.

Trong đó, vi khuẩn salmonella là một trong 4 vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm/tiêu chảy hàng đầu ở các nước phát triển và trên toàn cầu. Vi khuẩn này thường gây nhiễm chéo giữa các thực phẩm sống chín trong quá trình giết mổ, chế biến thịt lợn tại hộ gia đình.

Trình bày một kết quả nghiên cứu khảo sát nguy cơ lây nhiễm vi sinh vật trên sản phẩm thịt, TS Đặng Xuân Sinh cho hay: Lấy những mẫu thịt gia cầm tại các trang trại, các cơ sở giết mổ và các quầy bán thịt tại các chợ truyền thống để xét nghiệm các chỉ tiêu vi sinh vật, kết quả cho thấy mức độ ô nhiễm khá nghiêm trọng.

"Trong số các vi sinh vật thường lây nhiễm trên thịt, vi khuẩn salmonella là một trong 4 vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm, gây tiêu chảy hàng đầu ở các nước phát triển và trên toàn cầu” – TS Đặng Xuân Sinh nhấn mạnh.

Đánh giá chuỗi giá trị chăn nuôi lợn cho thấy mức độ ô nhiễm vi sinh vật (salmonella) ở mức cao 44 - 58%. Nguy cơ đối với sức khỏe người tiêu dùng liên quan tới ngộ độc thực phẩm từ thịt lợn liên quan đến lây nhiễm chéo giữa các thực phẩm sống chín, chế biến tại hộ gia đình.

Tuy nhiên, theo TS. Phạm Đức Phúc - Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Y tế Công cộng và Hệ sinh thái (CENPHER) - Trường đại học Y tế Công cộng, khảo sát về mức độ hiểu biết của người tiêu dùng tại Việt Nam về vấn đề an toàn thực phẩm đối với thịt lợn, kết quả khảo sát của cho thấy, có tới 92% số người tiêu dùng được hỏi cho rằng thịt lợn không an toàn có thể phát hiện qua quan sát bằng mắt thường; 78% số người được hỏi cho rằng hóa chất trong thực phẩm (thịt lợn) là nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư; 41% số người được hỏi cho rằng nếu thịt lợn được nấu kỹ thì sẽ an toàn...

Cần tập huấn để các tiểu thương tại chợ thực hiện nguyên tắc kinh doanh thực phẩm an toàn.
Cần tập huấn để các tiểu thương tại chợ thực hiện nguyên tắc kinh doanh thực phẩm an toàn.

Về an toàn thực phẩm đối với thịt lợn, 37% số người được hỏi cho rằng: Trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm là của Chính phủ. Có 28% số người cho rằng: Các bệnh do thực phẩm gây ra thường không nghiêm trọng.

Làm gì để ngăn chặn mức độ ô nhiễm sinh vật trên thực phẩm?

Ngày 7/6/2022 là Ngày An toàn thực phẩm thế giới hàng năm, nhằm hưởng ứng sự kiện này, Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) phối hợp với Trường đại học Y tế Công cộng (HUPH), Hội Nhà báo Việt Nam và Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) tổ chức tọa đàm “Chuyển tải thông điệp an toàn thực phẩm tới công chúng thông qua tăng cường hợp tác giữa nghiên cứu và báo chí –trường hợp thực phẩm có nguồn gốc động vật”.

Phát biểu tại hội nghị, TS. Đặng Xuân Sinh nhấn mạnh: Để ngăn chặn được nguy cơ mang mầm bệnh từ vi khuẩn salmonella, các can thiệp đơn giản ở lò mổ và chợ truyền thống có thể giúp giảm thiểu mức độ ô nhiễm vi sinh vật trên thịt lợn. Hoạt động này cần có sự hỗ trợ, tương tác quản lý giám sát của chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý, cũng như gắn với truyền thông tốt về an toàn thực phẩm.

“Một số giải pháp can thiệp đơn giản cải thiện an toàn thực phẩm chuỗi thịt lợn truyền thống bao gồm: Tập huấn cho người bán lẻ thịt lợn sử dụng mặt bàn dễ lau, vệ sinh, dùng riêng thớt, rửa và sát trùng thường xuyên, phân tách thịt sống với nội tạng và đồ chín. Bên cạnh đó, cần tập huấn người giết mổ sử dụng tấm sàn giết mổ, nguồn nước rửa và sát trùng thường xuyên; phân tách khu sạch/bẩn, đi lại trong quá trình giết mổ” – TS. Đặng Xuân Sinh đề nghị.