Thị trường hoa kiểng Tết phía Nam: Giá tăng, lượng giảm

Theo Mai Ca/congthuong.vn

Còn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thời điểm này các vựa trồng hoa lớn ở phía Nam như Đồng bằng sông Cửu Long, Lâm Đồng và TP. Hồ Chí Minh đang “chạy nước rút” để kịp đưa ra thị trường phục vụ người tiêu dùng.

Nông dân trồng mai tại TP. Hồ Chí Minh cắt tỉa và chăm bón hoa Tết
Nông dân trồng mai tại TP. Hồ Chí Minh cắt tỉa và chăm bón hoa Tết

Giá tăng, sản lượng giảm

Tại “thủ phủ hoa” vùng Tây Nam bộ, thời điểm này các nhà vườn đang tất bật chăm bón, cắt tỉa hoa kiểng Tết. Tuy vậy, năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh nên các nhà vườn đã giảm hơn nửa sản lượng hoa kiểng so với vụ Tết năm 2021. Các loại hoa được nhà vườn trồng tập trung chủ yếu là cúc mâm xôi, cúc Đài Loan, vạn thọ, cát tường, thược dược…

Về giá hoa, nhiều nhà vườn cho biết, cúc mâm xôi có giá dao động từ 140.000-160.000 đồng/chậu. Riêng những dòng hoa mới sưu tập như cúc Hỏa Châu, hoa quả cầu lửa… có giá khoảng 300.000 đồng/chậu.

Tại TP. Hồ Chí Minh, sau đợt bùng phát dịch lần thứ 4, nhiều nhà vườn cho biết không dám trồng hoa kiểng nhiều vì sợ bán chậm. Ông Đào Ngọc Thắng - nông dân trồng hoa kiểng (P. Thới An, quận 12) - chia sẻ, năm nay các nhà vườn ở quận 12 trồng ít hơn năm ngoái từ 30-40% sản lượng.

Cũng như ông Thắng, bà Nguyễn Thị Dung - nông dân trồng hoa kiểng (xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi) - cho biết, nếu không có dịch gia đình bà dự kiến trồng khoảng 15 ngàn chậu bông các loại song do dịch kéo dài, việc chăm bón bị ảnh hưởng nên diện tích chỉ còn khoảng 10 ngàn chậu.

Các nhà vườn cũng thông tin, năm nay giá thành vật tư tăng 50% so với năm ngoái nên giá hoa kiểng có thể sẽ tăng để bù đắp chi phí đầu vào. “Chúng tôi dự kiến sẽ tăng giá khoảng 10-15% để bù đắp chi phí sản xuất. Mức tăng này tuy chưa thể bằng giá đầu vào vật tư song nông dân sẽ giảm bớt lợi nhuận để có giá cả phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay”- bà Nguyễn Thị Dung cho biết thêm.

Giống như các tỉnh Tây Nam bộ và TP. Hồ Chí Minh, tại Đà Lạt - một trong những địa phương cung cấp hoa chủ lực cho các tỉnh phía Nam cũng ghi nhận sản lượng hoa cho vụ Tết giảm mạnh. Theo Phòng Kinh tế TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên nhà vườn Đà Lạt xuống giống hoa vụ Tết Nhâm Dần 2022 chỉ khoảng 70% so với những năm trước, tương đương gần 800ha.

Là doanh nghiệp có diện tích trồng hoa lớn nhất TP. Đà Lạt, ông Nguyễn Thế Đông - Giám đốc hệ thống bán lẻ và thương mại điện tử Dalat Hasfarm thông tin, năm nay DaLat Hasfarm dự kiến sẽ cung cấp khoảng 10 triệu cành hoa cho thị trường Tết, trong đó có khoảng 7 triệu cành hoa cúc chùm và đơn các loại. Riêng về giá bán trung bình các mặt hàng hoa, ông Đông cho biết trong 3 tuần trước Tết giá cả sẽ tăng khoảng 10-15% so với ngày thường.

Tăng bán online để tiêu thụ hết hoa

Mặc dù vụ Tết năm nay người dân đã chủ động thu hẹp sản xuất, giảm sản lượng, song để hoa kiểng làm ra không chịu cảnh đổ bỏ và để thích ứng với xu hướng mua sắm, nhiều hộ kinh doanh cho biết vào dịp cận Tết một mặt tiêu thụ qua thương lái, mặt khác họ sẽ hợp tác với các dịch vụ bán online để đa dạng đầu ra.

Thị trường hoa kiểng Tết phía Nam: Giá tăng, lượng giảm - Ảnh 1

Thị trường hoa kiểng Tết phía Nam: Giá tăng, lượng giảm - Ảnh 2

Thị trường hoa kiểng Tết phía Nam: Giá tăng, lượng giảm
Những cành hoa rực rỡ đã sẵn sàng đưa ra thị trường

Với Dalat Hasfarm, ông Nguyễn Thế Đông chia sẻ, người tiêu dùng ngoài mua sắm trực tiếp tại các điểm bán có thể mua trực tiếp từ website của công ty, hoặc app trên điện thoại, hoặc gọi/nhắn tin trên zalo, facebook…

Ngoài ra, năm qua Dalat Hasfarm còn phát triển thêm kênh Grap, Now. Đây là kênh bán hàng tiện lợi cho người tiêu dùng, đặc biệt thuận lợi đối với những loại hoa chậu cồng kềnh, cũng như để giảm thiểu việc người tiêu dùng phải xếp hàng chờ đợi đến lượt mua trong thời điểm dịch bệnh.