Thử nghiệm lâm sàng vắc xin-154 phòng COVID-19 của VinBioCare thuộc Vingroup

PV.

Sáng 29/9, gần 340 người tình nguyện tham gia tiêm thử nghiệm vắc xin ARCT -154 đã hoàn thành tiêm mũi 1 tại huyện Yên Phong, Bắc Ninh. Theo đó, việc thử nghiệm sẽ được thực hiện trước mắt trên 1.000 người và sau đó là tổng cộng 20.000 người tại Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Long và Đồng Tháp.

Tình nguyện viên ở Bắc Ninh tiêm thử nghiệm lâm sàng vaccine ARCT-154. Ảnh: VIC
Tình nguyện viên ở Bắc Ninh tiêm thử nghiệm lâm sàng vaccine ARCT-154. Ảnh: VIC

Trước đó, từ ngày 20-23/9, nhóm nghiên cứu bắt đầu tiến hành thu tuyển tình nguyện viên, sau đó tổ chức khám sàng lọc. Qua khám sàng lọc hơn 500 tình nguyện viên tuổi từ 18-65, nhóm nghiên cứu đã thu tuyển được 338 người. Ngày 27-29/9 tiêm mũi 1 vắc xin ARCT- 154 cho 338 tình nguyện viên, riêng trong ngày 29/9 sẽ tiêm xong mũi 1 cho 82 người còn lại.

PGS.,TS. Phạm Thị Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Dược lý Lâm sàng, nghiên cứu viên của nhóm nghiên cứu trường Đại học Y Hà Nội cho biết: Báo cáo giữa kỳ giai đoạn 1 về tính an toàn của vắc xin ARCT-154 đã được Hội đồng Đạo đức Y sinh học Bộ Y tế nghiệm thu ngày 20/9. Các kết quả bước đầu cho thấy vắc xin ARCT-154 của VinBioCare an toàn trên người tình nguyện khoẻ mạnh.

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), đây là nghiên cứu có tính khoa học và đảm bảo các điều kiện để triển khai giai đoạn tiếp theo. Hội đồng đánh giá giai đoạn 1 trước hết vắc xin này là an toàn.

Giai đoạn 2 và 3 triển khai tại nhiều tỉnh thành Bắc Ninh, Hưng Yên và Vĩnh Long, Tiền Giang, Đồng Tháp với tổng số hơn 20.000 người tình nguyện. Sau khi có kết quả của giai đoạn 3, Bộ Y tế sẽ có những kết quả cuối cùng về hiệu lực bảo vệ của vacine này.

Cũng theo TS. Nguyễn Ngô Quang, vắc xin ARCT- 154 theo công nghệ mRNA được phát triển trên cơ sở vắc xin ARCT- 021 (đã có các kết quả nghiên cứu giai đoạn 1, 2 và 3 ở Mỹ và Singapore) chính vì thế Hội đồng đạo đức đã cho phép để đảm bảo tiến độ và thời gian và đặc biệt có được vắc xin theo công nghệ trên nhằm phục vụ cho công cuộc phòng chống dịch ở Việt Nam, nghiên cứu này được triển khai gối đầu giai đoạn 2 và 3a.

Trường Đại học Y Hà Nội và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đang tiến hành triển khai giai đoạn 2 và 3a. Hiện việc tiêm mũi 1 hiện đã hoàn thành tại Bắc Ninh và Vĩnh Long.

Ở phía Nam, trong khoảng thời gian này, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ tiến hành tiêm thử nghiệm mũi 2 cho tình nguyện viên.

Về kết quả lâm sàng của giai đoạn 1, vào ngày 22/9, Công ty Arcturus Therapeutics thông báo rằng trong giai đoạn 1 của thử nghiệm lâm sàng ARCT-154, tất cả 100 tình nguyện viên đã hoàn thành hai mũi tiêm, mỗi mũi tiêm cách nhau 28 ngày.

Theo đó, khả năng dung nạp của ARCT-154 trong nghiên cứu Giai đoạn 1 là thuận lợi. Các nghiên cứu Giai đoạn 2 và Giai đoạn 3a sẽ đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vắc xin.

"Chúng tôi rất vui mừng cùng với đối tác VinBiocare đã nhanh chóng hoàn thành việc tuyển tình nguyện viên và định lượng cho nghiên cứu ARCT-154 giai đoạn 1. Đồng thời, nhận được sự chấp thuận để tiến hành giai đoạn 2/3a. Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp ARCT-154 nhanh nhất có thể cho Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia khác", Joseph Payne, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Arcturus cho hay.

Arcturus Therapeutics cho biết thêm, việc nộp hồ sơ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Việt Nam  dự kiến sớm nhất là khoảng 12/2021.

vắc xin ARCT-154 được công ty Arcturus Therapeutics (Hoa Kỳ) phát triển theo công nghệ mRNA tương tự vắc xin Pfizer và Moderna. Theo thoả thuận, Arcturus sẽ cấp giấy phép độc quyền và Công ty CP Công nghệ Sinh học VinBioCare (công ty thành viên của Vingroup), tiến hành sản xuất vắc xin phòng COVID-19 có tên VBC-COV19-154 (dựa trên sáng chế vắc xin ARCT-154 của Arcturus).

Việc thử nghiệm 3 giai đoạn vắc xin này tại Việt Nam được bắt đầu từ 15/8. Theo đó,việc triển khai thử nghiệm vắc xin ARCT-154 ở miền Bắc sẽ do trường Đại Học Y Hà Nội đảm nhiệm, và Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh sẽ phụ trách khu vực miền Nam.