Lo dịch bùng phát, người dân sắm Tết sớm
Sức mua tại nhiều hệ thống siêu thị, bán lẻ... đã bắt đầu tăng nhờ các chương trình khuyến mãi được tung ra sớm. Các mặt hàng được mua nhiều hiện nay là bánh kẹo, giỏ quà, măng khô, miến… Dù vậy, các chuyên gia nhận định, sức mua năm nay sẽ giảm hơn so với năm ngoái.
Theo nhận định của các Sở Công Thương địa phương và doanh nghiệp, do ảnh hưởng của dịch bệnh thời gian vừa qua nên cuối năm người tiêu dùng sẽ có xu hướng mua sắm cho Tết truyền thống sớm hơn thường lệ, bắt đầu từ tháng 12. Các nhóm hàng mua sắm tập trung vào quần áo, mỹ phẩm, sản phẩm cho trẻ em; các loại thực phẩm khô… vì nỗi lo dịch bệnh trở lại, lo ngại thiếu hụt hàng hóa hay giao hàng gián đoạn. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô hay hoa trái sẽ được mua vào khoảng thời gian cận Tết hơn.
Sức mua tăng nhờ khuyến mãi
Ghi nhận ngày 22/12 tại siêu thị VinMart Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội), lượng khách hàng đã đông đảo hơn các tuần trước đó. Ngoài lựa chọn các sản phẩm tiêu dùng cơ bản, nhiều người bắt đầu mua sắm Tết với các mặt hàng như măng, miến, mộc nhĩ, nấm…
Dạo mua hàng tại đây, chị Phan Thị Ngọc (đường Linh Đường) cho biết, không chỉ nguồn hàng phong phú, mà nhiều mặt hàng thiết yếu như bánh kẹo, nước mắm, dầu ăn, miến... đang được khuyến mãi từ 5-20%, đặc biệt một số sản phẩm nông sản được khuyến mãi lên đến 50%.
"Hiện nay số ca dương tính với COVID-19 ở Hà Nội tăng mạnh mỗi ngày, nhiều Quận bắt đầu “siết” lại các hoạt động bán hàng. Trong khi đó, hàng hóa và giá cả đang tốt, chưa kể cuối năm đông đúc, khó khăn đi lại nếu dịch bệnh bùng phát nên tôi tranh thủ sắm Tết trước", chị Ngọc tính toán.
Tại siêu thị BigC trên đường Nguyễn Xiển (Hà Nội), hàng hóa phong phú và đa dạng ngập tràn trên các kệ, đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân. Không chỉ vậy, siêu thị tung nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhằm kích cầu tiêu dùng, vì vậy lượng khách đến siêu thị cũng tăng nhanh.
Theo đại diện các siêu thị, do bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp, việc tổ chức bán hàng Tết cũng được tính toán linh hoạt, chủ động để đảm bảo an toàn. Nói với VnBusiness, bà Tạ Thị Minh Hợp, Giám đốc cung ứng hệ thống bán lẻ VinMart/VinMart+, cho biết với mong muốn người dân mua sắm Tết dàn trải, hạn chế tập trung đông vào giáp Tết, năm nay đơn vị tung mạnh chương trình khuyến mãi. Nguồn hàng đa dạng ngay từ cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2021 nên người dân có thể chủ động mua sắm hơn. “Hiện nhiều sản phẩm đã được tăng cường lên quầy kệ, sức mua đã khởi sắc và dự báo sẽ tăng mạnh từ cuối tháng 12”, bà Hợp nhận định.
Lượng hàng hóa hệ thống VinMart/VinMart+ chuẩn bị cho giai đoạn Tết tăng 40 - 50% so với lượng bán bình quân, tập trung vào các nhóm hàng tươi sống, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu.
Cũng nhờ các khuyến mãi được tung ra sớm và rải đều nên sức mua tại siêu thị Emart đã tăng nhanh từ tháng 11. Cùng với đó, siêu thị này cũng đã tăng nguồn hàng bán và dự trữ Tết khoảng 40%, trong đó tập trung nhiều hàng thời trang, đồ gia dụng, hàng chế biến.
"Sức mua đang tăng tốt lên và khả năng sẽ tăng mạnh kể từ đầu tháng 12 nhờ nhiều chương trình giảm giá sâu được đơn vị áp dụng", đại diện đơn vị này nhận định.
Ổn định giá mặt hàng thiết yếu để giữ sức mua
Mặc dù sức mua đã bắt đầu tăng, song theo dự báo của các chuyên gia, nhu cầu sắm Tết của người dân dịp Tết Nhâm Dần sẽ giảm nhẹ so với cùng kỳ Tết 2021. Bà Tạ Thị Minh Hợp dự báo, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều người bị giảm thu nhập, tỉ lệ thất nghiệp cao dẫn đến khách hàng thắt chặt chi tiêu. Người tiêu dùng sẽ có xu hướng tập trung chủ yếu vào các mặt hàng cơ bản như: Hàng tươi sống, thực phẩm thiết yếu và một số mặt hàng có tính thời vụ như bánh kẹo, bia, nước giải khát, rượu,… phục vụ cho việc đón Tết. Vì vậy, sức mua sẽ giảm nhẹ trong dịp Tết cổ truyền so với cùng kỳ.
Nhận định sức mua giảm, người dân có xu hướng sắm Tết sớm và tập trung mua các mặt hàng cơ bản nên nhiều siêu thị, doanh nghiệp cũng "chạy trước" kế hoạch Tết so với mọi năm. Nhờ đó các mặt hàng tươi sống, thực phẩm thiết yếu và một số mặt hàng có tính thời vụ như bánh kẹo, bia, nước giải khát, rượu... phục vụ cho việc đón Tết cũng đã thương lượng được với đối tác mức giá tốt và ổn định trong suốt dịp Tết.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Khối vận hành hoạt động Co.opmart cho biết: Kế hoạch phục vụ Tết đã được triển khai từ sớm. Từ giữa năm, Saigon Co.op đã có kế hoạch phối hợp với các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị kế hoạch tăng cường lượng hàng thiết yếu lên 2-3 lần. Trong đó, phần lớn ngân sách ưu tiên đầu tư cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản,... còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết. Đồng thời, Saigon Co.op cũng tăng cường tần suất kiểm soát chất lượng hàng hóa trong giai đoạn kinh doanh cao điểm này, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm thời vụ Tết.
Trước nỗi lo tăng giá dịp Tết và dịch có thể trở lại gây khó cho cung ứng hàng, theo đại diện Vinmart/Vinmart+, nhờ đã làm việc với các nhà cung ứng lớn ngay từ thời điểm tháng 9, tháng 10 và chốt sản lượng cho tất cả các mặt hàng chủ lực dịp Tết Nguyên đán nên nguồn cung sẽ không thiếu, giá bán sẽ ổn định.