Các hãng xe quốc tế "đua" sản xuất pin ô tô điện với quy mô lớn

Theo Kim Ngân/nhadautu.vn/CNBC, Nikkei, South China Morning Post

Các hãng ô tô lớn nhất toàn cầu đang chuẩn bị ra mắt những dự án pin xe điện quy mô lớn để đảm bảo nguồn cung ứng, đáp ứng xu hướng sử dụng xe “xanh” ngày càng mạnh mẽ trên thế giới.

Nhà máy sản xuất ô tô điện Leaf của Nissan ở Sunderland, Anh. Ảnh: Nissan
Nhà máy sản xuất ô tô điện Leaf của Nissan ở Sunderland, Anh. Ảnh: Nissan

Nissan (Nhật Bản) hôm thứ Năm công bố kế hoạch xây dựng một “nhà máy khổng lồ” (gigafactory) sản xuất pin cho xe điện trị giá 1 tỷ bảng Anh (1,38 tỷ USD) tại Sunderland, Anh - động thái sẽ thúc đẩy các kế hoạch phát triển xe điện ở nước này.

Tập đoàn này cho biết đang khởi động dự án Nissan EV36Zero cùng với Envision AESC, một công ty công nghệ pin, và Hội đồng thành phố Sunderland.

Dự kiến 1.650 việc làm mới sẽ được tạo ra ở thành phố miền đông bắc nước Anh, nơi Nissan có sản xuất 35 năm qua: 900 tại Nissan và 750 tại Envision AESC. 

Theo ông Ashwani Gupta, CEO của Nissan, dự án nằm trên lộ trình tiến tới trung hòa carbon của tập đoàn.

An ninh nguồn cung

Đầu tuần này, Renault (Pháp) cũng thông báo đã ký hai thỏa thuận hợp tác lớn về thiết kế và sản xuất pin xe điện với các công ty Trung Quốc và Pháp.

Renault sẽ hợp tác với Envision AESC - công ty Trung Quốc sắp xây dựng một nhà máy quy mô lớn ở Douai, miền bắc nước Pháp.

Nhà máy có công suất 9 GWh/năm vào 2024 và đặt mục tiêu tăng lên 24 GWh năm 2030.

Renault cho biết Envision AESC sẽ đầu tư 2 tỷ euro (2,38 tỷ USD) “để sản xuất công nghệ mới nhất, giá thành cạnh tranh, pin ít carbon và an toàn cho các mẫu xe điện”.

Renault cũng thông báo họ đã ký một biên bản ghi nhớ để mua hơn 20% cổ phần của công ty Pháp Verkor.

Các cổ đông khác trong doanh nghiệp này - có trụ sở tại Grenoble, Pháp - gồm Schneider Electric, Capgemini, EIT InnoEnergy và Groupe IDEC.

Trong một tuyên bố riêng về thỏa thuận, Verkor nói: “Nhà máy quy mô lớn đầu tiên của Verkor sẽ bắt đầu được xây dựng vào năm 2023. Công suất ban đầu là 16 GWh/năm, trong đó 10 GWh dành cho Renault. Đến 2030, công suất là 50 GWh, trong đó 20 GWh dành cho Renault”.

Công ty cho biết thêm họ cũng có kế hoạch xây dựng một cơ sở nghiên cứu và phát triển liên quan đến thiết kế “các mô đun và tế bào pin sáng tạo”.

Tháng 5, Ford (Mỹ) công bố kế hoạch thành lập liên doanh với SK Innovation (Hàn Quốc) để sản xuất pin xe điện tại Mỹ. Liên doanh BlueOvalSK sẽ bắt đầu sản xuất vào giữa thập kỷ này.

Thông báo được đưa ra trong bối cảnh doanh số bán xe điện tại Mỹ dự kiến sẽ tăng vọt và chính quyền Joe Biden đang thúc đẩy phát triển các công nghệ quan trọng cho xe điện như các tế bào pin.

“Khi ngành công nghiệp thay đổi, chúng tôi phải tìm nguồn cung cấp ngay bây giờ,” CEO của Ford Jim Farley nói với báo chí tại buổi giới thiệu mẫu xe bán tải chạy điện F-150 Lightning mới.

Tự cung tự cấp pin rất quan trọng đối với các hãng ô tô đang chuyển hướng sang xe điện, giúp họ tránh rủi ro thiếu nguồn cung ứng như tình trạng thiếu pin hiện nay.

Farley so sánh sản xuất pin với việc các hãng ô tô tự chế tạo động cơ và hệ thống truyền lực vào đầu những năm 1900.

Ford dự kiến sẽ sản xuất 140 GWh/năm ở Bắc Mỹ và 240 GWh trên toàn cầu vào năm 2030.

Đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Ford, General Motors, đang đi trước nhiều năm về kế hoạch sản xuất pin. GM mới đây công bố nhà máy Ultium thứ hai trị giá 2,3 tỷ USD tại Mỹ để sản xuất pin thông qua liên doanh với LG Chem.

Hai công ty đang xây dựng một nhà máy Ultium Cell ở Lordstown, Ohio, dự kiến hoàn thành vào năm 2022.

Cả hai nhà máy của GM tại Mỹ dự kiến đi vào hoạt động trước khi Ford bắt đầu sản xuất.

Tháng 3, Volkswagen (Đức) thông báo tập đoàn dự kiến thành lập các nhà máy pin quy mô lớn ở châu Âu vào cuối thập kỷ này.

“Cùng với các đối tác, chúng tôi muốn có tổng cộng sáu nhà máy pin hoạt động ở châu Âu vào năm 2030,” Thomas Schmall, CEO Volkswagen Group Components, nói. “Động thái này sẽ đảm bảo an ninh nguồn cung”.

Dự kiến khi hoàn thành và hoạt động, các nhà máy của Volkswagen sẽ có tổng công suất 240 GWh/năm.

Xe điện - xu hướng toàn cầu

Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh các chính phủ trên thế giới đang cố gắng tăng số lượng xe điện để giải quyết ô nhiễm không khí và loại bỏ động cơ đốt trong.

Anh đã công bố kế hoạch ngừng bán xe chạy bằng xăng và diesel mới từ năm 2030.

“Chiến lược xe điện thông minh và bền vững” của Ủy ban châu Âu kỳ vọng có ít nhất 30 triệu ô tô không phát thải trên đường vào năm 2030. EU hiện có dân số gần 448 triệu người.

Chính quyền Trung Quốc đặt mục tiêu vào năm 2025, 20% ô tô mới được bán là xe năng lượng mới.

Nhiều nhà sản xuất ô tô nước ngoài như Volkswagen tính đến việc cho ra mắt ô tô điện ở Trung Quốc trước tiên, nơi doanh số bán xe chạy bằng pin được thúc đẩy bởi trợ cấp của chính phủ và các chính sách ưu đãi khác.

Theo dự báo của lãnh đạo hai công ty ô tô điện lớn của nước này, BYD và Nio, ô tô chạy bằng năng lượng mới sẽ thống trị thị trường Trung Quốc vào năm 2030.

Xe năng lượng mới được định nghĩa là xe chạy bằng pin và xe lai (xăng-điện).

Số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho thấy khoảng 3 triệu ô tô điện mới được đăng ký năm 2020, con số kỷ lục và tăng 41% so với 2019.

Wood Mackenzie hôm thứ Hai cho biết xe điện sẽ trở thành “hình thức vận tải đường bộ thống trị vào năm 2050, chiếm 56% tổng doanh số bán xe trong năm đó”. Ngược lại, xe động cơ đốt trong sẽ chỉ chiếm 18% doanh số bán hàng.

Công ty tư vấn và nghiên cứu này dự báo sẽ có 875 triệu xe điện chở khách trên đường vào giữa thế kỷ này.

“Phát thải ròng bằng 0 là câu thần chú mới và vận tải đường bộ là một trong những trái ngọt dễ hái nhất”, Ram Chandrasekaran, người đứng đầu bộ phận vận tải đường bộ tại Wood Mackenzie, nói. 

“Ngày càng có nhiều quốc gia và nhà sản xuất ô tô cam kết thực hiện các mục tiêu trung hòa carbon và điều này đang làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt giao thông đường bộ toàn cầu”.

Thiếu chip toàn cầu, được dự báo sẽ kéo dài sang năm 2022, là lời nhắc nhở rằng ngành ô tô, giống như nhiều ngành khác, vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn.

Gupta, CEO của Nissan, thừa nhận thiếu chất bán dẫn là “thách thức, không chỉ đối với Nissan mà còn đối với tất cả các hãng ô tô”.

“Nhưng tôi muốn nói rằng, sau đại dịch, đây là điều bình thường mới, bởi vì chúng tôi lập kế hoạch chuỗi cung ứng của mình dựa trên các tình huống có thể dự đoán, và đây là một kịch bản không thể đoán được”.

Nissan đã bắt đầu phát triển hệ thống chuỗi cung ứng kỹ thuật số và cải thiện dự báo của mình để lập kế hoạch tốt hơn.

“Có một vấn đề hay mà chúng tôi phải giải quyết, đó là: Không phải làm thế nào để bán được xe mà là sản xuất xe như thế nào. Chúng tôi đang giải quyết vấn đề này và chúng tôi sẽ giải quyết được”, ông Gupta nói.